Đạo học xứ Nghệ: Làm sao biến lập ngôn, lập danh thành lập nghiệp?

Thứ tư - 03/04/2024 21:51 0


 Người xứ Nghệ được thừa nhận là ham học, học giỏi nhưng vùng đất “như tranh họa đồ” vẫn là vùng đất nghèo. Rất nhiều người Nghệ trăn trở, day dứt về điều này và đang tìm cách biến tiềm năng của con người và đất đai thành những giá trị vật chất hiện hữu.

Từ khi nào và vì sao xứ Nghệ được xem là đất học?

Ngày nay, người dân trong cả nước mặc nhiên xem xứ Nghệ là đất học; ai cũng thừa nhận điều này, nhất là người ngoại tỉnh. Song, không ít người vẫn muốn biết là từ khi nào và vì sao xứ Nghệ được xem là đất học?

Xứ Nghệ là vùng đất hùng vĩ với núi sông hiểm trở, có nhiều cảnh đẹp nên thơ nhưng xa kinh kỳ. Trong nhiều thế kỷ, xứ Nghệ là miền biên viễn, triều đình quan tâm nhiều tới việc đào tạo quan võ và dân binh chứ ít quan tâm đến chuyện học hành, thi cử của vùng đất này. Thời Ngô, Đinh, Tiền Lê... vùng đất này vẫn được gọi là Châu Hoan và Châu Diễn. Mãi đến năm 1030, Vua Lý Thái Tông mới đổi thành Nghệ An. Đây cũng là một cột mốc quan trọng trong việc hình thành nên những phẩm chất, những đặc điểm riêng của con người sống nơi này.

Có một sự việc có thể đã tác động đến chuyện học của vùng đất này là vào thế kỷ thứ X, Trạng nguyên Hồ Hưng Dật (nguyên tổ họ Hồ Việt Nam) đã đến vùng đất này lập nghiệp, xây dựng trang trại và dạy học. Địa bàn hoạt động ban đầu của Ngài là vùng đất giáp ranh giữa huyện Quỳnh Lưu và Yên Thành ngày nay. Thời Hồ Quý Ly trị vì đất nước, Vua cùng với con là Hồ Hán Thương đã tìm về nơi này xây đền thờ Hồ Dưng Dật. Tiếc rằng, ngôi đền này đã bị tháo dỡ hoàn toàn năm 1971. Hiện nay, con cháu họ Hồ đã xây dựng Đền thờ vua Hồ tại chỗ cũ ở xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Việc một trạng nguyên đến vùng đất xa kinh kỳ lập nghiệp chắc chắn có tác động tới việc học chữ và hướng tới chuyện thi cử. Tuy nhiên, thành quả của việc học hành đối với một vùng đất rộng lớn và hiểm trở không thể có trong một thời gian ngắn được; cần thời gian để chuyện học lan tỏa trong dân chúng và tạo nên khuynh hướng học hành. Nhưng chuyện gì đến đã phải đến: Bạch Liêu (người làng Nguyễn Xá, sau đổi là Thanh Đà, huyện Đông Thành, nay là xã Mã Thành, Yên Thành) đỗ Trạng nguyên dưới triều Trần, ông được xem là ông tổ khai khoa của đất Nghệ. Sau đó ở Nghệ An xuất hiện một vị khoa bảng nổi tiếng văn chương và chính sự là Hồ Tông Thốc (nguyên quán ở Kẻ Cuồi, tổng Quỳ Trạch, huyện Thổ Thành nay là xã Thọ Thành, Yên Thành). Kể từ đây, hầu như khoa thi nào người xứ Nghệ cũng đạt được những thành tích gây ấn tượng về số lượng những người đỗ đại khoa. Các nhà sử học đã chỉ ra rằng, chỉ tính riêng dưới triều Nguyễn (Triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam), tính từ khoa thi Hội đầu tiên được tổ chức vào 1822 đến khoa thi cuối cùng vào 1919, cả thảy có 39 khoa, có 558 người đỗ, trong đó Nghệ An có 91 người đỗ (chiếm hơn 14%); Nghệ An có 3 người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ, trong tổng số 11 vị Đệ nhất giáp Tiến sĩ Cập đệ của cả nước (chiếm gần 27,3%).

Khoa thi cuối cùng Hán học khép lại vào năm 1919 - nền giáo dục Hán học ở nước ta kết thúc sau hơn 8 thế kỷ (1075-1919). Đây là một chặng đường dài mà các sĩ tử Nghệ An làm rạng danh vùng đất với bằng bảng vàng khoa cử được lưu lại ở Văn miếu Quốc Tử Giám tại kinh thành Thăng Long và Văn Thánh miếu tại cố đô Huế. Điều này đã bước đầu nền móng cho người trong và ngoại tỉnh xem xứ Nghệ là đất học. Tuy nhiên, những sự việc diễn ra sau khi nền giáo dục Hán học được bãi bỏ càng củng cố thanh danh đất học của vùng đất xứ Nghệ. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, việc học ở đất Nghệ biến đổi cho phù hợp nhưng không bao giờ bị ngừng trệ.

Sau Cách mạng tháng 8/1945 và nhất là sau khi thống nhất đất nước, việc học ở Nghệ An được chăm chút nên ngày càng phát triển. Hiện Nghệ An có gần 1.700 cơ sở giáo dục đào - tạo với đủ các cấp học, bậc học, ngành học. Số lượng học sinh, sinh viên khoảng 1 triệu người và gần 60.000 vạn giáo viên, cán bộ, nhân viên.

Để xã hội hóa giáo dục, toàn tỉnh có gần 591.000 gia đình học tập, 6.241 dòng họ học tập, 4.586 cộng đồng học tập, 5.271 chi hội khuyến học, 6.860 ban khuyến học dòng họ, 480 hội khuyến học cấp xã với 669.272 hội viên. Hoạt động của những cơ sở này không hề dùng đến tiền ngân sách nhưng hiệu quả rất lớn lao.

Từ đất học, nghề học đến đạo học

Tuy nhiên, chuyện học của người xứ Nghệ không chỉ nhằm vào con đường khoa bảng, mà còn được thể hiện ở nỗ lực học để biết, học để làm của người ở vùng đất này. Nhiều người sau khi thi đỗ không ra làm quan; họ mở trường dạy học cho con em trong dòng họ, trong làng xã. Lại có một số người học nhiều, học giỏi nhưng không đi thi (nhất là sau khi nước ta bị Pháp đô hộ) mà chỉ làm nghề dạy học. Họ không chỉ dạy học ở làng quê của mình, mà tỏa đi khắp nơi để hành nghề. Từ đây, hình tượng ông đồ Nghệ đã được hình thành và ăn sâu vào tâm trí nhiều người.

Có một số làng quê (điển hình là Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu) xem học là một nghề. Con cái trong gia đình lớn lên được định hướng như sau: Con gái, ngoài nữ công gia chánh ra thì học nghề nông, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, hoặc làm hàng xáo (xay lúa, giã gạo), đan lát, thêu thùa. Con trai, ngoài nghề đồng, nghề biển, làm thợ mộc, thợ rèn... thì học cũng được xem là một nghề.

Nghề học đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng trong suốt cả cuộc đời. Hạt nhân chính của nghề học là tự học. Để tự học có kết quả, người học phải có lòng say mê, có khát vọng và tinh thần tự giác. Những tấm gương tự học và đạt được kết quả ấn tượng là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và nhiều người trong đội ngũ trí thức. Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nhận được lời mời cộng tác của một trường đại học bên Nhật. Ông đi tìm người dạy tiếng Nhật để học nhưng không tìm ra, ông phải tìm cách tự học để đủ trình độ sang Nhật trao đổi học thuật. Sau này Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn xây dựng thành lý thuyết tự học hoàn chỉnh và là người chỉ đạo thành lập Tạp chí Tự học. Theo ông, việc tự học có thể thực hiện mọi lúc, mọi nơi; chỉ cần có thời gian rỗi 5 phút là có thể tự học được rồi... thời gian đó đủ để thuộc một, hai từ mới của một ngoại ngữ nào đấy.

Người Nghệ việc học như lẽ sống, như hoạt động quan trọng bậc nhất của con người nên được đẩy lên thành đạo học. Đạo ở đây không phải là một tôn giáo mà là sự định hướng cho lối sống, tôn thờ mục đích cao cả, hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Vì vậy người Nghệ ưu tiên cho việc học rất rõ ràng. Năm 1975, sau khi báo điểm thi, biết con mình không đỗ đại, một gia đình ở Quỳnh Lưu đã nhóm họp gia đình và quyết định: Cả nhà sẽ xuống nhà ngang ở, còn nhà lớn sẽ bán để lấy tiền cho con ôn thi đại học. Đấy chỉ là một ví dụ nhỏ minh chứng cho quyết tâm học của người Nghệ.

Một điều cần phải thấy là phụ nữ xứ Nghệ đóng vai trò quan trọng trong chuyện việc học được xem là đạo học. Trước Cách mạng tháng 8 - 1945 phụ nữ thường không được đến trường học nhưng họ lặng lẽ chăm lo cho chồng con ăn học. Họ trân trọng việc học của chồng con tới mức không để bóng người đổ vào trang sách mà chồng con họ đang đọc; những tờ giấy có chữ của chồng con học không vứt đi mà bó lại dắt lên mái nhà.

Vì học chăm, học giỏi và làm được nhiều việc có ý nghĩa, nhiều người Nghệ đã trở nên nổi tiếng, được đất nước và xã hội ghi công. Những người giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng và Nhà nước đã được nhắc tới nhiều rồi, tôi chỉ nhắc tới được tôn vinh vì trí tuệ và bản lĩnh của họ. Đó là nhà cải cách Nguyễn Trường Tộ, nhà cách mạng Phan Bội Châu, nhà văn Sơn Tùng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, nhà giáo Văn Như Cương, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, doanh nhân - học giả Nguyễn Trần Bạt,... và rất nhiều người khác nữa. Họ hầu như không giữ chức vụ gì nhưng đóng góp của họ cho đất nước có ý nghĩa rất lớn.

Có thể thấy, trong những người tạo dựng được cơ nghiệp cho mình, có những người không học bài bản, không có bằng cấp chính quy. Tuy nhiên, cần phải khẳng định với nhau điều này: Muốn làm được thì phải biết; muốn biết thì phải học; còn học ở đâu, học như thế nào thì mỗi người căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của mình để thực hiện điều này.

Để học giỏi mà không nghèo, cần thay đổi một số quan niệm và cách nghĩ

Trong một thời gian dài, câu hỏi Tại sao người xứ Nghệ học giỏi mà vẫn nghèo? được đặt ra và láy đi, láy lại khiến nhiều người day dứt. Người ta còn cho rằng, có lẽ người xứ Nghệ chỉ biết làm chính trị, quân sự, làm khoa học, làm nghệ thuật chứ không biết làm kinh tế. Tuy nhiên, sau khi những đại gia người Nghệ và gốc gác xứ Nghệ như Phạm Nhật Vượng, Lê Thanh Thản, Thái Hương, Nguyễn Đăng Giáp, Nguyễn Trường Sơn, Đinh Văn Nhã, Đinh Văn Thuận,... xuất hiện thì quan điểm cho rằng người Nghệ không biết làm kinh tế đã không tồn tại nữa. Vấn đề là người Nghệ có chịu làm kinh tế hay không mà thôi. Và rõ ràng, để không nghèo thì phải làm kinh tế, phải tham gia vào guồng máy sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ.

Chúng ta đang sống trong thời hội nhập, để lập nghiệp thành công, người Nghệ cần thay đổi cách nghĩ, thay đổi một số quan niệm; thậm chí phải xem xét lại một số điều đã được đúc kết trong ca dao, tục ngữ. Ví dụ câu Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại liệu có còn phù hợp nữa không? Nếu chúng ta cứ ứng xử theo câu tục ngữ này thì rõ ràng chúng ta không thể lớn lên được, không thể có lối sống minh bạch  được. Đã đến lúc chúng ta cần bản lĩnh, cần sự dũng cảm để chỉ ra những cái xấu và loại bỏ chúng.

Lập nghiệp hay nói nôm na dễ hiểu là tìm một công việc để làm; công việc đó mang lại nguồn thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình và có thể tích lũy. Tất nhiên, với đa số những người học bài bản thì đó là làm viên chức, công chức, quan chức trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Điều này không cần phải bàn nhiều, tôi chỉ lưu ý là số lượng của những việc này luôn luôn có giới hạn; hơn thế nữa, những vị trí công tác này dù sang trọng, lịch lãm nhưng ẩn chứa hiểm họa vì những vị trí đó tạo điều kiện để tham nhũng. Thời gian qua, không ít quan chức lớn đã vướng vòng lao lý vì tham nhũng.

Để có cơ hội đưa những điều đã học được vào cuộc sống, biến kiến thức của bản thân thành của cải vật chất, người Nghệ cần phải:

-  Luôn luôn giữ tự trọng nhưng đừng để sĩ diện lấn át khiến chúng ta mất cơ hội thể hiện khả năng của mình; nghĩa là dù có bằng cử nhân, thậm có bằng tiến sĩ nhưng vẫn sẵn sàng làm bảo vệ, làm tạp vụ để duy trì cuộc sống và chờ cơ hội của mình.

-  Phải nhận thức được rằng, không có nghề sang, nghề hèn nếu những nghề đó mang lại lợi ích cho xã hội, phục vụ cuộc sống của con người. Một người sinh ra trong một gia đình danh giá nhưng vẫn có thể bắt đầu sự nghiệp ở một công ty vệ sinh.

-  Nên nghĩ tới việc tự tạo ra việc làm cho mình chứ không nên chỉ vác hồ sơ đi xin việc. Điều này đã được giới trẻ xứ Nghệ hiện nay thực hiện.

- Táo bạo, mạo hiểm, tìm ra cách làm mới, hình thức mới trong sản xuất kinh doanh, cung cấp dịch vụ. Một ví dụ điển hình cho việc này là vào năm 1991, ông Lê Duy Nguyên (vốn là một giáo viên công tại thành phố Vinh) đã bỏ việc để về quê Quỳnh Lưu trồng rừng. Sau hàng chục năm nỗ lực, ông đã tạo nên cả ngàn hecta rừng cho quê nhà.

Đã có những biểu hiện đáng khích lệ

Người Nghệ ở Thủ đô Hà Nội đã thành lập Hội Doanh nhân Tiêu biểu Hồng Lam bao gồm hàng trăm chủ doanh nghiệp có tên tuổi. Điều này phần nào nói việc người Nghệ đã làm kinh tế và làm khá tốt. Phần lớn họ là những người nổi tiếng, không cần phải nói nhiều về họ nữa.

Trong những năm gần đây, tôi dành tâm trí và thời gian để theo dõi cách vào đời của lớp trẻ người Nghệ. Tôi đã nhận thấy những biểu hiện rất đáng khích lệ. Đó là khá nhiều người trẻ tuổi không đánh giá con người căn cứ vào vị trí, chức vụ của họ. Với họ, điều quan trọng là con người đó làm được những việc gì chứ không phải giữ chức vụ gì. Vì vậy họ không bị bất ngờ hay thất vọng khi những quan chức như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Đức Chung, một số tướng lĩnh trong ngành công an ra trước vành móng ngựa và vào tù (Trước đấy bằng những kênh thông tin trong dư luận xã hội, trên mạng xã hội, họ biết những người này không có tài và cũng chẳng có đức). Đây là cách nhìn nhận cuộc sống một cách tỉnh táo, đúng mực; làm cơ sở cho họ lựa chọn công việc, cách sống phù hợp với khả năng của mình để cống hiến.

Cách đây gần 20 năm, tôi rất bất ngờ khi thấy một thanh niên bỏ công việc, bỏ biên chế ở Hà Nội để trở về quê Nghệ An lập nghiệp. Anh là bác sĩ nên lập một phòng khám riêng đối diện với bệnh viện huyện để hành nghề. Anh là chuyên gia có tiếng trong việc siêu âm, đọc phim, chuẩn đoán bệnh nên công việc rất thuận lợi. Dù bận rộn nhưng bù lại, thu nhập của anh trung bình mỗi tháng khoảng 50 triệu đồng.

Cách đây 6 năm, gần như cùng một lúc, tôi chứng kiến ba cô gái người Nghệ (hai cô cháu của tôi và con một người bạn) đều bỏ cơ quan nhà nước để thành lập công ty riêng. Một cô bỏ Cục Cảnh sát biển sau 6 năm làm việc ở đó để thành lập công ty kinh doanh văn phòng phẩm và đá quý. Một cô bỏ Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, thành lập công ty Cổ Nguyệt để dịch sách và kinh doanh sách. Cô thứ ba bỏ Bộ Ngoại giao để đầu quân cho Sun Group. Điều đáng nói là sau khi làm như vậy, cuộc sống của các cô vui vẻ, tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

Mấy năm gần đây, tôi làm quen và thường giao lưu với mấy nhóm doanh nhân trẻ người Nghệ. Họ chưa phải là đại gia nhưng có của ăn, của để nhờ công việc kinh doanh của mình (họ chưa muốn lộ diện trên báo chí nên tôi không nêu tên cụ thể nhưng nói lĩnh vực họ kinh doanh). Người sáng lập và làm chủ một trung tâm dạy tiếng Anh có tới 1.200 nhân viên (800 giáo viên, 400 nhân viên làm tổ chức và bảo vệ), người có công ty thiết kế tàu sông biển, người chế biến xuất khẩu gỗ, người sản xuất thiết bị điện công nghiệp, người sản xuất và lắp đặt thang máy, người sản xuất đồ nội thất... Tôi đặc biệt có ấn tượng với ông chủ hãng thang máy (quê Nghĩa Đàn, vợ quê Nam Đàn) vì sự khôn ngoan và chịu chơi. Anh ta nói: Em chọn phân khúc làm thang máy cho nhà từ 12 tầng trở xuống vì không thể cạnh tranh với các hãng lớn trong việc cung cấp thang máy cho chung cơ cao cấp. Tôi không biết anh ta kiếm được bao nhiêu tiền mỗi năm nhưng căn cứ vào việc anh ta thuê giám đốc điều hành và trả lương 150 triệu đồng/tháng thì đủ biết là anh ta không nghèo.

Để thế hệ trẻ người Nghệ tiến xa hơn, gặt hái được nhiều thành tựu hơn trong việc sản xuất kinh doanh của mình, tôi nghĩ rằng cần học hỏi cách nghĩ, cách làm và mô hình của Tập đoàn FPT. Vào năm 1988, hơn chục người học hành bài bản, có bằng tiến sĩ (hầu hết đều tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov) nhưng vẫn nghèo túng ngồi lại với nhau. Họ thống nhất phải dùng trí tuệ của mình để thoát nghèo. Với vốn liếng ban đầu là 6 cây vàng vay được, sau 34 năm hoạt động, họ đã tạo nên một tập đoàn kinh doanh tổng hợp với vốn hóa khoảng 100.000 tỷ đồng, doanh thu hàng năm khoảng 25.000 tỷ đồng. Đây thực sự là một doanh nghiệp làm giàu chủ yếu bằng chất xám, phù hợp với lớp trẻ có học người Nghệ.

Để thành công trong lập nghiệp có nhiều con đường nhưng con đường nào cũng phải dựa vào việc học tập. Việc này vốn không xa lạ với người Nghệ nên hi vọng trong tương lai, kinh tế của Nghệ An có bước phát triển vượt bậc.

 

Nguồn tin: khxhnvnghean.gov.vn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây