Thực trạng về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu Nghệ An

Thứ bảy - 29/01/2022 21:53 0
  1. Về tăng trưởng kinh tế
Bước vào thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu nhiệm vụ như trên, bên cạnh những hạn chế, yếu kém đang tồn tại thì không ít khó khăn thách thức mới lại phát sinh thêm. Tình hình thiên tai, dịch bệnh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề hơn dự báo ban đầu. Tình hình căng thẳng ở Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của nước ta và khu vực. Khủng hoảng kinh tế ở nhiều nước, trong đó có những nước là đối tác của nước ta. Những khó khăn, thách thức này càng làm trầm trọng thêm những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế nước ta, gây ảnh hưởng lớn đến việc triển khai và kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2010-2020.
Tính chung, trong 10 năm 2010-2020, bình quân mỗi năm tổng sản phẩm tăng 7,22%, đưa quy mô nền kinh tế tỉnh nhà năm 2020 đạt 149.164 tỷ đồng, gấp 3,4 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng dân số nên GRDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành đã tăng từ 760 USD/người năm 2010 lên 932 USD/người năm 2011; 1.036 USD/người năm 2012; 1.134 USD/người năm 2013; 1.249 USD/người năm 2014; 1.295 USD/ người năm 2015, 1.382 USD/người năm 2016; 1.475 USD/người năm 2017; 1.616 USD/người năm 2018; 1.747 USD/người năm 2019; 1.800 USD/người năm 2020, như vậy năm 2020 tăng 2,37 lần so với năm 2010.
2, Về cơ cấu và chuyển dịch kinh tế
Cơ cấu kinh tế trong giai đoạn 2010-2020, các khu vực kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2010, tỷ trọng các khu vực trong GRDP tương ứng như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,42%; công nghiệp và xây dựng chiếm 22,70%; dịch vụ chiếm 45,95%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,93%. Cơ cấu này đã có sự dịch chuyển theo xu hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng và tỷ trọng ngành dịch vụ. Ước tính năm 2020 tỷ trọng của các khu vực này lần lượt là: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 22,34%; công nghiệp và xây dựng chiếm 29,03%; dịch vụ chiếm 43,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,89%. Như vậy, trong 10 năm 2010-2020 tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 5,08 điểm phần trăm; công nghiệp - xây dựng tăng 6,33 điểm phần trăm; dịch vụ giảm 2,21 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,97 điểm phần trăm.
3. Về ngân sách Nhà nước
Trong những năm vừa qua, tỉnh Nghệ An nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của Trung ương, bên cạnh đó tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, từ đó tạo nguồn thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong giai đoạn 2010-2019 tuy nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của tỉnh nhà nên thu ngân sách Nhà nước đã đạt được kết quả đáng khích lệ, số thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010 đạt 5.068 tỷ đồng thì năm 2019 đạt 16.610 tỷ đồng, bình quân tăng 14,1%/năm.
Thu ngân sách Nhà nước so với GRDP bình quân năm của giai đoạn 2010-2019 chiếm 10,86%. Như vậy, thu ngân sách Nhà nước tăng lên qua các năm, cùng với đó tỷ lệ thu ngân sách so với GRDP giai đoạn 2010-2019 có nhiều biến động, cụ thể như sau: năm 2010 chiếm 11,57%, năm 2011 chiếm 11,65%, năm 2012 chiếm 8,64%, năm 2013 chiếm 8,84%, năm 2014 chiếm 9,32%, năm 2015 chiếm 9,81%, năm 2016 chiếm 11,32%, năm 2017 chiếm 11,76%, năm 2018 chiếm 11,64%, năm 2019 chiếm 12,36%.
Chi ngân sách Nhà nước so với GRDP bình quân mỗi năm của thời kỳ 2010-2020 chiếm 22,06%. Cụ thể, như sau: năm 2010 chiếm 24,80%, năm 2011 chiếm 23,93%, năm 2012 chiếm 27,83%, năm 2013 chiếm 23,96%, năm 2014 chiếm 22,82%, năm 2015 chiếm 22,80%, năm 2016 chiếm 22,87%, năm 2018 chiếm 21,22%, năm 2019 chiếm 19,97%, năm 2020 chiếm 18,18%.
4. Về giá cả thị trường
Trong những năm qua tình hình giá cả thị trường được kiềm chế và kiểm soát, đã thúc đẩy nền kinh tế tỉnh nhà từng bước được cải thiện và tương đối ổn định, tỷ lệ lạm phát liên tục giảm, tình hình cụ thể như sau: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 so với cùng kỳ năm trước đã giảm từ 2 con số năm 2010 là 11,90% xuống mức 1 con số 4,59% vào năm 2019, bình quân giảm 1%/ năm.
5. Về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp
Giá trị sản xuất theo giá so sánh giai đoạn 2010-2020 bình quân mỗi năm tăng 4,62%/năm. Đây là tốc độ tăng tương đối cao, chủ yếu do sản xuất nông nghiệp giữ mức phát triển ổn định và có sự tăng trưởng tương đối nhanh của ngành lâm nghiệp và thủy sản. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân tăng 3,95%/năm; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng bình quân mỗi năm 5,24% và giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân mỗi năm tăng 8,52%.

Giá trị sản xuất theo giá hiện hành ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2010 đạt 22.853 tỷ đồng, đến năm 2020 ước đạt 60.552 tỷ đồng và tăng gấp 2,65 lần so với năm 2010. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch..., trong đó nông nghiệp chiếm 77,22%, lâm nghiệp chiếm 6,71%, thủy sản chiếm 16,07%
Cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng của ngành lâm nghiệp và ngành thủy sản, giảm tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của ngành lâm nghiệp từ 8,3% năm 2010 lên 8,99% năm 2020; tỷ trọng của ngành thủy sản vào 2 năm tương ứng là 11,24% và 15,32%. Trong khi đó, tỷ trọng của ngành nông nghiệp giảm từ 80,46% năm 2010 xuống còn 75,69% năm 2020.
6. Về sản xuất công nghiệp
Trong giai đoạn 2010-2020, ngành công nghiệp đã góp phần tích cực vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Trong giai đoạn này ngành công nghiệp luôn có mức tăng trưởng cao gấp đôi tốc độ tăng GRDP hàng năm, bình quân mỗi năm ngành công nghiệp tăng 14,83%, trong khi đó tốc độ tăng GRDP bình quân mỗi năm tăng 7,22%/năm. Tỷ trọng của ngành công nghiệp trong GRDP ngày càng tăng lên, năm 2010 chiếm 8,85% và tăng lên 16,82% vào năm 2020.
Lĩnh vực công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, tập trung chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn. Năm 2011, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 27,89% đến năm 2020 ước đạt 12,57%, bình quân giai đoạn mỗi năm tăng 16,77%/năm.
Năm 2010, toàn ngành công nghiệp có 38.727 cơ sở, đến năm 2019 đã có 40.454 cơ sở, tăng 4,5%, tương ứng tăng 1.727 cơ sở. Do tác động của chính sách về quản lý tài nguyên môi trường, nên các cơ sở sản xuất trong ngành khai khoáng có dấu hiệu giảm dần từ 5.036 cơ sở năm 2014, xuống 4.610 cơ sở năm 2017 và xuống 4.446 cơ sở năm 2019.
Số lượng cơ sở sản xuất tăng lên và nhiều cơ sở đầu tư mở rộng quy mô chính vì vậy trong giai đoạn 10 năm 2010-2019, lao động toàn ngành công nghiệp và quy mô lao động trên một cơ sở tăng. Năm 2010, có 117,9 nghìn lao động, nhưng ước tính năm 2019 có 142,8 nghìn lao động tăng 21,1%, tương ứng 24,9 nghìn lao động. Lực lượng lao động tăng chủ yếu ở loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
7. Về đầu tư và xây dựng
Tổng số vốn đầu tư phát triển trên địa bàn giai đoạn 2010-2019 theo giá hiện hành đạt 417.904 tỷ đồng, bằng 47,99% GRDP của tỉnh, trong đó: Năm 2010 đạt 23.038 tỷ đồng, bằng 52,58% GRDP; năm 2011 đạt 27.680 tỷ đồng, bằng 47,53% GRDP; năm 2012 đạt 29.370 tỷ đồng, bằng 44,69% GRDP GRDP; năm 2013 đạt 31.614 tỷ đồng, bằng 43,29% GRDP; năm 2014 đạt 33.036 tỷ đồng, bằng 40,13% GRDP; năm 2015 đạt 38.032 tỷ đồng, bằng 42,89% GRDP; năm 2016 đạt 48.221 tỷ đồng,bằng 49,68% GRDP; năm 2017 đạt 54.463 tỷ đồng, bằng 50,71% GRDP; năm 2018 đạt 62.327 tỷ đồng, bằng 51,82% GRDP và năm 2019 đạt 70.123 tỷ đồng, bằng 52,19% GRDP.
Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm tốc độ tăng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 13,17%, xấp xỉ tương đương với mức tăng trưởng GRDP theo giá hiện hành là 13,03%. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Xu hướng trong cơ cấu vốn đầu tư trên địa bàn trong giai đoạn 2010-2019 là ngày càng giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư ở khu vực Nhà nước, từ 36,7% ở năm 2010 xuống còn 21,22% ở năm 2019, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ở khu vực ngoài Nhà nước từ 62,98% ở năm 2010 lên 77,35% ở năm 2019, đồng thời khu vực đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng tăng từ 0,75% ở năm 2010 lên 1,43% ở năm 2019.
Trong giai đoạn này, tổng số vốn đầu tư phát triển trên địa bàn theo giá hiện hành của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 28.764 tỷ đồng, chiếm 6,88% trong tổng số, tăng 7,26%/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng 111.419 tỷ đồng, chiếm 26,66%, tăng 11,37%/năm; khu vực dịch vụ 277.721 tỷ đồng, chiếm 66,46%, tăng 14,64%/năm.
Trong hoạt động xây dựng: Diện tích sàn xây dựng nhà ở hoàn thành trong giai đoạn 2010- 2019 tăng bình quân 3,15% mỗi năm, trong đó: Năm 2011 giảm 1,81% năm 2012 tăng 5,55%, năm 2013 tăng 7,14%, năm 2014 tăng 1,47%,  năm 2015 giảm 16,47%, năm 2016 tăng 1,42%; năm 2017 tăng 31,73%; năm 2018 giảm 2,68%; ước tính năm 2019 tăng 8,04%. Từ năm 2010-2014, số lượng nhà chung cư được xây dựng còn hạn chế và cũng chỉ giới hạn ở các tòa chung cư thấp tầng. Bắt đầu từ năm 2015 trở đi, nhà chung cư tăng mạnh với diện tích sàn tăng trưởng xấp xỉ 150,3% bình quân mỗi năm, kèm theo đó là sự xuất hiện của hàng loạt các tòa chung cư cao tầng.
Xu hướng xây dựng nhà chung cư thấp tầng (dưới 9 tầng) ở giai đoạn trước đã dần được thay thế bằng xu hướng xây dựng nhà chung cư cao tầng (9 tầng trở lên) ở giai đoạn 2015-2019. Diện tích sàn xây dựng nhà ở riêng lẻ hoàn thành trong giai đoạn này tăng bình quân mỗi năm 8,5% với quy mô 153 nghìn m2 sàn xây dựng hoàn thành mỗi năm. Nhà riêng lẻ dưới 4 tầng của hộ dân cư chiếm 99,8% tổng diện tích sàn.
8. Về thương mại, dịch vụ
Hoạt động thương mại giai đoạn 2010 - 2019 diễn ra rất sôi động, hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng phong phú, đa dạng, công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả được tăng cường góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại, kích thích sức mua của người tiêu dùng. Mạng lưới bán hàng tập trung phát triển các loại hình hạ tầng thương mại bán buôn, bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại với hình thức bán hàng hiện đại, tiện ích, giá cả hàng hóa ổn định, chất lượng đảm bảo thu hút nhiều tầng lớp người tiêu dùng. Hiện có 405 chợ đang hoạt động (01 chợ đầu mối nông sản; 07 chợ hạng I; 18 chợ hạng II và 244 chợ hạng III); 75 siêu thị, gồm 37 siêu thị chuyên doanh và 38 siêu thị tổng hợp; 13 trung tâm thương mại hoạt động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá hiện hành tăng từ 17.036 tỷ đồng năm 2010 lên đạt 63.620 tỷ đồng năm 2019 và tăng 3,73 lần so với năm 2010. Tính chung giai đoạn 2010 - 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa theo giá hiện hành đạt 386.571 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 15,77%.
9. Về xã hội và môi trường
- Dân số, lao động và việc làm:
Năm 2019, ước tính lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 1,93 triệu người, tỷ lệ tăng bình quân giai đoạn 2010-2019 là 1,07%/ năm. Trong đó, giới tính nam tăng 1,15%/năm, nữ tăng 0,98%/năm và khu vực thành thị tỷ lệ này tăng 1,42%/năm, khu vực nông thôn tăng 1,02%/năm. Tỷ lệ tăng lao động 15 tuổi đang làm việc bình quân giai đoạn 2010-2019 mỗi năm tăng 1,16%/năm.
Giai đoạn 2015 - 2019, Nghệ An đã tạo việc làm cho trên 3,8 vạn lượt người/năm. Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp được triển khai tích cực. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp như: Bắc Vinh, Nam Cấm, Đông Hồi, Hoàng Mai... Nghệ An đã thu hút khoảng hơn 2 vạn lao động làm việc trong các doanh nghiệp, nhà thầu. Bình quân mỗi năm có từ 12.000-13.000 người đi xuất khẩu lao động, trong đó có khoảng gần 4 nghìn lao động là sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề. Toàn tỉnh hiện có hơn 5,5 vạn lao động đang làm việc ở nước ngoài, mỗi năm người lao động gửi về nước khoảng 250 triệu USD, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện tượng sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc dù tìm được việc làm nhưng lại làm những công việc tạm thời, không đúng chuyên ngành đào tạo còn khá phổ biến.

Có thể thấy, việc nghiên cứu đánh giá thực trạng vấn đề việc làm và giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An là rất cần thiết, từ đó nghiên cứu, định hướng ngành học sao cho phù hợp với sinh viên, để khi ra trường có ngay việc làm đồng thời phát huy được năng lực và sở trường của sinh viên. Như vậy, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trẻ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
-Mức sống dân cư: Trong những năm qua, mức sống của dân cư tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ tăng thu nhập bình quân năm giai đoạn 2010-2019 tăng 13,14%/năm (tương ứng 919,6 nghìn đồng/người/tháng và 2.793,9 nghìn đồng/người/tháng). Tỷ lệ hộ nghèo tính theo chuẩn nghèo của Chính phủ giai đoạn 2011- 2015 đã có xu hướng giảm mạnh, năm 2010 với 24,80% thì từ năm 2011 đến năm 2014 với tỷ lệ hộ nghèo giảm tương ứng 25,50%; 19,40%; 17,40%, 14,40% và năm 2015 là 12,30%.
Tóm lại: Trong 10 năm qua nền kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An còn gặp nhiều khó khăn như kinh tế phát triển chậm hơn kế hoạch đề ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, sức cạnh tranh của hàng hóa thấp, dịch bệnh xảy ra trên cây trồng, vật nuôi. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt và kịp thời của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà tiếp tục ổn định và đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ:  tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm đạt 7,22%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân năm 12,33%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân năm 15,77%, thu ngân sách tăng 14,1%. Văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, quốc phòng an ninh được giữ vững.
Mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị như sau: Xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở đến năm 2020 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp; là trung tâm về tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, công nghiệp công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao... Cụ thể, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) bình quân thời kỳ 2011-2020 đạt 11-12%. GRDP bình quân đầu người cuối năm 2020 đạt khoảng 2.800- 3.500 USD./.
Xuân Anh
(Trích dề tài: Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển dịch vụ Logistics ở Nghệ An trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập846
  • Hôm nay28,829
  • Tháng hiện tại206,701
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây