Dầu cám gạo: Sản phẩm được ưa chuộng nhờ lợi ích sức khỏe

Thứ năm - 18/07/2024 23:19 0
Dầu cám gạo đang trở thành một trong những thực phẩm được ưa chuộng nhờ chứa nhiều axit béo thiết yếu và hoạt chất chống oxy hóa. Đặc biệt, gama-oryzanol, một chất chỉ có trong dầu gạo, có tác dụng chống oxy hóa và làm giảm lipid máu, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Các giống lúa japonica thường có tỷ lệ khối lượng phôi/hạt và độ dày vỏ lụa lớn hơn các giống lúa indica, do đó hàm lượng dầu trong cám gạo japonica thường cao hơn. Để nâng cao tỷ lệ cám và hàm lượng dầu, các nhà khoa học đã chọn tạo ra các giống lúa có kích thước phôi lớn hoặc vỏ lụa dày. Bằng phương pháp gây đột biến, các nhà khoa học Nhật Bản đã phát triển một số dòng giống lúa có kích thước phôi vượt trội, lớn gấp 2-3 lần so với giống lúa thông thường.
Hiện nay, một số giống lúa mới có kích thước phôi lớn hoặc vỏ lụa dày đã được đưa vào canh tác để phục vụ cho sản xuất dầu và thực phẩm chức năng tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhật Bản cũng là nước đứng đầu về nghiên cứu và phát triển dầu gạo và các sản phẩm từ cám gạo, với chất lượng dầu gạo hiện nay được đánh giá tốt nhất thế giới.
Nhằm đáp ứng nhu cầu và tiềm năng sản xuất dầu cám gạo tại Việt Nam, GS. TS. Phạm Văn Cường và nhóm nghiên cứu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với các nhà khoa học Nhật Bản thực hiện đề tài “Chọn tạo giống lúa japonica phù hợp với chế biến dầu cám gạo tại Việt Nam” từ năm 2019 đến năm 2021. Nghiên cứu này nhằm tuyển chọn các dòng lúa japonica triển vọng, phục vụ chế biến dầu cám gạo, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất lúa gạo ở Việt Nam.

Sau hai năm thực hiện, đề tài đã thu được các kết quả cụ thể như sau: Xác định một số QTL liên quan đến tính trạng vỏ lụa dày và phôi to ở lúa. Chọn tạo được 9 dòng lúa ưu tú có tiềm năng năng suất khá và hàm lượng dầu cám cao, trong đó có 3 dòng có vỏ lụa dày (Ja03, Ja04, Ja12), 3 dòng có phôi to (Ja16, Ja17, J23), và 3 dòng vừa có vỏ lụa dày vừa có phôi to (Ja25, Ja35, Ja36).
Chọn tạo thành công dòng lúa triển vọng Ja35 (DCG93) phục vụ chế biến dầu cám gạo và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Năng suất trung bình đạt 6,9 tấn/ha trong vụ xuân và 5,7 tấn/ha trong vụ mùa. Hàm lượng dầu trong cám đạt 24,5%.Quy trình canh tác chi tiết từ giai đoạn phá ngủ hạt giống đến thời điểm thu hoạch và bảo quản thóc. Hoàn thiện quy trình chế biến với nhiệt độ diệt enzyme lipase là 85°C, nồng độ hỗn hợp enzyme là 1,2%, pH dịch thủy phân là 7, nhiệt độ thủy phân là 50°C, tỷ lệ nguyên liệu/dung môi là 1/5 (m/V), và nhiệt độ trích ly là 60°C. Thử nghiệm thành công quy trình tách chiết dầu cám gạo với hiệu suất thu hồi dầu cao (88,9%) và sản xuất được 5 lít dầu thô đạt tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12107:2017. Xây dựng mô hình trồng giống lúa DCG93 tại Nam Định và Lào Cai, với quy mô mỗi mô hình 1 ha, năng suất 5,9 tấn/ha, tỷ lệ cám/gạo xay đạt 15,4%, hàm lượng dầu trong cám đạt 24,4%.
Việc hợp tác với các nhà khoa học Nhật Bản trong nghiên cứu và phát triển các giống lúa japonica có năng suất cao, kích thước phôi lớn, và vỏ lụa dày, thích nghi với điều kiện Việt Nam, vừa phục vụ chế biến dầu vừa sử dụng gạo làm lương thực là rất cần thiết./.
Hải Hà (TH)

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập405
  • Hôm nay47,248
  • Tháng hiện tại1,041,396
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây