Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét

Thứ bảy - 13/01/2024 22:56 0
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tương Dương và Đề án “Phát triển vùng nguyên liệu tre mét trên địa bàn huyện Tương Dương giai đoạn 2021- 2025” theo Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày 21/4/2021 của UBND huyện. Hội Nông dân huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện, đã tham gia quản lý, điều hành Dự án  “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ phát triển cây mét theo chuỗi giá trị để giảm áp lực lên đa dạng sinh học và chức năng hệ sinh thái rừng tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An” tại 12 bản và 5 xã.

Hội Nông dân huyện Tương Dương có hệ thống từ huyện xuống xã, thôn, bản và gắn kết chặt chẽ với hơn 10 ngàn hội viên. Xác định công tác tuyên truyền vận động hội viên, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KH&CN), trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét, gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi là nhiệm vụ quan trọng, giúp cho hội viên, nông dân có thêm kiến thức về KH&CN áp dụng vào trồng, chăn sóc, phục tráng, sáng chế và tiêu thụ các loại sản phẩm từ cây mét cho nông dân, giúp cho nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững từ cây mét trên địa bàn huyện.
           Xác định một tài nguyên rừng rất quan trọng của huyện Tương Dương gắn liền với sinh kế của người dân là cây mét. Toàn huyện hiện có 1.634 ha rừng mét trồng và hàng ngàn hộ gia đình đã tham gia trồng mét. Về giá trị kinh tế từ cây mét trên địa bàn huyện, qua khảo sát xây dựng Đề án phát triển cây mét trên địa bàn huyện thì thu nhập từ cây mét cao hơn phát triển cây keo từ 2-5 lần.

Ngoài ưu việt về lợi ích kinh tế, việc phát triển cây mét mang lại nhiều lợi ích xã hội và môi trường. Trồng mét đầu tư xây dựng cơ bản 1 lần, nếu phát triển tốt thì duy trì được 30-40 năm mới phải trồng lại và đều khai thác chọn, tỉa hàng năm. rừng mét có tán lá dày, bộ rễ khỏe nên bảo vệ đất, bảo vệ nước, phòng chống xói mòn rất tốt. Chế biến cây mét thành nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ và công nghiệp chế biến thu hút nhiều lao động, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và tăng thu ngân sách cho địa phương.
           Trên địa bàn huyện có Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Tương Dương làm nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng, có nhiều kinh nghiệm về ươm tạo cây giống mét. Bên cạnh một số doanh nghiệp, hộ gia đình chế biến lâm sản nhỏ lẻ, trên địa bàn huyện đã hình thành Công ty TNHH Khôi Trúc chuyên chế biến các mặt hàng tư cây tre Mét với công suất nhu cầu 60.000 tấn/năm.
           Trong nhiều năm qua, việc bảo vệ và phát triển rừng, phát triển sinh kế từ nghề rừng tại huyện Tương Dương mặc dầu đã có rất nhiều cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn, kinh tế rừng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt việc phát triển sinh kế từ cây mét vẫn còn nhiều khó khăn: Phần lớn diện tích rừng trồng hiện có được trồng từ nhiều năm trước đây do các Dự án Lâm nghiệp tài trợ. Hàng năm việc trồng mới rất hạn chế. Người dân chưa tạo được giống mét để chủ động trong trồng rừng. Kỹ thuật tạo giống mét truyền thống bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đơn giản, dễ làm, hiệu quả nhưng đã bị mai một nhiều; Do chưa được phục tráng, chăm sóc, khai thác hợp lý nên chất lượng rừng trồng mét tại huyện Tương Dương ngày càng đi xuống, diện tích rừng mét bị thoái hóa, chất lượng rừng Mét ngày càng suy giảm. Về khai thác người dân khai thác không theo kỹ thuật, không chăm sóc phát dọn rừng mét sau khai thác dẫn tới những diện tích này trên địa bàn đang bị suy thoái, nếu không có biện pháp kịp thời thì việc phục hồi sẽ rất khó khăn. Về tiêu thụ cây mét sau khi khai thác và mua mét giống để trồng, các hộ nông dân, chủ rừng đang tự bươn chải trong cơ chế thị trường và chống chọi cùng tư thương.
Nguyên nhân trực tiếp của các hạn chế, tồn tại trên đây có nhiều nhưng sâu xa thì có 4 nguyên nhân chính: Kiến thức năng lực về kỹ thuật và quản lý về phát triển cây mét của cộng đồng đồng bào DTTS, cán bộ địa phương còn hạn chế, bất cập. Người dân đang khai thác mang tính tự nhiên, tận kiệt là chủ yếu, chưa có kiến thức, năng lực để chăm lo bảo tồn, phục tráng, làm giàu, thâm canh, khai thác, phát triển bền vững. Việc tổ chức sản xuất phát triển cây mét chưa thành lập các THT, nhóm cộng đồng để liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất, bảo vệ rừng, tiêu thụ sản phẩm; Các mô hình thành công phát triển mét của nhân dân địa phương ít được truyền thông, chậm được điều tra, khảo sát, tổng kết đánh giá để nhân rộng, phát triển ra quy mô lớn, có nhiều hộ tham gia, tạo nên khối lượng hàng hóa và hiệu ứng phát triển KTXH lớn, lan tỏa trong vùng.
           Việc huy động nguồn lực tài chính để nhân rộng các sáng kiến phát triển các mô hình sinh kế hiệu quả từ cây mét đang còn nhiều khó khăn, bất cập, chưa được xử lý: Phát triển các loại sinh kế trồng Mét thường yêu cầu suất đầu tư cao nhưng đồng bào DTTS đa số là hộ nghèo; Đồng bào DTTS còn mang nặng tâm lý, ý thức được trợ cấp miễn phí, tài trợ cho không từ các chương trình, dự án, ngân sách nhà nước; việc mạnh dạn vay vốn để tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh để có hiệu quả  còn hạn chế. Trong khi đó việc gắn kết cơ chế hỗ trợ đầu tư, vay vốn quay vòng từ các chương trình dự án để mở rộng đối tượng, địa bàn, thời gian hưởng lợi còn hạn chế, chưa được các chương trình, dự án quan tâm; Việc lồng ghép các nguồn lực để phát triển sinh kế từ các chương trình, dự án chưa được quan tâm.
Chưa tổng kết, ban hành được các quy định, quy trình kỹ thuật về phục trám Mét trên địa bàn rừng tự nhiên nghèo kiệt cần cải tạo, làm giàu rừng của huyện. Chưa chú trọng nâng cao giá trị kinh tế của mô hình theo chuỗi giá trị, liên kết cung cầu, xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị cho các loại sản phẩm này.
Dự án triển khai qua 2 giai đoạn: Nhân rộng thành công các mô hình sinh kế phát triển cây Mét theo chuỗi giá trị với 458 lượt hộ/333 hộ gia đình tham gia và hưởng lợi tại 2 xã vùng đệm ưu tiên Tam Quang, Tam Hợp đã và đang được triển khai, bao gồm: Bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý 500,87 ha rừng trồng Mét đã có trên địa bàn; Trồng rừng mét 44,12 ha trên đất rừng sản xuất chưa có rừng; Giai đoạn 2: Nhân rộng thành công 2 loại mô hình sinh kế phát triển sinh kế bền vững cây Mét sang các địa bàn 6 thôn bản tại các xã Tam Quang, Tam Thái, Tam Đình, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, Khu DTSQ Tây Nghệ An:  Bảo vệ, phục tráng, khai thác hợp lý rừng trồng Mét đã có trên địa bàn 6 thôn bản: Tam Hương xã Tam Quang, Đình Hương xã Tam Đình, Na Tổng, Tân Hợp xã Tam Thái, bản Chắn, bản Nhẫn thị trấn Thạch Giám với quy mô có 245 hộ tham gia, diện tích phục tráng 444ha.  Phát triển Quỹ vay vốn quay vòng nhân rộng các mô hình phát triển cây Mét tại 5 xã Thị trấn gồm Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái, thị trấn Thạch Giám và Tam Hợp.
           Qua 3 năm thực hiện Dự án Hội Nông dân đã phối hợp với các ban, ngành cấp huyện đã tổ chức 10 lớp tập huấn về bảo vệ, khoanh nuôi, phục tráng, khai thác bền vững rừng mét đã trồng, làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt bằng trồng mét bổ sung và trồng rừng có 578 hội viên, nông dân tham gia; Tập huấn về kỹ thuật làm phân bón hữu cơ 12 lớp, có hơn 600 hội viên, nông dân tham gia và sản xuất được hơn 80 tấn phân bón hữu cơ, bón cho các vườn mét bị nghèo kiệt. Thành lập 12 tổ hợp tác về phát triển kinh tế bền vững từ cây mét; Kết nối thị trường, xúc tiến hợp đồng bán cây mét cho các hộ gia đình, tổ hợp tác với Công ty Khôi Trúc và các doanh nghiệp thu mua, chế biến. Hỗ trợ tổ chức liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cây mét giữa THT, nhóm cộng đồng với doanh nghiệp. Hỗ trợ đưa một số sản phẩm chế biến từ cây mét dự thi OCOP tỉnh.
Qua 3 năm triển khai ứng dụng tiến bộ KH&CN trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét trên địa bàn huyện. Năm 2021 hội viên nông dân đã bán 6000 tấn nguyên liệu mét cho Công ty Khối Trúc, thu nhập hơn 6 tỷ đồng, đến năm 2023 hội viên nông dân đã bán hơn 9000 tấn nguyên liệu mét, thu nhập hơn 9 tỷ đồng. So sách sau 3 năm áp dụng KH&CN vào trồng và chăn sóc vườn mét người dân đã có thu nhập tăng hơn 3 tỷ đồng. Đây là kết quả đáng mừng cho các hộ tham gia mô hình phát từ cây mét của huyện Nhà.
Bên cnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền vận động hội viên nông dân Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét còn gặp những khó khăn như, một số hội viên, nông dân vẫn còn mơ hồ, sức tiếp cận KH&CN còn nhiều hạn chế; việc hướng dẫn, chuyển tải KH&CN cho nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu, đang dừng lại cở công tác tuyên truyền, vận động; Trình độ lý luận của cán bộ hội chưa thật sự đáp ứng yêu cầu, nhất là việc hướng dẫn các quy trình áp dụng KH&CN vào trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét của người cán bộ tuyên truyền còn hạn chế, bởi nhiều cán bộ Hội không có chuyên môn về lĩnh vực khoa học; Do một số vùng trồng mét, giao thông đi lại còn rất khó khăn, không thuận tiện cho việc chăm sóc, khai thác và vận chuyển nguyên liệu Mét của các hộ dân.
Để công tác tuyên truyền, vận động nông dân Ứng dụng tiến bộ KH&CN trong việc trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét thời gian tới được tốt hơn, Hội nông dân huyện tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Nâng cao năng lực công tác gắn với đổi mới phương thức công tác tuyên truyền bằng việc mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền miệng, nhất là tập huấn kiến thức về KH&CN cho cán bộ làm công tác Hội; Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, KH&CN mới vào trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét; từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vị trí và vai trò của KHCN, đặc biệt là công nghệ cao, trình độ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc trồng và phục tráng các vườn mét hiện có bị suy thoái. Bênh cạnh đó cần tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm làm ăn giỏi của các hộ sản xuất kinh doanh giỏi; phổ biến, hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành để hội viên không bị quá lạc hậu; Đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên về tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng KH&CN vào sản xuất, trong đó thực hiện đổi mới công tác tuyên truyền vận động nông dân ứng dụng KH&CN vào trồng và phát triển các sản phẩm từ cây mét trở thành một trong những nội dung sinh hoạt của các tổ chức đảng và của các tổ chức Hội, nhất là Hội Nông dân./.

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập636
  • Hôm nay46,746
  • Tháng hiện tại1,040,894
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây