Sử dụng các loại phân hữu cơ trong các mô hình canh tác nông nghiệp tạo ra sản phẩm sạch - an toàn trên địa bàn huyện Nghi Lộc

Thứ năm - 14/09/2023 22:14 0
Theo các chuyên gia, khi nông dân sử dụng phân bón hữu cơ thay thế cho phân bón vô cơ, phân bón hóa học trong trồng trọt và sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại 4 lợi ích: Thứ nhất là bảo đảm môi trường sống và nguồn nước “sạch” hơn; thứ hai là môi trường canh tác, cây trồng sẽ “khỏe hơn”, giảm phụ thuộc vào việc sử dụng thuốc trừ sâu, cũng như các loại thuốc bảo vệ thực vật khác; thứ ba là cho ra nông sản “sạch” và an toàn hơn, có giá trị hơn trên thị trường, tăng khả năng xuất khẩu; và cuối cùng là tận dụng được các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt để tái sử dụng được vào sản xuất phân bón hữu cơ, thúc đẩy sự phát triển, cũng như ứng dụng của phân bón hữu cơ trong nền nông nghiệp, bảo vệ môi trường.
Để hướng đến nền nông nghiệp “xanh, sạch, an toàn và bền vững”, việc sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố then chốt. Những năm gần đây, người làm nông nghiệp của tỉnh Nghệ An đã bắt đầu ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng nhiều hơn. Sử dụng loại phân bón này đã giúp người dân tạo ra sản phẩm “sạch”, không gây ô nhiễm môi trường vàhạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học.
Trong sản xuất nông nghiệp, phân bón hoá học được sử dụng nhiều, lạm dụng hoặc sử dụng phân bón hóa học, thuốc nông dược trong thời gian dài dẫn đến đất đai bị thoái hóa, khiến nguồn dinh dưỡng trong đất bị suy giảm dẫn tới năng suất của cây trồng kém, chất lượng nông sản cũng không đảm bảo. Chính vì thế, việc sử dụng các loại phân hữu cơ là điều rất cần thiết và đang là xu hướng phát triển trong các mô hình canh tác nông nghiệp tạo ra sản phẩm sạch - an toàn trên địa bàn huyện Nghi Lộc.

Với diện tích đất nông nghiệp lớn với 13.336 ha với gần 40% hộ dân sống và thu nhập bằng nghề nông. Ngành nông nghiệp huyện Nghi Lộc có tính đa dạng về cây trồng, vật nuôi, các mặt hàng nông lâm thủy sản rất phong phú, sản lượng lớn, hàng năm trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp đã thải ra hàng chục tấn phế phẩm động thực vật các loại có thể chế biến thành phân hữu cơ rất tốt, như: rơm rạ, xác bã cành lá, vỏ quả, thân cỏ dại,  phân gia súc, gia cầm, rác thải sinh hoạt gia đình, thức ăn dư thừa… Những nguồn chất thải này là tiềm năng rất lớn cho việc sản xuất phân bón hữu cơ nếu biết tận dụng khai thác hợp lý. Việc sản xuất phân bón hưu cơ mang về nhiều lợi ích cho nông dân và còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở nông thôn, đặc biệt trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đã chú trọng việc sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp cho những hộ dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và xây dựng vườn chuẩn Nông thôn mới.
Theo cán bộ chuyên môn của Trung tâm ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An, ủ phân có 2 cách cơ bản nhất đó là: Ủ trực tiếp ngoài vườn, ruộng với rác là lá cây, cỏ và các loại rác hữu cơ ngoài vườn, ruộng, phân gia súc, gia cầm. Có thể đắp đống, hoặc đào hố để tập trung rác, phân chuồng. Sau đó, rải hoặc pha nước tưới chế phẩm vi sinh lên rác theo từng lớp, đảm bảo độ ẩm đống ủ 70 - 80%, với định mức chế phẩm Padco gói 125 gram xử lý được 300 - 500 kg rác. Sau khi xử lý vi sinh thì phải tủ bạt giữ ẩm để vi sinh vật hoạt động. Ủ được 7 - 10 ngày thì đảo đều từ trong ra ngoài, trên xuống dưới và ủ tiếp 10 - 15 ngày là hoàn thành, có thể lấy phân đưa vào sử dụng (rút ngắn thời gian so với các chế phẩm khác). Mặt khác, các hộ dân cũng có thể ủ phân trong thùng nhựa chuyên dụng hoặc bể xi măng có mái che. Để vận dụng lý thuyết đã tập huấn, Hội Nông dân huyện phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây bể ủ phân, 7 quạt máy thông khí và chế phẩm sinh học cho 7 hộ hội viên nông dân 2 xã Nghi Diên, Nghi Kiều, trị giá 50 triệu đồng.
 Theo hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh, các cơ sở Hội trên địa bàn đã nhân rộng mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp với quy mô lớn phục vụ cho các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Mô hình cam, bưởi, vườn chuẩn tại Nghi Diên, mô hình trông rau củ quả sạch theo hướng VietGap tại Nghi Long, Nghi Thuận, Nghi Trung, mô hình trồng nho, dưa lưới tại Nghi Hưng... Đến nay toàn huyện đã có 166 bể sản xuất phân hữu cơ với quy mô từ 1,5 tấn trở lên.

 

Thời gian tới, để triển khai thực hiện mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Nghi Lộc tích cực mở các lớp tập huấn, hỗ trợ xây dựng mô hình, các chế phẩm sinh học cho hội viên nông dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền khuyến khích người dân hạn chế và dần thay thế phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật sang phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc thảo dược được quy định; quan tâm đào tạo, nâng cao hiểu biết, trình độ kiến thức, chuyên môn về nông nghiệp công nghệ cao cho người nông dân. Từ đó, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, các nông sản có năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nguồn sản phẩm an toàn; nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân nông thôn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tiến tới hình thành thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Trong thời gian tới, huyện chủ trương tăng nhanh tỷ lệ sử dụng phân bón hữu cơ một cách hợp lý trong sản xuất nông nghiệp, để vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản; đồng thời, phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dùng phân bón vô cơ, phân bón hóa học./.
Thanh Bình

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1323
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại2,793,351
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây