Kỳ Sơn triển khai mô hình trồng thử nghiệm cây dổi lấy hạt tại các xã khu vực biên giới

Chủ nhật - 16/07/2023 22:19 0
Nhận thấy tiềm năng của cây dổi phù hợp với khí hậu của địa phương,  tháng 3/2023, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Kỳ Sơn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Đoọc Mạy, Keng Đu trồng thí điểm mô hình “Ứng dụng tiến bộ KHKT trồng thử nghiệm cây dổi lấy hạt trên địa bàn huyện Kỳ Sơn năm 2023”, quy mô thực hiện 5 ha, với 07 hộ dân tham gia.
Cây dổi hay còn gọi là giổi được phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi Tây Bắc và khu vực Tây Nguyên nước ta. Loài cây này mang lại lợi ích kép cho người trồng khi vừa thu gỗ, vừa thu hạt. Cả gỗ và hạt dổi đều mang lại giá trị kinh tế cao. Cây dổi rất dễ trồng lại tốn ít công chăm sóc. Qua tìm hiểu mô hình trồng dổi lấy hạt của một số người dân ở các tỉnh phía Bắc cho hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với UBND xã Đoọc Mạy, Keng Đu triển khai mô hình tại bản Huồi Viêng.

Mô hình được triển khai tại bản Huồi Viêng, xã Đọoc Mạy, bản Huồi Phuôn 1, xã Keng Đu. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, quản lí và phòng trừ sâu bệnh cho cây dổi. Được hỗ trợ 400kg phân bón NPK và hơn 2.200 cây giống.
Mô hình trồng thử nghiệm cây dổi lấy hạt tại các xã khu vực biên giới đã ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong đó, cây giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, thực bì được phát dọn, làm đất, đào hố được thực hiện trước khi trồng 1 tháng. Mật độ trồng 1000 cây/ha, cây cách cây 3-5m, hàng cách hàng 3,3m, bón phân NPK với lượng 0,2kg/cây ...
Qua triển khai thực tế quá trình phát triển cho thấy khí hậu, thổ nhưỡng ở 2 xã phù hợp để phát triển, nhân rộng diện tích loại cây trồng này. Hiện tại, tỷ lệ sống của cây Dổi đạt 90%, cây phát triển nhanh và sinh trưởng khỏe, sạch sâu bệnh. Cây Dổi ghép trồng đến năm thứ 3 đã cho quả bói (dổi thực sinh phải mất từ 7-8 năm) và năm thứ 4 bắt đầu cho thu hoạch hạt. Năng suất dự kiến sau thu hoạch đạt 2,5 tấn/ha.

Ngoài giá trị thu được từ hạt, gỗ cây dổi cũng có giá trị kinh tế. Với kết quả bước đầu đạt được, mô hình “Ứng dụng tiến bộ KHKT trồng thử nghiệm cây dổi lấy hạt trên địa bàn huyện Kỳ Sơn năm 2023” sẽ là cơ sở để địa phương nhanh chóng đưa loại cây đầy tiềm năng này vào phát triển sản xuất rộng rãi. Ngoài tiềm năng về kinh tế, phát triển cây dổi còn góp phần nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn, hứa hẹn mở thêm hướng thoát nghèo, làm giàu cho người dân vùng cao Kỳ Sơn.
Nguyễn Văn Hùng
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1413
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại2,793,351
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây