Hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đưa ngành nông nghiệp của Quỳnh Liên phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ bảy - 12/08/2023 05:32 0
Quỳnh Liên là một xã nằm ở khu vực bãi ngang được thiên nhiên ưu đãi là vùng đất cát, cát pha là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là trồng các loại rau màu. Đây là địa phương sản xuất rau màu tập trung lớn nhất trên địa bàn Thị xã Hoàng Mai. Để các sản phẩm rau màu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng chính quyền địa phương, Hội nông dân cùng bà con nông dân nơi đây đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), VIETGAP nâng cao giá trị sản phẩm, đạt hiệu quả kinh tế cao. 
Với mong muốn triển khai thực hiện hiệu quả mô hình và giúp hội viên nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất rau an toàn. Hội Nông dân xã đã phối hợp tổ chức tập huấn về khoa học, kỹ thuật, quy trình sản xuất rau theo hướng VietGap. Tổ chức thành lập Tổ hội sản xuất rau an toàn với 8 thành viên tham gia đồng thời là thành viên của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Liên. Sau khi thành lập, Hội đã tổ chức cho các thành viên đi tham quan học hỏi mô hình ở sản xuất rau sạch ở huyện Quỳnh Lưu, tham gia tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap. Hiện nay các thành viên trong tổ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu vừa cho năng suất, thu nhập cao vừa cải tạo đất, bảo vệ môi trường. Trong đó, tập trung vào các sản xuất các loại rau màu chủ lực như su su, cải ngọt, cà rốt, dưa hấu, dưa lê, mướp đắng, mướp Lào… mỗi năm thu nhập bình quân 255 triệu đồng/ha.
 Nhằm hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sạch, an toàn trong thời gian qua, Hội Nông dân xã Quỳnh Liên đã tập trung tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức, sản xuất rau màu theo hướng VietGap, đảm bảo an toàn cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Nhằm nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn và trở thành một phong trào thi đua rộng rãi trong toàn xã, Hội đã phối hợp với các các ban ngành, Trường Trung cấp nghề, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các Hợp tác nông nghiệp tổ chức trao đổi kinh nghiệm, mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về sản xuất rau an toàn cho hội viên. Thường xuyên tuyên truyền vận động thông qua các buổi sinh hoạt hội và trực tiếp “cầm tay chỉ việc” đối với từng mô hình cụ thể. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát hội viên, nông dân tham gia sản xuất an toàn được thực hiện nghiêm túc thông qua các đợt kiểm tra công tác Hội. Riêng năm 2023, Hội Nông dân xã đã tiến hành kiểm tra 5 cuộc, giám sát nắm bắt tình hình thực hiện các phong trào ở chi hội, trong đó có nội dung sản xuất an toàn. Từ đó, ý thức của hội viên, nông dân trong sản xuất an toàn ngày càng nâng cao.

Hành là loại rau cho thu nhập cao ở Quỳnh Liên
Để hỗ trợ cho sản xuất an toàn, hạn chế lượng phế phẩm nông dân thải ra môi trường, các cấp Hội Nông dân đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Qua phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học & công nghệ Tỉnh Nghệ An đã tổ chức được 2 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật, phương pháp thực hiện mô hình cho 100 hội viên tham gia. Thông qua tập huấn, đã nâng cao kiến thức, kỹ năng về quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hiểu biết về vai trò, tác dụng của phân bón hữu cơ vi sinh đối với sản xuất nông nghiệp.
Trong quá trình tham gia mô hình các hội viên đã được tham quan hướng dẫn trực tiếp về quy trình xây dựng hố ủ, cách pha chế ủ phân hữu cơ vi sinh tại hộ gia đình hội viên Hồ Văn Đông (thôn Thành Công). Mô hình có sự tham gia của 7 gia đình hội viên, các hội viên đều có diện tích sản xuất rau màu từ 2.500m2 đến 8000m2, do vậy tận dụng lượng phụ phẩm từ sản xuất rau màu, phế phẩm từ chăn nuôi gà, lợn, hươu, bò để tiến hành ủ phân bón hữu cơ vi sinh.
 

Từ mô hình này cho thấy  bà con nông dân vừa tận dụng được lượng phế, phụ phẩm nông nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường hàng ngày, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Tác dụng của phân bón hữu cơ còn làm tăng năng suất, hạn chế sâu bệnh hại cho cây trồng, tăng độ tơi xốp, màu mỡ cho đất giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên tham gia mô hình và nhân rộng trong toàn xã.
Sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững là xu hướng tất yếu hiện nay, tuy nhiên việc xây dựng lộ trình cần đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của địa phương, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã, kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và lĩnh vực có liên quan, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Thực tiễn này, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn thể hội viên Nông dân trên địa bàn xã, từ đó, đưa ngành nông nghiệp của Quỳnh Liên bước vào giai đoạn phát triển bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để giúp cho bà con nông dân đảm bảo nguồn cung ứng về vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giống phân bón phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm, trên địa bàn xã Quỳnh Liên đã thành lập 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bao tiêu sản phẩm và các đại lý tiêu thụ rau củ quả cho người dân. Bên cạnh đó được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền các cấp, các ngành đoàn thể tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và bà con nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, nhất là triển khai rộng rãi quy trình sản xuất rau sạch theo mô hình VietGap vào sản xuất để cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Trong đó Hội Nông dân đã phối hợp với Hội phụ nữ, trạm khuyến nông, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Quỳnh Liên xây dựng thương hiệu, dán nhãn hiệu các loại rau sạch như su su, rau cải bó xôi, mướp đắng và bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Thời gian tới, xã Quỳnh Liên sẽ tiếp tục chú trọng mở rộng diện tích các loại rau màu có thế mạnh của địa phương như cà rốt, su su và một số loại rau màu khác vào sản xuất nhằm từng bước đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá nâng cao giá trị sản phẩm giúp góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần sớm đưa xã Quỳnh Liên trở thành xã Nông thôn mới Nâng cao./.
Nguyễn Tuấn Anh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1407
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại2,793,351
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây