Các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng phương thức 5S vào hoạt động tại các công ty trong KCN trên địa bàn TP. HCM

Thứ tư - 08/03/2023 21:34 0

Quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ngày càng được chú trọng trong các hoạt động của doanh nghiệp, nhất là tại các đơn vị đóng trên địa bàn các khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh. Bài viết nêu lên các yếu tố tác động đến việc áp dụng phương thức quản lý chất lượng 5S tại các công ty hoạt động trong khu công nghiệp, từ đó, đề xuất giải pháp để tăng những yếu tố tác động tích cực và giảm các yếu tố tác động tiêu cực đến việc áp dụng phương thức này vào thực tế tình hình các khu công nghiệp ở Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Công tác quản lý chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh đang ngày càng trở nên cần thiết trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt  khi Việt Nam gia nhập các thị trường chung thì việc đưa những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có chất lượng ra các thị trường quốc tế là điều cần thiết. Điều này góp phần tạo ra thương hiệu uy tín cho các sản phẩm của Việt Nam, duy trì chuỗi sản xuất trong nước, tạo thị trường bền vững và lâu dài cho các doanh nghiệp, giảm thiểu các lãng phí trong hoạt động sản xuất. Để áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật vào sản phẩm một cách lâu dài và bền vững, ngay từ các bước, giai đoạn của quá trình hoạt động, các công ty cũng cần thực hiện các phương thức quản lý chất lượng, giúp người lao động quen dần với việc áp dụng quy chuẩn vào công việc. Một trong các công cụ đơn giản dễ làm, dễ thực hiện có thể thực hành lâu dài cho doanh nghiệp đó là công cụ 5S.

Kể từ khi các bộ luật liên quan đến việc áp dụng Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa vào quá trình hoạt động, sản xuất từ năm 2007 đến nay, hệ thống sản xuất, quản lý hàng hóa nói chung, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn các khu công nghiệp nói riêng, đều có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc thích ứng, chuyển đổi các quy định thành chính sách chất lượng, quy trình thực hiện công việc hàng ngày.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng ngày càng tăng lên trong đó chứng chỉ ISO 9001 được áp dụng nhiều nhất, chiếm 39% tổng số doanh nghiệp được hỏi. Đây là chứng nhận giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín thương hiệu, ổn định và kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, tạo thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước.

Khu vực TP. Hồ Chí Minh có rất nhiều khu công nghiệp với số lượng doanh nghiệp tham gia lớn, quy mô cao, số lượng nhân công nhiều,… Vì vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng để quản lý là điều cần thiết, khi áp dụng công cụ quản lý chất lượng hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động lâu dài và bền vững. Dù đã theo các công ty Nhật Bản vào thị trường Việt Nam từ những năm 1993, song chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được quá trình áp dụng 5S tại các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, chưa thấy rõ được những ưu điểm, lợi ích trong quá trình áp dụng do công cụ 5S đem lại.

Từ lý do trên, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá các yếu tố tác động đến đến việc áp dụng 5S tại các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Qua đó, phân tích những nguyên nhân chính tác động đến quá trình áp dụng 5S, đồng thời đề xuất một số giải pháp để tăng cường tác động của các yếu tố tích cực, giảm thiểu các yếu tố tiêu cực để giúp quá trình áp dụng phương thức 5S thực hiện một cách hiệu quả hơn.

2. Mô hình nghiên cứu

Từ khái niệm, cơ sở lý thuyết về 5S, các nghiên cứu trước đây về áp dụng công cụ 5S trong quản lý chất lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khung nghiên cứu lý thuyết được hình thành. Các yếu tố ảnh hưởng được kiểm chứng thông qua số liệu điều tra khảo sát các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Nhóm tác giả đã xây dựng mô hình khảo sát như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

 

Nguồn: Kết quả phân tích của nhóm tác giả

Các giả thiết nghiên cứu:

H1: Sự cam kết của lãnh đạo tác động cùng chiều đến việc áp dụng phương thức 5S.

H2: Tuyên truyền 5S trong doanh nghiệp tác động cùng chiều đến áp dụng phương thức 5S.

H3: Đào tạo 5S tác động cùng chiều đến áp dụng phương thức 5S.

H4: Hỗ trợ từ chuyên gia 5S tác động cùng chiều đến áp dụng phương thức 5S.

H5: Tài liệu hướng dẫn 5S tác động cùng chiều đến áp dụng phương thức 5S.

H6: Giám sát công tác thực hiện 5S tác động cùng chiều đến áp dụng phương thức 5S.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Tiến trình nghiên cứu

Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố tác động đến việc áp dụng công cụ 5S trong quản trị tại các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu trên, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng được tiến hành thông qua 2 giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Nhóm nghiên cứu thực hiện thiết kế bảng câu hỏi khảo sát thông qua phươg pháp thảo luận nhóm, phỏng vấn chuyên gia, nghiên cứu các tài liệu, báo cáo trước đây liên quan đến đề tài. Kết quả giai đoạn 1 là xác định mô hình nghiên cứu đề xuất và hoàn thiện bản phỏng vấn dựa các mô hình nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng.

Giai đoạn 2: Khảo sát bằng bảng câu hỏi nhằm thu thập và phân tích dữ liệu khảo sát. Tác giả gửi bảng khảo sát đến các doanh nghiệp đóng trên địa bàn các khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh. Sau đó sử dụng SPSS 26 để xử lý dữ liệu, nhằm đánh giá độ tin cậy thông qua phân tích Cronbach’s Alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA: kiểm định T-test, phân tích hồi quy.

3.2. Mẫu và đối tượng khảo sát

Mẫu nghiên cứu được thu thập dựa theo danh sách các doanh nghiệp đang hoạt động trong trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã công bố trên website các khu công nghiệp.

Công thức 1: Đối với phân tích nhân tố khám phá EFA: Dựa theo nghiên cứu của Hair, Anderson, Tatham và Black (1998) cho tham khảo về kích thước mẫu dự kiến. Theo đó kích thước mẫu tối thiểu là gấp 5 lần tổng số biến quan sát. Đây là cỡ mẫu phù hợp cho nghiên cứu có sử dụng phân tích nhân tố (Comrey, 1973; Roger, 2006). N = 5*m, trong đó m là số lượng câu hỏi trong bảng khảo sát. Vì thế theo công thức này kích thước mẫu là: 5*28 = 140 (mẫu).

Công thức 2: Đối với phân tích hồi quy đa biến: cỡ mẫu tối thiểu cần đạt được tính theo công thức là n = 50 + 8*m (m: số biến độc lập) (Tabachnick và Fidell, 1996). Trong đó, m là số lượng nhân tố độc lập. Bài nghiên cứu có 6 biến độc lập. Suy ra theo công thức này kích thước mẫu là: 50 + 8*6 = 98 (mẫu). Vì nghiên cứu vừa sử dụng phân tích nhân tố khám phá EFA và vừa sử dụng phân tích hồi quy đa biến nên kích thước mẫu cần lấy là kích thước mẫu lớn hơn 140 mẫu. Tuy nhiên, để đề phòng các mẫu bị lỗi sẽ sử dụng mẫu có kích thước là 150 mẫu.

4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

4.1. Thống kê mô tả

Qua kết quả khảo sát 150 doanh nghiệp đóng trên địa bàn các khu công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh và loại đi các mẫu không phù hợp, nhóm tác giả có kết quả từ 145 phiếu khảo sát hợp lệ. Ngành Dệt may có số lượng tham gia khảo sát nhiều nhất với 59 doanh nghiệp, chiếm 40.7%. Chức vụ của người phỏng vấn là tổ trưởng khối văn phòng có sự tham gia trả lời nhiều nhất với 53 người. Thời gian các doanh nghiệp áp dụng phương thức 5S vào hoạt động sản xuất từ 1-3 năm có tỷ lệ trả lời nhiều nhất là 40%.

4.2. Đánh giá độ tin cậy thang đo (Cronbach’s Alpha)

Sau khi thực hiện kiểm định lần thứ nhất độ tin cậy của thang đo bằng Cronbach’s Alpha, kết quả cho thấy: Loại biến quan sát TT4 ở thang đo “Sự tuyên truyền” do có hệ số tương quan biến là 0.256 < 0.3, không đạt yêu cầu. Sau khi loại biến quan sát TT4, tác giả tiến hành đánh giá lại Cronbach’s Alpha lần 2 với kết quả như Bảng 1.

Bảng 1. Kết quả đánh giá độ tin cậy thang đo các khái niệm nghiên cứu

 

Nguồn: Kết quả xử lý bằng SPSS 26

Kết quả ở Bảng 1 cho thấy, tất cả các thang đo đều đạt hệ số Cronbach’s Alpha từ 0.60 trở lên. Hệ số tương quan biến tổng đều > 0.3. Như vậy, thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến việc áp dụng phương thức 5S đều đạt độ tin cậy theo đúng yêu cầu, thỏa mãn điều kiện phân tích nhân tố khám phá (EFA).

4.3. Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Sau khi thực hiện 2 lần phân tích EFA, kết quả thu được như sau: loại biến TL4 do biến này có hệ số tải <  0.5. 6, nhân tố rút trích được từ EFA có ý nghĩa tóm tắt thông tin các biến quan sát đưa vào tốt nhất; hệ số KMO = 0.800 > 0.5 nên phân tích nhân tố là phù hợp, giá trị Sig. (Bartletts Test) = 0.000 (sig. < 0.05) chứng tỏ các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể. Như vậy, kết quả phân tích EFA thích hợp. Tổng phương sai trích 65.995%> 50%, nghĩa là 65.995% biến thiên của dữ liệu được giải thích bởi 6 nhân tố.

4.4. Phân tích hồi quy và kiểm định giả thuyết nghiên cứu

Hệ số xác định hiệu chỉnh R2 hiệu chỉnh là 0.679, điều này cho thấy mối quan hệ giữa biến độc lập với biến phụ thuộc có ý nghĩa, cụ thể là có 6 biến độc lập góp phần giải thích 67.9% sự khác biệt về áp dụng phương thức 5S vào quá trình hoạt động.

Bảng 2. Kết quả phân tích hồi quy

 

Nguồn: Kết quả xử lý bằng SPSS 26

Kết quả Bảng 2 cho thấy, các hệ số hồi quy chuẩn hóa của phương trình hồi quy đều khác 0 và Sig. <0.05, chứng tỏ có 6 biến độc lập đều tham gia tác động tới việc áp dụng phương thức 5S của doanh nghiệp. Hệ số VIF các biến độc lập đều nhỏ hơn 10, như vậy không có đa cộng tuyến xảy ra.

Kết quả cho thấy, các biến độc lập bao gồm: sự tuyên truyền, chuẩn bị tài liệu, thực hiện đào tạo, sự cam kết, sự giám sát và tư vấn của chuyên gia đều có tác động dương đến quá trình áp dụng 5S của doanh nghiệp với hệ số b lần lượt giảm dần nhưsau: sự tuyên truyền (β = 0.302), chuẩn bị tài liệu (β = 0.263), thực hiện đào tạo (β = 0.240), sự cam kết (β = 0.192), sự giám sát (β = 0.150) và tư vấn của chuyên gia (β = 0.131).

Phương trình hồi quy chuẩn hóa có dạng như sau:

AD = 0.302*TT + 0.263*TL + 0.240*ĐT + 0.192*CK + 0.150*GS + 0.131*TV

5. Kết luận và hàm ý quản trị

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm các yếu tố bên trong nội bộ doanh nghiệp có tác động trực tiếp đến việc áp dụng phương thức 5S vào trong hoạt động sản xuất, quá trình làm việc hằng ngày, trong đó việc tuyên truyền, kêu gọi nhân viên tìm hiểu, áp dụng thực hiện 5S một cách đều đặn có tác động mạnh nhất. Tiếp theo, yếu tố về chuẩn bị đào tạo và thực hiện các bước đào tạo được đánh giá là các yếu tố tác động tương đối mạnh đến quá trình áp dụng.

Những điều này có thể dễ dàng lý giải là do khi đã hiểu rõ lợi ích của việc áp dụng phương thức 5S, cần có các tài liệu hướng dẫn cụ thể các bước thực hành 5S như thế nào, đồng thời với việc đào tạo nhân viên ở những bước đầu thực hiện sẽ giúp cán bộ nhân viên trong doanh nghiệp tiếp cận với 5S một cách dễ dàng hơn. Các yếu tố sự cam kết của lãnh đạo cùng sự giám sát thực hiện qua lại giữa các cấp quản trị trong đơn vị cũng là yếu tố thúc đẩy hoạt động vận hành 5S thực hiện đồng bộ. Yếu tố bên ngoài là sự tư vấn hỗ trợ từ các chuyên gia 5S sẽ làm cho quá trình vận hành 5S tiến hành dễ dàng hơn, cũng như giải quyết những thắc mắc trong quá trình thực hiện.

Từ kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp cần có giải pháp liên quan đến việc tuyên truyền phổ biến các phương thức quản lý chất lượng trong đơn vị. Phổ biến kiến thức 5S bằng các phương pháp trực quan sinh động, do đại đa số công nhân viên trong doanh nghiệp chỉ tốt nghiệp THPT nên khi tuyên truyền 5S trong đơn vị, ban lãnh đạo và các ban triển khai 5S cần chú ý việc lựa chọn phương thức truyền tải hữu hiệu mà bằng hình ảnh trực quan dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng. Sử dụng các ký hiệu màu sắc, vẽ đường bao cho các công cụ dụng cụ, hoặc chụp hình ảnh mẫu vị trí ban đầu các dụng cụ, đồ vật được sắp xếp ra sao. Sau này, dù nhân viên nào thực hiện, khi nhìn vào hình ảnh họ cũng có thể tự sắp xếp được.

Các đơn vị nên có sự cam kết về quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng để các nhân viên công ty đều hiểu rõ và thực hiện. Ban lãnh đạo các doanh nghiệp cần nắm rõ về lợi ích của áp dụng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, từ đó thay đổi nhận thức quản lý theo phương châm chất lượng là sự sống còn của doanh nghiệp. Từ đó, ban lãnh đạo cam kết việc theo đuổi chất lượng toàn diện sẽ giúp cho nhân viên thống nhất trong tư tưởng và hành động cùng chung sức với lãnh đạo công ty thực hiện các chính sách chất lượng. Như vậy, tất cả các nhân viên trong các phòng ban đều hiểu rõ về chất lượng và có thể nắm rõ hoạt động của công ty chứ không phải chỉ nhân sự văn phòng biết về các hoạt động này.

Cuối cùng, Nhà nước cần lập Ban tư vấn từ các chuyên gia quản lý chất lượng để hướng dẫn áp dụng công cụ 5S phù hợp với điều kiện hoạt động từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng kế hoạch áp dụng quản lý chất lượng phù hợp với thực tế doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên áp dụng 5S từng bước. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, sau khi đào tạo kiến thức và ý thức cho nhân viên trong công ty, doanh nghiệp nên áp dụng 5S với môi trường làm việc đang có, từ đó phát hiện ra các vấn đề, lãng phí tồn tại để đưa ra các cải tiến nhằm cải thiện môi trường làm việc.

Sau khi thực hiện 5S bước đầu ổn định, doanh nghiệp có thêm nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất khác như kệ, giá,… và tiếp tục cải tiến để tạo ra môi trường làm việc ít lãng phí. Khoảng 6 tháng sau khi áp dụng phương thức 5S, doanh nghiệp cần đánh giá và phân tích tìm ra những điểm cần cải tiến, từ đó điều chỉnh xây dựng kế hoạch cho các thời gian tiếp theo để nâng cao điều kiện làm việc tại đơn vị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đăng Minh (2012). Thực trạng áp dụng 5S tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đề tài KT.12.25 cấp cơ sở, 2012-2013, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  2. Phan Chí Anh (2008). Thực hành 5S – Nền tảng cải tiến năng suất. NXB Lao động, Hà Nội.
  3. Đặng Thanh Thúy, Vũ Văn Giang, Đào Đức Quảng (2015). Vận dụng triết lý 5S và Kaizen trong quản lý, giáo dục đào tạo tại trường cao đẳng kỹ thuật công nghiệp. Báo cáo khoa học tóm tắt, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp.
  4. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (2021). Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – công cụ hữu hiệu xây dựng nền hành chính hiện đại. Truy cập tại https://www.most.gov.vn/ vn/tin-tuc/19889/ap-dung-he-thong-quan-ly-chat-luong-theo-tieu-chuan-iso-9001–cong-cu-huu-hieu-xay-dung-nen-hanh-chinh-hien-dai.aspx
  5. Báo cáo của Bộ Khoa học Công nghệ (2021). 91 doanh nghiệp nhận định việc áp dụng ISO 9001 giúp nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Truy cập tại https://vietq.vn/91-doanh-nghiep-nhan-dinh-viec-ap-dung-iso-9001-giup-nang-cao-chat-luong-san-pham-hang-hoa-d182068.html
  6. Chính phủ (2009). Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
  7. Arash Ghodrati, Norzima Zulkifli, (2013). The Impact of 5S Implementation on Industrial Organizations Performance. International Journal of Business and Management Invention, 2(3), 43-49.
  8. Alberto Bayo-Moriones, Alejandro Bello-Pintado, Javier Merio-Díaz de Cerio, (2010). 5S use in Manufacturing Plants: Contextual Factors and Impact on Operating Performance. International Journal of Quality & Reliability Management, 27(2), 217-230.
  9. Ho, S. K. (1997). Workplace learning: The 5S way. Journal of Workplace Learning, 9(1), 45-53.
  10. Ho, S. K., Cicmil, S. và Fung, C. K., (1995). The Japanese 5S Practice and TQM Training. Training for Quality, 3(4), 19-24.

Sưu tầm

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập351
  • Hôm nay13,457
  • Tháng hiện tại607,551
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây