Hội thảo khoa học “Trận Bồ Đằng - Trà Lân (1424): Bước phát triển mới của Nghĩa quân Lam Sơn”

Thứ ba - 30/07/2024 22:38 0
Nhân kỷ niệm 600 năm chiến thắng Bồ Đằng - Trà Lân (1424), sáng ngày 30/7, tại Cửa Lò, Viện Sử học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Trận Bồ Đằng - Trà Lân (1424): Bước phát triển mới của Nghĩa quân Lam Sơn”. Tham dự Hội thảo có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia,... trong và ngoài tỉnh. PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Chủ tịch Hội đồng khoa học; TS Lê Quang Chắn - Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học, chủ trì Hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo
Khởi nghĩa Lam Sơn là một trong những sự kiện đặc biệt quan trọng, một dấu mộc lịch sử trong kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của Khởi nghĩa Lam Sơn tạo ra bước ngoặt của tiến trình lịch sử đất nước, nước ta từ đô hộ trở thành nước độc lập, tự chủ. Trong 6 năm hoạt động ở vùng núi Tây Thanh Hoá, do khó khăn, hạn chế của địa hình và lực lượng, hoạt động của nghĩa quân đã gặp nhiều khó khăn. Đúng thời điểm đó, Nguyễn Chích - vị tướng tài giỏi của nghĩa quân Lam Sơn đã đề xuất chuyển hoạt động của nghĩa quân vào đất Nghệ An. Với quyết định mang tính chiến lược này, thế và lực của nghĩa quân Lam Sơn đã thay đổi căn bản, mà trong số đó, chiến thắng trong trận Bồ Đằng - Trà Lân (1424) đã đánh dấu cột mốc quan trọng cho bước phát triển mới của khởi nghĩa Lam Sơn.

TS Nguyễn Thị Thu Thủy - trường Đại học sư phạm Hà Nội tham luận tại hội thảo
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 50 di tích liên quan đến Khởi nghĩa Lam Sơn, trong đó có 33 di tích đã được xếp hạng từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, và đã được kiểm kê. Trong đó phải kể đến những di tích tiêu biểu như: Lặng mộ và đền thờ Cương quốc công Nguyễn Xí, đền vua Lê, đền Bạch Mã, thành Lục Niên, núi Lam Thành, núi Bồ Đằng, thành Trà Lân,...
Hội thảo đã nhận được 23 bài tham luận của các nhà khoa học, tập trung làm rõ vị trí, vai trò của trận khởi nghĩa Lam Sơn nói chung, trận Bồ Đằng - Trà Lân nói riêng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của đất nước ta. Bên cạnh đó, các phát biểu thảo luận cũng đã cung cấp nhiều tư liệu quý, nhiều ý kiến quý về 2 sự kiện tiêu biểu trên. Tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng đã đề xuất giải pháp để bảo tồn, phát huy các di tích gắn với sự kiện Khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: Xây dựng các bia dẫn tích về các di tích; Tổng hợp tư liệu để xuất bản ấn phẩm về sự kiện lịch sử này; Tiếp tục xây dựng hồ sơ xếp hạng các di tích liên quan đến Khởi nghĩa Lam Sơn; Đầu tư, tu bổ hệ thống cổ vật, di vật quý hiếm bị hư hỏng tại các di tích liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn; Sưu tầm, số hoá, dịch thuật các tư liệu liên quan;...
Kết luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ tiếp thu các ý kiến thảo luận tại Hội thảo, đồng thời tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của khởi nghĩa Lam Sơn trong sự nghiệp đấu tranh chống giặc ngoại xâm của Việt Nam. Trong đó, những đóng góp của quân và dân Nghệ An để làm nên thắng lợi của Khởi nghĩa Lam Sơn là rất quan trọng và to lớn. Tiếp tục đề xuất các giải pháp bảo tồn, tu tạo và phát huy các di tích về Khởi nghĩa Lam Sơn trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
 

Hồ Thuỷ - Hoàng Anh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập234
  • Hôm nay28,547
  • Tháng hiện tại240,149
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây