Hội thảo nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn”

Thứ tư - 31/07/2024 22:53 0
Chiều ngày 31 tháng 7, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn”.
Tham dự hội thảo có đại diện Sở Du lịch, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, Trung tâm xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch; lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn, đại diện các phòng chuyên môn UBND huyện; các khu, điểm du lịch, và các hợp tác xã, làng nghề truyền thống, câu lạc bộ dân ca, các hộ làm du lịch trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu du lịch.

Toàn cảnh hội thảo

Hội thảo là một trong những nội dung thuộc nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn” thuộc (Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM) do Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện, Th.S Nguyễn Thị Trang Nhung - chủ nhiệm. Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - chủ trì hội thảo.
Th.S Nguyễn Thị Trang Nhung - chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo tại hội thảo

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp căn cơ, động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong thời gian qua, du lịch nông thôn ở Nghệ An đã và đang khai thác tài nguyên du lịch tự nhiên nổi trội ở từng vùng; khai thác tài nguyên du lịch văn hóa bản địa với những đặc trưng riêng về nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở (nhà sàn); trang sức, trang phục, ẩm thực cũng như không gian văn hóa văn nghệ đa sắc màu của cộng đồng xứ Nghệ,... Từ đó, xây dựng các sản phẩm du lịch chứa đựng những yếu tố đặc trưng, tạo ra yếu tố hấp dẫn du khách, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Nghĩa Đàn là một trong những địa phương đã khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc trưng đó để phát triển loại hình du lịch nông thôn và thu hút lượng khách du lịch với 2 loại hình du lịch chính đó du lịch sinh thái và du lịch canh nông; ngoài ra, mới manh nha hình thành loại hình du lịch cộng đồng. Khu du lịch sinh thái Hòn Mát (Farmstay Hòn mát) là 1 trong 28 điểm du lịch được ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh (Quyết đinh số 214/QĐ.UBND của UBND tỉnh ngày 27/1/2023). Mặc dù vậy, phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn huyện còn nhiều bất cập như nhiều nơi đang hoạt động tự phát; hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa có tính chuyên nghiệp, thiếu các hoạt động trải nghiệm; Công tác quản lý về du lịch còn hạn chế, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chưa cụ thể về công tác quy hoạch, thủ tục đầu tư cấp phép...; Hoạt động khai thác, đón tiếp khách tại các khu du lịch/điểm đón tiếp khách du lịch còn vướng trong công tác phòng chống cháy nổ, cháy rừng, an toàn giao thông đường thủy nội địa, phòng chống đuối nước… Hội thảo, nhằm đánh giá thực trạng, qua đó đề xuất các giải pháp và hỗ trợ bước đầu hoàn thiện điểm du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn là nhiệm vụ cần thiết.

            PGS.TS Trần Thị Tuyến - Giảng viên Đại học Vinh tham luận tại hội thảo

Qua 1 năm triển khai, nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung: Điều tra, khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn (03 đợt); Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển DLNT trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn nói chung; Tư vấn hoàn thiện sản phẩm du lịch nông thôn tại Khu DLST Hòn Mát/Hòn Mát Farmstay nói riêng (chuyên gia TW và địa phương); Đề xuất mô hình du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng với 04 lớp, 120 lượt với các nội dung Phát triển du lịch nông thôn dựa vào nội lực, Kỹ năng làm việc việc nhóm; Tự đánh giá tài nguyên để phát triển du lịch địa phương; Thực hành đánh giá sản phẩm du lịch địa phương; Phát triển sản phẩm du lịch; Tập huấn kiến thức và kỹ năng du lịch. Du lịch nông thôn: bài học từ thực tiễn và những định hướng; Marketing - Quảng bá, truyền thông điểm đến; và Tập huấn dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch tại Khu DLST Hòn Mát); Hỗ trợ hình thành các trải nghiệm du lịch nông nghiệp nông thôn tại Hòn Mát Farmstay; Hỗ trợ Hòn Mát Farmstay truyền thông quảng bá có ứng dụng công nghệ số; Phần mềm trải nghiệm không gian VR360 _ Tích hợp Web: https://dulichhonmat.com/ trên link: https://mahamangala.vn/dlsthonmat; Phát hành tờ rơi song ngữ; Hỗ trợ người dân tham gia khóa bồi dưỡng cấp Chứng chỉ Hướng dẫn viên du lịch nội địa.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 7 tham luận và nhiều ý kiến thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, về thực trạng khai thác phát triển du lịch nông nghiệp dựa trên hệ sinh thái tại huyện Nghĩa Đàn, từ đó đánh giá thực trạng và đưa ra các giải pháp phát triển du lịch bền vững; Giải pháp hoàn thiện và khai thác sản phẩm du lịch nông thôn trên địa bàn, hay cụ thể hơn là phát triển sản phẩm du lịch nông thôn và những khuyến nghị cho việc khai thác các sản phẩm du lịch nông thôn tại Khu Du lịch sinh thái Hòn Mát; Khai thác Giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nghệ An với hoạt động du lịch… Bên cạnh đó, các phát biểu thảo luận, chia sẻ những giải pháp hoàn thiện và khai thác sản phẩm du lịch nông thôn; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch ở Du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng - bài học trong xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng miền ở Nghĩa Đàn nói chung và khu du lịch Hòn Mát nói riêng; Đa dạng dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch tại Khu du lịch sinh thái Hòn Mát…

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ kết luận tại Hội thảo

Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đánh giá cao báo cáo, cũng như những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, và khẳng định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là chủ trương đúng đắn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở các địa phương, trong đó có huyện Nghĩa Đàn. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả du lịch nông thôn gắn với sản phẩm du lịch, huyện Nghĩa Đàn cần tiếp tục rà soát tổng thể quy hoạch du lịch; định hướng, tư vấn cho các khu, điểm, mô hình du lịch đã và đang manh nha phát triển trên địa bàn; chủ thể làm du lịch cần phong phú sản phẩm du lịch cũng như tạo sự liên kết chuỗi giữa các điểm du lịch; đào tạo nghiệp vụ du lịch cũng như các dịch vụ cho người dân; chú trọng hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá cũng như quan tâm hơn vấn đề môi trường; bảo tồn văn hóa bản địa…
 

Tin, ảnh: Hoàng Anh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập387
  • Hôm nay38,408
  • Tháng hiện tại38,408
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây