Ảnh hưởng của một số yếu tố đến quá trình sinh trưởng của cây lan Thạch Hộc Tía giai đoạn ra ngôi

Thứ ba - 23/07/2024 22:25 0
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Lan thạch hộc tía được phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới. Loài lan thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et. Migo) là một loài thực vật biểu sinh, thường sống trên các vách đá hoặc thân cây phủ đầy mùn và rêu ở độ cao từ 800-1.500m so với mực nước biển (Li et al., 2008). Thạch hộc tía thân cao 30-50cm, thường mọc thành khóm nhiều giả hành, lá mọc so le đều hai bên thân, thuôn dài, hầu như không có cuống, hoa to 4,0-4,5cm xếp thành 2-4 cái ở sát nách lá, ra hoa tháng 3-4, đậu quả vào tháng 5-6 (Nguyễn Thanh Thuận, 2015).
(ảnh minh họa)
Các nghiên cứu về thành phần hóa học cho thấy thạch hộc tía có chứa 7 nhóm chất đó là alcaloid, flavonoid, axít hữu cơ, carotenoid, axít amin, đường khử và chất béo (Nguyễn Thị Duyên và Vũ Thị Ánh, 2017). Các nghiên cứu về dược lý học hiện đại đã khẳng định rằng Dendrobium ofifcinale và phần polysaccharide của nó có tác dụng ức chế tế bào ung thư, bảo vệ gan, giảm lipid huyết, chống mệt mỏi, chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống táo bón, hạ đường huyết, tác dụng bảo vệ loét dạ dày và hạ huyết áp, tăng cường hệ miễn dịch, ổn định hệ vi sinh đường ruột... (Lu et al., 2013; Luo et al, 2016; He et al., 2016).
Thời gian gần đây, công nghệ trồng nhân tạo lan thạch hộc tía đã tạo ra một bước đột phá đáng kể (Cheng et al., 2019). Để chủ động nguồn cây giống có chất lượng cao, sạch bệnh cho phát triển sản xuất phục vụ nhu cầu nội tiêu cũng như xuất khẩu thì nhiệm vụ nhân giống lan thạch hộc tía bằng phương pháp nuôi cấy mô là hướng đi đúng đắn, nhằm bổ sung thêm giống lan thuốc, đẩy mạnh phát triển loài lan dược liệu quý hiếm cho Việt Nam. Trong đó, việc nghiên cứu hoàn thiện quy trình ra ngôi cây con giai đoạn sau in-vitro là rất quan trọng. Xuất phát từ tình hình thực tiễn trên, nghiên cứu: “Ảnh hưởng của một số yếu tố (giá thể, phân bón, phương pháp tưới) đến quá trình sinh trưởng của cây lan thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et. Migo) giai đoạn ra ngôi” đã được triển khai thực hiện.
II. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Vật liệu nghiên cứu
Cây lan thạch hộc tía được nhân nuôi trong phòng thí nghiệm của Trại Nghiên cứu Thực nghiệm và Dịch vụ Khoa học và Công nghệ 6 tháng. Tiêu chuẩn cây giống khi ra ngôi: Số rễ: 3-4 rễ, rễ dài 1-2cm; Chiều cao cây: 2-3cm; Số lá: 5-7 lá; Số đốt thân: 4-5 đốt.
  1.  
2. Phương pháp nghiên cứu
Trải qua 5 bước cấy chuyển tiếp, sau khi tạo cây hoàn chỉnh trong phòng thí nghiệm, tiến hành ra ngôi. Cây con được đem ra trồng là những cây khỏe mạnh có bộ rễ tốt (từ 2 rễ trở lên), chiều cao cây trung bình từ 3-4cm (tính từ cổ rễ đến chóp lá), mọc 3-4 lá. Cây trong bình tam giác từ phòng nuôi cấy mô sẽ được chuyển ra để nơi thoáng mát trong thời gian 7-10 ngày với mục đích huấn luyện cây.
Để hoàn thiện quy trình ra ngôi, tiến hành 3 thí nghiệm được bố trí theo kiểu hoàn toàn ngẫu nhiên (CRD) với 150 mẫu, 3 lần lặp lại.
Bố trí nhà lưới ra ngôi: Nhà lưới được che nilon chắn hoàn toàn nước mưa; có hệ thống lưới đen che phủ theo thời vụ; hệ thống tưới phun mù tự động.
Tiêu chuẩn giá thể: Than củi kích thước 1x1cm; vỏ thông xay bằng hạt ngô kích thước 0,5-1cm, ngâm trong nước sạch 48-72h, cuối cùng ngâm nước vôi trong 24h; xơ dừa xay mịn đã qua xử lý (luộc 1000C trong 3h hoặc ngâm nước vôi trong trong 8-12h) vớt ra để ráo.
Độ ẩm giá thể trong ngưỡng 60-65%. Nồng độ, liều lượng các loại phân bón:
  • Atonic 1.8SL liều lượng 0,75ml/lít nước, định kỳ 7-10 ngày/lần;
  • Superthive liều lượng 1-3ml/lít nước, định kỳ 2 lần/tuần.
      1. Thí nghiệm 1. Nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể đến quá trình sinh trưởng của cây:
Có 04 công thức (CT):
  • CT1: 70% vỏ thông + 30% xơ dừa + phủ giá thể kín rễ cây;
  • CT2: 70% vỏ thông + 30% xơ dừa + phủ giá thể 2/3 rễ cây;
  • CT3: 40% than củi + 30% vỏ thông + 30% xơ dừa + phủ giá thể kín rễ cây;
  • CT4: 40% than củi + 30% vỏ thông + 30% xơ dừa + phủ giá thể 2/3 rễ cây.
      1. Thí nghiệm 2. Ảnh hưởng của phân bón đến quá trình sinh trưởng của cây:
  • CT1: Không bón phân;
  • CT2: Bón Atonic 1.8SL;
  • CT3: Bón Supertive.
      1. Thí nghiệm 3. Nghiên cứu ảnh hưởng của phương pháp tưới đến quá trình sinh trưởng của cây:
Dựa trên yêu cầu sinh thái của lan thạch hộc tía, dự án bố trí nhà lưới ra ngôi cây giống có hệ thống lưới đen che phủ theo mùa, hệ thống làm mát vào mùa hè (hệ thống tưới mái che, rãnh nước bên dưới giàn trồng) và mùa đông được che kín 4 phía, có đèn sưởi nên nhiệt độ không khí được khống chế trong 2 ngưỡng: 25-320C và 18-250C ở các thời vụ ra ngôi khác nhau. Tuy nhiên, độ ẩm không khí ảnh hưởng lớn tỷ lệ sống và chiều cao của cây. Do đó, dự án đã tiến hành thí nghiệm ảnh hưởng của phương pháp tưới như sau:
  • CT1: Nhiệt độ 25-320C tưới 2 lần, mỗi lần 60s;
  • CT2: Nhiệt độ 25-320C tưới 4 lần, mỗi lần 30s;
  • CT3: Nhiệt độ 18-250C tưới 4 lần, mỗi lần 30s;
  • CT4: Nhiệt độ 18-250C tưới 2 lần, mỗi lần 60s.
III. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1. Nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể đến quá trình sinh trưởng của cây lan thạch hộc tía giai đoạn ra ngôi
Chất nền là yếu tố quyết định sự sống sót của cây khi đưa cây ra vườn ươm. Tiến hành nghiên cứu tìm hiểu ảnh hưởng của các giá thể và vật liệu đựng giá thể khác nhau đối với ra cây trên vườn ươm.
 

Bảng 1. Ảnh hưởng của giá thể đến tỷ lệ sống, số lá, chiều cao của cây lan thạch hộc trên vườn ươm

 
Công thức Tỷ lệ cây sống (%) Số lá (lá) Chiều cao cây (cm)
30 NST 60 NST 90 NST 30 NST 60 NST 90 NST 30 NST 60 NST 90 NST
CT1 94,22b 87,57c 86,44c 6,14a 7,15b 7,62c 4,45a 5,34a 5,83c
CT2 92,67c 85,55d 84,67d 6,15a 7,01c 7,52c 4,30a 5,17b 5,69d
CT3 96,67a 94,89a 94,22a 6,22a 7,38a 8,25a 4,50a 5,27ab 6,51a
CT4 94,23b 92,00b 90,45b 6,19a 7,26ab 7,89b 4,34a 5,13b 6,12b
LSD0,05 1,64 1,27 2,13 0,94 0,11 0,11 0,42 0,15 0,11
CV% 2,9 1,7 2,2 2,1 1,7 2,7 2,5 2,6 2,8
Ghi chú: Trong cùng một cột các chữ cái mũ khác nhau biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức P<0,05; NST: Ngày sau trồng.
 
Kết quả bảng 1 cho thấy: Tại các thời gian 30 NST, 60NST, 90NST khi ra ngôi bằng các giá thể khác nhau thì tỷ lệ sống, số lá, chiều cao cây có sự sai khác. Trong đó, ở CT3 sau trồng 90 ngày có tỷ lệ sống, số lá, chiều cao cây đạt cao nhất lần lượt là: 94,22%, 8,25 lá, 6,51cm, sai khác có ý nghĩa thống kê với các công thức giá thể còn lại.
Nguyên nhân: Vỏ thông có tác dụng giữ ẩm tốt nhưng khi sử dụng một mình làm giá thể cho cây lan thạch hộc tía thì độ ẩm của giá thể quá cao, cây sinh trưởng kém. Khi sử dụng than củi kết hợp vỏ thông, than củi tác dụng hút nước sẽ làm cho giá thể có độ ẩm thích hợp. Do đó, khi cây đang giai đoạn hậu mô, rễ thật bắt đầu hình thành, sử dụng than củi lót dưới vỏ thông
cho tỷ lệ cây sống cao nhất. Bên cạnh đó, một số loại côn trùng như sên không ưa sống trong than, do vậy giá thể than đã hạn chế sự phá hại của một số loại côn trùng.
Từ kết quả thí nghiệm bảng 1, so sánh giữa CT1 với CT2 và CT3 với CT4 cho thấy: Khi sử dụng cùng một loại giá thể nhưng phương pháp trồng khác nhau sẽ ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống và quá trình sinh trưởng của cây. Phương pháp phủ kín rễ hạn chế sự thoát hơi nước của cây, đồng thời thúc đẩy bộ rễ mới phát triển và tăng nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây.
  1.  
2. Ảnh hưởng của phân bón đến quá trình sinh trưởng của cây lan thạch hộc tía giai đoạn ra ngôi
Bón phân là giải pháp mang lại hiệu quả đối
với quá trình sinh trưởng và năng suất đối với các loại cây trồng. Đối với lan nên tưới ướt bề mặt lá trước 30 phút khi phun các loại phân bón để tạo hiệu quả hấp thu dinh dưỡng cao nhất. Kết quả thí nghiệm cho thấy, dinh dưỡng ảnh hưởng rõ rệt đến sinh trưởng của cây.
 

Bảng 2. Ảnh hưởng của phân bón đến chiều cao, sự phát sinh lá mới, màu sắc lá của cây lan thạch hộc trên vườn ươm

 

Công thức
Chiều cao TB trước phun phân bón lá (cm) Chiều cao TB sau khi phun phân bón lá (cm) Số lá mới phát sinh 90NST
Màu sắc
30 NST 60 NST 90 NST
CT1 (ĐC) 3,5 4,31a 4,63c 4,95c 1 Xanh nhạt
CT2 3,5 4,55a 5,34b 5,90b 2 Xanh đậm
CT3 3,5 4,62a 5,67a 6,49a 2 Xanh đậm
LSD0.05   0,24 0,14 0,28    
CV%   2,2 4,2 4,6    
Ghi chú: Trong cùng một cột các chữ cái mũ khác nhau biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p<0,05; NST: Ngày sau trồng.
 
Qua bảng 2 ta thấy: Tại thời gian 30 NST, chiều cao cây của các công thức phân bón tương đương nhau. Tuy nhiên, chiều cao cây đạt giá trị cao nhất tại CT3 (Superthive) là 4,62cm tiếp đến CT3 (Atonic) là 4,55cm, và thấp nhất CT1 (không dùng phân bón) là 4,31cm.
- Tại các thời gian 60NST, 90NST, các loại phân bón khác nhau thì chiều cao cây có sự sai khác. Trong đó, ở CT3, chiều cao cây lần lượt là 5,67cm; 6,49cm, sai khác có ý nghĩa thống kê với các công thức phân bón còn lại.
Nguyên nhân: Supertive là phân bón (CT3) có nguồn gốc hữu cơ (chiết xuất từ tảo bẹ), đặc biệt có tác dụng kích thích ra rễ. Do đó, khi sử dụng cây con mới ra ngôi dễ hấp thu dinh dưỡng, bộ rễ mới phát triển mạnh hơn so với CT2 sử dụng phân Atonic có nguồn gốc vô cơ (thành phần chính là Nitrophenolate) có tác dụng kích thích quá trình sinh trưởng.
  1.  
3. Ảnh hưởng của phương pháp tưới đến quá trình sinh trưởng của cây lan thạch hộc tía giai đoạn ra ngôi
 
Bảng 3. Ảnh hưởng của phương pháp tưới đến tỷ lệ sống và chiều cao của cây lan thạch hộc trên vườn ươm
 
Công thức Tỷ lệ cây sống (%) Chiều cao cây (cm)
30 NST 60 NST 90 NST 30 NST 60 NST 90 NST
CT1 86,22c 85,11c 84,23d 4,29b 5,14b 6,09b
CT2 93,78a 91,55b 90,47b 4,48a 5,33ab 6,26ab
CT3 97,11a 95,78a 94,67a 4,50a 5,45a 6,50a
CT4 95,11b 90,87b 88,22c 4,42a 5,27ab 6,17ab
LSD0,05 1,28 0,8 1,32 0,81 0,19 0,38
CV% 3,7 4,4 4,7 2,9 3,9 4,3
Ghi chú: Trong cùng một cột các chữ cái mũ khác nhau biểu thị sự sai khác có ý nghĩa ở mức p <0,05; NST: Ngày sau trồng.

Kết quả bảng 3 cho thấy: Tại các thời gian 30NST, 60NST, 90NST, các phương pháp tưới khác nhau thì tỷ lệ sống, chiều cao cây có sự sai khác. Khi cùng ngưỡng nhiệt độ, CT2 (nhiệt độ 25-320C, tưới 4 lần, mỗi lần 30s) sau trồng 90 ngày có tỷ lệ sống, chiều cao cây đạt cao nhất lần lượt là: 94,47%; 6,26cm, sai khác có ý nghĩa thống kê so với CT1 (nhiệt độ 25-320C, tưới 2 lần, mỗi lần 60s); ở CT3 (nhiệt độ 18- 250C, tưới 4 lần, mỗi lần 30s) sau trồng 90 ngày có tỷ lệ sống, chiều cao cây đạt cao nhất lần lượt là: 94,67%; 6,50cm, sai khác có ý nghĩa thống kê với CT4 (nhiệt độ 18-250C, tưới 4 lần, mỗi lần 30s).
Cùng một ngưỡng nhiệt độ nhưng phương pháp tưới khác nhau sẽ ảnh hưởng khác nhau đến tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng của cây giống, cụ thể: Khi số lần tưới tăng lên, thời gian tưới giảm đi thì độ ẩm của giá thể không thay đổi nhưng biên độ dao động của nhiệt độ môi trường giảm đi tạo điều kiện ngoại cảnh tương thích, do đó, cây sinh trưởng tốt hơn.
Từ kết quả bảng 3 cho thấy: Trong điều kiện nhà lưới ra ngôi đã khống chế được ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh, khi cùng phương pháp tưới nhưng ở ngưỡng nhiệt độ 18-250C, cho tỷ lệ sống, chiều cao cây lớn hơn ngưỡng nhiệt 25-320C. Do đó, với điều kiện tự nhiên tỉnh Nghệ An nên ra ngôi cây giống vào đầu vụ xuân (tháng 2) hoặc cuối vụ thu (tháng 9).
IV. KẾT LUẬN
Đối với điều kiện khí hậu Nghệ An nên phủ kín giá thể khi ra ngôi cây con; sử dụng các loại phân bón kích rễ phát triển trước khi kích thích thân lá; trong điều kiện nhà kính cần tăng số lần tưới và giảm thời gian tưới mỗi lần để đảm bảo độ ẩm không khí trong ngưỡng 70-80% cho tỷ lệ cây sống, chiều cao cây đạt giá trị cao nhất. Thời vụ ra ngôi cây giống: Trong điều kiện nhà lưới có giàn che có thể ra ngôi quanh năm, nhưng để đạt hiệu quả cao nhất nên ra ngôi vào vụ xuân (tháng 2) và vụ thu (tháng 9)./.
 
 

Tài liệu tham khảo:

 
  1.  
1. B.T. Việt, Sinh lý thực vật đại cương, Phần II: Phát triển, Nxb Đại học Quốc qia Thành phố Hồ Chí Minh (2000).
2. Dương Công Kiên (2006), Nuôi cấy mô, tập 3, Tủ sách Đại học Khoa học Tự nhiên.
3. Nguyễn Công Nghiệp (2004), Trồng hoa lan - In lần ba.
4. Nguyễn Quốc Đông (2014), Quy trình ra ngôi Lan Thạch hộc tía sau giai đoạn in-vitro, Viện Nghiên cứu và Phát triển Lâm nghiệp - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.
5. Nguyễn Thị Duyên và Vũ Thị Ánh, Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Thái Nguyên, tập 166, số 06, 2017.
6. Nguyễn Thanh Thuận, Tạp chí Đại học Thủ Dầu 1, số 6, 2015.
7. Nguyễn Thị Hải Yến, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Thái Nguyên, tập 225, số 11, 2020.
8. Trần Văn Bảo (1999), Kỹ thuật nuôi trồng Phong lan, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh.
9. Trần Văn Huân và cs (2004), Kỹ thuật nuôi trồng cấy lan, Nxb Mỹ Thuật, Thành phố Hồ Chí Minh.
10. Võ Văn Chi, 2012, Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nxb Y học Việt Nam.
 
KS. Nguyễ Thị Hoa, ThS. Lê Mih Thah, ThS. Nguyễ Thị Ngọc

Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An

https://ngheandost.gov.vn/tap-chi-chuyen-san/tap-chi-kh-cn-nghe-an/dac-san-kh-cn-nghe-an-so-1-2024-145.html

Nguồn tin: Bài đăng trên Đặc san KH&CN số 1.2024::

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập507
  • Hôm nay39,223
  • Tháng hiện tại41,883
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây