Phát triển du lịch nông thôn tại vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An

Thứ năm - 01/08/2024 23:21 0
Ở miền Tây Nghệ An chủ yếu phát triển loại hình du lịch cộng đồng
Ảnh: Du khách thưởng thức văn nghệ, câu lạc bộ dân ca Thái tại bản Nưa (huyện Con Cuông) 
(Ảnh sưu tầm)
                                    
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Nghệ An có 55 xã khu vực I (xã bước đầu phát triển), 76 xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), không có xã khu vực II (xã còn khó khăn). Trong đó, nhiều nhất là huyện Kỳ Sơn, tiếp đến là các huyện Quỳ Hợp, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông,…
Du lịch nông thôn có các loại hình chính như du lịch di sản, du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng (DLCĐ), du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch dân tộc thiểu số. Ở miền Tây Nghệ An nói chung, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng, chủ yếu là phát triển loại hình DLCĐ.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và phức tạp. Muốn phát triển du lịch một cách hiệu quả phải xem xét du lịch trong tổng hòa các mối quan hệ với các ngành khác, liên kết giữa vùng này với vùng khác, liên kết giữa địa phương này với địa phương khác. Do đó, bài viết này tập trung cho loại hình DLCĐ ở miền Tây Nghệ An nói chung, vùng đặc biệt khó khăn nói riêng, và đặt vùng đặc biệt khó khăn ở Nghệ An trong địa dư về kinh tế - văn hóa xã hội ở miền Tây Nghệ An như một thể thống nhất, không tách rời.

 
1. Thực trạng phát triển DLCĐ ở vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An
Về chính sách, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 về một số chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh ban hành quyết định số 31/2020/QĐ-UBND quy định cụ thể một số nội dung thực hiện Nghị quyết 07/2020.
Về đầu tư hạ tầng, Sở Du lịch phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về Hợp tác kỹ thuật Nhật Bản trong khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển của JICA triển khai thực hiện Dự án “Đa dạng hóa sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông, ngư nghiệp Nghệ An giai đoạn 2016-2018”, đã hình thành mô hình DLCĐ tại xã Yên Khê (Con Cuông). Hỗ trợ đầu xây dựng 3 nhà vệ sinh, nhà tắm cho 3 hộ gia đình làm dịch vụ homestay tại bản Nưa và 1 nhà vệ sinh tại Vườn cam bản Pha, xã Yên Khê (Con Cuông) cùng các biển chỉ dẫn tại thôn, bản.
Các huyện, thành phố, thị xã đã lồng ghép với Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) đầu tư hệ thống đường giao thông nội bộ bảo đảm phục vụ nhu cầu đón khách du lịch. Một số điểm đã quy hoạch và từng bước đầu tư bãi đỗ xe (như điểm dừng chân Rừng săng lẻ Tương Dương; Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, Quỳ Châu...).
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 07/2020 của HĐND, năm 2021, tỉnh hỗ trợ 12 hộ dân kinh doanh dịch vụ Homestay với tổng số tiền là 1,2 tỷ đồng (ở 4 xã thuộc 4 huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn và Quỳ Châu). Năm 2022, hỗ trợ 12 hộ dân với số tiền là 720 triệu đồng (bản Long Thắng, xã Hạnh Dịch, Quế Phong; bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, Kỳ Sơn; bản Chọng Bùng, xã Châu Lý, Quỳ Hợp; bản Bộng, xã Thành Sơn, Anh Sơn). Tổng 2 năm 2021- 2022, hỗ trợ với số tiền 3,920 tỷ đồng.
Về xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, Dự án JICA đã tổ chức khảo sát đánh giá để xây dựng mô hình DLCĐ. Tại Con Cuông, Dự án thành lập các tổ dịch vụ (tổ lưu trú, ẩm thực, trình diễn văn nghệ truyền thống và các hoạt động tham quan trải nghiệm tại địa phương như: đi xe trâu, bắt cá...); hướng dẫn thành lập tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm từ cam và khu vườn thí điểm thuộc bản Pha, Yên Khê; Hướng dẫn Tổ hợp tác thực hiện các quy trình canh tác và sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn Viet- GAP từ kỹ thuật trồng cho đến chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cam; Thiết kế và làm mẫu giỏ đựng cam cho khách du lịch trên cơ sở sử dụng nguyên liệu sẵn có (mây, tre) và kỹ thuật đan truyền thống của người dân địa phương...
Sở Du lịch Nghệ An đã tổ chức khảo sát điều kiện phát triển mô hình DLCĐ tại các huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong nhằm mục đích đánh giá cảnh quan thiên nhiên, làng bản, bản sắc văn hóa; Hạ tầng đường giao thông (bãi đỗ xe, thông tin, viễn thông, cơ sở dịch vụ y tế); Vệ sinh môi trường chung và hệ thống nhà vệ sinh công cộng; Khả năng cung cấp các dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ/homestay...; Đồng thời, tổ chức khảo sát, đánh giá và hỗ trợ xây dựng mô hình DLCĐ tại xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ). Mua sắm các trang thiết bị nhà vệ sinh phục vụ khách du lịch, các vật dụng sinh hoạt gia đình, các dụng cụ biểu diễn văn nghệ cộng đồng. Xây dựng và triển khai Dự án Phát triển du lịch sinh thái cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát góp phần bản tồn đa dạng sinh học Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An gắn với bảo vệ và phát triển bền vững do Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP-GEF-SGP) tài trợ một phần kinh phí trên địa bàn huyện Tương Dương, Con Cuông, trong đó có nội dung xây dựng mô hình Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại bản Quang Thịnh (Tương Dương) và bản Xiềng (Con Cuông) và hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng trạm dừng chân tại rừng Săng lẻ (Tam Đình, Tương Dương).
Hàng năm, Sở Du lịch, các địa phương tổ chức chuyến tham quan học tập mô hình DLCĐ cho đối tượng là lãnh đạo UBND các huyện, cán bộ, chuyên viên phụ trách du lịch, đại diện các hộ gia đình kinh doanh DLCĐ. Thông qua các đề tài, nhiệm vụ khoa học, đã mời chuyên gia về DLCĐ tư vấn xây dựng và hỗ trợ mô hình DLCĐ cho một số huyện miền Tây Nghệ An.
Về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, Dự án của JICA đã hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất thiết kế logo, nhãn mác, bao bì, đăng ký mã vạch, đăng kiểm vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm; Biên tập, in ấn bản đồ du lịch bản Nưa huyện Con Cuông bằng ngôn ngữ Việt - Nhật - Anh, in sách ảnh du lịch Con Cuông bằng song ngữ Việt - Anh... Quảng giới thiệu du lịch cùng các sản phẩm địa phương tại các hội chợ du lịch tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng… và một số sự kiện xúc tiến du lịch ở các nước: Lào, Thái Lan, Nhật Bản.
Các hoạt động truyền thông như tổ chức đón đoàn báo chí quốc tế (Presstrip) đến khảo sát tuyến điểm du lịch, trong đó có các mô hình DLCĐ. Phối hợp với Tổng cục Du lịch tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip thu hút sự tham gia của doanh nghiệp lữ hành và cơ quan báo chí trong nước và ngoài nước tham gia khảo sát dịch vụ và viết bài quảng bá điểm đến du lịch huyện Con Cuông, bản Nưa và các bản lân cận; tổ chức cho đoàn học sinh Trường Đại học Yamanashi (Nhật Bản) đoàn cán bộ đến từ một số Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp... đến tập huấn và khảo sát, tham quan mô hình du lịch tại Nghệ An do JICA hỗ trợ.
UBND các huyện phối hợp với các cơ quan truyền thông (VTV1, VTV2, VTV3...) đến khảo sát quảng bá mô hình DLCĐ. Tổ chức đón Câu lạc bộ DLCĐ Việt Nam - CTC đến khảo sát tại Nghệ An nhằm tăng cường tuyên
 

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An (NAPC) và chuyên gia Nhật Bản khảo sát các điểm đến du lịch cộng đồng tại các địa phương thuộc miền Tây Nghệ An (Ảnh: Trang Nhung)
 
truyền quảng bá du lịch Nghệ An cũng như các sản phẩm DLCĐ miền Tây. Lắp dựng pano truyền thông cố định giới thiệu về dự án và nhà tài trợ tại rừng Săng Lẻ, xã Tam Đình, huyện Tương Dương và bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông; đẩy mạnh truyền thông quảng bá trên các trang fanpage, facebook Hiệp hội Du lịch Nghệ An - Dự án GEF.
Về nguồn nhân lực du lịch, theo báo cáo của đề tài “Phát triển DLCĐ ở miền Tây Nghệ An gắn với xóa đói giảm nghèo”, mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp. Chỉ có 6% người dân thường xuyên tiếp xúc với khách du lịch và họ hầu hết là những người dân bán hàng tại các điểm tham quan. Trong khi đó có 43,1% chỉ thi thoảng tiếp xúc với khách du lịch và có đến 50,8% người dân cho biết họ chưa bao giờ tiếp xúc với khách du lịch. Điều này cho thấy lực lượng lao động tuy dồi dào nhưng đang ở dạng tiềm năng.
Chất lượng lao động được nâng dần thông qua các lớp tập huấn kỹ năng du lịch, tham quan học tập kinh nghiệm, tập huấn kỹ thuật canh tác và sản xuất sản phẩm nông nghiệp, tập huấn về công tác quản lý, xúc tiến quảng bá... Qua các khóa tập huấn, người dân có được hiểu biết cơ bản về du lịch và tự thiết kế được tour, lựa chọn được các nhà nghỉ, phương pháp đón tiếp khách, nhận đặt ăn, hướng dẫn du lịch, thiết kế sản phẩm lưu niệm. Tuy nhiên, lực lượng lao động phục vụ trực tiếp trong ngành du lịch hầu hết chưa qua đào tạo về nghiệp vụ du lịch, do vậy, chất lượng phục vụ khách du lịch chưa đáp ứng nhu cầu. Hầu hết là số lao động phổ thông, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa thói quen và tác phong nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Đây chính là thách thức đối với các hoạt động du lịch ở Nghệ An. Đối với lao động là những người dân, phần lớn trong số họ chưa được nghe về DLCĐ; đại đa số chưa bao giờ tham gia những công việc trong chuỗi hoạt động DLCĐ như xe ôm, nấu nướng và đón tiếp... Về cơ bản, chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, từ các nhà quản lý, lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch tại các cơ sở kinh doanh du lịch và người dân địa phương.
Về công tác quản lý, bộ máy quản lý hoạt động DLCĐ ở Nghệ An đã bắt đầu hình thành ở một số huyện miền núi. Tiêu biểu là mô hình quản lý tại huyện Con Cuông, vận hành thông qua dự án “Xây dựng mô hình DLCĐ tuyến Bồng Khê - Yên Khê - Lục Dạ - Môn Sơn, huyện Con Cuông - tỉnh Nghệ An”. Các bản tham gia dự án đã thành lập được 4 nhóm nòng cốt tại 4 thôn/bản. Mỗi nhóm gồm 6 thành viên. Bộ máy đã thể hiện được những ưu điểm nổi bật: (1) Bộ máy được tổ chức khá chặt chẽ từ cấp huyện tới các thôn, bản các tổ tham gia. Toàn bộ hoạt động của các tổ tại các thôn, bản được sự chỉ đạo thống nhất từ trên xuống. Nhờ đó, hoạt động DLCĐ được kiểm soát khá chặt chẽ, đảm bảo sự phối hợp của các bên tham gia. (2) Ban quản lý chỉ liên lạc với các hộ gia đình đã hợp đồng khi yêu cầu tour. Các hộ gia đình chỉ cần chuẩn bị khi có đặt trước (3) Mô hình là cơ chế có tính kế tục, có lợi cho các hộ dân được chọn cung cấp dịch vụ ăn uống và homestay. Sau mô hình ở Con Cuông, tại các huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tương Dương, Anh Sơn... cũng đã thành lập Ban quản lý để điều hành các hoạt động DLCĐ. Tuy nhiên, mô hình này bộc lộ hạn chế. Người dân còn thụ động trong phát triển du lịch. Họ chưa chủ động tạo ra sản phẩm và tìm cách thu hút khách mà thụ động làm theo sự chỉ đạo của Ban quản lý. Một số hộ dân không có cơ hội đón khách du lịch, khó có được lợi ích từ du lịch. Vô hình chung, mô hình trở thành cơ chế sinh lợi cho một bộ phận người dân.
Về dịch vụ lưu trú, ăn uống, các sở lưu trú, ăn uống và nhà ở của người Thái ở các huyện miền Tây Nghệ An đã được đưa vào khai thác phục vụ du lịch, nhằm thỏa mãn nhu cầu tham quan và tìm hiểu của du khách. Dịch vụ ăn uống do các tổ ẩm thực tại các bản làng đảm nhận thực hiện, đã khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái. Phần lớn du khách cho biết họ bị hấp dẫn bởi các món ăn truyền thống nơi đây, từ nguyên liệu địa phương đến cách chế biến mang đậm hương vị truyền thống.
Về dịch vụ vận chuyển, khách du lịch thường di chuyển đến điểm DLCĐ bằng phương tiện riêng của các công ty du lịch, cho nên cần có bến bãi đậu xe thuận tiện, các phương tiện cho thuê các sở sửa chữa tại điểm du lịch. Tuy nhiên, điểm đậu xe cho xe du lịch chưa được quan tâm. Về phương tiện vận chuyển và cơ sở sửa chữa chưa đáp ứng nhu cầu du khách. Tại nhiều huyện có hồ thủy điện, sông suối với phong cảnh thiên nhiên đẹp, nhưng lại không có phương tiện thích hợp để du khách tham quan. Tại Con Cuông, bản Nưa, bản Xiềng, bản Yên Thành, bản Khe Rạn thuận tiện để khách kết hợp tham quan đập Phà Lài và sông Giăng hoặc khách du lịch cũng thường di chuyển bằng đường thủy trên sông Giăng vào tham quan 2 bản Cò Phạt và bản Búng của người Đan Lai trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Phương tiện được sử dụng để di chuyển, tham quan ở đây là những chiếc nốc (thuyền máy) được người dân địa phương đóng bằng gỗ, chạy xăng và sử dụng chân vịt, do đó, phát ra tiếng ồn to lại có mùi dầu rất khó chịu. Để vào tham quan bản Cò Phạt, bản Búng, khách phải trải qua khoảng 2 giờ di chuyển trong tiếng ồn. Vào mùa khô, nhiều đoạn trên sông Giăng mực nước không cao, nhiều ghềnh thác lại di chuyển ngược dòng, chân vịt va phải đá và bị gãy... Phương tiện vận chuyển thô sơ, không an toàn và trên các nốc cũng thường không có áo phao. Đây là một thực trạng cần sớm được cải thiện để không làm giảm sức hấp dẫn của điểm du lịch. Khách du lịch thường thích di chuyển bằng xe đạp, xe máy, để tận hưởng không khí trong lành kết hợp tham quan các điểm du lịch lân cận, nhưng ở Nghệ An mới chỉ có một vài điểm có dịch vụ này (Phà Lài, Hạnh Dịch...). Nếu họ di chuyển bằng phương tiện cá nhân, thì khó để tìm được một điểm sửa chữa trên quãng đường di chuyển khi cần.
Về nguồn khách DLCĐ, khách nội địa chiếm tỷ lệ rất thấp, chủ yếu là khách nội tỉnh một số đến từ Nội. Đối với nguồn khách quốc tế, khách Pháp chiếm số lượng cao nhất. Các bản Yên Thành, bản Xiềng, bản Khe Rạn (Con Cuông), Hoa Tiến (Quỳ Châu), bản Cọ Muồng (Quế Phong)... đi tiên phong trong việc thu hút khách. Tuy nhiên, số lượng khách du lịch đến với các bản làng chưa ổn định.
Nhìn chung, hoạt động DLCĐ tại các huyện miền Tây nói chung, các vùng đặc biệt khó khăn nói riêng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số huyện đang triển khai loại hình du lịch này chưa tương xứng với tiềm năng; Giao thông đi lại khó khăn; Cơ sở vật chất phục vụ cho DLCĐ tại các bản còn kém, chưa đồng bộ, nhà vệ sinh chưa đạt yêu cầu, hoặc bị hư hỏng mà không có điều kiện đầu tư sửa chữa (không có móc treo quần áo, không có giấy vệ sinh, không có xà bông tại khu vực rửa tay, mùi hôi thối...); Số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đưa đón khách đến với các điểm DLCĐ còn ít, mới chỉ khoảng 3-4 doanh nghiệp (Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VSC, Lâm Khang Tourist, Du lịch PhucGroup...); Nguồn khách DLCĐ chưa ổn định, nên doanh thu về du lịch chưa lớn, đóng góp chưa thực sự đáng kể vào nguồn thu nhập của cộng đồng. Lực lượng lao động tham gia làm DLCĐ còn thiếu và yếu về cả số lượng và chất lượng; Lợi ích kinh tế của người dân khi tham gia phục vụ khách du lịch chưa đảm bảo, nên chưa thực sự gây hiệu ứng tích cực trong cộng đồng; Một số phong tục tập quán đã được khai thác đưa vào phục vụ du khách, tuy nhiên, còn thiếu sự ủng hộ của người dân khi tham gia; Chưa có quy hoạch, quản cụ thể, chủ yếu hoạt động dưới dạng tự phát; Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chưa đảm bảo.
2. Một số giải pháp phát triển DLCĐ gắn với xây dựng nông thôn mới ở vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An

Đổi mới tư duy, quyết tâm của hệ thống chính trị và nâng cao nhận thức của chính quyền - doanh nghiệp - người dân về lợi ích của phát triển du lịch bền vững nói chung, phát triển DLCĐ nói riêng. Cần quan tâm đến các vấn đề sau:

  •  
Các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ để phát triển du lịch.
Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho các bên liên quan về lợi ích của phát triển du lịch ở địa phương chính là phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của chính họ. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến đến người dân và đảm bảo quyền lợi cho người dân (đặc biệt người dân ở nơi có dự án đầu tư du lịch) về lợi ích chung của việc đầu tư phát triển du lịch..., để người dân có trách nhiệm và tạo điều kiện thân thiện với các nhà đầu tư, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Thông qua những khoá đào tạo (bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, giao tiếp ứng xử và ngoại ngữ, những quy định chung về phòng cháy chữa cháy, kiểm tra khách du lịch và những quy định cụ thể đối với khách du lịch...), nhằm tạo điều kiện cho người dân nắm và thực hiện tốt các quy định của pháp luật. Thông qua đào tạo, vừa phát triển các ngành nghề, vừa giúp người dân cung cấp các dịch vụ du lịch, vừa tăng thêm thu nhập.
Cải thiện điều kiện vệ sinh và môi trường, hạn chế tác động của con người làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, sinh thái của vùng. Giáo dục ý thức cộng đồng giữ gìn vệ sinh môi trường. Đầu tư các điểm thu gom rác hợp vệ sinh; Lồng ghép các chương trình tham quan du lịch với nội dung bảo vệ môi trường: xử rác, nhà vệ sinh, nước sạch... Đặc biệt, ở một số bản hiện nay vẫn chưa có điện. Phát triển DLCĐ cần đưa mục tiêu cải thiện tình trạng này. Hợp tác công tư giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch: Tăng cường hợp tác công tư để tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch (giao thông, điểm dừng chân, bãi đỗ xe, nhà chờ...), xúc tiến quảng bá du lịch, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch; Kết nối doanh nghiệp - chuyên gia, xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp/dẫn dắt trong xây dựng sản phẩm ở địa phương; Cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành địa phương. Chính họ sẽ là cầu nối liên kết hiệu quả giữa địa phương với các tỉnh trong vùng, với cả nước và quốc tế để phát triển du lịch; Gắn kết giữa Doanh nghiệp du lịch với Chính quyền và Người dân, thông qua hội nghị, hội thảo, cung cấp thông tin đầy đủ tới các công ty du lịch bằng các phương tiện xúc tiến như tập gấp, báo, truyền thanh, truyền hình và các ấn phẩm gửi trực tiếp, các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, youtube...; Tổ chức các tour Farmtrip, mời các công ty lữ hành tham gia để giới thiệu, quảng bá, tranh thủ ý kiến của họ về sản phẩm và dịch vụ du lịch tại địa bàn…; Chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng thông qua các nguồn thu từ hoạt động du lịch và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Người dân có thể tham gia vào một số công việc như: hướng dẫn viên du lịch địa phương, nấu nướng, đón tiếp phục vụ nhu cầu ăn uống và lưu trú của khách du lịch, nhân viên bán đồ lưu niệm, biểu diễn văn nghệ, các loại hình nghệ thuật truyền thống, vận chuyển khách du lịch, khuân vác đồ đạc...
Du lịch bằng xuồng máy trên thượng nguồn sông Giăng tại đập Phà Lài (Con Cuông) (Ảnh sưu tầm)
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, hướng đến xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm ở vùng đặc biệt khó khăn.
Nghiên cứu, xây dựng mô hình Làng văn hóa du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Nghệ An. Tỉnh Nghệ An cần dành kinh phí để triển khai nghiên cứu và xây dựng mô hình trên thực tiễn, trên cơ sở kế thừa nghiên cứu lý luận ở trong và ngoài nước, thực tiễn triển khai ở Nghệ An, xây dựng Bộ tiêu chí làm cơ sở cho các địa phương tiến hành lựa chọn mô hình để tập trung đầu tư, xây dựng. Bộ tiêu chí đảm bảo phù hợp với Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới (Quyết định số 1541/QĐ/UBND, ban hành ngày 6/6/2022). Thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, đặc biệt thu hút đầu tư cho các dự án du lịch có quy mô, đồng bộ dịch vụ, nâng cao năng lực của các điểm đến, xây dựng thương hiệu DLCĐ cho Nghệ An. Quan tâm khai thác giá trị đặc thù về cảnh quan, môi trường, văn hóa, lịch sử ở khu vực nông thôn để tạo thành sản phẩm du lịch đặc sắc, có chiều sâu theo hướng sinh thái, gần gũi thiên nhiên, bảo
vệ môi trường - sức khỏe.
Tiếp tục hỗ trợ các nội dung liên quan đến công tác khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa, bảo tồn phát huy giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với du lịch nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn. Triển khai khôi phục các lễ hội truyền thống và các điệu hát dân gian, có thể tiến hành các hoạt động như: Thành lập những tổ/đội văn nghệ tập luyện, biểu diễn phục vụ khách du lịch, tăng thêm thu nhập cho người dân; Xem hoạt động biểu diễn văn hóa như là một cách sinh hoạt văn hóa để gìn giữ cho các thế hệ mai sau và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân./.
ThS. Nguyễ Thị Trang Nhung
Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Nghệ An

 

Nguồn tin: Bài đăng trên Đặc san KH&CN số 1.2024

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập468
  • Hôm nay39,223
  • Tháng hiện tại41,747
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây