Cà ngọt Khe Ngậu hay sự tiếp cận thị trường của một sản phẩm OCOP 3 sao

Thứ ba - 13/08/2024 22:51 0
Trong mấy năm gần đây, việc xây dựng các sản phẩm OCOP và xác định chất lượng để gắn sao cho các sản phẩm này đang được tỉnh Nghệ An quan tâm. Việc xây dựng thương hiệu các sản phẩm hàng hóa để phát triển mạng lưới thương mại và cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng là điều cần thiết. Thông qua việc đó cũng tạo điều kiện để các sản phẩm được quảng bá mạnh mẽ, sâu rộng hơn, giúp cho các nhà sản xuất tăng thu nhập và góp phần phát triển nền kinh tế là điều đáng làm. Đặc biệt, với những sản phẩm đặc sản của vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì càng có thêm nhiều giá trị khi phát triển sản phẩm OCOP để góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cứ được công nhận là OCOP và được gắn sao thì sẽ phát triển được, với các sản phẩm đặc sản địa phương lại càng có nhiều thách thức, nhất là trong giai đoạn đầu tiếp cận thị trường. Cà ngọt Khe Ngậu là một trường hợp cụ thể.
Khai thác thế mạnh nông nghiệp truyền thống
Nông nghiệp truyền thống hay nông nghiệp bản địa được hiểu nền nông nghiệp hình thành sớm phát triển qua các thế hệ dựa vào hệ thống tri thức dân gian hay tri thức bản địa của các cộng đồng. Các cộng đồng đều có một nền nông nghiệp truyền thống với những mức độ phát triển khác nhau. Điểm ưu việt của nông nghiệp truyền thống sự hài hòa với tự nhiên, gắn kết với môi trường, nhưng cũng thế lại bị phụ thuộc chặt chẽ vào tự nhiên, hay bị biến động và rủi ro bởi các yếu tố tự nhiên như thiên tai lụt, hạn hán... Nông nghiệp truyền thống cũng trở thành một yếu tố quan trọng trong văn hóa của các cộng đồng, nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa sinh hoạt sản xuất với sinh hoạt văn hóa. Và phần lớn các cộng đồng đều xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp truyền thống dựa vào điều kiện môi trường tự nhiên quanh mình sao cho phù hợp. Ở đó, trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt... sẽ là nhân tố chủ đạo tùy theo bối cảnh cụ thể. Nhưng về cơ bản, nông nghiệp truyền thống khá đa dạng và khác nhau giữa các khu vực, các cộng đồng trong bối cảnh môi trường tự nhiên khác nhau.

Nghệ An là địa phương có sự đa dạng về tự nhiên. Vùng biển kéo dài, vùng đồng bằng dù cắt xẻ nhưng cũng khá lớn, vùng trung du trải rộng và đặc biệt là vùng miền núi rộng lớn. Vùng miền núi Nghệ An cũng khá đa dạng, bao gồm cả khu vực thung lũng, miền núi thấp, miền núi vừa và miền núi cao. Các cộng đồng sinh sống trong các hệ sinh thái khác nhau nên cũng tạo ra những mô hình sinh kế đa dạng. Nhìn chung, các cộng đồng dân tộc vùng miền núi Nghệ An sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp truyền thống. Hầu hết các dân tộc sinh sống ở vùng miền núi đều có một nền trồng trọt phát triển sớm và phù hợp với điều kiện tự nhiên quanh họ. Qua nhiều thế hệ sinh sống, họ tích lũy được một kho tàng tri thức về các loại cây, con bản địa. Khi kinh tế thị trường phát triển mạnh thì kho tàng tri thức này trở thành một nguồn lực để các cộng đồng có thể phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đó là quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thị trường. Xã Xá Lượng là một địa phương thuộc huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An, là khu vực thuộc ngã ba thượng nguồn sông Lam, nơi hai dòng Nậm Nơn và Nậm Rộ hợp thành. Trong xã có người Thái, Khơ Mú, Mông và Kinh cùng sinh sống, trong đó Thái chiếm đa số. Người Thái ở Xá Lượng khác với một số nơi khác là không có nhiều ruộng nước, mà chủ yếu sống bằng nương rẫy và chăn nuôi. Không có diện tích lúa nước nên chủ yếu tập trung vào trồng lúa nương, một số cây hoa màu khác và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà, thả cá ao… Vậy nên nông nghiệp ở Xá Lượng khá đa dạng. Từ lâu đời, người dân ở đây đã canh tác đa canh và có nhiều loại cây khác nhau. Họ có một nền nông nghiệp truyền thống với những loại cây trồng bản địa rất phát triển. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, một số loại sản phẩm từ cây trồng bản địa đang được con nhân dân lựa chọn để sản xuất hàng hóa đặc sản để tham gia thị trường nhằm tăng thêm thu nhập. Xu hướng khai thác các giá trị nông nghiệp bản địa vào kinh tế thị trường cũng là một định hướng được địa phương quan tâm với mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống tộc người.

Một sự lựa chọn từ văn hóa

Cà ngọt Khe Ngậu là một sự lựa chọn từ văn hóa, cụ thể là từ nền nông nghiệp truyền thống của người Thái ở bản Khe Ngậu. Trong truyện kể dân gian của người Thái ở Khe Ngậu vẫn còn lưu truyền lại rằng ngày xưa ở vùng đất Khe Ngậu có một loài chim quý bay đến uống nước tại Khe Ngậu và để lại hạt một loại cây ở ven khe suối, sau này cây mọc và cho ra quả. Nhân dân bản Khe Ngậu đã lấy loại quả đó về ăn, thấy ngon, giòn, có thể ăn sống chấm chẻo, ruốc, hoặc nấu thành các món nhọc, xào, muối… và đặt tên cho loại quả đó là quả cà ngọt. Ăn cà ngọt thấy ngon và dễ trồng nên người dân ngày càng trồng nhiều hơn và dần trở thành một phần trong cơ cấu cây trồng nông nghiệp ở đây. Ngày nay, cà ngọt cũng trở thành một biểu tượng văn hóa nông nghiệp của người Thái ở bản Khe Ngậu. Đi đến các vùng xung quanh, khi nói đến món cà thì ai cũng biết đến cà Khe Ngậu.
Cà ngọt Khe ngậu (Ảnh sưu tầm)
Cà ngọt Khe Ngậu là giống cà bản địa, cây cà mọc nhiều cành và nhiều nhánh. Thân cà khá cao, tầm từ 1,5m đến 1,8m, có những cây cao gần 2m, chiều cao trung bình của ngang một người trưởng thành. Vòng lan tỏa của mỗi cây cà lên đến bán kính gần 1m. Người dân thường trồng cà ở vùng đất đồi ven khe suối hoặc ven đồi cao. Có những vườn cà trên gần đỉnh đồi, cao 300-400m, trên cả vườn chuối và mía. Cà cần nhiều ánh nắng nên không trồng xen với các cây khác được, cũng không có cây nào trồng dưới tán cả được vì nó rợp che hết ánh sáng. Giống cà này được người Thái ở Khe Ngậu trồng lâu đời, nhưng trước đây họ chủ yếu sử dụng trong gia đình nên không trồng nhiều, gần đây khi trở thành hàng hóa nông nghiệp thì diện tích mới được mở rộng. Hiện tại, bản Khe Ngậu có khoảng 10ha diện tích đất trồng cà ngọt. Một điều đặc biệt là loại cà này ngon nhất khi được trồng ở bản Khe Ngậu. Cũng loại giống cà này nhưng mang ra các bản khác, kể cả một số bản gần đấy trồng thì chất lượng lại kém hơn. Ở nhiều nơi còn không trồng được bởi nó không đơm hoa kết quả, hoặc quả thì cũng nhỏ ăn không ngon. Người dân cho rằng ngoài chất đất và khí hậu thì còn liên quan đến nguồn nước từ suối Khe Ngậu nên mới cho ra quả cà vừa giòn, vừa ngọt như vậy.
Trồng cà ngọt có quy trình chặt chẽ, gắn với hệ thống tri thức nông nghiệp cổ truyền của người Thái nơi đây. Theo hệ thống tri thức dân gian này thì trồng cà ngọt có 4 giai đoạn quan trọng. Thứ nhất là chọn giống diễn ra khi cà trên vườn trong giai đoạn chất tốt nhất để thu hoạch (tháng 8 đến tháng 10 dương lịch). Kinh nghiệm truyền lại cho thấy tốt nhất là lựa chọn giống tại địa phương, những quả cà già to (thường có màu vàng) tách vỏ để lấy hạt làm giống. Công việc chọn giống cà hầu như ai cũng biết nhưng những người giàu kinh nghiệm nhất sẽ thực hiện. Thứ hai là ươm giống (thường vào tháng 1 dương lịch). Sau khi tách vỏ cà giống để lấy hạt cà, tiến hành phơi nắng (thường phơi khoảng 3 nắng) để hạt cà khô. Chọn chỗ đất tốt nhất, giàu ánh sáng để ươm cà. Làm đất nhuyễn, sạch cỏ, tơi xốp, lên luống, sau đó vãi hạt cà trên luống đất, tưới nước (lưu ý: Nước tưới phun nhỏ, tránh trôi hạt cà ra khỏi luống đất). Sau khi vãi xong, dùng các loại cây (cây bớp bớp) hoặc lưới đen phủ lên trên luống đất và tưới nước hàng ngày. Sau khi gieo hạt cà giống được 3-4 ngày, hạt cà sẽ nảy mầm, lúc này sẽ đưa lá bớp bớp hoặc lưới đen ra khỏi luống đất ươm cà. Tiếp tục chăm sóc, tưới nước hàng ngày thêm 30-40 ngày thì có thể đưa cây cà đi trồng. Do đặc tính của vùng sản xuất và cây cà ngọt nên trong quá trình ươm giống không có sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vào quá trình sản xuất mà chỉ cần tưới nước và làm cỏ. Thứ ba là trồng cà (thường vào tháng 2 đến tháng 3 dương lịch). Làm nhuyễn đất trồng, làm sạch cỏ và đào hố kích thước 20cm x 20cm x 20cm; hố cách hố 1m phù hợp nhất. Rồi nhổ cây giống từ vườn ươm đi trồng vào hố. Sau khi trồng được 10-15 ngày thì tiến hành làm cỏ vun gốc tưới nước. Khoảng 3 tháng thì cây cà bắt đầu ra hoa, trong khoảng thời gian này tiến hành làm cỏ từ 8-10 lần (tùy thuộc vào vườn nhiều cỏ hay ít cỏ) và tưới nước. Thứ tư là thu hoạch (thường từ tháng 7 đến tháng 11). Sau khi cây cà ra hoa được 10 ngày là có quả cà nhỏ, tiếp tục chăm sóc thêm 7-10 ngày nữa là có thể thu hoạch quả cà. Thu hoạch trong thời gian 4 tháng liên tiếp, sau khi thu hoạch xong thì từ 5-6 ngày lại có thể thu hoạch lứa 2, lứa 3… Cây cà ra hoa và có quả liên tục gối nhau nên thu hoạch được nhiều lần. Quả cà sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế làm sạch đóng gói bao sản phẩm. Sau khi thu hoạch liên tục trong vòng 4 tháng thì tiến hành nhổ cây cà và tiếp tục chuẩn bị cho vụ cà mới. Cây cà được phơi khô thì tiến hành đem đốt để làm cho đất thêm tơi xốp, tạo phân bón cho vụ sản xuất tiếp theo.

Xây dựng sản phẩm OCOP

Bản Khe Ngậu là một bản nằm dọc suối Khe Ngậu đoạn chảy ra sông Lam. Từ đường quốc lộ số 7 chỉ cần đi qua cầu Khe Ngậu thì vào bản. Trung tâm cư trú của bản nằm về phía ngoài giáp cạnh sông Lam nhưng phần đất sản xuất lại chạy dài vào trong núi theo khe suối. Bản có 154 hộ gia đình sinh sống với 679 nhân khẩu gồm dân tộc Thái (hơn 70%), và Khơ Mú (gần 30%). Ngày trước, người dân ở đây có ruộng nước để canh tác. Nhưng càng ngày đất ruộng càng bạc màu nên người dân chuyển đổi qua trồng hoa màu, trồng sắn, chuối và chuyển thành ao nuôi cá. Một vài ruộng có điều kiện phù hợp thì chuyển thành vườn trồng cà. Khi ruộng nước không phát triển được thì cà ngọt trở thành một loại cây trồng có vai trò quan trọng ở nơi đây. Có hơn 60 hộ gia đình tham gia trồng cà ngọt, chiếm gần 40% số hộ gia đình trong bản.
Trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, xã Xá Lượng quan tâm nhiều đến việc phát triển nông nghiệp hàng hóa từ các loại cây con bản địa. Cà ngọt Khe Ngậu là một sản phẩm được nhiều người quan tâm. Chính quyền cũng xem đây là một thế mạnh để phát triển nông đặc sản cung cấp cho thị trường. vậy, nên việc đẩy mạnh sản xuất nhằm đưa cà ngọt Khe Ngậu thành một thương hiệu nông sản đặc trưng cho địa phương được chú trọng. Ban đầu chủ yếu một vài hộ trồng và đem bán ở chợ hay cho một số người trong bản và trong xã. Nhưng khi có nhiều khách mua thì người dân trồng nhiều hơn. Khi chính quyền xã có chủ trương phát triển cà ngọt thì người dân trồng nhiều hơn và tạo thành nhóm để phát triển trồng cà.
Để chuẩn bị cho việc phát triển nông nghiệp hàng hóa, chính quyền cùng người dân thành lập Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu theo quyết định của UBND xã vào cuối năm 2020. Sau đó, cà ngọt Khe Ngậu đạt được tiêu chuẩn Sản phẩm nông nghiệp tốt Việt Nam (VietGAP).
Từ cuối năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu không ngừng phát triển. Có 58 hộ gia đình trong bản tham gia vào Tổ hợp tác và sản lượng cà ngọt cung cấp cho thị trường lên đến gần 85 tấn, đưa về doanh thu hơn 840 triệu đồng, trừ các chi phí đầu tư thì lợi nhuận đạt hơn 700 triệu đồng. Cuối năm 2021, cà ngọt Khe Ngậu được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được mở rộng ra nhiều thị trường hơn.
Cà ngọt Khe Ngậu trở thành sản phẩm hàng hóa là niềm vui đối với người dân và chính quyền địa phương (Ảnh sưu tầm)

Gần hai năm qua, cà ngọt Khe Ngậu dần được nhiều người biết đến. Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng ra nhiều nơi hơn. Cà ngọt Khe Ngậu xuất hiện ở nhiều hội chợ nông nghiệp từ Tương Dương, thành phố Vinh đến các đô thị khác. Một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các địa phương, giới thiệu sản phẩm OCOP cũng đưa cà ngọt Khe Ngậu vào để quảng bá. Cùng với đó là chủ trương phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương, trong bản cũng xuất hiện điểm du lịch cộng đồng. Nhiều khách du lịch đã vào bản tham quan, trải nghiệm và thưởng thức món cà ngọt đặc sản của người dân nơi đây. Tuy nhiên, người dân chính quyền luôn nỗ lực quan tâm, cà ngọt Khe Ngậu vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi ra thị trường. Doanh thu ban đầu cao nhưng lại đang thiếu ổn định. Càng ngày, càng có nhiều vấn đề đặt ra cho sự phát triển của sản phẩm cà Khe Ngậu. Điều này cho thấy việc công nhận sản phẩm OCOP chỉ bước đầu tiếp cận thị trường chứ không phải là đích đến. Từ đó, để phát triển một cách có hiệu quả còn phải vượt qua rất nhiều thách thức.

Thách thức trong quá trình gia nhập thị trường

Thách thức đầu tiên phải nói đến là sự biến đổi khí hậu trong thời gian qua. Tương Dương đang trở thành huyện có khí hậu khắc nghiệt bậc nhất cả nước. Nơi đây ghi nhận được nhiệt độ cao nhất cũng như nhiệt độ rất thấp. Khi mùa nắng nóng, nhiệt độ quá cao, dẫn đến hạn hán, làm cho cây cà ngọt không phát triển được. Thường mùa nắng nóng cũng vào giai đoạn ban đầu thu hoạch cà nhưng do nhiệt độ quá cao nên lứa ban đầu có thể năng suất cao thì các lứa sau thì bị hư hỏng và năng suất thấp dần. Đến mùa đông lạnh giá thì nhiệt độ quá thấp, nhiều khu vực có tuyết rơi hay đóng băng, làm cho nhiều loại cây, con không sinh sống được. Đây cũng là giai đoạn cuối thu hoạch cà và chuẩn bị để ươm cà giống. Nhiều khi lạnh giá quá làm cho cà giống không mọc được nên thiếu giống. Rồi gần đây là những trận lũ lụt lớn gây ảnh hưởng đến những vườn cà gần suối. Bên cạnh tác động trực tiếp đến cây cà thì khí hậu khắc nghiệt cũng làm cho người dân phải gian lao vất vả hơn nhiều lần khi trồng, chăm bón và thu hoạch cà ngọt. Những đợt nắng nóng trên 400C mà người dân phải đi lên núi làm cỏ cho cây cà. Trung bình mỗi chu kỳ phải làm cỏ 8-10 lần, mà vườn cà chủ yếu ở đỉnh đồi, lưng đồi, là những chỗ không có tán cây để có nhiều ánh sáng. Hay việc trèo lên đỉnh núi để thu hoạch cà rồi gùi xuống hàng trăm mét đường dốc thẳng lên thì cũng vô cùng vất vả. Sự biến đổi khí hậu đang đe dọa năng suất, chất lượng và giá cả của cà ngọt Khe Ngậu. Nhiều gia đình đã bỏ vườn cà vì không đủ sức chăm bón và thu hoạch. Nhiều khi bỏ ra nhiều công sức mà không thu lại kết quả hoặc kết quả thấp do thiên tai, khí hậu tàn phá khiến nhiều người chán nản.
Trên phương diện văn hóa xã hội, sản phẩm cà ngọt Khe Ngậu cũng kén chọn đối tượng khách hàng. Không phải ai cũng thích và ăn được cà ngọt cho dù nó giòn và ngon như nhiều người đánh giá. Bởi đơn giản, cà ngọt là một sản phẩm địa phương, gắn với văn hóa địa phương và cách thức sử dụng cũng gắn với các sản phẩm khác liên quan. Nó một phần trong ẩm thực truyền thống của người Thái nơi đây. Cà ngọt cũng phải ăn cùng một số loại gia vị khác, chủ yếu các loại nước chấm truyền thống của người Thái, gần đây thì họ còn đem chấm với ruốc, mắm… Điều này cũng tạo nên những sự kén chọn trong đối tượng sử dụng. Chính vì vậy mà việc mở rộng thị trường gặp nhiều khó khăn. Chủ yếu vẫn dành cho người dân trong vùng và các vùng ven cạnh, còn các đối tượng khác chủ yếu là du khách nơi khác đến sử dụng tại chỗ. Trong thời gian qua, một số người đã bán hàng qua mạng lưới xã hội và bán được một số lượng kha khá đến các khách hàng ở những nơi khác, nhưng những trường hợp này còn hạn chế, hầu như người ta thưởng thức một lần cho biết chứ không lấy hàng thường xuyên. Nói tóm lại, chỉ những người thích vị ngọt của cà và các gia vị để ăn cùng thì mới thích thưởng thức cà ngọt, còn nhiều người không quen sử dụng các gia vị này thì lại khó khăn hơn trong việc tiếp nhận.
Một trong những hạn chế quan trọng của sản phẩm cà ngọt Khe Ngậu là khó để đa dạng hóa các sản phẩm khác nhau. Hiện tại, cà ngọt Khe Ngậu chủ yếu ăn sống với các thức chấm và rau kèm theo, muối ăn xổi, đặc biệt là làm món nhọc (lấy cà luộc lên, nấu với da lợn, da bò hoặc ếch nhái, thêm các gia vị vào tạo thành một loại canh) là đặc sản của người Thái nơi đây. Nhưng các món này hầu hết sử dụng tại địa phương. Trong Tổ hợp tác sản xuất và chế biến cà ngọt Khe Ngậu đã nhiều lần suy nghĩ, trao đổi và tìm cách để sản xuất một số sản phẩm để có thể đóng hộp đi bán rộng rãi nhưng đều thất bại. Ngay cả việc muối cà mặn để được lâu như món cà pháo của người Kinh mà cũng không làm được. Nhiều lần đem cà ngọt ra muối nhưng chỉ ăn xổi thì ngon, còn sau một thời gian sẽ bị hỏng, mất hết mùi vị và bị úng. Ngoài việc phục vụ ăn uống tại chỗ và bán cà quả sau thu hoạch cho du khách thì cũng không thể sản xuất ra được các mặt hàng khác đi kèm hay liên quan để phục vụ các nhu cầu khác của khách hàng. Việc không thể đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa cũng làm cho cà ngọt Khe Ngậu gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường xa. Hiện tại, cà ngọt Khe Ngậu vẫn chưa vào được các siêu thị dù Tổ hợp tác đã nhiều lần đi giới thiệu nhưng do không thể để lâu và kén chọn khách hàng nên các siêu thị từ chối.
Tóm lại, cà ngọt Khe Ngậu là một sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận hơn hai năm qua, cũng là một nông sản được lựa chọn từ văn hóa truyền thống, kết quả của nông nghiệp truyền thống của người Thái ở Khe Ngậu. Cà ngọt trở thành sản phẩm hàng hóa là một niềm vui đối với người dân và chính quyền địa phương khi nó mang lại thu nhập cho người dân để góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhưng để đi vào thị trường một cách chủ động, những người liên quan cần phải vượt qua nhiều thách thức, khó khăn. Đó là những khó khăn khách quan đến từ biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai lũ lụt và những thách thức đến từ chủ quan như là sự kén chọn đối tượng tiêu thụ của sản phẩm, khó đa dạng các sản phẩm hàng hóa từ cà ngọt… Và một thách thức khác trong việc khó tiếp cận thị trường là do người dân chưa làm chủ thông tin, chưa chủ động trong tiếp cận thị trường, hầu hết vẫn lệ thuộc vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương hay sự giúp đỡ của các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm khách hàng. Vậy nên, để phát triển hơn, người dân cần có sự chủ động trong việc tham gia thị trường, nắm bắt thông tin và cơ hội để đưa cà ngọt Khe Ngậu ra rộng rãi hơn. Có như vậy thì cà ngọt mới trở thành một sinh kế cho người dân đúng nghĩa./.
Lệ Cơ

Nguồn tin: Bài đăng trên Đặc san KH&CN số 2.2024

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập372
  • Hôm nay38,379
  • Tháng hiện tại38,379
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây