Tiếp cận vốn văn hóa trong phát triển sinh kế cho phụ nữ người dân tộc thiểu số

Thứ hai - 26/08/2024 22:46 0
Phụ nữ là lực lượng quan trọng tham gia vào các hoạt động kinh tế, nhất là kinh tế thị trường ở các địa phương. Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống, người phụ nữ còn giữ vai trò quan trọng trong việc phát huy các giá trị di sản văn hóa vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho gia đình. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc nghiên cứu sinh kế của người phụ nữ không dành những sự quan tâm đúng mức đối với vai trò của phụ nữ trong phát huy giá trị văn hóa vào phát triển kinh tế. Mặt khác, những nghiên cứu về vốn văn hóa trong phát triển sinh kế ở Việt Nam lâu nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa giành được nhiều sự quan tâm của các học giả. Trên thực tế, vốn văn hóa từ lâu đã trở thành một nguồn lực quan trọng, được nhiều cộng đồng vận dụng vào quá trình phát triển kinh tế, trong đó phải ghi nhận đóng góp của những người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Nhiều người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số bằng nhiều cách thức khác nhau đã vận dụng vốn văn hóa vào quá trình phát triển kinh tế của gia đình mình để tăng thêm thu nhập. Và nhiều mô hình, nhiều loại hình phát triển cộng đồng từ vốn văn hóa đã được xây dựng và phát triển gắn với vai trò của người phụ nữ.
(Ảnh sưu tầm)
 
Tiếp cận vốn và vốn văn hóa trong nghiên cứu sinh kế
Trong nhiều năm qua, nghiên cứu sinh kế là một góc độ tiếp cận quan trọng trong nhân học, đặc biệt là trong lĩnh vực nhân học phát triển. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, các tiếp cận về sinh kế thường gắn với các nghiên cứu về xóa đói giảm nghèo, vì vậy mà lại càng có thêm nhiều lý do để đặt nặng các nghiên cứu về sinh kế. Bởi xóa đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng, là chương trình trọng điểm quốc gia trong nhiều năm qua. Như Nguyễn Văn Sửu (2014: 17) tổng kết: “Trong nghiên cứu về phát triển nông thôn và giảm nghèo, vấn đề sinh kế và sinh kế bền vững đã trở thành mục tiêu phân tích ở cả cấp độ vĩ mô và vi mô, có thể được khái quát thành ba hướng tiếp cận chính, đó là các tiếp cận đồng đại, các tiếp cận lịch đại và những tiếp cận hướng tới tương lai. Trong đó, khung sinh kế bền vững được coi là một cách tiếp cận toàn diện về các vấn đề phát triển thông qua việc nhấn mạnh đến phân tích và thảo luận về sinh kế của con người trong các bối cảnh khác nhau”. Điều này cho thấy, nghiên cứu sinh kế không chỉ được các nhà khoa học quan tâm mà còn được các nhà quản lý, các nhà thực hành phát triển chú ý.
Trong nghiên cứu sinh kế, tiếp cận về vốn là vấn đề quan trọng được nhiều nhà khoa học chú trọng. Nhưng trong tiếp cận về vốn cũng thể hiện nhiều phương diện khác nhau từ cách thức tiếp cận đến diễn ngôn trình bày đều đa dạng và phong phú. Trong hệ thống sinh kế của các cộng đồng, các hộ gia đình hay các cá nhân thì vốn là một yếu tố quan trọng. Tiếp cận về vốn là tiếp cận về một nhân tố đầu vào quan trọng trong việc phát triển sinh kế, và vốn cũng cần được tái đầu tư, tái sản xuất nên cũng là một nhân tố đầu ra cần thiết trong quá trình phát triển. Trong các cách tiếp cận về vốn thì các nhà nghiên cứu chủ yếu xem xét vai trò của các nguồn vốn trong các hoạt động sinh kế cụ thể. Ban đầu, nhiều người vẫn đi theo quan niệm về vốn mang tính cổ điển với sự tập trung vào nguồn vốn tài chính hoặc hoặc vốn vật chất như nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị sản xuất… Nhưng càng về sau, khái niệm về vốn không ngừng được mở rộng nên các cách tiếp cận về vốn cũng được thay đổi nhiều hơn.
Trong khoảng hai thập niên gần đây, tiếp cận vốn trong phát triển sinh kế và xóa đói giảm nghèo càng được quan tâm nhiều hơn. Trong đó, tiếp cận vốn xã hội được nhiều người quan tâm và vận dụng. Hàng loạt các tiếp cận vốn xã hội trong phát triển sinh kế ở các cộng đồng khác nhau đã được các nhà nghiên cứu thực hiện và cuộc thảo luận về vai trò của vốn xã hội trong phát triển sinh kế càng trở nên nhộn nhịp hơn. Nhìn chung, có hai hướng nghiên cứu chính trong vấn đề này. Thứ nhất là vận dụng khái niệm vốn xã hội vào các nghiên cứu trường hợp cụ thể. Và thứ hai là từ các phân tích cụ thể đưa ra các mô hình để phát triển sinh kế từ việc phát triển nguồn vốn xã hội. Cả hai hướng nghiên cứu này, nhìn chung đều phát triển từ việc nghiên cứu, thảo luận về khái niệm vốn xã hội vốn đã được quan tâm trong vài thập niên qua (Nguyễn Tuấn Anh 2011, 2013; Nguyễn Vũ Quỳnh Anh 2013;…).
Nghiên cứu về các loại vốn trong phát triển sinh kế và xóa đói giảm nghèo quan trọng nhất và được quan tâm nhiều nhất trong nhiều năm qua chính là tiếp cận sinh kế bền vững với khung sinh kế bền vững do Bộ Phát triển Vương quốc Anh đưa ra. Nhìn chung, khái niệm sinh kế bền vững (Sustainable livelihood) bắt nguồn từ những nghiên cứu trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo ở các nước, các vùng kém phát triển. Qua phân tích nhiều mô hình sinh kế, các nhà nghiên cứu đưa ra thảo luận nhằm tìm ra một khung sinh kế bền vững. Sau đó, Bộ Phát triển Quốc tế Anh (Department for Internatinal Development - DFID) đã tổng hợp và đưa ra khung sinh kế bền vững vào cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Khung sinh kế của DFID đã được các nhà nghiên cứu trong tổ chức này mở rộng, phát triển và dần phổ biến rộng rãi trong giới nhân học (Nguyễn Văn Sửu 2015: 16). Nội dung chủ đạo của khung sinh kế bền vững là “lấy con người và sinh kế của họ làm trung tâm để phân tích, nghĩa là đặt con người ở trung tâm của sự phát triển” (Nguyễn Văn Sửu 2015: tr 17). Khung sinh kế này đã đề cập đến các thành tố hợp thành sinh kế của con người, từ các ưu tiên và chiến lược họ lựa chọn để thực hiện các ưu tiên của mình; các chính sách ảnh hưởng đến cách tiếp cận của họ, khả năng sử dụng các loại vốn và môi trường sống quanh họ. Trong phân tích khung sinh kế bền vững, các nhà nghiên cứu đã tập trung vào các loại vốn, trong đó chủ yếu là 5 loại vốn, gồm có: vốn vật chất (cơ sở hạ tầng, hàng hóa...), vốn tài chính (nguồn lực tài chính để sử dụng), vốn xã hội (quan hệ xã hội, mạng lưới, niềm tin, nhóm thành viên...) vốn con người (tri thức, kỹ năng làm việc, sức khỏe...) và vốn tự nhiên (đất đai, rừng, nước, nguyên liệu...). Hiện nay, những nghiên cứu về sinh kế bền vững ở Việt Nam đang tập trung vào việc tranh luận về các loại vốn này và vai trò của các loại vốn (Nguyễn Văn Sửu, 2015). Một vấn đề quan trọng mà khung sinh kế bền vững trên chưa nhấn mạnh hay chưa đề cập đúng vai trò của nó là vốn văn hóa. Đối với các cộng đồng, vốn văn hóa giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển. Nếu phân tích sinh kế của một cộng đồng mà bỏ qua hay coi trọng chưa đúng mức vốn văn hóa thì sẽ là một thiếu sót khó chấp nhận được. Vậy nên trong phân tích khung sinh kế, cần phải phân tích vai trò của 6 loại vốn của cộng đồng mới có cái nhìn toàn diện hơn và sâu sắc hơn (Bùi Hào, 2020).

Vốn văn hóa giữ vai trò quan trọng trong phát triển sinh kế (Ảnh sưu tầm)

Mặt khác, các nhà nhân học lại quan tâm đến vốn văn hóa trong phát triển sinh kế và không ngừng thảo luận các quan điểm cũng như các cách tiếp cận vốn văn hóa trong quá trình phát triển. Như Nguyễn Văn Chính lập luận:
 
 “Nhân học coi văn hóa là nguồn lực nội sinh không bao giờ cạn kiệt. Khi nói đưa vốn văn hóa vào phát triển kinh tế - xã hội cũng có nghĩa là chúng ta chấp nhận hoặc sử dụng các thành tố văn hóa của một văn hóa nào đó, hoặc sử dụng các ý tưởng, các biểu tượng, các khía cạnh văn hóa vật thể và phi vật thể khác nhau của văn hóa ấy. Các nhà nhân học gọi quá trình này là tiếp cận phù hợp văn hóa. Phù hợp ở đây không có ngụ ý chỉ tập trung vào những yếu tố văn hóa có tính “cổ truyền” mà đặt văn hóa vào trong một bối cảnh rộng hơn để hiểu được những năng động và đa dạng của văn hóa, đảm bảo không áp đặt, phát huy được khả năng thúc đẩy hợp tác và huy động các nguồn lực cho phát triển” (Nguyễn Văn Chính 2020: 11). Nói cách khác, các nhà nhân học là những người đã dành nhiều sự quan tâm đến phương pháp tiếp cận vốn văn hóa trong nghiên cứu sinh kế.
Bên cạnh những thảo luận về khái niệm và khung phân tích thì một số người cũng đã quan tâm đến việc vận dụng tiếp cận vốn văn hóa vào các trường hợp nghiên cứu cụ thể. Trước hết phải kể đến các nghiên cứu về vốn văn hóa của Bùi Minh Hào đối với cộng đồng người Dao ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Trong các nghiên cứu của mình, Bùi Minh Hào đã đi sâu phân tích khái niệm vốn văn hóa và đưa ra khung phân tích riêng cho mình. Sau đó, tác giả này cũng vận dụng các tiếp cận vốn văn hóa vào nghiên cứu các mô hình sinh kế cụ thể của người Dao như hoạt động du lịch cộng đồng, hoạt động sản xuất và buôn bán thảo quả… Qua những phân tích của mình, Bùi Minh Hào cũng nhấn mạnh rằng vốn văn hóa là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế. Và cộng đồng người Dao ở Sa Pa là một trong những cộng đồng đã tiến hành vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế thị trường một cách có hiệu quả. Tác giả này cũng cho rằng chính sự đặc trưng của vốn văn hóa đã ảnh hưởng quan trọng đến con đường gia nhập kinh tế thị trường của các cộng đồng khác nhau (Bùi Minh Hào 2016; 2020; 2021).
Tóm lại, tiếp cận vốn và vốn văn hóa trong nghiên cứu sinh kế là một cách tiếp cận quan trọng đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, ở các góc độ khác nhau, các mục tiêu khác nhau thì các cách thức tiếp cận của các nhà nghiên cứu cũng có những sắc thái khác nhau. Vậy nên, trong nghiên cứu về sinh
 

Phụ nữ người Dao ở Sa Pa phát huy giá trị dược liệu bản địa (ảnh sưu tầm)

kế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, việc tiếp cận vốn văn hóa là vô cùng quan trọng. Và quan trọng hơn là phải lựa chọn được cách thức phù hợp với mục tiêu cụ thể của đề tài và đối tượng nghiên cứu.
Tiếp cận vốn văn hóa trong phát triển sinh kế cho người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số
Lâu nay, như một lối mòn trong tiếp cận vốn, khi đề cập đến đầu tư phát triển các nguồn vốn để phát triển sinh kế cho phụ nữ, người ta thường quan tâm đến vốn tài chính và vốn vật chất. Và các biện pháp mà các nghiên cứu này đặt ra là tìm các cách thức để giúp người phụ nữ tiếp cận các nguồn lực tài chính hay vật chất để phát triển sinh kế. Điều đó cũng có những lý lẽ riêng khi mà người phụ nữ ít khi được thừa hưởng các nguồn lực như tài chính hay vật chất từ cha mẹ. Khi họ đi lấy chồng có một phần của hồi môn nhưng không đáng kể, còn các quyền kế thừa những tài sản quan trọng như nhà cửa, đất đai, trâu bò… thì phụ nữ có rất ít. Vậy nên nhiều người xem đây là một trong những nguyên nhân làm cho phụ nữ thiếu hụt nguồn lực phát triển và để họ phát triển tốt thì cần phải đầu tư, hỗ trợ họ tiếp cận các nguồn lực như tài chính, vật chất và cả nguồn vốn xã hội.
Gần đây, trong một nghiên cứu mới xuất bản, Bùi Minh Hào (2021) lại lập luận khác. Tác giả này cho rằng nếu như đàn ông ở các cộng đồng theo chế độ phụ hệ được thừa hưởng nhiều của cải, tài sản từ cha mẹ truyền lại, thì những người phụ nữ lại được thừa hưởng nhiều tài sản văn hóa truyền thống: từ tri thức về trồng trọt, dệt may, thêu thùa đến các dân ca, dân vũ, kỹ năng quản trị gia đình... Đây là những nguồn vốn văn hóa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế. Chỉ là trong xã hội truyền thống, do nền kinh tế tự cung tự cấp nên các nguồn vốn này khó tham gia vào phát triển kinh tế để tăng thu nhập cho họ được. Khi kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, người phụ nữ đã vận dụng vốn văn hóa của mình vào phát triển kinh tế và thu được nhiều lợi ích. Sự phát triển kinh tế từ vốn văn hóa cũng làm cho vị thế của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội cũng tăng lên và tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng giới. Qua nghiên cứu trường hợp người Dao ở Sa Pa, Bùi Minh Hào đã chứng minh những lập luận đó. Và cách tiếp cận đó cũng gợi mở ra nhiều vấn đề cần quan tâm về vốn văn hóa trong phát triển sinh kế cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số.
Trước hết, cần phải nhấn mạnh rằng, dù vận dụng tiếp cận vốn văn hóa trong phát triển sinh kế của người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số cho đến nay chưa được thực hiện nhiều, nhưng việc người dân vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình mình thì đã xuất hiện từ lâu và được nhiều người phụ nữ thực hành. Nói vậy để thấy rõ hơn rằng việc các nhà khoa học nhận thức, nghiên cứu và thực tiễn cuộc sống luôn có những khoảng cách như vậy. Mặt khác, dù các nghiên cứu trước đây không diễn ngôn một cách cụ thể về vốn văn hóa và vận dụng vốn văn hóa vào phát triển sinh kế của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, nhưng có không ít các nhà nghiên cứu đã đề cập đến sự ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa đến hoạt động sinh kế của người phụ nữ. Vậy nên cũng có thể coi đó là những sự quan tâm dành cho vốn văn hóa ở phương diện khác hay diễn ngôn khác. Như Michaud (2010) đã giải thích các hoạt động sinh kế của phụ nữ người Hmông ở vùng núi Tây Bắc từ bản sắc văn hóa của người Hmông chẳng hạn.
Phụ nữ Dao Đỏ giữ gìn nghề thêu trang phục truyền thống (ảnh sưu tầm)

Thứ hai, tiếp cận vốn văn hóa có thể giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về thế mạnh của người phụ nữ trong quá trình phát triển, nhất là trong nền kinh tế thị trường. Sự mở rộng khái niệm vốn văn hóa hay xem văn hóa là một nguồn vốn giúp chúng ta nhìn rõ hơn về thực trạng, tiềm năng cũng như khả năng khai thác, vận dụng nguồn lực này vào quá trình phát triển. Cách tiếp cận như vậy giúp cho không chỉ việc nhận thức vấn đề mà còn gợi mở ra nhiều con đường cho việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với nâng cao vị thế người phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Tiếp cận vốn văn hóa cũng cho chúng ta thấy được sự năng động của người phụ nữ vùng dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế thị trường. Ở đó, họ không chỉ là thành trì gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống mà còn chủ động trong việc vận dụng các yếu tố văn hóa vào phát triển kinh tế một cách phù hợp.
Và cuối cùng, tiếp cận vốn văn hóa còn gợi mở ra nhiều phương hướng trong việc phát triển bền vững sinh kế của phụ nữ nói riêng cũng như phát triển bền vững địa phương, vùng miền, cộng đồng nói chung. Vốn văn hóa hình thành và phát triển dựa trên sự hài hòa giữa các nhân tố trong thời gian dài nên nó có đặc tính bền vững. Phát triển sinh kế dựa vào vốn văn hóa là con đường phát triển cần thiết trong bối cảnh các nguồn lực tự nhiên vốn hữu hạn đang ngày càng cạn kiệt. Phát triển sinh kế từ vốn văn hóa cũng phát huy được thế mạnh của người phụ nữ, qua đó giúp họ có vị thế cao hơn nên đảm bảo được sự bình đẳng hơn về mặt xã hội và kinh tế, qua đó góp phần đảm bảo sự bền vững xã hội. Không những vậy, phát triển từ vốn văn hóa cũng làm giảm sức ép lên các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng cường việc bảo vệ môi trường. Nhưng quan trọng nhất vẫn là phải vận dụng thế nào cho phù hợp và hiệu quả.
Trong phát triển sinh kế cho phụ nữ vùng dân tộc thiểu số thì tiếp cận vốn văn hóa có vai trò quan trọng. Những người phụ nữ đã và đang vận dụng vốn văn hóa của mình vào để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình mình. Vậy nên, tiếp cận vốn văn hóa đối với sinh kế của người phụ nữ giúp cho chúng ta nhận thức rõ hơn vai trò, vị thế và sự năng động của người phụ nữ cùng dân tộc thiểu số trong việc vận dụng vốn văn hóa vào phát triển kinh tế, qua đó cũng gởi mở ra nhiều con đường về hoạch định chính sách để phát triển kinh tế từ vốn văn hóa hay thực hiện các chính sách bình đẳng giới từ việc phát triển kinh tế dựa trên nền tảng vốn văn hóa./.
TS. Hồ Thị Hiền, Nguyễn Thị Diệu Linh, Lê Thị Yến Nhi
Trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Tài liệu tham khảo:

1.Trần Thị An (2017): Mối quan hệ giữa vốn văn hóa và vốn xã hội trong bối cảnh chuyển đổi ở Việt Nam cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Tạp chí Thông tin Khoa học Xã hội, số tháng 11.
2. Nguyễn Tuấn Anh (2011): Vốn xã hội và sự cần thiết nghiên cứu vốn xã hội ở nông thôn Việt Nam hiện nay. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Đóng góp của Khoa học xã hội và Nhân văn trong phát triển kinh tế - xã hội”. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Université De Nantes, Université Angers, Université du Maine, Hà Nội, ngày 8-9 tháng 4/2011.
3. Nguyễn Tuấn Anh (2013): Vốn xã hội và kinh tế hộ gia đình qua hoạt động của các nhóm tín dụng phi chính thức ở nông thôn Bắc Trung Bộ. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 3, Tr. 20-32.
4. Nguyễn Vũ Quỳnh Anh (2013): Vốn xã hội - Một nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế nông thôn. Tạp chí Nghiên cứu con người, số 1 (64), Tr. 38-48. Bourdieu, P. (1986): The Forms of Capital. In Richardson, J. G. (ed.) “Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education”. New
York: Greenwood Press, pp. 241-258.
5. Đinh Thị Vân Chi (2021): Khái luận về “Vốn văn hóa”. Tạp chí Nghiên cứu văn hóa, số 37. Trang 85-92.
6. Nguyễn Văn Chính (2021): Nguồn lực văn hoá và phát triển cộng đồng: một tiếp cận nhân học. Tạp chí Dân tộc học, số 5 (227), 2021. Trang 3-16.
7. Trần Hữu Dũng (2002): Vốn văn hóa. Tạp chí Tia Sáng, số 1. Bản online trên http://www.viet- studies.info/THDung/VonVanHoa.htm.
8. Fukuyama, Francis (2001): Social capital, civil ociety and development. Third World Quar- terly, Vol. 22, No.1, pp 7-20.
9. Goldthorpe, J. H. (2007): Cultural Capital”: Some Critical Observations. Acta Sociologica 50, 3, 211-229.
10. Trần Hồng Hạnh (2002): Tri thức địa phương trong sử dụng thuốc nam của người Dao Đỏ (xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Tạp chí Dân tộc học, số 5, tr.23-30.
11. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2016): Sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển du lịch miền núi: Nghiên cứu điển hình tại Sa Pa, Lào Cai, Luận án Tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân.
12. Trần Văn Hải (2012): Khai thác thương mại đối với tri thức truyền thống: tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ. Tạp chí Hoạt động khoa học, số 2, 2012.
13. Bùi Hào (2020): Nghiên cứu sinh kế của người dân tộc thiểu số ở miền núi trong bối cảnh hiện đại. Tạp chí Khoa học & Công nghệ Nghệ An, số 5.
14. Bùi Minh Hào (2016): Khái niệm “Vốn văn hóa” của Pierre Buordieu. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 319, tháng 6/2016.
15. Bùi Minh Hào (2020): Vốn văn hóa trong phát triển thị trường thảo quả của người Dao ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc, số 4, tr.133-139.
16. Bùi Minh Hào (2021): Vốn văn hóa trong phát triển du lịch cộng đồng (nghiên cứu trường hợp người Dao ở xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai). Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, số 1 (193), tr.22-34.
17. Bui Minh Hao (2021a), “Market Econimy, Cultural Ca- pital and Gender Issues in the Dao Community in Northwest Vietnam”, Journal of Business and Economics, ISSN 2155- 7950, USA March 2021, Volume 12, No. 5, pp. 558-568
18. Trần Đình Hượu (1996): Một số mặt của vốn văn hóa truyền thống. In trong “Đến hiện đại từ truyền thống”. Nxb Văn hóa, Hà Nội.
19. Jean Michaud (2010): Nghiên cứu về kinh tế và bản sắc của người Hmông ở Việt Nam. In trong “Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học”. Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr.42-70.
Putnam, Robert D. (1993): The Prosperous Community. The American Prospect 4(13), pp 35-42.
20. Putnam, Robert D. (2000): Bowling Alone: The Collapse and Revival of American Community. New York: Simon and Schuster.
21. Putnam, Robert D. (2001): Social Capital: Measurement and Consequences. Isuma: Canadian Journal of Policy Research 2(Spring 2001).
22. Sarah Turner, Jean Michaud (2016): Sinh kế nơi biên cương: sự thích ứng của người Hmông ở vùng biên giới Việt - Trung. In trong “Nhân học ở Việt Nam: một số vấn đề lịch sử, nghiên cứu và đào tạo”. Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.315-334.
23. Bùi Hoài Sơn (2008): Vốn văn hóa. In trong “30 thuật ngữ nghiên cứu văn hóa”. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.519- 528.
24. Nguyễn Văn Sửu (2014): Công nghiệp hóa, đô thị hóa và biến đổi sinh kế ở ven đô Hà Nội. Nxb Tri thức, Hà Nội.
25. Nguyễn Văn Sửu (2015): Khung sinh kế bền vững: một cách phân tích toàn diện về phát triển và giảm nghèo. In trong “Nhân học phát triển: lịch sử, lý thuyết và công cụ thực hành”. Nxb Tri thức, Hà Nội, trang 15-33.
 

Nguồn tin: Bài đăng trên Đặc san KH&CN số 2.2024

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập432
  • Hôm nay38,465
  • Tháng hiện tại38,465
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây