Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học của lá và hoa cây Trà hoa vàng Camellia sp.

Thứ năm - 23/09/2021 22:09 0

Nghiên cứu các hợp chất có nguồn gốc thiên nhiên có hoạt tính sinh học cao để ứng dụng trong y học, nông nghiệp và các mục đích khác trong đời sống con người là một trong những nhiệm vụ quan trọng đã, đang và sẽ được các nhà khoa học trong và ngoài nước hết sức quan tâm.

Chi Chè (Camellia) thuộc họ Chè (Theaceae) từ lâu đã rất thân thuộc với người dân của nhiều nước trên thế giới do có nhiều tác dụng chữa bệnh và được dùng phổ biến để làm đồ uống, thực phẩm chức năng. Đã có rất nhiều nghiên cứu cả ở trong nước và trên thế giới về chi Camellia, kết quả cho thấy phần lớn các loài trong chi này chứa các thành phần chủ yếu là flavonoid, triterpenoid và một số hợp chất polyphenolic khác; có nhiều hoạt tính quý giá, trong đó đáng chú ý là hoạt tính chống oxi hóa và hoạt tính gây độc tế bào. Các kết quả nghiên cứu hiện đại đã chứng tỏ việc sử dụng các loài Camellia trong các bài thuốc dân gian là có cơ sở khoa học. Trong chi Camellia, Trà hoa vàng được coi là loại quý hiếm. Trên thế giới có khoảng trên 40 loài, phân bố chủ yếu ở miền Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Mặc dù các nghiên cứu về chi Camellia có từ rất sớm và đã có rất nhiều công bố về chi này nhưng riêng đối với Trà hoa vàng, cho đến nay chưa có nhiều nghiên cứu, cả về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học. Đa phần các nghiên cứu về Trà hoa vàng mới chỉ tập trung vào các đặc tính thực vật và làm cảnh của chúng. Các nghiên cứu về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của Trà hoa vàng mới bắt đầu có từ năm 2011 trở lại đây, chủ yếu của các tác giả Trung Quốc. Trà hoa vàng được gọi là “Siêu trà Camellia” và các sản phẩm thực phẩm chức năng từ loài này được xem là các sản phẩm có giá trị cao có lợi cho sức khỏe..

Trong thời gian gần đây, việc các thương lái Trung Quốc tận thu Trà hoa vàng Việt Nam đã diễn ra khá phổ biến, khiến cho loài dược liệu quý này có nguy cơ bị tuyệt chủng. Do chưa nhận thức được giá trị của loại cây này, người dân đã lên rừng thu hái hoa, thậm chí chặt hạ cành, đào nhổ cây bán cho thương lái Trung Quốc khiến việc tàn phá loại cây này diễn ra ở mức độ báo động. Do đó, việc nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của Trà hoa vàng để từ đó góp phần định hướng khai thác một cách có hiệu quả nguồn dược liệu quý này ở Việt Nam nhằm phát triển thành các sản phẩm có giá trị chăm sóc sức khỏe cộng đồng là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Xuất phát từ lý do này, nhóm nghiên cứu Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do TS. Nguyễn Thị Hồng Vân đứng đầu đã đề xuất thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng sinh học của lá và hoa cây Trà hoa vàng Camellia sp.”.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, (từ tháng 06/2016 đến tháng 12/2018), Đề tài đã hoàn thành được mục tiêu đề ra, với những nội dung công việc và kết quả cụ thể như sau:

1. Đã lập hồ sơ thực vật về nguyên liệu và vùng trồng Trà hoa vàng với các thông tin về tên khoa học, phân bố, nơi thu hái.

2. Đã sàng lọc hoạt tính chống oxi hóa của các cao chiết tổng và các phần chiết phân đoạn từ lá và hoa Trà hoa vàng.

3. Đã sàng lọc hoạt tính ức chế tế bào ung thư của các cao chiết tổng và các phần chiết phân đoạn từ lá và hoa Trà hoa vàng trên 3 dòng tế bào ung thư (LU-1, MCF-7, HepG2).

4. Đã nghiên cứu chiết xuất, phân lập các chất sạch từ lá và hoa Trà hoa vàng theo định hướng hoạt tính sinh học. Kết quả là: - Từ các phân đoạn cặn chiết n-hexan, ethyl acetate và cặn nước của lá Trà hoa vàng, đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 12 hợp chất, bao gồm 4 hợp chất triterpenoid, 01 hợp chất steroid, 06 hợp chất flavonoid và 01 chất béo. - Từ các phân đoạn cặn chiết ethyl acetate và cặn nước của hoa Trà hoa vàng, đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 11 hợp chất, bao gồm 10 hợp chất flavonoid và 01 hợp chất steroid.

5. Đã đánh giá tác dụng chống oxi hóa in vitro của các chất sạch phân lập được. Kết quả cho thấy các hợp chất flavonoid có tác dụng chống oxi hóa tốt; hợp chất βamyrin acetate và β-amyrin có hoạt tính trung bình.

6. Đã đánh giá tác dụng gây độc tế bào của các chất sạch phân lập được trên 3 dòng tế bào ung thư (LU-1, MCF-7, HepG2). Kết quả cho thấy có một số chất có hoạt tính trung bình.

7. Đã khảo sát lại quy trình tối ưu tinh chế 2 hoạt chất đặc trưng từ lá và hoa Trà hoa vàng: hoạt chất β-amyrin acetate từ lá và hoạt chất (-)-epicatechin từ hoa. Quy trình đơn giản, dễ thực hiện, tạo 02 hoạt chất đạt độ sạch > 95%, 50mg/chất.

8. Đã phân tích, kiểm nghiệm 02 hoạt chất đặc trưng làm chất chuẩn đối chứng: hoạt chất β-amyrin acetate từ lá và hoạt chất (-)-epicatechin từ hoa. Bao gồm các nội dung: Xác định độ tinh khiết của 02 hoạt chất bằng HPLC; Xây dựng phương pháp định lượng 02 hoạt chất bằng HPLC; Xây dựng TCCS cho 02 hoạt chất chuẩn; Thẩm định TCCS của 02 hoạt chất chuẩn.

 9. Đã đánh giá hiệu quả kinh tế, xác định nguyên liệu sử dụng để sản xuất cao Trà hoa vàng.

10. Đã xây dựng và thẩm định TCCS nguyên liệu Trà hoa vàng.

11. Nghiên cứu quy trình chiết xuất cao Trà hoa vàng.

12. Đã cứu tác dụng chống oxi hóa bảo vệ gan in vitro của cao Trà hoa vàng.

13. Nghiên cứu tác dụng chống oxi hóa bảo vệ gan in vivo của cao Trà hoa vàng.

Nhóm đề tài kiến nghị cần tiếp tục có các nghiên cứu về tác dụng bảo vệ gan in vivo của các cao chiết từ lá Trà hoa vàng.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16579/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

P.T.T (NASATI)

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay280,383
  • Tháng hiện tại1,911,210
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây