Dự báo và lựa chọn những lĩnh vực công nghệ ưu tiên phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Chủ nhật - 26/02/2023 21:39 0
Vừa qua, cơ quan chủ trì Viện chiến lược và chính sách Khoa học và Công nghệ đã cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Hoàng Hải thực hiện nghiên cứu “Dự báo và lựa chọn những lĩnh vực công nghệ ưu tiên phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với mục tiêu: Đề xuất được những lĩnh vực công nghệ ưu tiên phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Đề tài đã áp dụng phương pháp Delphi là một phương pháp có hệ thống, dự báo sự ảnh hưởng từ các tác động ‘interactive forecasting’ dựa trên một bảng hỏi các chuyên gia độc lập. Thông thường bảng hỏi của phương pháp Delphi qua ít nhất hai vòng, sau mỗi vòng, sẽ có bảng tóm tắt của các chuyên gia từ những vòng trước đó, sau nhiều vòng các câu trả lời sẽ giảm và các nhóm này sẽ qui nạp theo hướng câu trả lời "đúng". 
Phương pháp Nhìn trước công nghệ (Foresight Technology-TF) Foresight là một phương pháp khoa học nghiên cứu về tương lai. Năm 2005, tổ chức UNIDO cho rằng, Foresight là các nỗ lực có hệ thống tập trung nghiên cứu triển vọng dài hạn của khoa học, công nghệ, môi trường, và xã hội nhằm xác định các công nghệ có ảnh hưởng lớn và những lĩnh vực nghiên cứu có ý nghĩa chiến lược, có khả năng đưa lại lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường lớn nhất có thể. Tại châu Âu, foresight được hiểu là một môn khoa học nghiên cứu về tương lai, trong đó bao gồm các suy nghĩ vượt trước mang tính phát triển dài hạn, những tranh luận và nỗ lực thu hút sự tham gia, và hệ thống chính sách tạo dựng tương lai.
Các phương pháp sử dụng dự báo công nghệ Phương pháp sử dụng cho dự báo KH&CN hiện nay được nhiều nhà khoa học đồng tình là phương pháp tích hợp (nhiều phương pháp): định tính và định lượng, tiên đoán, ngoại suy xu hướng, mô phỏng, ma trận tác động qua lại, kịch bản, tổng hợp, hồi quy, thống kê, ngoại suy biến số, phán xét, hỗn hợp… đường cong tăng trưởng, phân tích xu thế, Delphi, phân tích tác động chéo…
Các nghiên cứu và ứng dụng Foresight ở nước ngoài: Foresight thế hệ thứ nhất xuất hiện vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, chủ yếu đề cập đến việc xác định các công nghệ mới nổi lên, những lĩnh vực khoa học có thể khai thác ở phạm vi quốc gia; Foresight thế hệ thứ hai (đầu những năm 90) đã phát triển theo hướng gắn kết công nghệ với thị trường và thu hút sự tham gia của giới công nghiệp và hàn lâm; Foresight thế hệ thứ ba có khuynh hướng xã hội mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của nhiều thành phần xã hội có liên quan trên cả bình diện quốc tế, khu vực, từng quốc gia, từng ngành. Nhìn trước là cách tiếp cận có những thay đổi cơ bản, khác với cách tiếp cận dự báo truyền thống ở quan niệm về tương lai với tính cách là đối tượng của dự báo không chỉ là một tương lai duy nhất mà bao gồm nhiều tương lai có thể xảy ra, là cách tiếp cận chấp nhận thay vì giảm thiểu tính không chắc chắn của tương lai, là cách tiếp cận tổng thể gắn kết với quá trình ra quyết định và điều chỉnh chính sách thay vì nằm ngoài quá trình làm chính sách, là cách tiếp cận chủ động lựa chọn tương lai thay vì chỉ chấp nhận sự quyết định của tương lai.
Foresight được nghiên cứu ở Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 1990 tại Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học và Công nghệ dưới sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Trung tâm Foresight Công nghệ của APEC đặt tại Băng Cốc, Thái Lan. Những công trình nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này ở Việt Nam có thể kể đến: (1) Nguyễn Văn Thu (2001), Nghiên cứu cơ sở và thực tiễn về phương pháp Foresight và khả năng ứng dụng vào việc lựa chọn ưu tiên trong xây dựng Chiến lược KH&CN ở Việt Nam, Đề tài cấp cơ sở 2001. (2) Nguyễn Mạnh Quân (2002), Vận dụng cách tiếp cận Technology foresight (Nhìn trước công nghệ) trong lựa chọn các hướng KH&CN ưu tiên ở Việt Nam: trường hợp ngành chế biến thực phẩm, Đề tài cấp Bộ 2002.
Sau thời gian nghiên cứu, về tổng thể các nội dung nghiên cứu thể hiện tại các chương nghiên cứu đã thực hiện bám sát theo các mục tiêu của Đề tài. Các yêu cầu về sản phẩm kèm theo cũng được bảo đảm. Kết quả nghiên cứu này có thể cung cấp luận cứ khoa học bước đầu để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo về xác định các ưu tiên công nghệ quốc gia trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, mặc dù đã nỗ lực hoàn thành nội dung nghiên cứu theo yêu cầu đặt ra, nhưng ở mức độ nào đó, kết quả nghiên cứu này vẫn còn có một số hạn chế cần lưu ý là: Số lượng chuyên gia tham gia đóng góp kiến chuyên môn còn khiêm tốn (15 chuyên gia/lĩnh vực) do nguyên nhân chủ quan và khách quan trong quá trình tham gia của các chuyên gia và của bản thân điều kiện nguồn lực thực hiện của Đề tài; Việc tổ chức các hoạt động tọa đàm/hội thảo chuyên môn sâu ở diện rộng nhằm khai thác tốt hơn kinh nghiệm và đánh giá của chuyên gia về các lĩnh vực công nghệ cùng chưa 37 được thực hiện đủ lớn; Kết quả đề xuất mới ở mức độ nêu ra các ưu tiên chung, chưa có xếp hạng được các ưu tiên công nghệ (sử dụng kết hợp ý kiến chuyên gia với công cụ AHP).
Theo đó, đề tài khuyến nghị cần thiết phải triển khai tiếp tục hướng nghiên cứu về xác định công nghệ ưu tiên cho chiến lược phát triển quốc gia trong giai đoạn sắp tới. Một trong những nội dung cần thiết thực hiện có thể là nghiên cứu xác định các ưu tiên công nghệ theo một số ngành công nghiệp ưu tiên/hoặc ngành kinh tế kĩ thuật dựa theo phương pháp Delphi. Trong đó, áp dụng thêm công cụ AHP để có thể định lượng được các mức độ ưu tiên đối với từng nhóm/lĩnh vực công nghệ dựa trên ý kiến chuyên gia.
Anh Xuân (TH)
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1608
  • Hôm nay93,221
  • Tháng hiện tại1,066,497
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây