Sử dụng năng lượng mặt trời, đáp ứng xanh hóa trong ngành dệt may

Thứ hai - 27/02/2023 21:14 0
Xu thế "xanh hóa" toàn cầu đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp may mặc 
Các doanh nghiệp sản xuất may mặc cho biết, hiện nay, riêng với chương trình “xanh hoá”, một mặt doanh nghiệp luôn luôn phải tiến đến những xu thế của thế giới. Mặt khác, doanh nghiệp cũng bị áp lực bởi chính những khách hàng nhập khẩu, khi họ yêu cầu những tiêu chuẩn về nhà máy xanh, môi trường làm việc cho người lao động, giảm khí thải ô nhiễm, giảm chất thải độc hại…Đặc biệt yêu cầu càng ngày càng khắt khe với các doanh nghiệp muốn tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường lớn.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, ngành dệt may trong những năm qua là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Song đây cũng là một trong các ngành kinh tế tạo ra nhiều rủi ro cho môi trường và xã hội hơn so với các ngành, lĩnh vực khác. Trong quá trình sản xuất, ngành dệt may cần phải khai thác, sử dụng và xả thải một lượng nước lớn, sử dụng nhiều năng lượng cho đun nóng, dẫn đến tác động lên nguồn nước và góp phần gia tăng khí thải nhà kính. Vì thế, dệt may là một trong các ngành được xếp vào đối tượng ảnh hưởng rủi ro về môi trường và nằm trong diện cần đánh giá khi cấp tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.

Để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, phải triển khai các giải pháp tuân thủ trong từng doanh nghiệp về vấn đề năng lượng sạch. Ảnh minh họa 

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hiện tại hầu hết các nhãn hàng thời trang tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, châu Âu,… thậm chí là Trung Quốc đều đòi hỏi khắt khe hơn về những sản phẩm may mặc. Cụ thể, nhà nhập khẩu yêu cầu đơn vị sản xuất phải tiết kiệm nguồn nước, không chấp nhận việc sử dụng than làm khí đốt vì ảnh hưởng môi trường.
Các đối tác cũng yêu cầu người bán hàng phải sử dụng nguyên vật liệu xanh, nguyên liệu tái chế để đáp ứng xu thế của người tiêu dùng trên toàn cầu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp sản xuất muốn tham gia cuộc chơi toàn cầu sẽ buộc phải tự đổi mới mình, minh bạch hơn trong sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo các yếu tố phát triển xanh.
Đơn cử như mới đây, do tác động lớn của môi trường và khí hậu của ngành dệt may, luật pháp sắp tới của EU và khách hàng đưa ra những yêu cầu chặt chẽ đối với các công ty dệt may và thời trang Đan Mạch, đòi hòi phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và sản xuất. Các doanh nghiệp trong ngành thời trang và dệt may Đan Mạch đang hướng tới các giải pháp xanh tương lai, thúc đẩy đầu tư nghiên cứu xanh trong thiết kế thời trang và dệt may. Do đó để đáp ứng các yêu cầu sắp tới của quy định về thiết kế sinh thái của EU, Đan Mạch đang tiến hành thúc đẩy nghiên cứu xanh trong thời trang và dệt may, thực hiện hợp tác toàn ngành từ chính trị đến các quỹ nghiên cứu, ngành công nghiệp dệt may để có thể đạt được mục tiêu trở thành quốc gia đầu trong lĩnh vực xanh.
Ngành may mặc Việt Nam nỗ lực để “xanh hóa”
Điện mặt trời cho sản xuất và kinh doanh hay còn gọi là hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ quá trình sản xuất và kinh doanh. Đây là hệ thống điện có công suất sản xuất điện mặt trời trung bình, tạo ra nhiều sản lượng điện phục vụ nhu cầu sử dụng điện của nhà xưởng, đơn vị kinh doanh… Việc sử dụng dòng điện mặt trời được tạo ra từ năng lượng mặt trời sạch, sẵn có và miễn phí giúp cắt giảm chi phí tiền điện hàng tháng. Nhờ đó các cơ sở sản xuất và kinh doanh có thể sử dụng vốn để tái đầu tư, tái sản xuất.
Với ngành dệt may thuộc nhóm sản phẩm bắt buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa hiện nay với 75 - 96 tiêu chí đánh giá. Hơn 10 năm trước, hàng loạt quy trình đã được doanh nghiệp thay đổi, từ việc quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải, xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất từng tháng đến thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc cho người lao động tốt hơn. 

 Hệ thống điện mặt trời áp mái do Cty GreenYellow đầu tư tại Công ty CP Woodsland Việt Nam

Ông Thân Đức Việt- Tổng giám đốc, Tổng Công ty May 10 (TCT May 10) cho biết, một vấn đề khó khăn của đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa” trong sản xuất, như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải… Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, nhưng cũng lại là rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp vì phải dành khoản đầu tư lớn cho máy móc, công nghệ và hạ tầng cũng như cho nguồn năng lượng mới.
Đưa ra quan điểm về xanh hóa trong ngành may mặc, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng; “để xây dựng vị thế có tính bền vững cho ngành dệt may Việt Nam, phải triển khai các giải pháp tuân thủ trong từng doanh nghiệp về vấn đề năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng nguồn nước, đảm bảo vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Tuy nhiên các doanh nghiệp đề xuất để thúc đẩy mô hình điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp sử dụng điện tái tạo nhằm tạo động lực chuyển đổi mạnh hơn nữa mô hình này ở doanh nghiệp.
Trong đó cần hoàn thiện các cơ chế chính sách, có những giải pháp đột phá trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để hợp tác phát triển và thực hiện các dự án về chuyển đổi năng lượng. Đồng thời, cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những cơ hội, lợi ích lâu dài từ việc tham gia các sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính cũng như những thách thức trong ngắn hạn về chuyển đổi năng lượng, chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo…
Hiện nay các nhãn hàng đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của doanh nghiệp về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng toàn cầu. Trong các FTA thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp hướng đến đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm khi xuất khẩu, tăng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng.
Khánh Mai (t/h)
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1512
  • Hôm nay120,751
  • Tháng hiện tại1,094,027
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây