Đôi điều về vấn đề tính giá điện của EVN khi đổi ngày chốt chỉ số công tơ

Thứ tư - 17/04/2024 03:57 0

1. Nguyên do
Những ngày qua nhiều người dùng điện xôn xao vì hoá đơn tiền điện tăng đột biến. Có năm nguyên do dẫn đến sự gia tăng đột biến của hoá đơn thanh toán tiền điện như dưới đây:

Giá điện tăng.
Gộp hoá đơn của một phần tháng trước vào tháng sau do đổi ngày chốt công tơ điện vào cuối tháng.
Công thức tính giá điện bậc thang thay đổi do đổi ngày chốt công tơ.
Sai sót trong khi tính hoá đơn.
Sai sót của công tơ.
Đây là vấn đề hệ trọng cần phải xem xét kỹ lưỡng. Trước hết là bảo đảm công bằng cho người tiêu dùng và EVN. Tiếp nữa là an lòng dân. Tiếp nữa là chống lợi dụng để thu lời bất chính.
Việc tăng giá điện của EVN đã làm cho người dùng điện không hài lòng. Vì việc lỗ của EVN không chỉ do bao cấp cho sản xuất để bình ổn giá, mà còn do bởi chi phí điều hành cao cùng với lãng phí và thất thoát lớn. Năm 2022 EVN báo cáo lỗ 20.747 tỉ đồng, trong khi năm 2021 lãi hơn 14.725 tỷ đồng [1]. Dù lỗ lớn nhưng lương hệ thống quản lý của EVN cao. Cả hai điều đó (lương cao và lời lãi không ổn định) đã làm cho người tiêu dùng phản đối việc đề xuất tăng giá điện của EVN. Điều buồn hơn là EVN đã tăng giá điện 2 lần trước đó, nhưng kinh doanh năm 2023 vẫn báo lỗ lớn, EVN lỗ gần 17.000 tỷ đồng và công ty mẹ lỗ 24.595 tỷ đồng [2]. Nhưng rồi cuối cùng thì Chính phủ đã quyết tăng giá điện sau nhiều lần đề nghị của EVN, nên người dân đành phải chấp nhận, vì không có lựa chọn nào khác.

Nhiều tranh cãi từ người dân do cách tính giá điện hiện nay
2. Về cách tính mới của EVN
Từ ngày 9/11/2023 giá điện bán lẻ đã tăng bình quân lên 4,5% [3]. Biểu giá điện bán lẻ mới với 6 bậc như sau (chưa bao gồm VAT) [4]:
• Bậc 1: Từ 0 - 50kWh: 1.806 đồng/kWh;
• Bậc 2: Từ 51 - 100 kWh: 1.866 đồng/kWh;
• Bậc 3: Từ 101 - 200 kWh: 2.167 đồng/kWh;
• Bậc 4: Từ 201 - 300 kWh: 2.729 đồng/kWh;
• Bậc 5: Từ 301 - 400 kWh: 3.050 đồng/kWh;
• Bậc 6: Từ 401 kWh trở lên: 3.151 đồng/kWh.
Điều chỉnh giá điện lần này, theo kế toán trưởng EVN, sẽ tăng thêm cho EVN 3200 tỷ đồng [4].
Ngoài giá điện tăng đã là nỗi buồn của người tiêu dùng, thì việc chốt chỉ số công tơ cũng gây ra cho người dân sự lo lắng vì có thể dẫn đến sự nhầm lẫn trong cách tính tiền điện theo bậc thang. Trước đây, lịch chốt chỉ số công tơ dao động từ ngày mùng 3 và có thể là đến ngày 20 hằng tháng. Nhưng từ nay bắt đầu chốt vào ngày cuối tháng (áp dụng từ ngày 29/2). Và dẫn đến thực tế là thay vì khách hàng thanh toán tiền điện cho một tháng thì số ngày sử dụng điện trong hoá đơn có thể là từ 41 - 58 ngày. Nếu EVN, ở một bộ phận nào đó, lấy số công tơ của 58 ngày mà áp dụng giá điện bậc thang cho một tháng, thì người dân sẽ phải chịu thiệt thòi lớn. Thực tế trong mấy ngày qua, dư luận đã lên tiếng nhiều về vấn đề này. Và EVN [5] đã thanh minh bằng công thức: 92-92-184-184-184 áp dụng cho Hà Nội mà đúng ra nên áp dụng công thức: 100-100-200-200-200. Công thức 100-100-200-200-200 (từ nhân đôi biểu giá bậc thang 50-50-100-100-100) thoả đáng hơn cho người dân so với công thức 92-92-184-184-184.
Tại sao EVN lại dùng công thức 92-92-184-184-184 với chỉ có 92% định mức của cả 2 tháng? Cách tính của EVN có thể dựa trên trung bình thống kê như sau:

Tiền điện đang chiếm một phần lớn chi tiêu của người dân
Vì chuyển sang chốt công tơ điện vào cuối tháng, nên khi chốt vào ngày 29/2/2024, hoá đơn điện sẽ dao động trong khoảng 41 - 58 ngày. EVN phải xác định lại định mức cho 5 bậc thang: 50-50-100-100-100 khi áp dụng cho hoá đơn 41-58 ngày. Với định mức 50 kwh/tháng, EVN tính định mức trung bình ngày cho cả năm, làm tròn hai số sau dấu phẩy: (50 kwh x 12 tháng)/365 ngày = 1,64 kwh/ngày.
Với định mức 100 kwh/tháng cũng tính tương tự: (100 kwh x 12 tháng)/365 ngày = 1,64 kwh/ngày = 3,29 kwh/ngày.
Từ công thức này, nhân cho từ 41 ngày cho đến 58 ngày thì ra định mức tương ứng cho từng bậc.
Với bậc 1, định mức 50 kwh/tháng tương ứng cho số ngày trong khoảng 41-58 ngày sẽ như sau: 41 ngày: 41 x 1,64 kwh = 67,24 kwh; 42 ngày: 42 x 1,64 kwh = 68,88 kwh; …; 56 ngày: 56 x 1,64 kwh = 91,84 kwh; 57 ngày: 57 x 1,64 kwh = 93,48 kwh; 58 ngày: 58 x 1,64 kwh = 95,12 kwh. Tương tự như vậy, là cho các bậc 2,3,4,5.
Công thức mà EVN áp dụng cho Hà Nội là định mức mới cho 56 ngày: 92-92-184-184-184. Theo định mức 56 ngày, nếu áp dụng cho tất cả các hoá đơn từ 41 - 58 ngày thì các hoá đơn 57, 58 ngày chắc chắn bị thua thiệt, còn các hoá đơn với số ngày ít hơn 56 dường như có lợi hơn. Đó là nói về tính tương đối theo trung bình thống kê. Còn chính xác toán học thì không thể khẳng định được, do giá thay đổi theo bậc thang,
Nghĩa là, có thể đưa ra ví dụ, đối với hoá đơn 55 ngày, khi áp dụng công thức 56 ngày của EVN đề xuất, không có lợi hơn so với chốt công tơ điện cũ. Điều đó có nghĩa là, khi EVN chuyển sang chốt công tơ điện vào cuối tháng, công thức tính định mức mới do EVN đề xuất (92-92-184-184-184) không đảm bảo được cho người tiêu dùng không bị thua thiệt so với cách chốt công tơ điện cũ. Đó là bất lợi thứ nhất của người tiêu dùng.
Bất lợi thứ hai, là không loại trừ, có một số lượng khách hàng nào đó, bị áp dụng định mức 1 tháng (50-50-100-100-100) cho toàn bộ hoá đơn gần 2 tháng. Điều này sẽ dẫn đến sự tăng đột biến tiền điện mà không ít khách hàng đã ngỡ ngàng.
Bất lợi thứ ba đối với khách hàng là sai sót tính toán. Công thức mới của EVN chưa kịp phần mềm hoá đồng bộ cho toàn quốc, phải tính toán tay, dẫn đến sai sót khó tránh khỏi.
Với ba bất lợi nêu trên, cộng với bất lợi thứ tư là giá điện tăng thì mọi thua thiệt dồn về phía khách hàng. Thua thiệt lớn nhất của người tiêu dùng là bị áp đặt, không được thảo luận, không được đàm phán, không có lựa chọn khác.
Còn một công thức khác, dựa trên trung bình thống kê toán học, công bằng hơn cho cả hai phía. Đó là lấy tổng số tiền, chia trung bình cho tổng số ngày, và nhân số ngày của mỗi tháng mà áp dụng công thức bình thường 50-50-100-100-100 riêng biệt cho mỗi tháng.
Cụ thể, vào cuối 29/2/2024 sẽ có các khách hàng: 58 ngày (29 ngày tháng 2, 29 ngày tháng 1); 57 ngày (29 ngày tháng 2, 28 ngày tháng 1); 42 ngày (29 ngày tháng 2, 13 ngày tháng 1); 41 ngày (29 ngày tháng 2, 12 ngày tháng 1).
Chúng ta hãy lấy 1 ví dụ cụ thể cho cả 3 công thức. Giả sử khách hàng A vào ngày chốt 29/2/2024, có 58 ngày sử dụng, với tổng số điện sử dụng là 928 kWh. Chia bình quân cho 58 ngày được 16 kWh/ngày. Như vậy, khách hàng A sử dụng 464 kWh trong tháng 1 và 464 kWh trong tháng 2.
Áp dụng ba phương án cho khách hàng A, nhận được kết quả sau.
a). PA1 (EVN): 92-92-184-184-184 (58 ngày 928 kWh)
92 x 1 806 đ = 166 152 đ
92 x 1 866 đ = 171 672 đ
184 x 2 167 đ = 398 728 đ
184 x 2 729 đ = 502 136 đ
184 x 3 050 đ = 561 200 đ
192 x 3 151 đ = 604 992 đ
Tổng PA1 = 2 404 880 đ.
b).  PA2: 100-100-200-200-200 (58 ngày 928 kWh)
100 x 1 806 đ = 180 600 đ
100 x 1 866 đ = 186 600 đ
200 x 2 167 đ = 433 400 đ
200 x 2 729 đ = 545 800 đ
200 x 3 050 đ = 610 000 đ
128 x 3 151 đ = 403 328 đ
Tổng PA2 = 2 359 728 đ.
c).  PA3: Trung bình thống kê toán học
• Tháng 1 (464 kWh)
50 x 1 806 đ = 90 300 đ
50 x 1 866 đ = 93 300 đ
100 x 2 167 đ = 216 700 đ
100 x 2 729 đ = 272 900 đ
100 x 3 050 đ = 305 000 đ
64 x 3 151 đ = 201 664 đ
Tổng tháng 1 PA3 = 1 179 864 đ.
•  Tháng 2 (464 kWh)
50 x 1 806 đ = 90 300 đ
50 x 1 866 đ = 93 300 đ
100 x 2 167 đ = 216 700 đ
100 x 2 729 đ = 272 900 đ
100 x 3 050 đ = 305 000 đ
64 x 3 151 đ = 201 664 đ
Tổng tháng 2 PA3 = 1 179 864 đ.
Tổng tháng 1 + tháng 2 (PA 3) =                  2 359 728 đ. Là số tiền đúng bằng PA2 vài ít hơn PA1 của EVN 45 152 đ.
Trong trường hợp EVN, áp dụng cách tính thông thường thì khách hàng A sẽ phải trả số tiền lớn hơn nhiều như sau.
d). PA4: 50-50-100-100-100
50 x 1 806 đ = 90 300 đ
50 x 1 866 đ = 93 300 đ
100 x 2 167 đ = 216 700 đ
100 x 2 729 đ = 272 900 đ
100 x 3 050 đ = 305 000 đ
528 x 3 151 đ = 1 663 728 đ
Tổng PA4 = 2 641 928 đ.
PA4 nhiều hơn PA1 là 237 048 đ, và nhiều hơn PA2, PA3 là 282 200 đ.
Áp dụng PA3 cho tất cả các khách hàng từ 41 ngày (12 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) cho đến 58 ngày (29 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) đưa đến nhận xét thú vị sau.
Chỉ khách hàng 41 ngày (12 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) thì cách tính PA1 của EVN có lợi hơn 6 940 đ. Từ khách hàng 42 ngày (13 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) cho đến 58 ngày (29 ngày tháng 1, 29 ngày tháng 2) thì cách tính mà EVN đề xuất áp dụng mang đến bất lợi hơn so với PA3, dựa trên trung bình thống kê toán học. Dưới đây là số liệu cụ thể cho một số ngày đã được tính:
41 ngày: PA1: 1 555 888 đ; PA3: 1 562 828đ
42 ngày: PA1: 1 604 688 đ; PA3: 1 601 996đ
44 ngày: PA1: 1 702 288 đ; PA3: 1 1689 324đ
45 ngày: PA1: 1 751 088 đ; PA3: 1 1732 988đ
46 ngày: PA1: 1 799 898 đ; PA3: 1 1776 652đ
48 ngày: PA1: 1 900 730 đ; PA3: 1 865 264đ
58 ngày: PA1: 2 404 880 đ; PA3: 2 359 728đ.
Như vậy, số ngày càng tăng, khách hàng càng chịu thiệt nhiều hơn từ ngày 42 cho đến ngày 58.
e). Bất lợi thứ năm là sai sót về chỉ số công tơ
Ngoài việc chỉ áp dụng định mức bậc thang 1 tháng 50-50-100-100-100 cho cả 2 tháng 1, 2 làm tăng đột biến hoá đơn, không loại trừ sai sót về chỉ số công tơ. Trên mạng xã hội, không ít người tiêu dùng cho biết hoá đơn tăng gấp 3 lần, hay bình thường chỉ 1,3-1,5 triệu thì nay tăng lên 4,2 triệu. Bởi thế, ngoài việc kiểm tra về áp dụng công thức giá bậc thang tách biệt cho từng tháng, cần phải kiểm tra độ chính xác ghi chỉ số công tơ.
3. Đề xuất
a). EVN nên áp dụng định mức 100 -100-200-200-200 cho người tiêu dùng thay cho công thức 92-92-184-184-184. Bởi vì nếu được đàm phán, người tiêu dùng sẽ không đồng ý thay đổi ngày chốt chỉ số công tơ điện. Lý do không đồng ý là các rủi ro như đã phân tích. EVN phải đưa ra một đề xuất mà người tiêu dùng biết chắc là không bị thua thiệt. Lúc đó người tiêu dùng mới dễ chấp nhận, không khiếu kiện hay phàn nàn. Người dân vừa chịu tăng giá điện lên 4,5% nay lại phải chịu thiệt về công thức áp giá bậc thang là không công bằng. Hoặc theo trung bình thống kê toán học như PA3 khả dĩ hơn cho cả hai phía, chứ không dùng công thức mặc định 92-92-184-184-184 làm cho người tiêu dùng bất lợi.
b). Đề nghị EVN có biện pháp kiểm tra, để không nhầm lẫn áp dụng định mức 1 tháng 50-50-100-100-100 cho bất cứ hoá đơn nào nhiều hơn 1 tháng, và có biện pháp thích hợp để đảm bảo chỉ số công tơ không sai sót. Đồng thời tiến hành kiểm tra lại tất cả các hoá đơn tăng bất thường của khách hàng.
c). EVN cần có biện pháp quản lý hiệu quả trong toàn ngành, tránh thất thoát, lãng phí, dẫn đến tăng giá thành và nguy cơ sau một thời gian lại đề xuất tăng giá điện. Với bộ máy và cách thức quản lý chưa hiệu quả và nhiều thất thoát như hiện nay, nguy cơ tăng giá điện là khó tránh khỏi.
Công thức tăng giá điện bậc thang theo số lượng tiêu dùng như hiện nay là công cụ điều tiết khi cung chưa đủ cầu. Nó đi ngược với quy luật thị trường: càng mua nhiều giá càng giảm. Cho nên, làm thế nào để có thừa năng lượng sạch cho dân tiêu dùng và cho sản xuất mỗi ngày một mở rộng với giá thành rẻ mới là bài toán lớn, cần đến các nhà quản lý tài năng, chứ không phải cách lập công thức tăng giá điện thế nào để dân ít kêu.
Tài liệu dẫn
[1]. https://thanhnien.vn/tap-doan-dien-luc-viet-nam-chinh-thuc-cong-bo-so-lo-gan-ti-usd-185230711171719794.htm
[2].https://tuoitre.vn/2-lan-tang-gia-dien-evn-van-bao-lo-lon-nam-2023-20231214155628808.htm
[3] https://baochinhphu.vn/chinh-thuc-tang-gia-dien-tu-ngay-1...,
[4] https://tuoitre.vn/gia-dien-tang-moi-thang-nguoi-dan-tra...
[5] https://thanhnien.vn/evnhanoi-giai-thich-vi-sao-hoa-don...
 

Đồ Thục

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây