Hiểu đúng về Nghị định 88/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

Thứ ba - 09/04/2024 04:35 0
                                                                                                                                    Trần Tử Quang
Mỗi dịp đầu năm mới, lì xì mừng tuổi hay du lịch tâm linh lễ hội đã trở thành một nét đẹp văn hóa từ bao đời của người Việt, chính vì vậy mà nhu cầu đổi tiền tăng cao, dẫn đến tình trạng tiền mới, tiền lẻ khan hiếm. Nắm bắt được điều này, dịch vụ đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ trở nên sôi động. Một câu hỏi được đặt ra là: Đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch có vi phạm pháp luật?

                                                          Ảnh: minh họa
Sôi nổi đổi tiền
Thời điểm tết sát Nguyên đán, và sau đó là tháng du xuân, nên việc đổi tiền lẻ, tiền mới mệnh giá nhỏ phục vụ nhu cầu mừng tuổi, công đức tâm linh... trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Vậy người dân có thể lựa chọn đổi tiền ở đâu? Rõ ràng các Ngân hàng Thương mại cổ phần là địa chỉ chính thống duy nhất có uy tín để đảm bảo sự an toàn cho người dân, đặc biệt là không mất phí.
Tuy nhiên, thời điểm cuối năm mọi ngân hàng đều bận rộn trong việc tổng kết ngân sách, đồng thời thực hiện các giao dịch thường xuyên như chuyển tiền, nhận tiền, thu hồn vốn và tài sản, trả lãi định kỳ, cùng các hoạt động khác, nên dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ sẽ không được thường xuyên thực hiện. Hơn nữa, lượng tiền lẻ được Ngân hàng Nhà nước in ấn cũng rất hạn chế, không đáp ứng được số lượng cũng như phạm vi, nên kênh hỗ trợ nêu trên tại thời điểm này thực ít khả dụng.
Với sự bùng nổ của mạng xã hội, và do nhu cầu lớn như vậy nên thật không khó để tìm thấy những status đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ/ tiền mới trên Facebook, TjkTok, Zalo, hay các hội nhóm mua sắm trong những ngày cận Tết. Thệm chí, sử dụng công cụ tìm kiếm trên Google với từ khóa “đổi tiền lẻ”, chúng ta sẽ thấy vô số kết quả xuất hiện với những website như doitienle.com, doitienle.vn, dichvudoitien.com…cung cấp các dịch vụ đổi tiền còn nguyên seri, nguyên cọc,  ship “hàng” tận nơi, áp dụng cho cả khách hàng ở xa với các hình thức thanh toán đa dạng như chuyển khoản, nạp thẻ cào…
Thậm chí, nhiều chủ tài khoản còn nhận “đổ buôn” tiền lẻ, tiền mới cho ai có nhu cầu. Tất cả được mời gọi công khai, thể hiện rõ một hình thức mua bán, bởi mức phí đổi tiền dao động từ 5% đến 30% và cao hơn nữa, tùy theo mệnh giá và độ hiếm của tờ tiền: tương đương đổi 1 triệu đồng sẽ mất phí dao động từ 50.000-300.000 đồng.
Sự sôi động nói trên thể hiện rõ nhu cầu to lớn của người dân trong việc  đổi tiền lẻ, tiền mới vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Số tiền lẻ được đổi này sẽ được dùng để làm tiền mừng tuổi chúc phúc lấy may, hay là công đức tâm linh khi đi du xuân nơi đền thiêng chùa báu. Đây thực sự là nhu cầu chính đáng từ bao đời của người dân với mong muốn một năm mới ấm no, sung túc.

Hiểu sai điều luật
Trước tình hình thực tế của “loạn” đổi tiền như vậy, nhiều đài/báo/trang thông tin điện tử… đều trích dẫn Nghị định 88/2019 ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, và Nghị định số 143/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Theo đó, bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng phần trăm chênh lệch, đổi tiền thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng. Mức phạt trên áp dụng với cá nhân, còn với tổ chức sẽ tăng nặng gấp 2 lần.
Cụ thể, theo điểm a khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định: “Điều 30. Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ…
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
  a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Theo điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với hành vi trên là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân, còn mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Từ đây, nhiều quan điểm cho rằng việc đổi tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền lẻ có phí,... là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt đến 40 triệu đồng đối với cá nhân; đến 80 triệu đồng đối với tổ chức.
Tuy nhiên, xem xét kĩ điều khoản ở Nghị định trên, và nhìn vào thực tế nhu cầu của người dân, chúng tôi cho rằng vấn đề này đang được hiểu chưa chính xác.
Căn cứ vào Luật NHNN Việt Nam 2010, Điều 19 về “Xử lý tiền rách nát, hư hỏng”; Điều 20 về “Thu hồi, thay thế tiền”, chỉ quy định về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng và tổ chức liên quan trong việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, mà không có quy định về việc đổi tiền cũ lấy tiền mới hay đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ.
Một nguyên lý căn bản của hệ thống pháp luật hành chính là: Thứ nhất, có quy định cấm, hạn chế hoặc bắt buộc; thứ hai, có quy định xử phạt cụ thể. Đối với hành vi riêng tư của công dân, doanh nghiệp, nếu pháp luật không cấm thì hoàn toàn được phép.
Chính vì vậy, việc xử phạt từ 20 đến 40 triệu đồng đối với hành vi “thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật” theo điểm a khoản 5 Điều 30 về “Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ”, Nghị định 88/2019/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 143/2021/NĐ-CP và Nghị định 23/2023/NĐ-CP, thực chất chỉ áp dụng đối với các đối tượng cụ thể là Ngân hàng nhà nước, Tổ chức tín dụng, Kho bạc nhà nước, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong việc đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, mà không áp dụng đối với những đối tượng khác ở thị trường bên ngoài trong việc việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ hoặc đổi tiền cũ lấy tiền mới (trừ ngoại tệ).  Tức là, trường hợp này chỉ có quy định phạt đối với ngân hàng và tổ chức tín dụng, mà không có quy định cấm người dân với hoạt động đổi tiền bên ngoài ngân hàng.
 Do đó, việc đổi tiền cũ lấy tiền mới hay đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ ở thị trường bên ngoài hệ thống Ngân hàng, Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước, đều là quan hệ dân sự, không phải là hoạt động đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông, cũng không phải là một dịch vụ bị cấm được quy định rõ ràng trong một điều luật cụ thể. Người dân đổi tiền cho nhau  rõ ràng không vi phạm điều cấm nào của pháp luật, cũng không hề xâm phạm hay ảnh hưởng xấu đến giá trị và “vị thế” của đồng tiền thì hoàn toàn không có căn cứ pháp lý để xử phạt.
Chúng ta thấy rằng các ngân hàng là đầu mối đổi tiền mới cho người dân có nhu cầu. Cá nhân mỗi người dân được quyền đổi tiền mới từ ngân hàng theo một hạn mức phù hợp với khả năng của ngân hàng, và nhu cầu sử dụng của mỗi người. Ngoài ra, người dân có quyền đổi tiền mới từ những người khác đang dư tiền, điều này hợp pháp. Do đó, việc trao đổi này là sự đáp ứng lẫn nhau, và người cung cấp dịch vụ cũng sẽ mất thời gian và công sức, tốn phí vận chuyển, rủi ro khi cầm tiền di chuyển từ vị trí này tới vị trí khác, nên họ thu phí là điều đương nhiên. Đây hoàn toàn là giao dịch dân sự.
Một câu hỏi đặt ra, tại sao cùng 1 ngân hàng, nhưng người này đổi được ít tiền, còn người kia lại đổi được nhiều hơn. Câu chuyện ở đây là một số người có mối quan hệ với cán bộ Ngân hàng nên có được “nguồn”, do đó họ tích cực tích trữ loại tiền này chờ thời điểm thích hợp đem ra giao dịch nhằm trục lợi. Điều này rõ ràng là sự bất bình đẳng trong xã hội về hành vi đổi tiền mới tiền lẻ.
Chính vì vậy không nên bắt lỗi hành vi cá nhân đổi tiền mới, vì đây là giao dịch dân sự, mà phải tập trung thanh tra, kiểm tra hành vi móc nối giữa cán bộ Ngân hàng và một số người như đã nói ở trên.
Nhu cầu chính đáng, cần được bảo vệ
Tiền lẻ là đồng tiền hợp pháp của quốc gia và hành vi sử dụng tiền lẻ để tạo ra lợi nhuận thực tế là hành vi mua bán tiền tệ đang lưu hành. Nhưng vấn đề đặc biệt ở chỗ hiện tượng này xuất phát từ nhu cầu thị trường rất lớn. Việc đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ và hưởng chênh lệch từ nhiều năm trở lại đây cho thấy đang có một không gian thị trường nhất định. Và hành vi này đáp ứng nhu cầu của đa số các tầng lớp nhân dân, mang lại sự thuận tiện cho nhiều người, nên việc thu thù lao thích ứng phù hợp với nhu cầu thị trường hiện tại, và không gây xáo trộn trên thị trường lưu thông tiền tệ. Chính vì vậy đối với tiền lẻ, việc phát hành và lưu thông đồng tiền phải bảo đảm cân đối các loại mệnh giá phục vụ cho nhu cầu thanh toán của người dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu cơ cấu tiền mặt cho nền kinh tế.
Tính quy luật khách quan thể hiên rõ ở nhu cầu thanh toán, lưu thông hàng hóa - tiền tệ trong dịp cuối năm thường tăng cao. Chính vì vậy các tổ chức tín dụng luôn phải tăng cường công tác thanh toán; công tác tiền tệ - kho quỹ, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt về cả số lượng, cơ cấu và chất lượng tiền cho lưu thông hàng hóa, tiền tệ. Đồng thời thông qua nghiệp vụ thu chi tiền mặt thực hiện nâng cao chất lượng tiền cho lưu thông; thu đổi và tuyển lựa tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông.
Dịch vụ đổi tiền chẵn lấy tiền lẻ và đổi tiền cũ lấy tiền mới cũng do đó luôn nhận được nhiều sự quan tâm ngoài thị trường và trên mạng xã hội, tạo nên nhiều tác động tiêu cực trong giao dịch dân sự, bởi những đối tượng lừa đảo sẽ tập trung khai thác triệt để vào những giao dịch đang diễn ra sôi động.
Nhiều tài khoản nhận đổi tiền trên Facebook đều mới được lập theo dạng “acc clone”, thông tin chủ tài khoản rất mơ hồ, không chính chủ. Cách thức đổi tiền lẻ, tiền mới dịp cận Tết Nguyên đán khiến người đổi tiền có nguy cơ bị lừa rất cao, bởi trong giao dịch, người đổi tiền lại phải chuyển trước một khoản tiền đặt cọc, khiến người đổi tiền rơi vào thế bị động. Bên cạnh việc phải chịu thêm phí đổi tiền, đã có không ít trường hợp người dùng chỉ nhận về cọc tiền giả, tiền âm phủ, tiền bị rút ruột, tiền không đúng seri lẫn tiền cũ nát, thậm chí có người đã mất toàn bộ số tiền cọc trước và bị cắt liên lạc trên toàn bộ nền tảng mạng xã hội. Điều đáng nói là phần lớn số tiền bị lừa mất không nhỏ nhưng cũng không lớn, chưa kể vì đã trót tiếp tay cho hành vi vi phạm, nên nhiều người phải chấp nhận thiệt hại, không chia sẻ với người thân cũng như không phản ánh với các cơ quan chức năng.
Những đối tượng xấu lại tiếp tục sẽ dùng mọi biện pháp để chiếm đoạt tài sản, đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp không rõ nguồn gốc, hay thậm chí là tiền giả, hay lưu hành tiền giả. Chính vì vậy Ngân hàng và các tổ chức tín dụng nên khuyến cáo người dân khi giao dịch hoặc chọn dịch vụ trên mạng xã hội, phải tìm hiểu kỹ thông tin, không nên chuyển tiền khi không biết rõ người bán, điểm bán; tốt nhất là chọn hình thức thanh toán sau khi đã nhận được hàng và kiểm tra đầy đủ.
Mới đây, trên các nền tảng mạng xã hội lại xuất hiện những kiểu cách lừa đảo mới, đó là từ việc rất nhiều người bị lừa tiền và tiền bị treo trong các trang mạng xã hội, nhiều đối tượng lừa đảo đã mạo danh luật sư, cơ quan công an, cơ quan tư pháp … giúp các nạn nhân lấy lại số tiền đã mất, hoặc giả mạo các tổ chức chuyên xử lý những tình huống bị lừa đảo, bị treo tiền với lời quảng cáo là chuyên gia hacker, chuyên lấy tiền treo cho nạn nhân…
Do đó, đối với mỗi người dân để tránh gặp phải rủi ro và không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng xấu, cần thay đổi nhận thức thói quen sử dụng tiền lẻ, tiền mới khi lì xì mừng tuổi dịp Tết và đi lễ hội công đức tâm linh tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt cần nhân rộng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt để thay bằng việc tiếp cận ngày càng gần hơn với thanh toán ngân hàng, sử dụng mã QR. Ngoài ra, nhiều ngân hàng triển khai các tiện ích lì xì qua ứng dụng ngân hàng điện tử, ví điện tử với nhiều hình thức hấp dẫn.
Như trường hợp của ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tính năng “Gửi tiền mừng Lì xì ngay trên ứng dụng Agribank E-Mobile Banking”. Đây không chỉ là một phương thức gửi tặng an toàn, tiện lợi mà người dùng còn có thể lựa chọn những bao lì xì “ảo” xinh xắn cùng những lời chúc ý nghĩa tới người nhận.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác hiện đã tích hợp tính năng lì xì online ngay trên ứng dụng điện thoại di động (app) để người dùng có thể trực tiếp lựa chọn những con số đẹp mang ý nghĩa tài lộc như 7979,6868, 8686, 9999... ngày tháng năm sinh, hay ngày kỉ niệm... kèm những câu chúc Tết và dễ dàng gửi đến cho bạn bè, người thân dù ở bất kỳ đâu. Điều này giúp hạ nhiệt phần nào nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới ngày cuối năm, lại tạo nên lối sống tối giản, văn minh và hiện đại trong thời đại công nghệ 4.0
                                                                                                                                Trần Tử Quang
 

Tử Quang

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây