Vấn đề đặt tên địa danh sau sáp nhập đơn vị hành chính

Thứ hai - 06/05/2024 23:13 0
Tại cuộc họp thứ nhất của Ban chỉ đạo thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030, chiều 28/2, Bộ Nội vụ cho biết sắp tới sẽ thực hiện sắp xếp, sáp nhập 50 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.243 đơn vị cấp xã. Chính vì sự sáp nhập như này mà nhiều ngôi làng cổ xưa sẽ không còn, và những địa danh mới sẽ ra đời, khác biệt về cả về danh xưng cũng như diên cách.

Gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã tiến hành điều chỉnh tên gọi đơn vị hành chính sau khi sắp xếp lại. Điều đáng quan tâm là rất nhiều tên gọi huyền thoại gắn với trầm tích văn hóa lịch sử của địa phương/dân tộc khả năng cao sẽ không còn nữa: Hải Phòng thì có Cổ Am;… Khánh Hòa thì Diên Khánh;… Hà Nội có Hữu Bằng, Chàng Sơn;… Hưng Yên thì Dạ Trạch, Hàm Tử;… Còn tại Nghệ An, huyện Quỳnh Lưu cũng đã có đề xuất bỏ tên gọi “Quỳnh Đôi”.
Và điều khiến cho nhiều người bất bình chính ở việc nhiều tên gọi cổ xuất hiện nhiều trong thành ngữ ca dao và những tác phẩm trứ danh, gắn liền với tâm thức bao thế hệ người dân ở tận thôn cùng ngõ vắng, khả năng cao sẽ mất đi, thay vào đó là những tên ghép trông rất lạ lùng và vô nghĩa.
1. Tên gọi địa danh có quan trọng không?!
Địa danh thường là sự tái hiện của một sự kiện hay, cô đọng của một chặng đường lịch sử, và là biểu tượng của một phần văn hóa. Mỗi địa danh đều mang ký ức chung về sự phát triển của mỗi một quê hương xứ sở, phản ánh lịch sử, đặc điểm văn hóa địa phương và gắn liền với tâm thức của người dân ở rất nhiều thế hệ. Chính vì vậy mà địa danh thực sự là “hóa thạch sống” của lịch sử.
Việc đổi tên các địa danh là việc không hiếm xảy ra trong tiến trình lịch sử. Đây cũng được xem là kết quả tất yếu của sự thay đổi triều đại/thể chế và xã hội. Như việc mùa hè năm 1036, vua Lý Thái Tông đặt 1 hành dinh ở Hoan Châu, nhân đó lấy chữ từ bộ sách Sử Ký (Tư Mã Thiên/bên Tàu) mà đổi tên Hoan Châu thành Nghệ An - thể hiện mong muốn mảnh đất này sẽ là nơi thái bình thịnh trị. Tên gọi Nghệ An tồn tại từ 1036 cho tới tận ngày nay, trở thành tên gọi hành chính (cấp tỉnh - thành) lâu đời nhất tại Việt Nam hiện nay.
Việc thay đổi địa danh kéo theo sự ảnh hưởng và thay đổi về chính trị, kinh tế, lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, đời sống nhân dân và các tương tác xã hội khác (nhất là ở thời hiện đại), nên không thể thay đổi một cách tùy tiện và duy ý chí, mà phải có định hướng rõ ràng từ nhà nước, tạo điều kiện có lợi cho việc kế thừa văn hóa, lịch sử truyền thống và nhất là đồng thuận với mong muốn của mọi tầng lớp nhân dân.

Làng quê Việt qua nét vẽ của họa sĩ Trần Nguyên
Trong suốt chặng đường của lịch sử, xứ Nghệ An (bao gồm hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) đều có nhiều lần thay đổi tên gọi địa danh hành chính (nổi bật nhất là cấp huyện). Dưới thời Trần, tên gọi của một số địa phương như sau:
Mật Châu (Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn hiện nay);
Nha Nghi (Nghi Xuân hiện nay);
Phi Lộc (Can Lộc hiện nay);
Đỗ Gia (Hương Sơn hiện nay);
Chi La (Đức Thọ hiện nay);
Thổ Du (Thanh Chương hiện nay);
Kệ Giang (một phần Thanh Chương hiện nay),
Thổ Hoàng (Hương Khê hiện nay);
Hà Hoàng (một phần Thạch Hà hiện nay);
Bàn Thạch (một phần Thạch Hà hiện nay);
Hà Hoa (Kỳ Anh hiện nay);
Kỳ La (một phần Kỳ Anh hiện nay);
Thạch Đường (một phần Nam Đàn hiện nay);
Đông Ngàn (Đông Thành hiện nay);
Lộ Bình (Hưng Nguyên hiện nay);
Sa Nam (một phần Nam Đàn hiện nay).
Sang thời Lê sơ, những địa danh như trên đều đã được thay đổi và đặt lại tên từ sự kiện vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Trong lịch sử nước ta, công cuộc cải tổ hệ thống chính quyền địa phương dưới triều vua Lê Thánh Tông (thời Lê) và triều Minh Mạng (thời Nguyễn) được coi là có quy mô và thành công nhất và gần như tồn tại cho đến tận ngày nay.
Xuyên suốt lịch sử, việc đổi tên địa danh đều có những bài học cụ thể, tích cực có mà tiêu cực cũng có. Chúng ta có thể rút ra được những bài học, tổng kết kinh nghiệm và làm tốt hơn việc đổi tên/đặt tên địa danh.
2. Đổi tên gọi địa danh - nỗi lo sợ đứt gãy văn hóa
Quay trở lại với tên gọi Quỳnh Đôi - Đôi Hậu tại Nghệ An đang được dư luận quan tâm hiện nay, tuy đây chỉ mới là đề xuất, nhưng với ý tưởng thay thế tên gọi Quỳnh Đôi thì thực sự sai lầm. Quỳnh Đôi là mảnh đất có trầm tích văn hóa hàng đầu xứ Nghệ, được biết đến với cái tên “Làng Khoa bảng”, gắn liền với câu nói dân gian đã truyền tụng từ xa xưa khắp nơi trong cả nước: “Bắc Hà: Hành Thiện; Hoan Diễn: Quỳnh Đôi”, trở thành một niềm tự hào lớn lao trong tâm thức bao người con xứ Nghệ.
Tên làng xã không đơn thuần chỉ là 1 tên gọi với ý nghĩa hành chính quan phương, mà nó còn là một phần ký ức xứ sở được sự cô đọng qua một giai đoạn lịch sử. Nếu sắp tới đây những đề xuất của huyện Quỳnh Lưu được thực hiện, thì chẳng khác nào xóa bỏ một phần lịch sử, phá hủy một phần của văn hóa. “Hóa thạch sống” này khi không còn gắn với một đơn vị hành chính cụ thể sẽ bị lãng quên, dần qua các thế hệ không còn ai nhớ đến.
Nếu vì cái gọi là tái thiết văn hóa, để lại dấu ấn lịch sử cho mình mà những địa danh có “tuổi đời” nội hàm văn hóa bị thay đổi hay biến mất, thì rõ ràng chúng ta lại một lần nữa bị đứt gãy văn hóa. Điều này thật nguy hại, bởi vì chỉ có kế thừa truyền thống thì chúng ta mới có thể phát triển bền vững, và chỉ có trân trọng lịch sử thì chúng ta mới có thể tạo ra lịch sử và định hướng tương lai.
3. Nên đặt tên cho đơn vị hành chính như thế nào?
Với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, kéo theo việc phải thay đổi quản lý các đơn vị hành chính. Nên trong nhiều năm gần đây, xu hướng thay đổi địa danh đang diễn ra mạnh mẽ, thực sự đã tạo nên một thách thức lớn lao trong việc giữ hay bỏ nhiều địa danh có tuổi đời hàng trăm năm, với nội hàm văn hóa và nguồn gốc lịch sử sâu sắc.
Chưa nói đến những yếu tố lịch sử và văn hóa, vấn đề này đã được Điều 6 Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 nhấn mạnh: “Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri”. Khoản 2 của Điều này cũng quy định: “Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp”.
Vì vậy, trước xin được khẳng định nguyên tắc bất di bất dịch, đó là: duy trì sự ổn định và đảm bảo tính liên tục của địa danh.
3.1. Chọn tên gọi nổi tiếng hơn, có tính đại diện cao hơn
Trước đây, chúng ta đặt tên phân cấp huyện xã theo nguyên tắc “Phụ tử liên danh”, như: huyện Diễn Châu thì các xã đều bắt đầu chữ Diễn: Diễn Hải, Diễn Thành; huyện Quỳnh Lưu thì các xã đều bắt đầu chữ Quỳnh: Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu… Trường hợp 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, chúng ta giữ chữ “Quỳnh”, sau đó, tên gọi nào nổi tiếng hơn, có tính đại diện sâu rộng hơn thì lựa chọn tên gọi đó. Ở đây, lựa chọn “Quỳnh Đôi” phù hợp hơn cả. Đặc biệt, với lựa chọn này rõ ràng còn giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức thay đổi giấy tờ thủ tục… bởi 1 xã vẫn giữ nguyên còn 1 xã mới phải cần làm lại.
Cũng cần nói thêm, Quỳnh Hậu được nhiều người địa phương cho rằng tên gọi này cũng có lịch sử lâu đời, không thể thay đổi. Tuy nhiên, đó là làng Bào Hậu xưa chứ không phải xã Quỳnh Hậu ngày nay. Vùng đất nói trên tên thường gọi là làng Bèo hay Kẻ Bèo, thuộc tổng Thanh Viên, huyện Quỳnh Lưu. Sau Cách mạng tháng Tám (1945), Bào Hậu là một làng lớn, gồm người của 48 dòng họ, dân số đông nhất huyện nên được xem như một đơn vị hành chính do Ủy ban Cách mạng lâm thời làng Bào Hậu quản lý. Tháng 12/1945, thực hiện Sắc lệnh của Chính phủ bỏ cấp tổng, thành lập chính quyền 4 cấp, làng Bào Hậu lập thành xã và giữ nguyên tên gọi là Bào Hậu. Cuối 1946, xã Bào Hậu nhập với Thạch Động, Lam Cầu (nay gọi là xã Quỳnh Thạch) thành xã Tân Hoá. Tháng 12/1946, xã Tân Hoá nhập với xã Văn Phong (gồm: Phú Mỹ, nay gọi là Quỳnh Hoa, Phú Vĩnh, Lam Cầu) thành xã Quỳnh Sơn. Sau cuộc phát động giảm tô (1954), xã Quỳnh Sơn được tách ra thành các xã nhỏ: Quỳnh Hậu, Quỳnh Hoa, Quỳnh Thạch. Tên xã Quỳnh Hậu (vốn là đất đai và dân số của Bào Hậu xưa) được chính thức hoạch định từ đấy. Ngày 5/5/1976, Thủ tướng chính phủ ra Quyết định nhập các xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng, Quỳnh Thạch thành xã Quỳnh Sơn. Tháng 10 năm 1981 Thủ tướng Chính phủ quyết định tách xã Quỳnh Sơn ra thành các xã như lúc sáp nhập và lấy tên chữ đầu của huyện là chữ đầu của xã, theo đó địa giới cùng tên gọi xã Quỳnh Hậu được ổn định cho đến bây giờ. Như vậy thì tên gọi Quỳnh Hậu chỉ là tên gọi mới đặt sau này chứ không phải là tên gọi cổ như Quỳnh Đôi. Cần phải phân biệt giữa Kẻ Bèo, hay Bào Hậu với Quỳnh Hậu.

Chiều quê bình yên    Ảnh: Quốc Đàn
3.2. Trở về tên gọi cổ
Tại Nam Đàn Nghệ An có 3 xã: Nam Trung, Nam Cường, Nam Phúc sáp nhập làm một. Ba xã này có vùng trung tâm văn hóa tinh thần là xã Nam Trung - với tên gọi cổ xưa là “Trung Cần” - vốn lấy từ câu 士貴忠勤女貴貞順 “Sĩ quý trung cần, nữ quý trinh thuận” (con trai đỉnh ở trung thành cần mẫn, con gái chất ở trinh tiết thuận hòa). Tuy nhiên, huyện Nam Đàn lại không lấy lại tên gọi cổ, mà ghép 3 chữ phụ của cả 3 để trở thành: xã Trung Phúc Cường - nghe thật rườm rà và vô nghĩa.
Hay như ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có 3 xã Song Lộc, Trường Lộc, Kim Lộc vốn có tên cũ là (tổng) “Lai Thạch” - xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học - địa dư nổi tiếng, nhưng huyện Can Lộc lại không lấy lại tên gọi cổ, mà ghép 3 chữ phụ của cả 3 để trở thành: xã Kim Song Trường - nghe thật lạ lùng và vô vị.
Rút kinh nghiệm từ 2 trường hợp trên, chúng ta thấy phần đa việc sáp nhập là từ 2-3 xã trở lên. Điều đặc biệt là 2-3 xã này lại nằm trong một tổng ngày xưa. Chính vì vậy, việc lấy tên tổng cũ để đặt tên cho xã mới sau khi sáp nhập 2-3 xã là điều hoàn toàn hợp lý.
Tại huyện Diễn Châu, xã Diễn Thọ và xã Diễn Lộc xưa có tên là La Hoàng, xã Diễn An và xã Diễn Trung có tên là Hương Ái, xã Diễn Bích và xã Diễn Ngọc có tên là Hoa Lũy…
Tại huyện Thanh Chương, ba xã Thanh Hưng, Thanh Văn và Thanh Tường tiến hành sáp nhập để hình thành một xã mới với tên gọi là Đại Đồng, tên đơn vị hành chính mới này cũng là tên gọi cũ của tổng Đại Đồng trước đây.
Tương tự như vậy, nếu sáp nhập huyện thì lấy tên phủ cũ (1 phủ gồm 3-4 huyện) để đặt tên.
Huyện Quỳnh Lưu từng có 4 tổng, hiện vẫn còn sử dụng 2 tên gọi là Quỳnh Lâm và Hoàng Mai, còn lại Hoàn Hậu và Thanh Viên đã không còn được gắn cho bất kỳ 1 đơn vị hành chính nào nên đã không còn mấy ai biết đến.
3.3. Không tạo tên mới võ đoán
Quay trở lại với đơn vị hành chính gắn với địa danh nổi tiếng bậc nhất nước ta là xã Quỳnh Đôi, theo nhiều tờ báo đưa tin, thì sau khi sáp nhập với xã Quỳnh Hậu để trở thành một xã có tên gọi “Đôi Hậu” đã không được sự tán thành của nhiều người, người Quỳnh Hậu thì không đồng ý việc sáp nhập lấy tên là Quỳnh Đôi, người Quỳnh Đôi thì muốn giữ nguyên tên xã. Chính vì vậy mà tới ngày 20.4, ông Hồ Đức Vỹ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi, cho biết sau khi đề xuất tên xã Đôi Hậu gây tranh cãi, do 2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu trước đây chưa từng có tên gọi chung nên khi tỉnh chỉ đạo làm lại quy trình đặt tên sau sáp nhập để thay cho cái tên Đôi Hậu đã được đưa ra trước đó, chính quyền địa phương đã đề xuất 3 tên gọi, gồm: Quỳnh Phú, Quỳnh Hương và Quỳnh An. Sau khi thảo luận, tên gọi mới là Quỳnh An đã được lựa chọn:
Quỳnh An, có ý nghĩa là bình an, an yên với mong muốn người dân hai xã đoàn kết, xây dựng quê hương bình yên, phát triển. Tên gọi Quỳnh An còn đặc biệt ở chỗ là ghép từ chữ Quỳnh của huyện Quỳnh Lưu và chữ An từ tên tỉnh Nghệ An”.
Chúng ta thấy rằng không có bất kỳ một phương án nào đạt được sự đồng thuận 100%. Giữ nguyên tên cũ vì lịch sử và trầm tích văn hóa lâu đời thì nhiều người ở địa phương khác cũng không thuận lòng, vì họ cũng yêu quý tên gọi từng gắn bó với bao kỷ niệm, dù cho không bằng những cái tên khác. Chính điều này đã gây ra sự rắc rối lớn và cho thấy tính cục bộ của nội tại ở địa phương. Bởi địa phương nào cũng muốn giữ một tên mình trong đó, và khi hai bên không đồng thuận được với nhau thì “Trạng chết chúa cũng băng hà”, khiến cho cả 2 cái tên đều bị biến mất, thay vào đó là một tên gọi mới không có liên quan tới tên gọi cũ, mà phần nhiều ý nghĩa chỉ mang tính chất võ đoán. Điều này tuyệt đối nên tránh.
Nhiều ý kiến còn cho rằng trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm, quốc hiệu của nước ta cũng đã nhiều lần thay đổi. Rồi những thành phố lớn nhất nước như Sài Gòn cũng đã biến mất trong các tên gọi hành chánh chính thức. Chính vì vậy việc thay đổi tên gọi thực sự không phải là vấn đề đáng phải quan tâm. Tuy nhiên, những tên gọi kể trên là tên gọi quốc gia hay một địa phương lớn bậc nhất cả nước, nên dù không còn là tên gọi hành chính chính thức nó vẫn không bị mất đi. Điều này khác với tên làng, mà đặc biệt là tên xã - đơn vị hành chính thuộc cấp thấp nhất ở khu vực nông thôn, ngoại thành, ngoại thị của Việt Nam hiện nay.
Chính vì vậy, việc giữ lại địa danh cũ và bảo vệ ký ức lịch sử là vấn đề quan trọng và đáng được quan tâm, bởi bảo vệ và sử dụng văn hóa địa danh giúp lưu giữ tình cảm và ký ức xứ sở quê hương cội nguồn của bao thế hệ. Việc làm này duy trì tính vẹn toàn của di sản lịch sử văn hóa, và tính liên tục của đời sống kinh tế xã hội. Nếu không, một lần nữa chúng ta lại rơi vào trường hợp văn hóa truyền thống bị đứt gãy.
 

Tử Quang

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây