Nguồn lực phát triển du lịch từ lễ hội truyền thống ở Nghệ An

Thứ tư - 03/04/2024 23:57 0
Nguồn lực phát triển du lịch từ lễ hội truyền thống ở Nghệ An
Lễ hội truyền thống là một loại hình văn hóa dân gian, thể hiện các ứng xử văn hóa cộng đồng của con người đối với tự nhiên và xã hội, được tạo dựng, định hình trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại của cộng đồng đó. Lễ hội không chỉ chứa đựng hình ảnh của truyền thống quá khứ; mà còn là tấm gương phản ánh đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, địa phương ở vào thời điểm diễn ra lễ hội. Và đến hôm nay, những giá trị cốt lõi của lễ hội đã và đang khẳng định vị trí xứng đáng của nó trong đời sống văn hóa và trở thành một trong những nguồn lực cho phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch văn hóa chính là yếu tố tạo nên nét khác biệt cho hệ thống sản phẩm du lịch Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng, trong đó có vai trò của lễ hội truyền thống.

Tiềm năng phát triển du lịch từ lễ hội truyền thống Nghệ An
Nghệ An là một tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng, với 546 di sản văn hóa phi vật thể, 2602 di tích - danh thắng đã được kiểm kê. Sự phong phú, nhiều sắc màu được phản ánh cả trong hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trải dài theo cả thời gian và không gian, bộc lộ được những dấu ấn đặc trưng nhất của truyền thống văn hóa và con người vùng đất này, đã góp phần quan trọng làm nên sự phong phú, đặc sắc của tiểu vùng văn hóa xứ Nghệ. Trong đó, có nhiều danh lam thắng cảnh, các di tích khảo cổ, các di tích lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng, tôn giáo (đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ họ...) hoặc gắn với các danh nhân, sự kiện, đặc biệt có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, lịch sử, văn hóa. Cùng với đó là một hệ thống các lễ hội truyền thống trải rộng khắp các địa phương trong tỉnh với nhiều hình thức: Lễ hội dòng họ, hội làng, lễ hội vùng, lễ hội dân tộc, tôn giáo… đặc biệt là các lễ hội gắn với di tích. Các di tích gắn với tín ngưỡng dân gian hầu hết đều có lễ hội hàng năm, vì thế tên gọi của các lễ hội ở Nghệ An đa số đều gắn với tên gọi của di tích như: Lễ hội đền Cờn, Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Vua Mai, Lễ hội đền Cuông, Lễ hội đền Chín Gian…
Theo kết quả thống kê năm 2019, toàn tỉnh Nghệ An có 127 lễ hội (lễ hội truyền thống chiếm 96%), trong đó có 29 lễ hội trong danh mục quản lý lễ hội của tỉnh (so với hơn 8000 lễ hội trong cả nước, lễ hội ở Nghệ An chiếm khoảng 1,58%). Có 08 lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội đền Cờn, Lễ hội đền Chín Gian, Lễ hội đền Thanh Liệt, Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Bạch Mã, Lễ hội đền Hoàng Mười, Lễ hội đền thờ Nguyễn Cảnh Hoan, Lễ hội đền Yên Lương.
Mỗi lễ hội gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi thức thờ cúng, thực hành tín ngưỡng thể hiện sự tôn kính, tri ân thần linh và cầu xin thần linh phù hộ, độ trì cho mùa màng tươi tốt cuộc sống yên bình hạnh phúc… Phần hội chính là không gian và thời gian diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng. Với các hoạt động đặc sắc mang tính tập thể cao, mỗi lễ hội đều có nét tiêu biểu riêng và chứa đựng trong đó nhiều giá trị văn hóa cao đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc. Lễ hội là dịp để nhân dân thể hiện sự tri ân, vinh danh công lao của các vị thần linh, anh hùng dân tộc. Đến dự lễ hội, người dân, du khách vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp của nơi thờ thần, thờ Phật và nghe sự tích của các phúc thần, danh nhân có công với đất nước. Sau khi tham gia vào các nghi lễ tâm linh, mọi người được hòa mình vào các trò chơi dân gian như đấu vật, chọi gà, đánh cờ, chơi đu, đua thuyền,… hoặc thưởng thức các món ăn ngon đặc trưng của các vùng, miền. Mỗi một vùng đất, một tộc người với những phong tục, tập quán, điều kiện, hoàn cảnh riêng, cách thức tổ chức với những đặc trưng riêng đã góp phần tạo nên sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức cho các lễ hội truyền thống ở Nghệ An. Đó là một tài nguyên, nguồn lực rất lớn, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà.
Thực tiễn bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch Nghệ An
Với những nét đặc sắc trong cách trình thức nghi lễ, sự đa dạng, phong phú của các hoạt động hội, trong những năm qua, các lễ hội truyền thống của Nghệ An vẫn thường xuyên được duy trì và ngày càng thu hút đông đảo nhân dân, du khách tham gia. Các lễ hội chủ yếu do nhân dân tổ chức, kinh phí thực hiện chủ yếu lấy từ nguồn xã hội hóa, nhà nước quản lý, giám sát, hướng dẫn thực hiện. Phần lễ tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội đã chú trọng khôi phục các trò chơi dân gian, cổ truyền tiêu biểu đặc trưng vùng - miền, kết hợp có chọn lọc các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể thao tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Một số lễ hội có nghi lễ, các trò chơi dân gian, phát huy bản sắc văn hoá của lễ hội như: Lễ hội đền Đức Hoàng (thi đánh trống tế, giao lưu các câu lạc bộ dân ca), Lễ hội Pu Nhạ Thầu (giao lưu nghệ thuật quần chúng giữa các dân tộc thiểu số, thi trang phục dân tộc, cồng chiêng, kéo co, ném còn, tỏ mạc lẻ, bắn nỏ nam (nữ), đẩy gậy); Lễ hội đền Bạch Mã (vật cù, đập niêu); Lễ hội đền Chín Gian (thi viết chữ Thái Lai Pao), Lễ hội Vua Mai (lễ rước nước, đua thuyền, vật truyền thống), Lễ hội đền Thanh Liệt, Lễ hội đền Quả Sơn (lễ rước trên sông), tục chạy Ói tại Lễ hội đền Cờn. Đặc biệt, các lễ hội ở miền núi như: Lễ hội đền Vạn Cửa Rào, Lễ hội Hang Bua, Lễ hội Bươn Xao, Lễ hội đền Chín Gian, Lễ Xăng Khan đã bảo tồn được các giá trị văn hóa đặc sắc vùng, đáp ứng đời sống tinh thần của nhân dân. Nhiều di tích và lễ hội thu hút đông du khách tham gia như di tích - Lễ hội đền Hoàng Mười, Lễ hội đền Cờn, Lễ hội đền Quả Sơn… đã đáp ứng nhu cầu văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Trò chơi đẩy gậy trong Lễ hội Pu Nhạ Thầu  Ảnh: Sách Nguyễn
Cùng với việc khôi phục, bảo tồn tốt các trình thức, nghi lễ, gắn với các hoạt động hội, công tác phát huy giá trị các lễ hội trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng hiệu quả. Hầu hết các lễ hội trên địa bàn tỉnh hiện nay đều được tổ chức bằng nguồn xã hội hóa, việc sử dụng ngân sách chỉ chiếm một phần nhỏ. Có nhiều di tích vào các dịp lễ hội, nguồn thu công đức lên đến hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng (như đền Hoàng Mười, đền Cờn…).
Du lịch văn hóa tâm linh là một loại hình đang được khai thác tương đối có hiệu quả hiện nay. Nghệ An với một hệ thống di tích lịch sử văn hóa và lễ hội phong phú cũng đang từng bước nắm bắt để khai thác tiềm năng này. Các điểm du lịch tiêu biểu như Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) với lượng khách đến khoảng gần 2 triệu lượt người mỗi năm, Khu di tích lịch sử Truông Bồn (Đô Lương), di tích và Lễ hội đền Ông Hoàng Mười (Hưng Nguyên) đón hàng trăm nghìn lượt khách mỗi năm. Các di tích và Lễ hội đền Cờn (Hoàng Mai), đền Quang Trung (TP Vinh), đền Quả Sơn (Đô Lương)… đang đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi năm. Nhiều di tích khác như đền Cuông, chùa Cổ Am (Diễn Châu), chùa Đại Tuệ (Nam Đàn)… gần đây cũng thu hút khá đông đảo khách thăm viếng, tham quan.
Việc tổ chức lễ hội truyền thống và thực hành di sản văn hóa phi vật thể với sự tham gia của cộng đồng dân cư nơi có lễ hội cùng du khách thập phương cũng góp phần tạo các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, phát huy vai trò tạo động lực phát triển du lịch, đóng góp hiệu quả thiết thực vào phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc bảo tồn, phát huy giá trị của lễ hội truyền thống ở Nghệ An vẫn còn những tồn tại.
Về nội dung, cách thức tổ chức lễ hội chưa có nhiều thay đổi, còn nặng tính hành chính. Nhiều lễ hội truyền thống mới được phục hồi những năm gần đây nên còn chưa có chiều sâu về kịch bản, chưa khai thác bản sắc văn hóa của từng địa phương để tạo sự khác biệt trong các lễ hội và tạo điểm nhấn cho lễ hội. Mặt khác, chưa chú ý phát huy vai trò, năng lực, sự chủ động tham gia của người dân, người dân là chủ thể trong các hoạt động nên một số lễ hội chưa thu hút được đông đảo nhân dân tham gia và chưa trở thành những điểm đến hấp dẫn của du lịch. Một số địa phương còn chưa làm tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn. Việc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí dịch vụ tâm linh tại di tích, lễ hội chưa chặt chẽ. Các phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong lễ hội; công tác tuyên truyền quảng bá cho di tích và lễ hội có nơi chưa được chú trọng và chưa thực sự phát huy hiệu quả…
Về quy mô, Nghệ An không có những lễ hội thật sự lớn, có tầm ảnh hưởng như một số tỉnh, thành phố khác. Phần lớn các lễ hội là hoạt động văn hóa tâm linh và chưa được công chúng cũng như truyền thông bày tỏ sự quan tâm tương xứng.
Những năm gần đây, ngành du lịch Nghệ An đã rất quan tâm đến việc khai thác các di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống để phát triển du lịch với quan điểm xuyên suốt là khai thác đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đưa giá trị di sản văn hóa lên tầm cao mới. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch vẫn còn nhiều hạn chế và trình độ phát triển du lịch tỉnh nhà nói chung vẫn còn thấp hơn so với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Hạn chế chung trong khai thác sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống nói riêng và sản phẩm du lịch di sản văn hóa nói chung còn đơn điệu và bị trùng lặp. Cùng với đó, nguồn nhân lực cho khai thác du lịch di sản còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Để lễ hội truyền thống thực sự trở thành nguồn lực cho phát triển du lịch Nghệ An:
Thứ nhất, thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, tính hấp dẫn, riêng có của lễ hội, bởi đây là yếu tố cốt lõi để thu hút sự quan tâm, là động lực đưa nhân dân, du khách về với lễ hội. Các lễ hội dân gian, truyền thống là của cộng đồng, vì thế để việc quản lý, tổ chức lễ hội tốt hơn,  các ban, ngành và chính quyền địa phương liên quan cần đẩy mạnh giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng; xây dựng kịch bản cho hoạt động trong lễ hội bài bản, chuyên nghiệp, giàu bản sắc, tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng… Bên cạnh đó, các địa phương có lễ hội phải chuyên nghiệp hơn trong khâu tổ chức, quản lý lễ hội, bảo đảm văn minh, an toàn để tăng niềm tin, thiện cảm với du khách; tăng cường đổi mới hình thức tổ chức để lễ hội vừa bảo đảm giữ được truyền thống vừa có sức thu hút với nhiều đối tượng du khách. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược văn hóa dài hạn cho việc phát huy giá trị di sản nói chung, lễ hội nói riêng với các sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng của vùng đất, tạo sức hút bền vững tới công chúng, du khách. Những di sản được khai thác hợp lý sẽ góp phần để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, giúp họ có những cái nhìn rõ nét và sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa bản địa còn hiện diện, làm cho họ cảm thấy thích thú và muốn quay trở lại ở những lần sau, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Trò chơi vật cù tại Lễ hội đền Bạch Mã      Ảnh: Sách Nguyễn
Thứ hai, định hình, xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với lễ hội truyền thống.
So với nhiều tỉnh thành khác, Nghệ An có một kho tàng di sản văn hóa phong phú, là nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng giá trị để khai thác nhằm phát triển bền vững du lịch trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt sau khi Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gắn di sản với du lịch, khai thác di sản phải đi đôi với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là nguyên lý quan trọng trong phát triển du lịch.
Tuy nhiên, để trở thành sản phẩm du lịch, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng, doanh nghiệp phải hiểu được đặc trưng văn hóa, giá trị văn hóa nổi bật để lựa chọn đúng, trúng nguyên liệu di sản văn hóa trong chuỗi sản phẩm của ngành Du lịch, gắn di sản với chiến lược phát triển du lịch Nghệ An và các ngành kinh tế khác. Ngành Văn hóa phối hợp với ngành Du lịch tham mưu UBND tỉnh thiết lập được các sản phẩm văn hoá độc đáo, hấp dẫn, có chất lượng để thu hút khách đến với di tích, di sản, thu xếp các tour, tuyến, các mức độ khác nhau. Thiết kế các sản phẩm lưu niệm phù hợp với di tích và thị hiếu của khách.
Mô hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch cộng đồng cũng sẽ giúp cho người dân được hưởng lợi từ việc phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể. Việc khám phá sự đa dạng của các truyền thống văn hóa, lễ hội, trình diễn nghệ thuật, kỹ năng nghề thủ công truyền thống và các lĩnh vực khác của di sản văn hóa phi vật thể là đòn bẩy mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Từ chỗ góp phần tôn vinh, nuôi dưỡng lòng tự hào về di sản văn hóa tộc người trong cộng đồng, các hoạt động du lịch có thể tạo ra thu nhập và khuyến khích tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, trong khai thác du lịch ở các khu vực di sản, phải chú ý đến quy mô, mức độ và thời điểm khai thác, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để tạo thêm nguồn kinh phí cho bảo tồn di sản, phát huy vai trò của cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của di sản trong các hoạt động bảo vệ, quản lý và khai thác di sản.
Cùng với việc xây dựng các sản phẩm du lịch di sản, lễ hội, cần phát triển đa dạng các sản phẩm hàng hóa lưu niệm, cả về chất lượng và hình thức mẫu mã, trong đó chú trọng các sản phẩm là di sản văn hóa phi vật thể, đặc sản làng nghề của các địa phương trong tỉnh, như giao lưu, trình diễn Dân ca ví giặm; các sản phẩm y học cổ truyền; điểm trưng bày các sản phẩm thư pháp và cho chữ Nho, chữ Nôm; điểm trình diễn hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ của địa phương với các ngành nghề đan lát, dệt vải...
Gắn với việc xây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh gắn với lễ hội và các di sản văn hóa theo đặc trưng của từng địa phương, cần quan tâm liên kết mở rộng không gian du lịch, kết nối các di tích, danh thắng, khu điểm du lịch trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh trong cả nước thành các tour du lịch phù hợp.

Thi đấu vật trong Lễ hội đền vua Mai ở Nam Đàn
Nghệ An là điểm khởi đầu của con đường Hồ Chí Minh huyền thoại và cũng là điểm khởi đầu của tuyến du lịch hành lang Đông Tây, đồng thời, Nghệ An còn là điểm trung chuyển du lịch trong cả nước với du lịch nước ngoài, mà trước hết là với các nước: Lào, Thái Lan. Vì vậy, việc kết nối các tour, tuyến du lịch trong tỉnh với các tour, tuyến du lịch trong nước và quốc tế là điều khá thuận lợi.
Ở trong tỉnh, theo Quy hoạch hệ thống di tích, Nghệ An được chia thành 7 vùng trọng điểm trên cơ sở tập hợp các nhóm di tích: vùng I (Nam Đàn - Thanh Chương), vùng II (Vinh - Cửa Lò - Nghi Lộc - Hưng Nguyên), vùng III (Diễn Châu - Yên Thành - Đô Lương), vùng IV (Quỳnh Lưu - Hoàng Mai), vùng V (Anh Sơn - Tân Kỳ - Nghĩa Đàn - Thái Hòa), vùng VI (Quế Phong - Quỳ Châu - Quỳ Hợp), vùng VII (Con Cuông - Tương Dương - Kỳ Sơn). Việc xây dựng các tour, tuyến du lịch trong tỉnh hiện nay cơ bản đã định hình theo các tuyến đường chính như tuyến đường 7, tuyến đường 48, tuyến đường 46… Tuy nhiên, trong tương lai, việc hình thành các tour du lịch cần quan tâm đến các điểm đến tâm linh trọng điểm ở 7 vùng di sản nói trên, trên cơ sở kết hợp với các điểm đến thuộc loại hình du lịch khác.
Ở ngoại tỉnh, cần tăng cường hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố có trọng điểm về du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Huế, Quảng Ninh, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ, vùng Tây Bắc, Tây Nguyên; các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Trung bộ như: Saigontourist, Vietravel, Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội... để xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội tâm linh, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Nghệ An, gắn điểm đến Nghệ An vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Thứ ba, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ, nhân lực cho phát triển du lịch gắn với di sản.
Để có thể khai thác được thế mạnh du lịch tâm linh gắn với di tích, lễ hội, nhất thiết phải tạo dựng một cơ sở hạ tầng dịch vụ hiện đại, đồng bộ. Làm thế nào để khi du khách đến với di tích, họ được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về ăn, ở, cùng các dịch vụ đi kèm, làm cho du khách hài lòng và tăng thời gian lưu trú. Và đổi lại, đơn vị quản lý di tích có thể có thêm nhiều nguồn thu thông qua các dịch vụ phụ trợ này từ du khách. Để làm tốt điều này, mỗi di tích cần có quy hoạch và định hướng cụ thể cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ phù hợp, vừa đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu của khách tham quan nhưng không làm phá vỡ cảnh quan môi trường, các yếu tố gốc và giữ gìn tính linh thiêng của di tích. Để đón tiếp khách tham quan, nhất thiết mỗi di tích phải có cơ sở đón tiếp, trưng bày, giới thiệu, hướng dẫn, cùng các hạng mục công trình phụ trợ như bãi đậu xe, khu vực ăn uống, vệ sinh… Kết hợp hệ thống hạ tầng du lịch trong một chu trình tham quan có cấu trúc mở, vừa có khả năng độc lập cung cấp các dịch vụ thiết yếu trong dài hạn vừa có khả năng kết hợp các tuyến, điểm đảm bảo khả năng liên kết trong ngắn hạn là một định hướng rất phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, cần quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ từ quản lý di sản cho đến những người làm du lịch, nhất là phòng điều hành tour và các hướng dẫn viên phải am hiểu cả về văn hóa và kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch tại các khu vực di sản phải giải quyết hài hòa mối quan hệ và quyền lợi của các bên tham gia, nhất là đối với cộng đồng địa phương. Mặt khác, cần đầu tư thỏa đáng cho công tác kiểm kê hệ thống di sản và nghiên cứu, đánh giá giá trị của các di sản, lễ hội để quản lý và xây dựng chiến lược khai thác một cách bài bản.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích, lễ hội và di sản văn hóa.
Công tác quảng bá cho du lịch, trong đó có du lịch tâm linh, lễ hội có thể thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch gắn với các sự kiện chính trị của tỉnh, của đất nước để đưa hình ảnh du lịch Nghệ An đến với du khách; mở rộng các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong nước, trong khu vực. Và trong xã hội hiện đại ngày nay, khi công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện phát triển mạnh mẽ, việc tuyên truyền, quảng bá di tích không còn giới hạn về không gian, thời gian hay hình thức nữa. Để thông tin về di tích, lễ hội đến được với công chúng, không dừng lại ở trong vùng mà ở trong cả nước và mở rộng ra thế giới, có thể thông qua rất nhiều cách thức khác nhau. Nếu trước đây, tuyên truyền, quảng bá chỉ dừng lại ở hình thức trực quan tại chỗ hay trên báo chí, phát thanh, truyền hình thì hiện nay đã có các hình thức rất phong phú, như website, mạng xã hội facebook, zalo, tiktok, instagram… với khả năng tương tác trực tiếp dễ dàng. Và chính bản thân du khách có thể chính là những người tuyên truyền, quảng bá miễn phí cho sản phẩm mà họ được trải nghiệm. Vì vậy, tăng cường tuyên truyền, quảng bá về di sản, cùng với việc tạo thiện cảm, lòng tin cho du khách thông qua trải nghiệm thực tế là những yếu tố góp phần quyết định thành công cho việc xây dựng hình ảnh du lịch của địa phương.
Có thể nói Nghệ An là một vùng đất của sự hội tụ cả cảnh sắc và phong tục, truyền thống văn hóa. Lễ hội truyền thống cũng là một thành tố góp phần làm giàu thêm bản sắc văn hóa của vùng đất Nghệ An “địa linh, nhân kiệt”. Bản sắc ấy rất cần được khẳng định, gìn giữ, bồi đắp và khai thác một cách có hiệu quả để làm nền tảng và nguồn lực cho sự phát triển bền vững trong tương lai, để di sản thực sự phát huy hiệu quả cho phát triển du lịch tỉnh nhà.
 

Phan Anh

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây