Chấn hưng văn hóa đọc từ các môi trường văn hóa

Thứ tư - 03/07/2024 04:03 0
Văn hóa đọc là nhân tố quan trọng của một nền văn hóa. Văn hóa đọc phát triển sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực khác cùng vươn lên. Vậy nên, trong quá trình phát triển văn hóa thì gần như các cộng đồng, các quốc gia đều quan tâm đến văn hóa đọc. Ở Việt Nam, trong nhiều năm gần đây người ta quan tâm đến văn hóa đọc và vấn đề chấn hưng văn hóa đọc trở thành vấn đề quan trọng. Nhưng để phát triển văn hóa đọc, cần phải giải quyết được những yếu tố nền tảng của nó một cách phù hợp.
Thực trạng mối quan tâm về văn hóa đọc hiện nay
Văn hóa đọc là một bộ phận, một thành tố trong nền văn hóa. Văn hóa đọc cũng có sự hình thành, phát triển và khẳng định. Trong quá trình đó, nó luôn có sự thay đổi để phù hợp với sự biến đổi của cuộc sống. Nhân loại càng hướng về nền kinh tế tri thức, hương về nền văn minh trí tuệ, thì văn hóa đọc càng có vai trò quan trọng. Bởi đọc là một phương thức, một con đường tiếp cận tri thức quan trọng nhất. Có nhiều cách thức để tiếp cận tri thức, và càng ngày càng nhiều hơn nữa, nhưng đến hiện tại vẫn chưa thể thay thế được văn hóa đọc. Bởi xét cho cùng, ngôn ngữ là một phương tiện truyền tải tri thức quan trọng và đọc chính là để tiếp cận tri thức từ ngôn ngữ.


Ảnh nguồn https://baochinhphu.vn/

Việt Nam đang định hương phát triển kinh tế tri thức nên đương nhiên rất coi trọng văn hóa đọc. Sự coi trọng văn hóa đọc thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, từ việc đầu tư giáo dục, phát triển hệ thống thư viện, đẩy mạnh công tác in ấn, xuất bản hay phát triển các nền tảng số để ứng dụng cho việc đọc, mà còn tạo ra các phong trào xã hội để thúc đẩy văn hóa đọc trong quần chúng nhân dân. Chính phủ đã ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào 21 tháng 4 hàng năm với mục đích chủ yếu là: “Khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập. Tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam”. Khi đến dịp này, các cơ quan liên quan, các địa phương đều rầm rộ tổ chức các hoạt động để chào mừng và cũng để thúc đẩy văn hóa đọc. Sự quan tâm đó cho thấy Việt Nam dành nhiều mối quan tâm cho văn hóa đọc.
Tuy nhiên, đọc sách và văn hóa đọc hình thành trong một quá trình phát triển gắn với nhiều môi trường khác nhau, nó cũng gắn với quá trình trưởng thành của một con người và cả quá trình phát triển của xã hội. Có nền văn hóa đọc chung của đất nước, nhưng cũng có giá trị văn hóa đọc gắn với mỗi cá nhân, mỗi con người cụ thể. Một con người sinh ra trong một gia đình, trưởng thành qua quá trình học tập trong nhà trường, khẳng định giá trị bản thân qua quá trình lao động và đóng góp cho xã hội. Trong tất cả các quá trình đó, gắn với nhận thức, tri thức cũng như trải nghiệm của họ. Nói cách khác thì việc đọc gắn với cuộc đời một con người và trải qua những môi trường gia đình, trường lớp và xã hội.
Từ nhiều năm nay, hầu như khi quan tâm đến một vấn đề gì, chúng ta cố gắng tạo ra những phong trào xã hội rộng lớn để tuyên truyền, quảng bá. Nhưng nhiều khi làm như vậy sẽ tốn kém và hiệu quả không cao. Trong trường hợp phát triển văn hóa đọc cũng vậy. Đến dịp kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc thì đâu đâu cũng rộn lên tổ chức các sự kiện liên quan. Nhưng qua dịp đó rồi thì đâu lại vào đấy, lại chẳng mấy ai quan tâm chuyện sách vở. Trong khi đó, đọc sách cũng như hít thở, như ăn cơm hàng ngày, phải liên tục, kiên trì và điều độ thì mới bền vững. Không thể ăn một bữa để no cho một tháng, hay hít một hơi để thở cho một giờ được. Vậy nên, đọc sách và văn hóa đọc phải và chỉ được phát triển một cách bền vững trong môi trường gia đình, môi trường trường học và môi trường xã hội. Quan tâm phát triển văn hóa đọc phải xem xét và bắt đầu từ những môi trường này. Chần hưng văn hóa đọc, vì thế cũng phải đặt nó trong các môi trường quan trọng này mới có tính khả thi và hiệu quả.
Chấn hưng văn hóa đọc trong môi trường gia đình
Gia đình là môi trường đầu tiên, là nền tảng cho một con người hình thành và phát triển. Cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình là những nhân tố ban đầu ảnh hưởng đến sự phát triển các năng lực của trẻ. Với văn hóa đọc cũng vậy, gia đình là cái nôi đầu tiên. Và sự khích lệ của các thành viên trong gia đình, nhất là những người làm bố, làm mẹ, chính là động lực thôi thúc con cái tiếp cận làm quen và vươn lên trong giai đoạn đầu của văn hóa đọc.

Tủ sách gia đình - Ảnh intenet

Gần đây, tôi có tham gia nhiều cuộc trò chuyện, trao đổi của một nhóm bạn trẻ luôn khao khát xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Hà Nội. Qua đó biết được một trường hợp rất thú vị. Đó là chuyện đọc sách của bé Lily hơn 11 tuổi với một niềm đam mê sách mãnh liệt. Lily có quê ở một huyện miền núi Hà Tĩnh nhưng sinh sống ở Hà Nội. Lily rất chăm đọc và thường xuyên đưa ra những suy nghĩ rất “dị” sau khi đọc sách. Lily đọc nhiều loại sách khác nhau, ngoài sách thiếu nhi thì còn đọc sách văn chương, lịch sử, kinh tế và cả triết học… Và bé cũng có một khả năng thuyết trình rất tốt. Vậy nên, cháu đã tham gia chia sẻ về nhiều câu chuyện đọc sách ở các diễn đàn liên quan đến văn hóa đọc từ Hà Nội, Hà Tĩnh đến Sài Gòn. Bệ đỡ của Lily chính là sự khích lệ, động viên của gia đình đối với văn hóa đọc. Mẹ của Lily rất đam mê sách vở và thường đồng hành với con trong việc đọc và chia sẻ. Ông bà của Lily cũng rất ủng hộ cháu về việc đọc, sẵn sàng chu cấp tiền để mua sách vở khi cần. Có lẽ vì vậy mà Lily đến với việc đọc sách một cách tự nhiên nhưng cũng rất… xã hội trong sự khích lệ và chia sẻ của mọi người trong nhà.
Câu chuyện của Lily cũng gợi ra nhiều vấn đề về vai trò của văn hóa gia đình đối với văn hóa đọc của con trẻ trong gia đình. Văn hóa đọc bắt nguồn từ trong gia đình, đây là điều đã được nhiều người nói đến. Không chỉ thảo luận lý thuyết, mà thực tế của nhiều gia đình cũng đã chứng minh điều đó. Nếu để ý đến các gia đình có truyền thống khoa bảng, có nhiều người tài năng, đỗ đạt qua các thế hệ khác nhau thì thấy việc khích lệ con em trong gia đình đam mê với sách vở, với  văn hóa đọc là điều dễ thấy. Dân gian vẫn có câu “con nhà gia giáo”, “gia đình dòng dõi”… có nhiều nghĩa khác nhau trong đó có sự khen ngợi về truyền thống văn hóa gia đình, về việc học hành giữa các thế hệ trong gia đình.
Trong cuộc sống của chúng ta cũng dễ thấy được rằng trong các gia đình mà bố mẹ làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến giáo dục, đến sách vở thì sẽ quan tâm đến văn hóa đọc, đến sự đọc của con cái nhiều hơn. Một mặt họ gắn kết công việc của mình với việc giáo dục con cái trong nhà, tạo nên một môi trường tốt cho văn hóa đọc. Mặt khác, họ cũng là những người hiểu rõ về giá trị của việc đọc sách nên cũng muốn trao truyền cho con cái nhiều hơn. Trong việc đọc sách, việc rèn luyện thói quen đọc cho con trẻ là một điều rất khó, nhưng lại là vấn đề mẫu chốt, là nhân tố nền tảng tạo nên giá trị của văn hóa đọc. Cha mẹ biết khích lệ con cái đọc sách là nhân tố đầu tiên và rất quan trọng để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình. Bởi từ đó, nó hun đúc lên niềm say mê đọc sách của con trẻ.
Chấn hưng văn hóa đọc trong môi trường nhà trường
Nếu gia đình là cai nôi hình thành niềm đam mê sách vở thì nhà trường chính là môi trường để rèn luyện, để phát triển sự đọc của một con người. Trong nhà trường, những đứa trẻ làm quen với những con chữ đầu tiên. Theo thời gian trưởng thành, sự đọc phát triển qua hệ thống trường lớp và dần hình thành văn hóa đọc. Đây chính là giai đoạn mà một người xây dựng nền móng tri thức của mình qua việc đọc sách để phát triển bản thân trong môi trường giáo dục. Trong gia đình, sự khích lệ của bố mẹ là nhân tố quan trọng thì trong nhà trường, sự chia sẻ, trao truyền cảm hứng và kỹ năng đọc sách của thầy cô lại là nhân tố cần thiết. Thầy cô luôn là một nguồn cảm hứng quan trọng cho học trò nuôi dưỡng sự yêu thích sách vở. Khi thầy cô coi trọng chuyện đọc sách thì việc truyền lửa cho văn hóa đọc được lan tỏa. Và ngược lại, khi chính thầy cô cũng không quan tâm chuyện đọc sách thì đừng thấy bất ngờ khi học trò cũng thờ ơ với sách vở. Nói cách khác, sự nghiêm túc và bài bản trong việc đọc sách của các thầy cô giáo là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa đọc của học trò trong nhà trường.
Bàn về chuyện đọc sách lại nhớ đến GS.TS Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Khi còn sống, thầy Dương là một người đọc sách chăm chỉ và nghiêm túc. Thầy rất coi trọng việc đọc và cũng là một người truyền cảm hứng cho người khác về văn hóa đọc một cách mãnh liệt. Chẳng vì thế mà thư viện gia đình của thầy thường xuyên có học trò đến đọc sách. Bởi không chỉ nhiều sách vở, trong đó có những cuốn sách quý được thầy lưu giữ nhiều chục năm mà không dễ tìm thấy ở những thư viện khác. Nhưng quan trọng là đến đó đọc sách sẽ được thầy chia sẻ, truyền dạy thêm về kinh nghiệm, về văn hóa đọc cũng như trao đổi về chuyên môn. Thầy luôn sẵn sàng dành thời gian để truyền cảm hứng cho học trò về tinh thần đọc sách, về đam mê nghiên cứu khoa học. Đã nhiều lần thầy nói với tôi rằng sở dì thầy không chỉ nghiêm túc mà còn đam mê đọc sách vì được những người thầy chỉ dạy điều đó. Thầy nghiêm túc thì trò sẽ nghiêm túc. Thầy luôn là tấm gương đối với trò nên một khi thầy coi trọng việc đọc và truyền cảm hứng lại cho trò thì văn hóa đọc cũng được gieo duyên và truyền dẫn. Thế nên, dù chủ yếu làm việc ở viện nghiên cứu nhưng thầy Dương có nhiều học trò ở các trường đại học khắp trong và ngoài nước. Trong hơn mười năm thường xuyên lui tới nhà thầy, tôi luôn gặp thầy ngồi đọc sách ở trên phòng thư viện gia đình. Nhiều hôm trời nắng nóng, thấy thầy cởi trần ngồi đọc sách mà không bật quạt. Tôi hỏi thầy thì thầy bảo thầy đang thử đọc sách như một kiểu thiền, nếu mình tập trung vào đọc sách một cách cao độ thì có thể quên đi môi trường xung quanh… Đứng trước một người thầy – một tấm gương nghiêm túc về đọc sách thì các học trò cũng sẽ cố gắng để đọc nhiều hơn.
Nhà trường là một môi trường để hình thành và phát triển văn hóa đọc. Sẽ chẳng có văn hóa đọc nào cả khi mà trường lớp không không coi trọng việc đọc sách, thầy cô không nghiêm túc với việc đọc sách. Đó là điều chắc chẳn, bởi xét cho cùng trong xã hội hiện đại nhà trường có vị trí quan trọng trong nền giáo dục.
Chấn hưng văn hóa đọc trong môi trường xã hội
Gia đình và nhà trường chỉ là những nhân tố để hình thành nên văn hóa đọc, đặc biệt là đặt nền tảng cho sự đam mê đọc sách của một con người cụ thể. Nhưng xã hội mới là môi trường để phát triển văn hóa đọc. Văn hóa đọc sẽ chẳng còn nhiều giá trị nếu như tri thức chỉ để khoe khoang, sách vở chỉ để trang trí trong các ngôi nhà trống rỗng. Do vậy, phát triển văn hóa đọc cần một môi trường xã hội quan tâm đến tri thức, coi trọng sách vở và xem tri thức là công cụ để làm việc. Muốn vậy thì quá trình làm việc cần phải quan tâm đến tri thức, từ việc tuyển dụng đến việc sử dụng người lao động gắn với tri thức mà họ có được. Quan tâm, coi trọng những người có tri thức là coi trọng việc đọc sách và qua đó là động lực quan trọng để phát triển văn hóa đọc. Tạo ra sự bình đẳng và công bằng trong việc tuyển dụng và sử dụng những người có tri thức cũng là một con đường để phát triển văn hóa đọc.
Từ nhiều năm nay, câu chuyện những tri thức trong nhà trường, đặc biệt là trường đại học, thậm chí sau đại học, được sử dụng như thế nào trong quá trình làm việc trở thành vấn đề được bàn tán sâu rộng. Và không chỉ bàn tán phiếm với nhau, đây còn là nội dung được nhiều người quan tâm để thảo luận trong các diễn đàn quan trọng. Những thứ chúng ta đã và đang học trong nhà trường đại học không có nhiều giá trị khi chúng ta rời trường vào kiến tạo cuộc sống?! Đó là cảm nhận của nhiều người, và cũng là nhận định được nhiều người ủng hộ. Nhưng cái gốc sâu xa của nó lại đến từ cả nền giáo dục và cả môi trường xã hội. Nền giáo dục sáo rỗng, thiếu triết lý là một phần tạo nên tình trạng đó. Nhưng môi trường xã hội, từ tuyển dụng đến sử dụng nhân sự cũng là một nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng đó. Tuyển dụng theo bằng cấp nhưng không sử dụng hết bằng cấp thực sự là một vấn nạn. Có những người có đến dăm bảy văn bằng đại học hoặc tương đương nhưng lại không chuyên sâu một ngành nghề gì. Có những vị trí vốn chỉ cần một người lành nghề tốt nghiệp trung cấp là đủ nhưng tuyển cả thạc sĩ hoặc cao hơn vào cho đẹp hồ sơ… Nhiều loại công việc rất cần đến tri thức nhưng cuối cùng lại bỏ ngỏ để rồi càng ngày tri thức càng xa rời công việc khiến cho việc đọc sách (để tiếp cận tri thức) cũng bị xao nhãng và bỏ quên/qua.
Trong các cơ quan, việc tiếp cận tri thức không được coi trọng thì văn hóa đọc cũng không có chỗ để phát triển. Tuyển dụng cần những căn cứ cụ thể như bằng cấp, nhưng cũng cần tri thức đích thực và người tuyển dụng giỏi sẽ nhận biết được người có tri thức đích thực thế nào mà không hẳn phải soi bằng cấp. Hơn nữa, việc sử dụng tri thức, sử dụng bằng cấp sao cho phù hợp để gắn tiếp cận tri thức với hoàn thành tốt hơn nữa công việc, qua đó tạo môi trường cho văn hóa đọc phát triển. Bởi xét cho cùng, đọc sách là một kênh quan trọng để tiếp cận tri thức.
Để văn hóa đọc được chấn hưng
Nếu xem gia đình là cái nôi hình thành văn hóa đọc, nhà trường là cái bệ đỡ để xây dựng văn hóa đọc thì môi trường xã hội, môi trường làm việc là cơ sở để phát triển văn hóa đọc. Người ta nói kinh tế tri thức hay văn minh trí tuệ là bởi gắn tri thức với cuộc sống, với công việc hàng ngày và tiếp cận tri thức là con đường để trưởng thành, để phát triển chứ không phải là những thuật ngữ, những diễn ngôn để trưng bày cho đẹp.
Xét lại thực tế của chúng ta, văn hóa đọc trong gia đình, trong nhà trường và trong xã hội đều có vấn đề bất cập, có thể xem là những khoảng trống cần phải được bù đắp. Trong gia đình, bố mẹ bị cuốn vào vòng xoáy kinh tế, vào cơm áo gạo tiền nên ít khi quan tâm đến việc học hành của con. Khi quan tâm lại chạy theo kết quả học tập hơn là niềm vui học tập của con cái. Vậy nên không thể khích lệ con đam mê đọc sách được chứ chưa nói đến cùng đọc sách và chia sẻ với con. Trong nhà trường, cô thầy cũng không thoát ra được chuyện cơm áo hàng ngày, bản thân cũng chưa coi trọng đúng mức chuyện đọc sách thì thật khó để dạy cho học trò đọc sách nghiêm túc được. Ngoài xã hội, sự coi trọng tri thức chỉ như những diễn ngôn làm đẹp cho các phong trào chính trị, sách vở chỉ là những đồ trang trí trong các ngôi nhà đẹp đẽ thì văn hóa đọc cũng chỉ là những sự tưởng tượng mà thôi. Muốn bù đắp lại những khoảng trống của văn hóa đọc, cần phải thay đổi toàn bộ các nhân tố quan trọng phía trên.
Trước hết, cha mẹ phải coi trọng việc tiếp cận tri thức của con cái bằng cách tự mình tạo ra một tấm gương cho con noi theo. Dù bận rộn kiếm sống thì cũng cần dành thời gian đọc sách chia sẻ và khích lệ con cái để tạo ra cái nôi cho văn hóa đọc trong gia đình. Bỏ bớt hình thức, bỏ đi các thành tích từ kết quả học tập của con mà chia sẻ niềm vui học tập của con để niềm vui đó trở thành cơ sở cho kết quả học tập, thì con cái sẽ bớt đi được gánh nặng học thêm, thi cử và có thêm những ngày vui với sách vở. Tiếp đến, các thầy cô cũng phải chịu trách nhiệm với học trò về đam mê sách vở, về văn hóa đọc. Thầy cô không đọc sách nghiêm túc thì sao dạy được học trò, sao làm cho học trò đọc sách được. Bởi trong công việc của thầy cô đã gắn với đọc sách, với văn hóa đọc. Chỉ giáo trình hay giáo án là chưa đủ trong bối cảnh tri thức nhân loại đang tăng hàng giờ theo cấp số nhân. Sau nữa, cũng rất quan trọng, là xã hội cần phải coi trọng tri thức, coi trọng người lao động bằng tri thức. Phải xem xét lại quy trình từ tuyển dụng đến sử dụng con người có gắn tri thức với công việc một cách nghiêm túc và hiệu quả chưa, để thay đổi cho phù hợp. Sẽ chẳng có văn minh trí tuệ nào cả, sẽ chẳng có kinh tế tri thức nào cả, khi mà đánh đồng những kẻ vô minh với những người thông hiểu tri thức. Thứ duy nhất trên tay của Lênin khi rời khỏi cuộc đời là một cuốn sách. Đó là sự khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách cho hậu thế./.

 

Thanh Đình

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây