Phát triển hành lang kinh tế ven biển Nghệ An

Thứ năm - 11/07/2024 22:25 0
Thế kỷ XXI là “thế kỷ của biển và đại dương”, vấn đề khai thác và phát triển kinh tế biển chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia ven biển, trong đó có nước ta, mà Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều lợi thế, được kỳ vọng sẽ có đóng góp quan trọng vào thực hiện thành công Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hành lang kinh tế là hình thức tổ chức không gian mang tính ước lệ, được hiểu là một không gian địa lí - kinh tế, được hình thành trên cơ sở một tuyến trục giao thông huyết mạch gắn với các trung tâm đô thị và các hoạt động kinh tế có quan hệ tương tác và có sự phân bố tập trung các cơ sở kinh tế hai bên tuyến trục giao thông đó. Hành lang kinh tế được thành lập nhằm liên kết, hỗ trợ lẫn nhau khai thác có hiệu quả lợi thế so sánh của các khu vực địa lý - kinh tế nằm trên cùng dải theo trục giao thông thuận lợi nhất đối với sự lưu thông hàng hóa và liên kết kinh tế giữa các vùng bên trong, cũng như các vùng cận kề với hành lang.


Cảng cá Quỳnh Lưu

Đặc điểm của hành lang kinh tế: (1) Hành lang kinh tế là một khu vực địa lý xác định và thường được hình thành dựa trên cơ sở một tuyến động mạch giao thông liên vùng sẵn có. (2) Hành lang kinh tế nhấn mạnh các sáng kiến song phương hơn là các sáng kiến đa phương. (3) Hành lang kinh tế đòi hỏi phải có sự quy hoạch không gian và vật lý cụ thể trên các khu vực hành lang và vùng lân cận để tập trung phát triển hạ tầng và đạt được hiệu quả kinh tế nhất.
Hành lang kinh tế ven biển Nghệ An hình thành dựa trên 02 tuyến giao thông đường bộ huyết mạch là Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc - Nam đoạn chạy qua tỉnh. Ngoài 02  tuyến trên, tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường bộ ven biển và đường biển cũng đóng vai trò khá quan trọng trong vận tải người, hàng hóa trong tuyến hành lang. Đây là tuyến hành lang có chiều dài khoảng 90km, là khu vực địa hình bằng phẳng và kết nối thuận tiện với các tuyến, loại hình vận tải khác. Hành lang kinh tế ven biển phía Đông đi qua các huyện, thành, thị: thành phố Vinh mở rộng (cả thị xã Cửa Lò), huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, với tổng diện tích 1.398,63 km2, dân số trung bình năm 2022 là 1,355 triệu người.

1. Thực trạng phát triển hành lang kinh tế ven biển Nghệ An
Nghệ An có đường bờ biển dài 82 km, với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển như diện tích vùng biển lên đến 4.230 hải lý vuông mặt nước địa phương quản lý, 6 cửa lạch, tổng trữ lượng hải sản khoảng 80 ngàn tấn, có 3.500 ha diện tích nước lợ sử dụng nuôi trồng thuỷ sản. Biển và vùng ven biển của tỉnh lại nằm ở vị trí trung tâm của các tuyến giao thương quốc tế và liên vùng, trên tuyến trục Bắc - Nam và Đông - Tây của miền Trung. Bờ biển phẳng có nhiều bãi tắm đẹp, thuận lợi cho phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng.
Tính trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, các địa phương trên hành lang kinh tế vùng ven biển đang là vùng động lực rất quan trọng của tỉnh. Năm 2021, tỷ trọng GRDP của 6 địa phương trên đã đóng góp 50,44% GRDP của cả tỉnh; các địa phương còn lại chỉ chiếm 49,56%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 69,05%. Tổng sản lượng khai thác thủy sản vùng ven biển năm 2021 là 192.970 tấn. Sản lượng nuôi trồng thủy sản vùng ven biển năm 2021 là 26.877 tấn.

Tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng hệ thống cảng biển và một số dự án động lực đang triển khai: Khu Kinh tế Đông Nam đã thu hút được các nhà máy đầu tư hạ tầng cảng biển tại Khu bến cảng (Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam, Công ty TNHH Cảng Cửa Lò, Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức và Công ty CP Đầu tư phát triển vận tải quốc tế) bước đầu đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Đã hoàn thành quy hoạch chi tiết cảng biển Đông Hồi và các vùng phụ cận. Hoàn thành việc đầu tư và đưa vào sử dụng cầu Cửa Hội nối Nghệ An và Hà Tĩnh, thông xe tháng 3/2021. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ven biển; Mở rộng sân bay Vinh; Dự án đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò, với tổng mức đầu tư 4.651 tỷ đồng, cung đường dài 64.47 km, tham gia mạnh mẽ vào khai thác hiệu quả tài nguyên biển và ven biển. Dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 1.411 tỷ đồng; giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư là 1.415 tỷ đồng; tạo trục không gian kiến trúc, tạo cơ sở để thu hút đầu tư. Xây dựng Cảng nước sâu Cửa Lò với số vốn 3.896 tỷ đồng trở thành đầu mối giao thông đường biển quan trọng, sớm trở thành trung tâm logistics. Thu hút nhiều nhà đầu tư các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch quy mô, đẳng cấp tại các địa phương ven biển, một số dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động: Khu sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm; Tổ hợp vui chơi giải trí và cáp treo Vinpear Cửa Hội, tổ hợp khách sạn và biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Lữ,... Chất lượng dịch vụ của hệ thống cơ sở nhà hàng, dịch vụ ăn uống tại các địa phương ven biển ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia và khu vực. Tỷ trọng đóng góp kinh tế du lịch vùng ven biển khoảng 70% kinh tế du lịch toàn tỉnh.
Trên hành lang kinh tế ven biển đã tập trung phát triển công nghiệp: Công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã thu hút một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến thức ăn gia súc có quy mô. Sản xuất xi măng đang góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những trọng điểm sản xuất xi măng của cả nước, vươn tới xuất khẩu xi măng. Ngành công nghiệp dệt may da giày, các dự án may lớn được đầu tư và đi vào hoạt động như Công ty TNHH Namsung Vina (CCN Tháp - Hồng - Kỷ); Công ty may Tuấn Phương (Diễn Phong, Diễn Châu); Công ty Nam Thuận Nghệ An (Diễn Mỹ, Diễn Châu); Nhà máy may Hanosimex (Nghi Lộc),... Các cụm công nghiệp đã hoàn thiện đầu tư hạ tầng và thu hút lấp đầy diện tích. Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Tập trung phát triển khoa học công nghệ, điều tra cơ bản, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng  và phòng chống thiên tai; phát triển nguồn nhân lực vùng ven biển.
Tuy nhiên, tư duy, nhận thức về phát triển bền vững kinh tế biển và phương thức quản lý tổng hợp, thống nhất về biển dựa trên hệ sinh thái chưa theo kịp với yêu cầu phát triển. Phát triển kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tỷ trọng đóng góp của kinh tế vùng ven biển vào tăng trưởng kinh tế hàng năm còn thấp. Công tác quy hoạch khu kinh tế ven biển chưa đáp ứng yêu cầu. Còn nhiều rào cản phát triển kinh tế biển như kết cấu hạ tầng ven biển chưa đồng bộ, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại, vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế để tạo đột phá cho phát triển kinh tế biển; công nghiệp ven biển gặp nhiều khó khăn; cơ sở hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản chưa đồng bộ. Ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động kinh tế biển chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt trong khai thác, chế biến thủy hải sản. Chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch chưa tạo được bước đột phá và hình thành thương hiệu riêng. Chưa bảo đảm hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Hoạt động điều tra cơ bản biển còn hạn chế. Cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu điều tra cơ bản và nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, chưa phát huy được nguồn lực để hỗ trợ, liên kết lẫn nhau. Hợp tác trong và ngoài nước trên lĩnh vực khoa học công nghệ biển, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, hải đảo còn hạn chế.
2. Định hướng phát triển hành lang kinh tế ven biển
Trong 4 hành lang kinh tế của Nghệ An thì hành lang ven biển được xem là hành lang chủ lực. Với trọng tâm phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tổng hợp và các ngành kinh tế biển. Hành lang này sẽ là đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của toàn tỉnh trong tương lai khi chỉ chiếm khoảng 8% diện tích nhưng chiếm tới 42% dân số và 78-80% GRDP của tỉnh vào năm 2030 do đây là địa bàn có mật độ kinh tế cao, nơi tập trung các đô thị lớn nhất của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế của vùng ven biển sẽ đạt khoảng 57 - 60% GRDP của tỉnh. Giá trị tăng thêm đầu người sẽ đạt khoảng 248 triệu đồng. Tỷ trọng đóng góp kinh tế ngành du lịch vùng ven biển chiếm hơn 70% kinh tế ngành du lịch toàn tỉnh; Tiếp tục thu hút đầu tư nâng cấp, mở rộng khu bến cảng Cửa Lò, một số bến của khu bến cảng Đông Hồi; Hoàn thành nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh. Tổng sản lượng khai thác thủy sản biển và nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ước đạt 227.000 tấn.
Hai khu vực động lực tăng trưởng để phát triển bền vững kinh tế biển là thành phố Vinh mở rộng trở thành thành phố ven biển và Khu kinh tế Đông Nam mở rộng.
Giao thông vận tải: Hoàn thành đường cao tốc Bắc Nam đoạn chạy qua tỉnh, tuyến có vai trò là trục xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia phục vụ vận tải Bắc - Nam cũng như kết nối phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị các tỉnh. Tuyến đường ven biển với tổng chiều dài khoảng 84km là tuyến có vai trò quan trọng kết nối các khu công nghiệp, chuỗi các đô thị quy hoạch ven biển. Bảo đảm giao thông kết nối các đô thị và hạt nhân kinh tế khác trên hành lang để phát huy hiệu ứng lan tỏa của hành lang kinh tế, đặc biệt là khả năng kết nối để khai thác kinh tế biển và một số khu du lịch trọng điểm. Nâng cấp cảng hàng không Vinh là cảng hàng không quốc tế. Mở thêm một số tuyến bay nội địa và quốc tế. Đường biển, có 05 khu bến cảng đều thuộc hành lang kinh tế ven biển là khu bến Nam Cửa Lò, Bắc Cửa Lò, Bến Thủy, Cửa Hội (đang hoạt động) và Đông Hồi (quy hoạch mới).
Phát triển công nghiệp toàn tuyến giai đoạn đến 2030 với tốc độ tăng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân ít nhất đạt mức 18 - 19%/năm; phấn đấu đến năm 2030 đóng góp của công nghiệp khoảng 25 - 30% vào GRDP hành lang. Phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (khu công nghiệp Hoàng Mai,  khu công nghiệp Đông Hồi, khu công nghiệp Thọ Lộc, khu công nghiệp Nam Cấm, khu công  nghiệp Bắc Vinh, khu công nghiệp VSIP; khu công nghiệp Diễn Quỳnh; cụm công nghiệp Hồng Hoa, cụm công nghiệp Tháp-Hồng-Kỷ, cụm công nghiệp Trường Thạch,...) tạo động lực thúc đẩy kinh tế của các địa phương liên quan đến hành lang phát triển, hội nhập vào khu vực và thế giới. Công nghiệp của khu vực sẽ tiếp tục phát triển mạnh trên địa bàn thị xã Hoàng Mai, các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Tập trung thu hút các ngành, sản phẩm công nghiệp chế biến có công nghệ cao; chế biến sâu có giá trị gia tăng lớn. Phát triển công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin khu vực phụ cận thành phố Vinh.
Du lịch và thương mại: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng dịch vụ giai đoạn đến 2030 đạt bình quân từ 12 - 14%/năm; phấn đấu đến năm 2030 đóng góp của dịch vụ khoảng 45 - 48% vào GRDP hành lang. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ sản xuất (vận tải, kho bãi,…), khai thác thế mạnh tài nguyên du lịch gắn với tài nguyên biển, các di tích, lễ hội. Hoàn thiện hệ thống thương mại điện tử và hệ thống thông tin giao dịch thương mại để hội nhập quốc tế hiệu quả; Hình thành 1-2 trung tâm logistics cấp tỉnh để cung cấp đồng bộ các dịch vụ hậu cần.
Nông nghiệp và thủy sản: Phát triển nông nghiệp ở các địa bàn còn quỹ đất cho nông nghiệp song có sự chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, nông nghiệp đô thị phục vụ chế biến xuất khẩu.
Đô thị: Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa thông qua việc mở rộng địa giới hành chính (đối với đô thị Vinh), nâng cấp và mở rộng các đô thị hiện nay (Hoàng Mai, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Quán Hành,…) trong đó đô thị Vinh là đô thị trung tâm quan trọng nhất trên hành lang. 3 đô thị trung tâm biển bao gồm TP Vinh mở rộng, đô thị Hoàng Mai gắn với Quỳnh Lưu và đô thị Diễn Châu sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng khu vực biển, ven biển của Nghệ An.
3. Giải pháp thúc đẩy phát triển hành lang kinh tế ven biển
3.1. Công tác quy hoạch, cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và liên kết các huyện trong hành lang kinh tế
Cần cụ thể hoá, hiện thực hóa phát triển hành lang kinh tế ven biển trong quy hoạch chung của tỉnh. Cần pháp lý hóa thông qua hình thức phê duyệt đề án phát triển hành lang kinh tế trong đó chỉ rõ phạm vi không gian, vai trò/tính chất của hành lang, các hạt nhân kinh tế (đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch,...) cũng như quy định về chức năng, nhiệm vụ của các sở ngành, địa phương có liên quan tới sự phát triển của tuyến hành lang. Đổi mới tư duy theo hướng tiếp cận tổng hợp dựa trên hệ sinh thái. Xây dựng chương trình phối hợp hành động chung cho các sở ngành, địa phương nằm trên tuyến hành lang. Các địa phương cần có chương trình ký kết hợp tác và xây dựng các kế hoạch ngắn hạn, trung và dài hạn để phát triển kinh tế xã hội trong vùng, gắn kết phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Hình thành cơ chế phát triển phối hợp liên ngành, liên nội vùng trong quản trị và quản lý hướng kinh tế phát triển bền vững.
Có cơ chế chính sách đủ tạo môi trường huy động nguồn lực đầu tư theo hướng ưu tiên sự hình thành và phát triển các hạt nhân kinh tế trên tuyến hành lang. Hoàn thiện các chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm thực thi quyền tiếp cận của người dân với biển, kiểm soát các hoạt động lấn chiếm, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đảo, khuyến khích các hoạt động kinh tế biển xanh. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, giữa Trung ương với tỉnh và địa phương về công tác biển, đảo.
Phát triển hạ tầng đồng bộ về giao thông, khu công nghiệp; thu hút đầu tư; phát triển du lịch, đô thị ven biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản.
Quản lý tổng hợp đới bờ để đạt hiệu quả cao trong sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển trên cơ sở hài hoà lợi ích giữa các ngành, địa phương và các bên liên quan nhằm tránh sự xung đột giữa phát triển công nghiệp, đô thị, hàng hải... với thủy sản, du lịch.
3.2. Tập trung một số lĩnh vực phát triển trọng tâm
Phát triển kinh tế biển phải quan tâm đô thị ven biển, đây là phân ngành quan trọng. Thực hiện các yêu cầu cơ bản phát triển kinh tế biển: Duy trì nguồn vốn tự nhiên mà biển Nghệ An mang lại. Bảo tồn giá trị tự nhiên (cảnh quan - hệ sinh thái) để phát triển kinh tế hiệu quả. Quan tâm thực thi pháp luật. Công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức và hiểu toàn diện, sâu sắc kinh tế biển để phát triển hiệu quả và bền vững với tầm nhìn mới trong quy hoạch phát triển kinh tế biển.
Công nghiệp ven biển ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ ứng dụng công nghệ cao. Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp ven biển. Phát triển các cảng biển tổng hợp Cửa Lò, Cửa Hội, Đông Hồi; đẩy mạnh phát triển khu bến Đông Hồi trong vai trò đảm nhận phục vụ phát triển liên vùng, hỗ trợ khu bến Nam Nghi Sơn để hình thành cụm cảng Nghi Sơn - Đông Hồi.
Tập trung phát triển du lịch ven biển, đô thị biển và đầu tư cho đánh bắt, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án tầm cỡ gắn với các điểm du lịch biển giàu tiềm năng ở Nghi Lộc, Cửa Hội và Bãi Lữ. Phát triển các trung tâm, khu du lịch biển có sức hấp dẫn cao. Hình thành thương hiệu du lịch biển Nghệ An.
Đối với kinh tế hàng hải, tỉnh phát huy vai trò trọng yếu của vận tải biển trong kết nối Nghệ An với thị trường quốc tế, tạo sức hút với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tập trung hoàn thành cảng nước sâu Cửa Lò.
Nghiên cứu phát triển một số các ngành kinh tế biển phù hợp, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như nuôi trồng và chế biến tảo, vi tảo…
3.3. Phát triển khoa học và công nghệ
Xác định đây phải là vùng đổi mới sáng tạo năng động nhất trong đó nòng cốt là thành phố Vinh. Thành lập và vận hành Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quy mô khu vực Bắc Trung bộ. Là nơi kết nối, hội tụ và phát triển phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nghiên cứu phát triển kinh tế biển theo hướng đa lợi ích, trên nền tảng tăng trưởng xanh. Bảo tồn và phục hồi hệ sinh thái và đa dạng sinh học biển. Nghiên cứu nguồn vốn tự nhiên biển và phát triển văn hóa biển. Nghiên cứu liên kết các ngành, lĩnh vực, địa phương phát triển kinh tế biển. Nghiên cứu một số ngành kinh tế biển phù hợp với vùng biển Nghệ An.
Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến các sản phẩm chủ lực ở vùng ven biển từng bước nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt; ứng dụng công nghệ tự động hóa vào sản xuất. Hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm vùng ven biển.
Thực hiện các nhiệm vụ và định hướng chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, xây dựng xã hội hướng biển và tương hợp với biển. Ưu tiên phát triển và ứng dụng các công nghệ trong lĩnh vực hàng hải, chế biến hải sản, muối biển, điện hóa và năng lượng tái tạo biển, thông tin và công nghệ số biển,...
Ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ phục vụ công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu và đánh giá định lượng tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái biển. Tập trung điều tra cơ bản, phát hiện, đánh giá, dự báo biến động điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, môi trường các vùng biển và ven biển.
3.4. Huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế
Tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các nhà tài trợ để thu hút các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để đầu từ các dự án lớn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội biển, vùng ven biển.
Để phát triển công nghiệp ven biển, tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư hạ tầng tốt, lớn về đầu tư để xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An mở rộng đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các khu kinh tế khác và đặc biệt chú ý phát triển logistics, vận tải biển. Thu hút đầu tư cảng nước sâu.
Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc quản lý, sử dụng, bảo tồn và phát triển kinh tế biển; tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực phát triển kinh tế biển. Lồng ghép tuyên truyền quảng bá về du lịch biển Nghệ An vào các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để xây dựng các công trình hạ tầng biển, ven biển trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế biển, coi đây là giải pháp đột phá để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế biển và hướng tới mục tiêu xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
3.5. Giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
Quan tâm công tác dự báo nhu cầu lao động, yêu cầu trình độ đào tạo đối với một số ngành kinh tế biển để có kế hoạch đào tạo phù hợp. Thông tin tuyên truyền đến người dân về các định hướng nghề nghiệp, nhu cầu nhân lực đối với các ngành kinh tế biển trọng tâm trong hành lang kinh tế phát triển.
Thu hút và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế ven biển: lao động chất lượng cao, đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp. Từng bước hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ cao, chuyên môn sâu về biển. Quan tâm đào tạo nghề để hỗ trợ ngư dân chuyển ra khỏi nghề khai thác biển để giảm cường lực khai thác.
Xây dựng hệ thống mạng lưới thông tin thị trường lao động, phát triển sàn giao dịch việc làm, kết nối thông tin thị trường lao động, nhằm cung cấp thông tin kịp thời cho các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề ở vùng biển, ven biển để thực hiện chức năng làm cầu nối liên kết giữa cung và cầu lao động.
Tài liệu tham khảo
1. Vũ Đình Hòa, 2017. Phát triển hành lang kinh tế: những vấn đề lí luận và thực tiễn. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Phạm Ngọc Trụ, 2022. Phát triển hành lang kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn đến năm 2030. Tạp chí khoa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tập 3 số 67 (2022).
3. Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 2009. Hành lang kinh tế và vai trò, vị  trí của nó trong nền kinh tế quốc gia (Đề tài Khoa học cấp Viện).
4. Cục Thống kê tỉnh Nghệ An, 2022. Niên giám thống kê tỉnh Nghệ An 2022. Nxb Thống kê.
5. Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCHTW Đảng khoá XII ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
6. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị ban hành phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
7. Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
8. Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
9. Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
10. Quyết định số 3920/QĐ-UBND ngày 12/12/2022 của UBND tỉnh Nghệ An vê duyệt đề án ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
 

Nguyễn Thị Minh Tú

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây