Giải pháp phát triển du lịch bền vững tại Nghệ An

Thứ năm - 11/07/2024 22:40 0
Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ của Việt Nam; nằm trên tuyến giao thông đường sắt, đường bộ xuyên Việt, có quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đi qua, có sân bay, cảng biển, đồng thời là một trong những cửa ngõ quan trọng của tuyến hành lang kinh tế Đông Tây nối liền Myanma - Thái Lan - Lào - Việt Nam với biển Đông qua các cửa khẩu Nậm Cắn, Thanh Thuỷ. Đó là lợi thế rất quan trọng để mở rộng quan hệ hợp tác giao lưu kinh tế và phát triển du lịch với các nước trong khu vực. Nghệ An có nhiều tiềm năng du lịch về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, lễ hội truyền thống, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch hiệu quả và bền vững. Trong những năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã quan tâm đến công tác phát triển du lịch, trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch và quảng bá thương hiệu sản phẩm của tỉnh. Phát triển dịch vụ với tốc độ nhanh, bền vững, đưa Nghệ An trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, tài chính, du lịch của vùng Bắc Trung bộ, theo đó trong Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 đã xác định mục tiêu: Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa - văn hoá, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú để tạo bước phát triển đột phá cho du lịch Nghệ An, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Phát triển du lịch không chỉ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà quan trọng phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cộng đồng dân cư và doanh nghiệp, đảm bảo môi trường sinh thái bền vững.


1. Tiềm năng phát triển du lịch bền vững ở Nghệ An
Tỉnh Nghệ An nằm ở trung tâm Bắc Trung bộ, có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.490km2, dân số Nghệ An hiện đứng thứ 4 cả nước, với hơn 3,4 triệu người, có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là: Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông.
Nghệ An hội tụ các yếu tố như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình (đồng bằng, trung du, miền núi, biên giới, biển và đảo), nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, các hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú. Nổi bật là hệ sinh thái rừng nguyên sinh ở khu vực phía Tây Nghệ An, hình thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất Đông Nam Á được UNESCO công nhận năm 2007 với hơn 1300km2. Cùng với đó là hệ thống hang động tương đối phong phú, độc đáo, trong đó nhiều hang đã phát hiện được các di tích khảo cổ về cuộc sống của người Việt cổ cách đây hàng chục vạn năm như: hang Thẩm Ồm, hang Bua (Quỳ Châu), hang Pòong (Quỳ Hợp),… Có bờ biển dài trên 82km, phẳng, cát trắng mịn, nước trong, có độ mặn vừa phải, môi trường trong lành, số lượng giờ nắng nhiều, thích hợp cho sự phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển, chữa bệnh với nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Lò, Bãi Lữ, Quỳnh Phương, Quỳnh Nghĩa…
Nghệ An là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày văn hoá và truyền thống cách mạng với lịch sử danh xưng hơn 990 năm, có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, lễ hội truyền thống đặc sắc. Hệ thống di tích lịch sử, văn hóa Nghệ An phong phú về số lượng và thể loại, toàn tỉnh hiện có 2602 di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê của tỉnh, trong đó có 480 di tích được xếp hạng gồm 6 di tích quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia, 330 di tích cấp tỉnh, có 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 7 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiêu biểu như: Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Phan Bội Châu, Đền thờ Nguyễn Xí; Đền Cờn; Đền Quả, Đền Cuông, Đền thờ và Miếu Mộ Vua Mai Hắc Đế, Chùa Đại Tuệ… Có nền văn hoá bản địa phong phú, đặc sắc như âm nhạc dân gian, các phong tục, tập quán, lễ hội, văn hoá ẩm thực… nổi bật là Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa vô cùng quý giá để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Với những thế mạnh về tài nguyên du lịch, đến với Nghệ An khách du lịch sẽ được trải nghiệm nhiều loại hình du lịch như: Du lịch nghỉ dưỡng biển; Du lịch văn hóa - lịch sử; Du lịch sinh thái với các điểm trong các khu rừng nguyên sinh và khu bảo tồn: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An; Du lịch mạo hiểm với các tour du lịch leo núi, vượt sông tại: Du thuyền trên sông Giăng, thác Khe Kèm - Bảo tàng thiên nhiên - Văn hóa mở, chinh phục đỉnh Pù Xai Lai Leng (2.720m)… Du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn khám phá các giá trị văn hóa, phong tục tập quán, nếp sống sinh hoạt, ẩm thực của người dân tại các huyện miền Tây: Bản Nưa, bản Khe Rạn, bản Xiềng (Con Cuông), Mường Lống (Kỳ Sơn), bản Cọ Muồng (Quế Phong), bản Hoa Tiến (Quỳ Châu)... Du lịch MICE: thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò…
2. Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Nghệ An
2.1. Khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch, đóng góp của du lịch vào GRDP của địa phương
Hoạt động du lịch Nghệ An duy trì được mức tăng trưởng khá ổn định trong giai đoạn 2017-2019, lượng khách tăng từ 5.959.330 lượt năm 2017 lên 6.591.000 lượt năm 2019, trong đó khách quốc tế tăng từ 109.100 lượt năm 2017 lên 146.170 lượt năm 2019; tương ứng với tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch bình quân giai đoạn đạt 9,2%/năm, tốc độ tăng trưởng khách quốc tế bình quân giai đoạn đạt 26,1%. Tuy nhiên năm 2020 tổng lượng khách du lịch đến Nghệ An giảm còn 3.525.500 lượt (bằng 59,2% so với năm 2017), trong đó khách quốc tế là 19.320 lượt; năm 2021 giảm còn 1.887.500 lượt (bằng 31,7% so với năm 2017), trong đó khách quốc tế là 4.323 lượt. Theo dự thảo quy hoạch tỉnh, khách quốc tế du lịch tới Nghệ An chủ yếu đến từ các nước láng giềng trong đó du khách Thái Lan và Lào chiếm khoảng 45%, lượng khách từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản chiếm 19%.
Trong giai đoạn 2017-2019, nhờ đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nên tổng thu từ du lịch tăng mạnh từ 6.086.395 triệu đồng năm 2017 lên 8.890.976 triệu đồng năm 2019, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn đạt 33,2%. Tuy nhiên, năm 2020 - 2021 ngành du lịch lại gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến lượng khách và tổng thu từ du lịch biến động, giảm sâu, nguồn nhân lực bị sụt giảm nghiêm trọng, cụ thể: Năm 2020 và 2021 tổng thu từ du lịch giảm mạnh, chỉ đạt 4.720.564 triệu đồng năm 2020 (bằng 77,6% năm 2017) và 2.096.876 triệu đồng năm 2021 (bằng 34,5% năm 2017).



Năm 2022, du lịch Nghệ An đã có sự khởi sắc, đặc biệt sau khi Chính phủ cho phép mở cửa lại hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022, cụ thể: năm 2022 toàn tỉnh đón và phục vụ 6.730.000 lượt khách du lịch, trong đó khách lưu trú đạt 4.412.000 lượt, khách quốc tế đạt 33.500 lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 12.343 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các dịch vụ du lịch đạt 5.603 tỷ đồng.



Trong 11 tháng đầu năm 2023, lượng khách du lịch tăng nhanh với nhu cầu tăng cao của thị trường khách du lịch nội địa. Nhiều điểm du lịch trong tỉnh như: Khu di tích Kim Liên Nam Đàn, TP. Vinh, biển Cửa Lò, các điểm du lịch miền Tây xứ Nghệ... thu hút lượng lớn du khách về thăm quan, trải nghiệm; nhất là trong những tháng hè, các cơ sở lưu trú du lịch ghi nhận nhu cầu đặt phòng rất cao, đặc biệt, vào các ngày nghỉ lễ, ngày cuối tuần, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng từ 3 - 5 sao đều đạt 70 - 100% công suất. Tổng cộng 11 tháng đầu năm, lượng khách có lưu trú đạt 5.080.000 lượt, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 69.500 lượt bằng 229% so với cùng kỳ năm 2022; doanh thu du lịch đạt 7.440 tỷ đồng bằng 140% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự ước cả năm 2023: Tổng lượt khách lưu trú dự kiến đạt 5.280.000 lượt, bằng 120% so với năm 2022, trong đó khách quốc tế là 77.500 lượt, bằng 231% so với năm 2022; doanh thu du lịch dự kiến đạt 7.800 tỷ đồng, bằng 139% so với năm 2022.
2.2. Cơ sở hạ tầng trong du lịch ở Nghệ An
Nghệ An đang đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng và các sản phẩm du lịch. Nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ được đầu tư mới, nâng cấp góp phần rút ngắn thời gian đi lại của các tour du lịch. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch phát triển nhanh chóng cả về quy mô và chất lượng. Đến nay, tỉnh Nghệ An có 902 cơ sở lưu trú với  21.950 buồng phòng, trong đó có 03 khách sạn 5 sao, 11 khách sạn 4 sao và gần 100 khách sạn 1-3 sao và tương đương. Toàn tỉnh hiện có 67 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành (trong đó có 31 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 36 doanh nghiệp lữ hành quốc tế). Các cơ sở ăn uống, nhà hàng, dịch vụ mua sắm cũng phát triển mạnh mẽ, đủ khả năng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cho khách du lịch khi đến Nghệ An, nhất là các món ăn độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa xứ Nghệ như: me Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, nhút Thanh Chương, cam Vinh, lươn xứ Nghệ… Hệ thống các trung tâm mua sắm, các khu vui chơi giải trí được đầu tư và ngày càng phát triển: Mega Market, Lotte Mart, City Hub, Vinh Centre… Các dịch vụ giải trí, thể thao bước đầu được đầu tư, trong đó hầu hết các khách sạn lớn trên địa bàn đều quan tâm đầu tư đa dạng dịch vụ giải trí, thể thao phục vụ khách như: bể bơi, sân tennis, dịch vụ tắm hơi, chăm sóc sắc đẹp… nhiều khu điểm du lịch đã khẳng định được thương hiệu với nhiều hạng mục tham quan, giải trí hấp dẫn, nhiều điểm du lịch cộng đồng được hình thành, đầu tư bài bản thu hút khách du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 27 điểm du lịch được công nhận đã đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch
2.3. Các loại hình, sản phẩm du lịch hiện có
Du lịch thăm viếng, tâm linh, về nguồn: các di sản gắn liền với Bác Hồ và gia đình tại Khu du lịch lịch sử văn hoá Kim Liên (làng Hoàng Trù, làng Sen, mộ bà Hoàng Thị Loan và núi Chung), Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, vua Mai Hắc Đế. Sản phẩm này thu hút được lượng khách đông nhưng lượng chi tiêu/ lượt khách không cao. Các khu vực điểm đến của loại hình du lịch này tập trung nhiều vào nghi thức tâm linh, nghi lễ cộng đồng.
Du lịch nghỉ dưỡng biển: Tập trung phát triển tại các khu vực, địa phương ven biển gồm Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, trong đó nổi tiếng và tập trung chủ yếu tại khu vực Cửa Lò. Các sản phẩm du lịch chính là du lịch tắm biển, tham quan thắng cảnh và nghỉ dưỡng kết hợp hội nghị, hội thảo.
Du lịch cộng đồng nông thôn, nông nghiệp: Hiện đang được triển khai xây dựng và phát triển ở khu vực miền núi, trung du Nghệ An.
Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vùng núi: Đang được tập trung phát triển ở vùng Con Cuông, Tương Dương.
Du lịch đô thị: Đang tập trung phát triển ở thành phố Vinh và một số thị xã phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Nhằm phát triển du lịch Nghệ An bền vững, gắn với tăng trưởng xanh, thời gian qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số: 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở hỗ trợ của Nghị quyết, hiện tại ngành du lịch Nghệ An đã hỗ trợ 24 hộ dân tại các điểm du lịch cộng đồng ở các huyện Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 133/KH-UBND ngày 3/3/2023 về chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng phát triển bền vững gắn với sinh kế của người dân.
2.4. Một số tác động của du lịch ảnh hưởng đến môi trường trong phát triển du lịch bền vững tại Nghệ An
Các hoạt động du lịch không thể tránh khỏi có những tác động đến tài nguyên và môi trường của các khu vực theo các chiều hướng khác nhau. Đối với môi trường các khu di tích và tài nguyên du lịch tỉnh Nghệ An các tác động chính có thể được xem xét như sau:
-  Tác động tới môi trường nước: Vấn đề tác động đến môi trường do hoạt động du lịch chỉ tập trung chủ yếu vào các khu du lịch biển trong thời vụ du lịch, do nguồn nước thải của các cơ sở kinh doanh du lịch và các ngành khác trong khu du lịch chưa được xử lý triệt để nên gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu lấy mẫu vào chính vụ du lịch để phân tích thì hầu hết các chỉ tiêu đều vượt quá tiêu chuẩn TCVN 5945-2010 (B). Vấn đề nước thải từ các cơ sở kinh doanh du lịch gây ra ô nhiễm đang đặt ra hiện nay đối với chất lượng môi trường biển Nghệ An như: chất thải từ các hộ kinh doanh ăn uống gần bờ biển thải ra bãi biển hoặc đổ trực tiếp xuống nước biển có nguy cơ dẫn đến tình trạng ô nhiễm dọc các bãi tắm ven biển, gây mất mỹ quan và làm ảnh hưởng tới môi trường du lịch biển. Vấn đề rác thải đang dần được khắc phục đối với du lịch Nghệ An và có chiều hướng tốt nên tác động đến môi trường nước không đáng kể.
- Tác động tới môi trường đất và cảnh quan: Công tác đầu tư xây dựng các dịch vụ lưu trú, nhà hàng, vui chơi giải trí, khuôn viên tại một khu điểm du lịch tăng nhanh nên tác động đến cảnh quan môi trường và vấn đề bê tông hoá ở các khu du lịch biển Cửa Lò, Diễn Thành, Quỳnh Phương... Công tác thu gom chất thải rắn trong quá trình xây dựng, cải tạo tại các khu du lịch, thành phố, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức đã tác động tới môi trường du lịch.
Công tác xử lý rác, chất thải sinh hoạt tại các khách sạn, nhà hàng và hộ dân cư tại các điểm du lịch là vấn đề cấp bách, lượng chất thải rắn sinh hoạt của toàn tỉnh mới chỉ thu gom xử lý với tỷ lệ rất thấp. Thành phố Vinh và thị xã Cửa Lò, tổng lượng rác thải thu gom cao nhất cũng chỉ đạt 75-85%. Hiện tượng đổ rác, chất thải ra bờ sông, suối, ao hồ hoặc bờ biển còn xảy ra gây ô nhiễm môi trường.
- Tác động tới môi trường không khí: Tác động đến môi trường không khí chủ yếu khí thải độc hại bụi lơ lửng, SO2, N02-, C0, C02 và các loại khí độc hại khác do hoạt động du lịch thải ra cụ thể trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở kinh doanh, từ các phương tiện cơ giới và các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường không khí từ hoạt động du lịch tại Nghệ An chỉ tập trung một vài điểm như: TP.Vinh, TX.Cửa Lò và một số khu du lịch vào mùa vụ du lịch, nguồn gây ô nhiễm từ phương tiện giao thông và khách du lịch.
- Tác động đối với môi trường sinh thái: Hiện tượng suy giảm hệ sinh thái và môi trường tại các khu du lịch sinh thái tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và tác động của khách du lịch ảnh hưởng đến nơi cư trú, sinh sống hệ sinh thái.
- Tác động tới môi trường nhân văn: Những tác động này bao gồm những ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cư dân, văn hoá truyền thống, phong tục, sức khỏe...
- Tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội: Hoạt động phát triển du lịch mang lại thu nhập, tạo việc làm cho người địa phương, tạo giao lưu và mở mang nhận thức cho cộng đồng... Đồng thời du lịch cũng mang lại nhiều điều kiện thuận lợi cho cộng đồng dân cư tại các khu du lịch.
Tuy nhiên, du lịch không tránh khỏi gây nên một số thay đổi về mặt xã hội cho cộng đồng dân cư địa phương như:
An ninh - trật tự xã hội: Tại một số điểm du lịch biển như bãi biển Cửa Lò vẫn còn hiện tượng níu kéo, đeo bám, cò khách, cò phòng… trong mùa vụ du lịch biển gây phiền hà cho khách du lịch. Hiện tượng bán hàng rong vẫn còn xảy ra trên dọc tuyến, điểm du lịch ven biển như Diễn Thành, Cửa Lò, khu di tích Kim Liên... gây khó chịu cho du khách khi đến tham quan.
Nghề nghiệp: Hoạt động phát triển du lịch sẽ làm thay đổi cơ cấu ngành nghề cũng như thành phần lực lượng lao động tại khu vực. Nhất là hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An lại mang tính mùa vụ, tạo ra sự bấp bênh về công ăn việc làm của người dân trên địa bàn kinh doanh du lịch.
Thay đổi phương thức tiêu dùng: Việc phát triển du lịch sẽ làm tăng thu nhập và mức sống cho một lực lượng lao động nhất định trong cộng đồng dân cư địa phương, tăng sức mua đồng thời cũng làm tăng giá các hàng hoá và nguyên vật liệu, thực phẩm, ảnh hưởng đến những người có thu nhập thấp và không tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch.
- Tác động tới nền văn hoá truyền thống: Những tác động về văn hoá xã hội của du lịch được thể hiện trong việc góp phần làm thay đổi các hệ thống giá trị, tư cách cá nhân, quan hệ gia đình, lối sống tập thể, hành vi đạo đức, lễ nghi truyền thống,... khi người dân địa phương quan hệ trực tiếp và gián tiếp với khách du lịch. Khó mà có thể định lượng được ảnh hưởng của văn hoá xã hội của du lịch vì phần lớn nó là tác động gián tiếp và thậm chí không thể hiện được.
Hiện tại tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, trong đó mục tiêu của chiến lược đề ra là: Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch hấp dẫn, phát triển bền vững với các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Nghệ, có môi trường du lịch xanh, an toàn, hiếu khách, thân thiện và thông minh. Trong đó chiến lược cũng đề cập đến phát triển ngành du lịch bền vững gắn với tăng trưởng xanh trong ngành. Mặc dù chưa cụ thể hóa được các nội dung về phát triển du lịch bền vững, song trong quy hoạch chiến lược đã phần nào hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong tương lai không xa.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển bền vững du lịch tỉnh Nghệ An
Trên cơ sở thực trạng phát triển ngành du lịch tỉnh nghệ An giai đoạn vừa qua, để đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020-2025, tác giả đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện gồm:
3.1. Quản trị, lập kế hoạch và phát triển điểm đến
Quy hoạch điểm đến và các chiến lược phát triển sẽ là yếu tố quyết định quan trọng đối với quá trình phát triển du lịch bền vững. Mỗi điểm đến là duy nhất và do đó, mỗi chiến lược phát triển phải phù hợp với các giá trị tài nguyên và sức chứa riêng của từng điểm đến, đồng thời mỗi điểm đến cần có tầm nhìn để đạt được các mục tiêu của điểm đến về sự bền vững môi trường.
Thúc đẩy các mục tiêu phát triển du lịch bền vững thông qua quy hoạch du lịch và phát triển điểm đến đòi hỏi khả năng và năng lực thể chế để tích hợp nhiều lĩnh vực chính sách; xem xét nhiều loại tài nguyên du lịch thiên nhiên, con người và văn hóa trong một khoảng thời gian dài, đưa ra các quy tắc cần thiết để xây dựng năng lực thể chế, trên cơ sở khuyến khích bảo vệ môi trường, hạn chế sự phát triển có hại tiềm ẩn, kiểm soát các hành vi có hại và khuyến khích hành vi lành mạnh. Theo đó, dựa trên chiến lược điểm đến và cơ sở tài nguyên du lịch để xác định phương hướng, quy mô và phạm vi đầu tư của nhà nước, tư nhân vào phát triển du lịch bền vững.
Tạo điều kiện cho quy hoạch điểm đến phát triển: Chính phủ, UBND các cấp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần thiết lập các cơ chế phối hợp để chịu trách nhiệm về môi trường, năng lượng, lao động, nông nghiệp, giao thông, y tế, tài chính, an ninh và các lĩnh vực liên quan khác. Các yêu cầu rõ ràng như phân vùng, khu vực được bảo vệ, quy tắc và quy định về môi trường, quy tắc lao động, tiêu chuẩn nông nghiệp và yêu cầu về sức khỏe (đặc biệt đối với nước, chất thải và vệ sinh), thiết lập các quy định rõ ràng để thuận lợi cho hoạt động đầu tư vào phát triển du lịch bền vững ở điểm đến.
Các tổ chức tham gia xây dựng chiến lược du lịch cần sử dụng các phương pháp và công cụ khoa học đáng tin cậy bao gồm các phương pháp tiếp cận và đánh giá kinh tế, môi trường và xã hội để các bên liên quan đến các thành phần khác nhau của chuỗi giá trị hiểu được tác động môi trường và văn hóa xã hội của họ.
Các thành phần sau đây được khuyến nghị tối thiểu đưa vào chiến lược/chương trình phát triển du lịch bền vững:
- Giảm thiểu lượng khí thải các bon: Bao gồm loại bỏ và giảm lượng khí thải, thay thế các hoạt động có hại cho môi trường bằng các hoạt động bền vững hơn, bù đắp lượng khí thải và lựa chọn hàng hóa và vật liệu có nguồn gốc bền vững.
- Bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển các công viên quốc gia và các khu vực bảo tồn, quy định tiếp cận các khu vực dễ bị tổn thương, bảo vệ các loài bản địa và kiểm soát dịch hại.
- Quản lý chất thải - giảm dòng chất thải tiềm ẩn và tăng khả năng tái chế.
- Cấp nước, giảm tiêu thụ, tái sử dụng nước thải.
- Xem xét và giảm thiểu các tác động đối với di sản văn hóa xã hội và xây dựng.
Đối với tỉnh Nghệ An: Tích cực triển khai và xây dựng các điều kiện cần thiết để triển khai Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn 2035 theo hướng hiệu quả, bền vững.
3.2. Tạo điều kiện về tài chính và đầu tư của Nhà nước nhằm phát triển du lịch bền vững, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
Nhà nước cần đầu tư vào các khu bảo tồn, di tích lịch sử văn hóa, nước, quản lý chát thải, vệ sinh, giao thông và đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng đóng vai trò quan trọng trong các quyết định đầu tư của khu vực tư nhân hướng tới kết quả xanh và bền vững hơn. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng liên quan đến du lịch hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp du lịch tư nhân cần ước tính tác động xã hội, môi trường và áp dụng các biện pháp kinh tế để bù đắp đối với các tác động không thể tránh khỏi.
Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển bền vững tại các điểm đến và cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng trong du lịch (cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, du thuyền…). Hỗ trợ các doanh nghiệp khi đầu tư mua các thiết bị hoặc công nghệ giảm chất thải, khuyến khích sử dụng năng lượng và nước hiệu quả, hoặc bảo vệ đa dạng sinh học; các thiết bị công nghệ để kiểm soát các đầu vào và đầu ra cụ thể (như nước thải và dịch vụ chất thải).
Đối với tỉnh Nghệ An: Ưu tiên đầu tư phát triển Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp (tiêu chuẩn 4- 5 sao); Khu vui chơi giải trí cao cấp; hệ thống nhà hàng sinh thái đạt chuẩn phục vụ khách du lịch tại khu vực trung tâm thành phố Vinh và vùng phụ cận (Cửa Hội, Cửa Lò, Nghi Lộc,...); Kêu gọi đầu tư thu hút các dự án bảo tồn, đa dạng sinh học tại các khu vực khai thác du lịch tại khu vực Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và hệ thống bãi biển tại Nghệ An. Trong đó bảo đảm rằng các dự án được đầu tư có tính đến yếu tố bền vững, bảo vệ môi trường và tiết kiệm các nguồn năng lượng, tiết kiệm nước, giảm lượng phát thải khí CO2 ra ngoài môi trường, ưu tiên các dự án thân thiện với môi trường, sử dụng các công nghệ tái tạo năng lượng...
Phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường gắn với phát triển du lịch xanh, bền vững: trong đó chú trọng các sản phẩm du lịch trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, còn nguyên sơ, du lịch cuối tuần, các sản phẩm du lịch an toàn, có lợi cho sức khỏe, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp liên kết chuỗi cung ứng và phát huy ứng dụng  công nghệ du lịch thông minh, hướng tới các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn; phát triển các sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản, văn hóa truyền thống địa phương, đảm bảo sự tham gia lợi ích hài hòa giữa các bên trong đó có ưu tiên đến việc làm trong du lịch đối với phụ nữ và những đối tượng yếu thế trong xã hội.
3.3. Tăng cường hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch và cách chuyển đổi số
Tích cực đổi mới hình thức, nội dung và tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch qua các phương tiện truyền thông điện tử như truyền hình, internet, mạng xã hội và các ấn phẩm quảng bá du lịch ứng dụng công nghệ mới nhằm tạo hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ đối với khách du lịch, nhất là giới trẻ. Trong đó quan tâm đến tuyên truyền về phát triển du lịch bền vững ở cả khía cạnh nguồn cung (phát triển và quản lý các khu điểm du lịch) và nguồn cầu (thay đổi cách thức trải nghiệm đi du lịch của khách). Tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp kiến thức, thông tin, kinh nghiệm và lợi ích về phát triển du lịch bền vững và tăng trưởng xanh.
4. Kiến nghị, đề xuất
Du lịch có thể có những tác động tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào cách quản lý và phát triển. Sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội vào phát triển du lịch sẽ là điều kiện thuận lợi và cần thiết để du lịch trở nên bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội trong khả năng chịu đựng của các hệ sinh thái và ngưỡng văn hóa xã hội. Vì vậy, để phát triển du lịch bền vững, tác giả có một số kiến nghị đề xuất như sau:
Đối với Trung ương:
- Xây dựng Chiến lược, kế hoạch hành động về phát triển du lịch bền vững cấp quốc gia.
- Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đầu tư vốn, công nghệ vào phát triển du lịch bền vững.
Đối với địa phương:
- Tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong ngành hướng tới đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường, bảo vệ giá trị tài nguyên du lịch cũng như bản sắc văn hóa địa phương, nâng cao sinh kế của cộng đồng địa phương nơi phát triển du lịch; Đưa các tiêu chí cộng điểm đối với những doanh nghiệp quan tâm đầu tư các thiết bị công nghệ để phục vụ hoạt động du lịch đồng thời giảm thiểu các tác động đến môi trường sinh thái (tiêu chí trong phân loại hạng khách sạn, điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch...); các sản phẩm du lịch phục vụ khách du lịch do các ngành liên quan xây dựng (sản phẩm du lịch nông nghiệp, sản phẩm du lịch y học cổ truyền…). Nghiên cứu điều tra nhu cầu thị hiếu của khách du lịch đối với các sản phẩm du lịch hướng tới phát triển bền vững.
- Ưu tiên cấp phép cho các dự án đầu tư du lịch có sử dụng các công nghệ vào để phát triển bền vững (công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ xử lý rác thải, chất phát thải…).
- Nghiên cứu đề xuất các ứng dụng khoa học công nghệ, hướng dẫn các khu điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trong việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường.
Kết luận: Phát triển du lịch bền vững là một xu hướng cũng như đảm bảo sự tồn tại của ngành trong tương lai, song phát triển du lịch bền vững cũng đang là thách thức lớn cho các nhà hoạch định cũng như quản lý du lịch hiện nay trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động như: suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, nhiên liệu, nước, dịch bệnh…Vì vậy để du lịch phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng dân cư địa phương.
Tài liệu tham khảo
1. Luật Du lịch.
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.
3. Chương trình hành động số 55-CTr/TU ngày 04/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Nghệ An thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2017-2030.
4. Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Sở Du lịch tỉnh Nghệ An.
5. Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
6.  TS Nguyễn Bá Lâm (2007). Tổng quan về Du lịch và phát triển du lịch bền vững.
7.  Lưu Ngọc Trinh và công sự (2015), Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu - phản ứng chính sách của một số nước và bài học cho Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Tr.27 - 28.
8. https://imagetravel.vn/du-lich-ben-vung-hieu-nhu-the-nao/.
9. https://vinwonders.com/vi/bai-viet-du-lich/tim-hieu-ve-du-lich-ben-vung/.
10.https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thoi-su-phap-luat/phat-trien-du-lich-ben-vung-la-gi-vai-tro-cua-cong-dong-dan-cu-trong-phat-trien-du-lich-la-nhu-the--57350.html.
11. UNWTO/UNEP (2012): Tourism in the Green Economy – Background Report.
12. Amman - The Hashemite Kingdom of Jordan (2020): Tourism Sector Green Growth National Action Plan 2021-2025.
13. https://www.japan.travel/en/sustainable/
 

Lê Thị Thanh Thủy

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây