Hành trình đến với buôn bán online của người Thái ở Nghệ An

Thứ năm - 11/07/2024 22:38 0
Người Thái ở Việt Nam sinh sống lâu đời ở khu vực Tây Bắc và vùng Thanh - Nghệ, đời sống của đồng bào gắn chặt với sản xuất nông nghiệp ở vùng thung lũng và miền núi. Theo triết lý cổ truyền, người Thái rất coi trọng địa bàn cư trú với tập quán canh tác nông nghiệp và có tâm lý tránh xa nghề buôn bán và chợ búa. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nhất là thời đại 4.0, việc người Thái từng bước sử dụng công nghệ, mạng xã hội trong đời sống, làm ăn buôn bán là một xu thế tất yếu. Hành trình đến với nghề buôn online là một con đường đầy thách thức cần sự tìm tòi, sáng tạo. Sự dịch chuyển về sinh kế kéo sự thay đổi quan điểm, tập quán theo hướng để đồng bào lượng hóa các mối quan hệ trong gia đình đến xã hội để thích ứng trong bối cảnh hiện nay.


1. Triết lý về thương nghiệp (nghề buôn bán) của người Thái
Ở Việt Nam, người Thái sống tập trung ở miền Tây Bắc và khu vực miền núi Thanh - Nghệ. Họ cũng là tộc người định cư ở các vùng đất nêu trên đã được hàng nghìn năm (Đặng Nghiêm Vạn, 1974; Cầm Trọng, 1978; Vi Văn An, 2017). Là một cư dân nông nghiệp lúa nước, nên đất rừng và nước là những yếu tố tiên quyết trong việc lựa chọn nơi sinh sống của người Thái. Với tâm lý ghét việc mua rẻ, bán đắt, nên thương mại nói chung, việc buôn bán, chợ búa nói riêng ở họ thường trở thành nơi thị phi, phức tạp, thậm chí còn là căn nguyên gây ra mất đoàn kết trong cộng đồng. Theo cách giải thích của họ, những vùng đất ven đường thường ồn ào, đầy rủi ro, không có nước, không tiện cho việc sinh hoạt, khó canh tác, trên hết nó không hề an toàn khi có chiến tranh loạn lạc. Chợ búa hay nơi trao đổi buôn bán là nơi tập trung dân tứ xứ, nên lắm phiền hà, thị phi, lừa lọc. Vì thế, họ thường chiếm lĩnh những vùng đất bằng phẳng, những thung lũng màu mỡ để khai hoang đồng ruộng, mà tránh xa những nơi thị phi. Do ác cảm với nghề buôn, nên người Thái mới gọi người Kinh là côn buôn, tức người buôn bán (Hoàng Lương, 2005, tr.189). Trong giao tiếp hằng ngày người Thái thường gọi những phụ nữ người Kinh đi buôn, nhất là những người thành thạo buôn bán là buôn mẹ (mẹ buôn) với hàm ý chỉ người khôn ngoan, lọc lõi về buôn bán.
Nếu như người Kinh có câu: Phi thương bất phú, thì triết lý của người Thái đối với nghề buôn bán lại hoàn toàn trái ngược, thành ngữ Thái có câu: Pay cạ xam pi, bỏ lừa hi xam mẹ (Đi buôn ba năm không bằng nuôi ba con bò cái) (Vi Văn An, 2017). Cạ trong tiếng Thái có nghĩa là buôn, khai có nghĩa là bán và họ thường nói pay cạ khai (đi buôn bán). Trong hôn nhân của người Thái, cạ hay cạ hua tức giá đầu người (một khoản tiền) mà nhà trai phải trả cho nhà gái. Trong buôn bán, cạ là tiền kiếm được hay tiền chi ra, đôi khi người đi buôn có thể lời lãi nhiều hay cũng có thể bị mất cả gốc lẫn lãi. Vì thế, cạ (buôn bán) còn mang nghĩa rủi ro, như một hình thức đánh bạc (Từ điển Thái - Việt, 1991; Từ điển Việt - Tày - Nùng, 1984). Những giải thích nêu trên phần nào thể hiện tính tự cung, tự cấp triệt để trong xã hội cổ truyền của người Thái trước đây cũng như vai trò, vị trí và thứ tự ưu tiên của việc buôn bán trong đời sống của họ. Trong xã hội cổ truyền, người Thái rất coi trọng tình nghĩa, mọi thứ đều có thể xin và cho; có chăng cũng chỉ đổi vật ngang giá. Vì thế, trong sinh hoạt hằng ngày, tính cộng đồng của họ luôn được đề cao. Tuy vậy, người Thái cũng quan niệm đã là buôn bán, thì nhất thiết phải có lời lãi, nếu không chẳng thà chăm chỉ sản xuất, chăn nuôi còn tốt hơn. Muốn lời lãi, người đi buôn phải có mưu mẹo, mánh khóe và khôn ngoan, thậm chí lừa lọc mua đầu chợ, bán cuối chợ hay buôn 1 lãi 10. Với cách tính toán như thế, nên khi trao đổi hàng hóa, người ta thường định giá sát nhất với món hàng mình đang có. Chẳng hạn một con lợn 10 đồng thì anh phải trả đúng 10 đồng mới bán, nếu không họ sẽ mang lợn về. Về góc độ kinh tế, người buôn sẽ rất khó tìm được lời lãi và thường không dễ mua được hàng của họ. Đó có lẽ là nguyên nhân dẫn đến giao thương, buôn bán ở vùng người Thái trước đây kém phát triển. Cuộc sống tự túc, tự cấp triệt để, kéo dài khiến cho cuộc đại phân công lao động xã hội lần thứ ba: sự xuất hiện tầng lớp thương nhân trong xã hội của họ chưa diễn ra. Ngày nay, khi bước vào nghề buôn bán các sản vật, người Thái luôn định giá rất cao, đúng với công sức họ bỏ ra. Đặc biệt, chợ búa ở vùng người Thái nói chung, vùng người Thái ở miền Tây Nghệ An cũng xuất hiện khá muộn (thời Pháp vùng đường 7 chỉ có 1 chợ ở huyện Con Cuông).
Ở góc độ tâm lý tộc người, nếu nhìn nhận kỹ chúng ta vỡ lẽ nhiều vấn đề ở chiều sâu tâm ý của họ. Theo tâm niệm của người Thái, sống trong cộng đồng, khi một người đánh mất niềm tin thì anh chỉ còn nước tách mình khỏi cộng đồng. Cộng đồng giúp mỗi người tìm lại chính mình, tìm lại những lớp văn hóa truyền thống đặc biệt trong những dịp như: ma chay, cưới xin, lễ lạt… Những việc hệ trọng trong cuộc đời nếu thiếu cộng đồng sẽ không làm được gì (Lương Văn Thiết, 2017, tr.129). Điều này là nỗi buồn và khổ tâm với các thương nhân thành đạt. Đặt vào trong bối cảnh đó, người Thái lựa chọn cộng đồng (làm nghề nông) thay vì làm giàu cho mình (làm nghề buôn). Ừ thì, thà lấy công làm lãi bằng nuôi con bò cái còn hơn tìm lời lãi trên những đồng tiền ăn chênh lệch, ăn gian (nhiều người già đã từng thừa nhận). Và, như thế nghề buôn trước đây bị người Thái xa lánh, rất ít người làm.
2. Bước vào nghề buôn online
Có thể nói, sự dịch chuyển về tư duy rồi phương thức, cách tiếp cận và hành động là một hành trình rất dài. Người Thái từ một dân tộc xa lánh, kỳ thị nghề buôn và bước vào giới buôn online là một hành trình lột xác rất dài, rất mạnh mẽ. Hành trình đó, cần những con người biết tư duy, nhạy bén với thời cuộc; trong hàng vạn, hàng triệu người buôn bán online nhưng chỉ còn đọng lại một số người thành công. Điều đó, nói lên nghề buôn rất kén người và sự cạnh tranh thì vô cùng khắc nghiệt. Ở một thế giới phẳng công nghệ thông tin, mạng xã hội đã len lỏi đến từng ngóc ngách, từ vùng hải đảo đến vùng sâu vùng xa. Việc người Thái lựa chọn buôn bán online thể hiện một tư duy nhạy bén và nắm bắt thời cuộc một cách nhanh chóng. Hành trình đó, được xem là đi tắt đón đầu. Nhưng để đi tắt đồng bào phải không ngừng cập nhật công nghệ, mạng xã hội và đưa vào buôn bán online. Điều này được thể hiện qua cung cách chào hàng, tạo status (dòng trạng thái), hình ảnh nhằm câu view (lượt tương tác), câu like (lượt thích, ủng hộ) khá sáng tạo. Trong quá trình hành nghề, các “thương nhân” người Thái, đặc biệt là giới trẻ không ngừng hoàn thiện và cập nhật về hình thức, chọn mặt hàng nhằm đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Về hình thức, hiện nay phổ biến nhất là sử dụng Facebook trong trao đổi, buôn bán các mặt hàng. Có thể nói các “thương nhân” người Thái đã sử dụng triệt để lợi thế, tính phổ quát, mức độ lan truyền và nhiều tính năng rất linh hoạt của mạng xã hội này. Về chiến lược bước đầu là đưa các loại nông sản không dùng hết lên mạng để nhượng lại, kế đến là hình thức thông báo, cao hơn một chút là mở quán (offline) kết hợp bán online (buôn bán trực tuyến). Hiện nay, đã xuất hiện các mô hình sản xuất chuyên sâu và gây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị của các sản phẩm, mặt hàng.
Về các mặt hàng buôn bán online, đa số là các loại nông sản, cây trồng, vật nuôi và những nhu yếu phẩm trong cuộc sống hằng ngày: “Ngô nếp để luộc có sẵn 1.3kg 10k nhanh tay nhé các bác”.
Mức độ cao hơn là các mặt hàng chế biến đơn giản như chè, bánh, bún, phở, cháo, rượu… Các mặt hàng này thường là nhu yếu phẩm đối với những người làm ăn uy tín, có cửa hàng với hình thức online đang hỗ trợ rất hiệu quả “Mọi người lên đơn bánh mướt đi ạ, khi sáng ai chưa có phần hẹn sáng mai em trả phần nhé”.
Các “thương gia” người Thái tâm sự, bán sướng nhất là các mặt hàng độc, lạ, hiếm. Những món ngon thì ở đâu cũng không có để bán. Tài khoản Đào Vi Thị tâm sự: “Các món độc lạ, quý hiếm như thịt rừng, ốc, ếch, lươn, ngan, cá sạch có nguồn gốc rõ ràng thì chỉ ới một cái là hết”, “Nhà còn 5kg ếch ương ai ăn alo nhanh nhé”.
Theo chia sẻ của tài khoản Thương Lữ: “Nhu cầu ăn món ăn sạch, nguồn gốc rõ ràng đang trở thành xu thế. Trước đây, nhìn thấy thịt, cá chỉ muốn ăn cho no thôi nay thì kén cá chọn canh là có thật. Bởi thế, những nhà chăn nuôi tử tế, chăn thả tự nhiên thì không có để mà bán, bán sướng lắm”. Cũng theo chủ tài khoản này: “Những mặt hàng “hot” không cần đầu tư chất xám về hình ảnh, tạo status tác động đến thị hiếu của người mua chỉ cần thông báo một phát là không có để bán”.
Còn tài khoản Anh Lộc thì cho rằng: “Giờ ăn thịt lợn người ta cũng kháo nhau, nhà đó nuôi toàn cám gạo, ăn sạch lắm. Ôi, nhà đó cho ăn toàn tăng trọng thôi, có thấy nồi cám nào đâu mà lợn ngon được”. “Mai nhà bà ngoại em làm thịt lợn, ai ăn gì cứ alo mình nhé 0327...”.
Những status kiểu này kết hợp với hình ảnh kèm số điện thoại liên hệ đang rất phổ biến trong hình thức buôn bán online của người Thái ở Nghệ An.
Để kết nối với khách hàng, các thương nhân phải đầu tư tâm sức tạo các status ấn tượng. Ví dụ, tạo các status tiện thể, luôn tiện, buôn mà giống như lấy hộ, cầm hộ; đây là cách tiếp cận nhằm xóa nhòa khoảng cách của người buôn và khách hàng. Chẳng hạn, em tiện đường mua giúp, lấy giúp, cầm giúp. “Tết dương này em sang Con Cuông thăm ngoại, có ai ở Con Cuông lấy mật mía Tân Kỳ không ạ để em xách về luôn”.
Tạo các status dựa theo sự thay đổi của thời tiết, chuyển mùa. Ví dụ: nắng thế này mà có món này ăn thì tuyệt biết mấy, trời mưa thế này ăn món này thật là tuyệt… Đây là một cách tiếp cận đánh thức vị giác, tạo sự đồng cảm gần gũi, kết hợp với các hình ảnh bắt mắt trên mạng xã hội sẽ có một hiệu quả rất rõ rệt.
Sử dụng hình ảnh trẻ con, sự ngỗ nghĩnh nhằm câu like, tạo ấn tượng mạnh cho khách hàng. Những hình ảnh này dễ tạo một cảm giác mạnh và ghim sâu vào khách hàng khi lướt qua các shop hàng online trên mạng. Có thể nói đây là một cách tiếp cận thể hiện sự sáng tạo, có đầu tư chất xám nhằm tạo ấn tượng cho khách hàng đặc biệt với người già và trẻ nhỏ.
“Chiều 3h em lại có bánh mì Vinh thơm ngon đặc ruột của tiệm bánh mì Ngọc Anh nhé mọi người nhanh tay lên đơn, có ngọt, mặn 6k cái nhé”.
Mức cao hơn của hình thức này là sử dụng chính hình ảnh con cái trong gia đình trực tiếp thử, trải nghiệm các món hàng cần bán.
Sử dụng các status kèm hình ảnh trẻ nhỏ kết hợp với mặt hàng cần bán để câu like tạo sự thân thiết, gần gũi nhằm tác động đến khách hàng thân thiết và người yêu quý trẻ con. Phải nói rằng, đây là một hình thức tạo status rất sáng tạo vừa kết nối được khách hàng với các mặt hàng cần bán, vừa tạo thiện cảm cho người thân và khách hàng. Chẳng hạn: “Bà ngoại Bơ còn ít bánh mướt, ai ăn gọi mẹ Bơ nhé”.
3. Áp lực của nghề buôn và sự thừa nhận của cộng đồng
Nghề buôn không dành cho mọi người
Các cụ ta xưa có câu “trăm kẻ bán, vạn kẻ mua”; câu nói cũng đủ biết nghề buôn kén người như thế nào. Người làm nghề buôn không chỉ có tư duy nhạy bén, chịu khó, chịu được áp lực mà còn một chút duyên với nghề. Cuộc sống lao động trước đây người Thái vẫn luôn nhắc nhở con cháu: “Dực kin nha nặng, dực hặng nha noon” nghĩa là: Muốn có ăn thì đừng ngồi, muốn làm giàu thì chớ có ngủ. Trong lao động sản xuất thì việc làm ra hạt gạo, đồ may mặc là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ giàu có, sự chăm chỉ của người Thái xưa, bởi thế mới có câu: “Khầu bọ dú năng côn noon, mọn mon bọ dụ năng côn xạn” nghĩa là: Lúa gạo không ở với người lười, tơ tằm không ở với người lười nhác; hay câu sau cho ta thấy hình ảnh đối sánh giữa kẻ lười làm và người lười ăn nhậu: “Xạn ết na rước khầu, xạn kin lầu mi hoong/khoong” nghĩa là: Lười làm ruộng thì đói, chán uống rượu thì giàu sang (Lương Văn Thiết, 2017, tr.389-391).


Sử dụng hình ảnh con giới thiệu bán hàng để thấy được sự năng động của người Thái trong bán hàng online

Có thể thấy, với nghề nông chỉ cần siêng năng, cần cù chắc sẽ có của ăn của để; riêng nghề buôn mức độ, tính chất còn phức tạp hơn rất nhiều. Nghề buôn rất kén người làm, đối với buôn bán online yêu cầu càng đặc thù và phức tạp hơn. Trong xu thế, người người bán hàng, nhà nhà bán hàng online, cứ mỗi tài khoản facebook là một quầy hàng; vậy nên áp lực, sức cạnh tranh càng khốc liệt hơn. Bởi thế, trong hàng vạn, hàng vạn vạn người buôn có mấy người có thể sống, trụ vững và vượt qua là một hành trình sàng lọc, thích ứng để tồn tại. Sau một thời gian, biết bao nhiêu tài khoản facebook không có ai tương tác, không một lượt like, không một mặt hàng được ship (chuyển đi) đi tất cả đã nói lên áp lực của nghề buôn lớn đến cỡ nào. Nếu ai cũng làm được nghề buôn có lẽ các nhà kinh tế học, các tài phiệt chắc sẽ không còn tồn tại hoặc phải chuyển nghề. Có thể thấy, buôn bán cũng chỉ là một nghề dĩ nhiên không phải là con đường duy nhất để làm giàu và thay đổi cuộc sống. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường việc trao đổi buôn bán là nhu cầu tất yếu, mọi giá trị cần được định hình, hoạch định rõ ràng hơn. Ai muốn đứng ngoài xu thế vận hành đó xem chừng cũng rất khó. Bởi thế, việc người Thái bước vào con đường buôn online có lẽ cũng là hành trình thích nghi, một tư duy nhạy bén để bắt kịp thời cuộc.
“Giờ cái gì nó cũng bán” - và sự thừa nhận của cộng đồng
“Tao còn ít măng mày đưa lên fabúc (facebook) bán cho tao nhé”, những lời nói kiểu này đang dần phổ biến trong cộng đồng người Thái. Đây có lẽ là lời thừa nhận của cộng đồng đặc biệt người già với nghề buôn bán online. Theo bà Vi Thị Biên, ở bản Đình, xã Chi Khê, huyện Con Cuông thừa nhận: “Kể ra, cũng tiện thật ngày xưa phải đi mấy sông mấy núi mới đến tay người nhận, giờ nó cứ nhoáy một tí là có người đến lấy, chả mất gì mà cái gì cũng bán được. Đúng là con người của thời hội  nhập cái gì cũng có thể làm được”.


Sản phẩm dệt thổ cẩm được người Thái chào bán rất nhiều trên các trang mạng xã hội hiện nay

Buôn bán và hoạch định kinh tế rõ ràng không chỉ nâng cao thu nhập cho các gia đình; thông qua đó còn cho thấy rõ trách nhiệm của từng thành viên với gia đình, người thân. Chia sẻ về các thế hệ bố mẹ của mình, ông Lương Văn Yên, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND xã Chi Khê, huyện Con Cuông kể lại: “Trước đây bố tôi thường đặt bẫy thú rừng, mỗi lần được thì cả làng cùng đến ăn, chả buôn bán bao giờ. Mẹ tôi còn mang thịt đến tặng cho từng gia đình người thân của bà”. Cũng theo ông Yên, tư duy đó cần thay đổi: “Giờ người nhà cũng phải được tính toán, hoạch định lại cụ thể hơn, không thể mãi bao cấp, chu cấp theo kiểu xin cho như bao thế hệ ngày xưa. Kể cả người thân ruột thịt cũng cần được tính toán cụ thể để thấy rõ trách nhiệm, quyền lợi của từng thành viên”.
Trên đây, là những đánh giá, theo chúng tôi rất bao quát, rất thiết thực trong bối cảnh nền kinh tế thị trường đã len lỏi vào từng ngõ ngách, từng gia đình và mỗi thành viên trong gia đình. Ở đó, mọi thứ cần được hoạch định lại và nhìn nhận một cách thực tế hơn không còn cuộc sống tự cung, tự cấp; cuộc sống rồi sẽ dần được thay thế các hình thức tước đoạt thiên nhiên để mưu sinh bằng cơ chế, luật lệ theo cơ chế thị trường.
4. Thay lời kết
Từ kỳ thị, xa lánh nghề buôn để bước vào giới buôn bán online, người Thái phải đi một hành trình rất dài. Hành trình đó cần những con người biết tìm tòi cả tư duy kinh doanh, công nghệ, máy tính, điện thoại và lựa chọn mặt hàng buôn bán để tồn tại trong thương trường đầy khốc liệt. Tuy nhiên, áp lực của nền kinh tế thị trường, sự cạnh tranh đã giúp họ vượt thoát khỏi những e dè, ngại ngùng bước đầu. Để từ đó dần làm quen với cuộc sống buôn bán, giữa tình làng nghĩa xóm, giữa tình thương của những người thân ruột thịt đang dần được lượng hóa. Đó có lẽ là hành trình để sống trong cơ chế thị trường, mọi giá trị cũng cần được định lượng lại. Từ đó, định hình tư duy mới nhằm vượt thoát khỏi thói quen xin cho và cuộc sống tự cung tự cấp đã ăn sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người Thái xứ Nghệ.
Tài liệu tham khảo
1. Vi Văn An (2017), Người Thái ở miền Tây Nghệ An, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
2. Hoàng Lương (2005), Văn hóa các dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hà Nội.
3. Lương Văn Thiết (2017), Tri thức dân gian trong chăm sóc sức khỏe của người Thái ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội.
4. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Từ điển Thái - Việt (1991), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Từ điển Việt - Tày - Nùng (1984), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
7. Đặng Nghiêm Vạn (1974), “Bước đầu tìm hiểu về lịch sử phân bố cư dân ở miền núi Nghệ An”, Tạp chí Dân tộc học, tr.30-32.
8. La Công Ý (2010), Đến với người Tày và văn hóa người Tày, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
 

Lương Văn Thiết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây