Cơn bão tháng 10 năm 1934 tại miền Trung 90 năm nhìn lại

Chủ nhật - 14/07/2024 21:21 0
1. Dẫn đề
Là dải đất nối liền hai miền Nam - Bắc, miền Trung với đường bờ biển trải dài hơn 1.900km, thường được ví như cái “rốn” thiên tai của Việt Nam. Trong quá khứ, các tỉnh ở miền Trung là nơi phải thường xuyên hứng chịu các đợt thiên tai khốc liệt và dị thường, gây nên biết bao hậu quả nặng nề. Trong số những đợt bão lũ đã từng càn quét qua mảnh đất này, có lẽ cơn bão kết hợp lũ từ ngày 23 đến 25 tháng 10 năm 1934 (nhằm ngày 16, 17, 18 tháng 9 năm Giáp Tuất) là một trong những thảm họa tàn khốc nhất mà người dân nơi đây phải oằn mình chống chọi. Thế nhưng, sau đúng 90 năm (1934 - 2024), kể từ ngày xảy ra đợt thiên tai ấy, tất cả những diễn biến, phạm vi ảnh hưởng và mức độ thiệt hại của cơn bão lại chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu. Chính vì thế, trong bài viết này, trên cơ sở khảo lược các thông tin trên báo chí, chúng tôi hy vọng sẽ tái hiện phần nào những tổn thất mất mát mà người dân ở đây đã từng đối mặt. Đồng thời, chia sẻ thêm thông tin tư liệu liên quan đến công tác khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra và hơn cả là những nghĩa cử cao đẹp của tất cả đồng bào trong cả nước dành cho người dân ở năm tỉnh Bắc miền Trung.

Lũ lụt tại miền Trung  Ảnh: Nguyễn Khánh

2. Cơn bão tháng 10 năm 1934 tại miền Trung: Bên lề chính sử
2.1. Thông tin về cơn bão tháng 10 năm 1934
Trước năm 1945, khi mà hệ thống thông tin truyền thông còn khá lạc hậu, thì việc giúp người dân nắm bắt thông tin trong công tác phòng chống thiên tai và giảm nhẹ rủi ro do tác động bởi bão lũ gần như phụ thuộc vào những bản tin được đăng tải trên các tờ báo. Tuy nhiên, việc tiếp cận các thông tin cảnh báo đối với phần đông người dân ở miền Trung vào thời điểm đó vẫn còn rất hạn chế. Cơn bão đổ bộ vào miền Trung trong những ngày cuối của tháng 10 năm 1934 là một trường hợp như thế.


Các bản tin bão vào các ngày 23,24,25/10/1934 trên tờ Hà Thành ngọ báo

Vào ngày 22 tháng 10 năm 1934 (ngày 15 tháng 9 năm Giáp Tuất), sau khi cơn bão đi vào biển Đông, trung tâm Thiên văn Phù Liễn(1) (nay thuộc Kiến An, Hải Phòng) ngay lập tức phát đi thông tin cảnh báo: “Ngày 22-10 hồi 7g 45: Hôm nay, hồi 6 giờ, có bão ở Bắc vĩ tuyến 16 độ và Đông kinh tuyến 116 độ. Gió thổi hướng Tây - Tây Bắc. Sức mạnh chưa biết”(2). Nhận định khả năng cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp vào nước ta, liên tiếp trên các số ra: 2140 (23/10/1934), 2141 (24/10/1934), 2142 (25/10/1934), 2143 (26/10/1934), tờ Hà Thành ngọ báo ưu tiên trích đăng các thông tin từ đài Thiên văn Phù Liễn nhằm giúp các nhà chức trách và người dân theo dõi tốc độ và hướng di chuyển của cơn bão.
Tiếp đó, vào lúc 07 giờ 13 phút ngày 23 tháng 10, đài Phù Liễn cho biết rằng cơn bão này còn cách Tourane (Đà Nẵng) chừng 200 hải lý, gió thổi về hướng Tây(3). Sang đến ngày 24/10/1934, tờ Hà Thành ngọ báo tiếp tục đưa tin: “Hôm nay hồi 6 giờ, có bão ở Bắc vĩ tuyến 16 độ và Đông kinh tuyến 108 độ. Gió thổi hướng Tây, Tây Bắc, sức mạnh. Thiên văn đài Phù Liễn báo tin ngày 24-10 hồi 6 giờ, trung tâm điểm của bão ở cách phía Bắc Tourane 30 hải lý, gió thổi theo hướng Tây và Tây Tây Bắc. Hồi 8 giờ hình như bão ở xát [sát] bờ biển về phía Đông Bắc Huế”(4). Sau khi cơn bão quét dọc ven biển thuộc địa phận Thừa Thiên Huế, đến hồi 13 giờ 49 phút ngày 24 tháng 10, thì tâm bão áp sát bờ biển giữa Quảng Trị với Đồng Hới (Quảng Bình). Đến 16 giờ 20 phút cùng ngày, bão còn cách phía Nam Đồng Hới “chừng một chục hải lý, gió thổi hướng Tây Tây Bắc”(5). Sau đó tâm bão tiếp tục đi sâu vào đất liền trên địa phận các tỉnh từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn đối với các tỉnh từ Thừa Thiên đến Nghệ An, nặng nhất vẫn là Quảng Bình, Hà Tĩnh, gây nên thiệt hại vô cùng lớn, cả về nhân mạng lẫn tài sản.
2.2. Thiệt hại từ cơn bão kết hợp lũ vào tháng 10 năm 1934 tại các tỉnh miền Trung
Với tốc độ di chuyển nhanh, gió giật mạnh, kết hợp với các đợt mưa lớn dồn dập trong nhiều giờ khiến toàn bộ tuyến đường sắt Bắc Nam đoạn đi qua Hà Tĩnh đến Huế hoàn toàn tê liệt, nhiều đoạn bị ngập sâu trong nước, riêng tuyến đường sắt từ ga Hòa Duyệt (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đến ga Mỹ Đức (Lệ Thủy, Quảng Bình) bị sạt lở nghiêm trọng(6). Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, theo báo cáo từ quan lại địa phương, đã có 28 người thiệt mạng, 375 căn nhà tốc mái. Do tác động bởi sóng to, gió mạnh, nước dâng cao, hơn 2,5km bờ biển từ Thuận An ra đến Phong Điền bị xâm thực, xói mòn; riêng các làng xã ở huyện Quảng Điền, Phong Điền bị ngập sâu trong nước lũ, các tuyến đường giao thông nội vùng gần như bị cô lập. Trong khu vực nội đô thành phố Huế, “các đường điện báo và điện thoại nối với Huế và phía trên Đông Hà đều bị đứt. Phải nhiều ngày nữa mới chữa xong. Sự giao thông bị nghẽn trên đường Thuộc địa số 1, ở quãng cây số 44 và 50 vì có nhiều cây đổ”(7). Cũng theo phản ánh của các phóng viên tờ Tân Văn, tại Huế “có nhiều cây cột điện bị ngã và giây [dây] đèn bị đứt nhiều chỗ. Có hơn một trăm cây bị tróc gốc. Vì mưa lớn luôn mấy ngày mà đường xá [sá] bị ngập và hư hơn rất bộn [nhiều], nhứt [nhất] là ở Thừa Thiên nơi con đường Thuộc địa xe cộ không đi lại được. Vì cột đèn ngã và giây [dây] đèn đứt mà dân sự trong thành không cả nước và ánh sáng cùng”(8).


Tờ Hà Thành ngọ báo (số 2147, 01/11/1934) thông tin về thiệt hại ban đầu của đợt bão lũ tháng 10/1934

Ở Sài Gòn, tin tức về thiệt hại do bão lũ được tờ Công Luận đồng loạt đăng tải đều đặn trên trang nhất tại các số ra: Bão và lụt làm thiệt hại rất nhiều, chuyến xe lửa tốc hành phải tạm ngưng chạy (số 6679, 31/10/1934); Sau trận bão, tại Hà Tịnh [Tĩnh] có nhiều người chết (số 6680, 1-2-3/11/1934); Sau trận bão tỉnh Đồng Hới bị thiệt hại lớn, 200 người chết, 2.000 con thú vật nhà chết trôi, 5.000 cái nhà sập đổ (số 6681, 4-5/11/1934); Trận bão phá hư đường xe lửa từ Hà Nội vào Tourane rất nhiều (số 6683, 07/11/1934).


Tờ Tiếng Dân (số 747, 28/11/1934) và Tân Văn (số 14, 03/11/1934) đưa tin tình hình thiệt hại tại các tỉnh miền Trung

Ngay sau khi cơn bão đi qua, chính quyền Nam triều đã ra lệnh cho các quan lại ở các tỉnh thống kê thiệt hại, báo cáo tình hình khắc phục bão lụt tại các địa bàn do mình quản lý. Ở Quảng Trị, theo thông tin gửi về từ quan Công sứ, ở khu vực Cửa Tùng, Lao Bảo, Thủy Ba, Sa Lung (Vĩnh Linh), Hiền Lương là nơi bị bão tàn phá nhiều nhất. Vùng hạ du ở hai huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng ngập nặng, “vì lụt nên không thể xem xét được rằng thiệt hại là bao nhiêu nhưng một phần lớn về vụ mùa tháng mười ở hạt Vĩnh [Linh] và Hải Lạng [Lăng] nên coi như mất hẳn”(9). Cũng theo báo cáo, toàn bộ diện tích lúa ở Hải Lăng, Vĩnh Linh mất trắng hoàn toàn, hơn 700 căn nhà hư hại, gần 100 hộ dân ở Vĩnh Linh sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Đến ngày 04/11/1934, ở Quảng Trị gần 1.650 trâu bò, 852 con gia cầm được ghi nhận lũ cuốn trôi, gây thiệt hại 374 ha hoa màu, 843 ha cây lâu năm, hơn 1.200 ha cây hằng năm, 470 ha rừng và 366 cây xanh bị hư hại, ngã đổ.

 
Tờ Công Luận đưa tin tình hình thiệt hại bão lũ tại các tỉnh miền Trung

So với Thừa Thiên với Quảng Trị, thì đợt bão lũ này, hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh thiệt hại hơn cả. Tại Quảng Bình, theo thống kê đến ngày 01/11/1934 đã có 200 người thiệt mạng, 2.000 trâu bò bị chết, 5.000 ngôi nhà tốc mái(10), trong đó “miền bị hại hơn cả là triền Song Giang [sông Gianh], có chừng 200 người chết. Hại nhất là mấy làng Minh Lệ, Go Cong (12 người chết), Xuân Mai(11) (55 người chết). Tại đồn Minh Cẩm [Minh Cầm] và đồn kiểm lâm Go Cong nước lên 14 thước. Lúa miền này bị hại hết”(12). Ở Hà Tĩnh, ngày 25/10/1934, nước lũ vẫn còn dâng cao tới 1,2m, toàn bộ tuyến đường bộ, đường sắt từ Vinh đi Hà Tĩnh bị chia cắt hoàn toàn. Thiệt hại nặng nhất là ở các huyện “Hương Khê, Can Lộc, Hương Sơn, Đức Thọ. Tại Hương Khê, Can Lộc, số người chết chừng 50. Nhà cửa và trâu bò bị hại nhiều lắm. Ruộng ở Hương Khê tuy không nhiều nhưng mất hết. Can Lộc mất hai phần ba. Tại Hương Sơn và Đức Thọ hại tuy ít hơn, nhưng phải chờ nước ra thì mới rõ”(13).
Về thiệt hại nhân mạng, Hà Tĩnh có 210 người thiệt mạng, 30 người mất tích. Toàn tỉnh Hà Tĩnh có tất cả 715 chiếc thuyền bị thiệt hại. Về nhà cửa, ở Hương Khê có 3.600 ngôi nhà bị lũ cuốn trôi; Hương Sơn gần 5.000 ngôi nhà bị cuốn trôi và hư hỏng nặng; Đức Thọ có 213 nát bét, 181 ngôi nhà hư hỏng; Can Lộc có 194 ngôi nhà nát bét, 609 ngôi hư hỏng; Nghi Xuân 170 ngôi nhà hư hỏng, Thạch Hà 150 ngôi nhà hư hỏng, Cẩm Xuyên 835 ngôi nhà hư hỏng, Kỳ Anh 273 ngôi nhà hư hỏng và thành phố 60 ngôi nhà hư hỏng. Tại huyện Hương Khê có 775 trâu bò, gà vịt bị cuốn trôi, Cẩm Xuyên 549 con, Hương Sơn 462 con, Đức Thọ 215 con, Can Lộc 203 con, Nghi Xuân 5 con(14). Còn theo báo cáo của ông Phạm Văn Quảng (Dân biểu Trung Kỳ) thì ở Hà Tĩnh số người chết và mất tích là 220 người, 650 ngôi nhà bị trôi, 5.582 nhà bị đổ úp, 14.351 nhà bị hư hỏng, 99 chiếc thuyền bị bão đánh chìm, 2.234 trâu bò bị trôi, tổng thiệt hại lên đến tám mươi vạn đồng (800.000$)(15).

Bảng thống kê số người chết và mất tích tại Hà Tĩnh

Còn ở Nghệ An, trong đêm 24/10/1934 và rạng ngày 25/10/1934 mưa như trút nước dội xuống thành phố Vinh, “nước tràn lên tới 20 phân, tính ra nhiều tới một phần ba số nước mưa quanh năm tại thành phố Paris. Nước mưa làm cho mực nước sông cao lên ngang với mực nước năm 1903. Đường Vinh - Đông Hà (300km) không đi lại được. Nhiều nơi đê bị vỡ và sạt nhiều chỗ, rộng từ 20 đến 400 thước, những chỗ vỡ đó, cộng tất cả 5km”(16). Theo Công sứ ở Vinh, sân máy bay ở Bến Thủy bị nước ngập “từ năm phân tới một tấc”(17). Toàn bộ tỉnh Nghệ An trong đợt bão lũ này có 18 người chết, 12 người mất tích, trận bão này cũng làm sập đổ hai gian mặt tiền nhà thờ giáo xứ Vạn Lộc(18).
2.3. Công tác khắc phục bão lũ và cứu trợ nạn dân
Cơn bão đi qua đã mang theo tất cả tài sản mà họ chắt chiu, dành dụm, để lại biết bao nước mắt và cả tiếng thở dài của hàng vạn hộ dân đang rơi vào cảnh đói rét khốn cùng. Trước, trong và sau khi cơn bão đổ bộ vào miền Trung, các báo cáo từ các địa phương liên tục được gửi về triều đình và tòa Khâm sứ. Ngay trong sáng 25/10/1934, đoàn công tác gồm quan lại đại diện các Bộ được cử ra Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác khắc phục bão lụt. Tiếp đó, chính phủ đã trích số tiền là một vạn chín nghìn đồng (19.000$) từ ngân quỹ hội đồng Trung ương Cứu tế để phát chẩn, vua Bảo Đại giao cho bộ Tài chính ngân phiếu trị giá hai nghìn đồng (2.000$) để mua lúa gạo và các vật dụng giúp đỡ người dân(19), còn “Nam Phương hoàng hậu cấp cho 300 đồng”(20). Đến ngày 01/11/1934, ông Dupuy, Khâm sứ Trung kỳ và Thượng thư bộ Lại Thái Văn Toản, cùng các viên quan đi thị sát tình hình sửa chữa tại các điểm thuộc tuyến đường Thuộc địa số 1 và hệ thống đường sắt Bắc - Nam. Sau đó, từ ngày 27/11/1934, vua Bảo Đại trực tiếp đi thăm các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh “để an ủi và ban thêm tiền chẩn cấp”(21). Chiều ngày 28/11/1934, vua Bảo Đại đến Vinh (Nghệ An), cùng đi có quan Khâm sứ Trung kỳ Graffeuil, quan Thanh tra Dupuy, Thượng thư Thái Văn Toản. Ngoài ra, trước những tổn thất về người và tài sản, thì chính quyền còn ra quyết định miễn thuế kiểm lâm trong ba tháng cho toàn bộ người dân ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh)(22).


Vua Bảo Đại và quan Khâm sứ Trung kỳ đi kiểm tra tình hình bão lụt tại Hà Tĩnh

Tại Huế, theo lệnh từ triều đình và chính quyền bảo hộ, ngày 25/10/1934, tất cả các tuyến đường trong thành phố đã được dọn dẹp sạch sẽ. Hệ thống đường điện, điện báo gấp rút khắc phục để đảm bảo thông tin liên lạc và nước sạch. Trong ngày 28/10/1934, quan lại phủ Thừa Thiên và các huyện, tổng, huy động tất cả binh lính giúp người dân tại các làng ở Phong Điền, Quảng Điền dựng tạm nhà cửa, đồng thời phát chẩn tiền bạc và thóc lúa hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bão, lũ.
Là tổ chức có tư cách pháp nhân trong công tác kêu gọi, quyên góp, tiếp nhận và phân phối tiền bạc, hiện vật ủng hộ các nạn dân thiên tai, hội đồng Cứu tế Trung ương là hội tiên phong trong việc phối hợp với các cá nhân, tổ chức thực hiện cứu trợ khẩn cấp trong đợt bão lũ tháng 10 năm 1934. Tính đến thời điểm ngày 20/3/1935, hội đã thu được 75.004$35. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho tỉnh Hà Tĩnh 1.000 tấn gạo, Quảng Bình 100 tấn gạo, cấp tiền cho Quảng Bình 35.000$00, Hà Tĩnh 27.000$00, chia làm ba kỳ(23). Sau đó, vào ngày 23/5/1935, tại trụ sở bộ Tài chính (Huế), Ban Trung ương Cứu tế nạn dân phía Bắc Trung kỳ họp với hội đồng do Thượng thư Hồ Đắc Khải, ông Rigaux làm chủ tọa để tổng kết tình hình tài chính. Theo báo cáo của Ban Trung ương Cứu tế, tính đến ngày 23/5/1935, tổng số tiền thu được là 119.882$74, chi cứu trợ hết 74.670$26, hiện còn 45.212$18. Ban Cứu tế đã mua 120 con trâu bò để hỗ trợ hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Nam kỳ ủng hộ các nạn dân miền Trung 77 tấn gạo, Công sứ Hà Tĩnh chịu trách nhiệm tiếp nhận và phân phát như sau: Đò Trai 50 bì gạo, 30 bì lúa; Can Lộc 50 bì gạo, 30 bì lúa; [thành phố] Hà Tĩnh 150 bì gạo, 60 bì lúa; Cẩm Xuyên 172 bì gạo, 72 bì lúa; Hoa [Hòa] Duyệt 30 bì gạo, 50 bì lúa; Chu Lệ 30 bì gạo, 50 bì lúa; Phó Châu [Phố Châu] 50 bì lúa; Đức Thọ 50 bì lúa; Nghi Xuân 20 bì lúa, tổng cộng 482 bì gạo và 412 bì lúa(24).
Khắp các tỉnh Bắc miền Trung, chỉ tính riêng trong năm 1934 đã trải qua 4 đợt lũ liên tục. Đến những ngày cuối của tháng 10 năm 1934, cơn bão đổ bộ đi kèm với lũ đã cuốn trôi tất cả những gì còn sót lại của người dân, khiến cho cuộc sống của họ đã khó khăn nay còn bi đát gấp bội. Trong vai trò là Dân biểu Trung kỳ, ông Phạm Văn Quảng, rồi Bùi Huy Tín (chủ nhà in Đắc Lập, Huế) đã đích thân thảo các bức “thỉnh nguyện thư” yêu cầu chính quyền, tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm chung tay cứu tế vì miền Trung ruột thịt(25).
Với mục tiêu san sẻ nỗi đau với đồng bào, vào lúc 6 giờ chiều (18h) ngày 18/12/1934, tại hội quán hội Khai Trí Tiến Đức (Hà Nội), hội Bắc kỳ Trung ương Phổ tế cùng đông đảo các đại biểu đã nhóm họp, để thành lập hội đồng Cứu tế nạn dân phía Bắc Trung kỳ. Tham dự buổi họp có quan Đốc lý Hà Nội, Hải Phòng, quan Công sứ các tỉnh Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, ông Hoàng Trọng Phu, Hiệp tá Nguyễn Năng Quốc, Tổng đốc Trần Văn Thông, Vi Văn Định, Nghị trưởng Phạm Huy Lục… Tại cuộc họp, hội đồng nhất trí bầu ông Hoàng Trọng Phu làm Chánh Chủ tịch/Hội trưởng, ông Nguyễn Năng Quốc và Phạm Huy Lục (Nghị trưởng viện Dân biểu Bắc kỳ) làm Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Công Tiễu (Chủ báo Khoa học) giữ chức Chánh Thư ký, Phó Thư ký là ông Tôn Thất Bình (Chủ báo Patrie - Annamite). Thủ quỹ của hội gồm: Lê Văn Phúc, Đỗ Đình Đắc(26).
Tính đến tháng 02 năm 1935, hội đồng Cứu tế đã nhận được số tiền từ các tỉnh thành gửi về, cụ thể: “Tỉnh Bắc Giang 421$23, Hà Đông 292$50, Thái Bình 1.608$55, Nam Định 463$82, Thái Nguyên 490$35, Vĩnh Yên 510$00, Ninh Bình 353$51, Lao Kay [Lào Cai] 100$49, Moncay [Móng Cái] 107$40, Hưng Yên 200$00, Hải Phòng 340$00, Hongay [Hòn Gai] 227$32, Phúc Yên 118$00, Hà Nam 406$96, Phú Thọ 16$83, Sơn La 21$45, Tuyên Quang 102$92, nha Bưu chánh Hà Nội 164$40, hội Quảng Thiện 20$00”(27).
Tại các tỉnh thành, để kêu gọi lạc quyên, các tổ chức, hội nhóm đã đứng ra tổ chức rất nhiều hoạt động khác nhau như múa hát, cải lương, diễn kịch… Ở Kiến An (Hải Phòng), vào tối ngày 10/02/1935, quan Tuần Kiến An là ông Phạm Văn Hanh đã tổ chức buổi hát, thu được (tiền lạc quyên và tiền vé) 461$76, số tiền này sẽ gửi lên ban Cứu tế Trung ương(28). Cũng trong hai ngày 10 và 11 tháng 02 năm 1935, tại Vĩnh Yên dưới sự chủ tọa của quan Chánh sứ Delsalle và quan Tuần phủ Hà Lương Tín đã tổ chức Chợ Phiên, thu được số tiền 510p00(29). Tại nhà hát Thanh Châu (Phủ Lý, Hà Nam), các viên chức công sở dự kiến sẽ tổ chức diễn kịch vở “Học làm sang” của ông Thái Phỉ vào tối ngày 10 Février [tháng 2] 1935(30).
Ở Thái Nguyên, trong hai đêm 11 và 12 tháng 02 năm 1935, ban cải lương L’A.R.T đã tổ chức diễn hai vở “Đắm say” và “Chót đa mang” tại sân khấu rạp Chantecler để giúp nạn dân ở Trung kỳ(31). Tại Cao Bằng, ngay sau khi nghe tin đồng bào miền Trung bị nạn, “bà con tỉnh Cao [Bằng] vẫn rất sốt sắng làm việc nghĩa, như diễn kịch, quyên tiền. Vừa rồi, nhân viên hội Trí Tri đã họp hội đồng, do quan Bố [chánh] Đỗ Văn Bính chủ tọa, để ấn định chương trình về việc diễn kịch sắp tới. Hội đồng đã định đem vở kịch “Bạn và vợ” ra cống hiến bà con tỉnh nhà”(32). Trước những thiệt hại vô cùng nặng nề do bão lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung, với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, ở Nha Trang, hội G.T.E.O tổ chức hai buổi diễn kịch để quyên tiền giúp dân bão lụt(33). Trong hai đêm 31/12/1934 và 01/01/1935, các viên chức sở Đạc điền ở Quy Nhơn tổ chức diễn kịch quyên góp tiền hỗ trợ nạn dân các tỉnh miền Trung(34).


Tờ Thanh Nghệ Tĩnh số 19 (07/12/1934) đưa tin về việc khắc phục bão lũ tại các tỉnh miền Trung

Hướng về miền Trung ruột thịt, ở Nam kỳ, các gánh hát cải lương tổ chức các buổi biểu diễn để quyên góp tiền hỗ trợ nạn dân ở miền Trung(35). Vào tối ngày 01/12/1934, ban hát cải lương Tân Thịnh (Sài Gòn) đã tổ chức buổi hát từ thiện tại rạp Annam Ciné (Vinh, Nghệ An). Kết quả thu được 581$30, sau khi trừ đi các chi phí, còn lại 465$50, số tiền này được ban tổ chức gửi lại quan Công sứ để cứu trợ nạn dân các tỉnh(36). Tại quận Hóc Môn (Sài Gòn) quyên được 709 đồng lẻ 1 xu, số tiền này do “bổn thân ngài [Chủ quận] đi quyên được 220 đồng, còn bao nhiêu thì do các vị Cai tổng, Phó tổng, ban Biện và các trường học giúp sức”(37). Ngày 13/12/1934, hội Bắc Kỳ ái hữu phối hợp gánh hát Bầu Bòn tổ chức hát tại rạp ở Tân Định (Sài Gòn), thu được số tiền 135$25(38). Đáng quý hơn, từ nơi thành phố biển xa xôi, các em học sinh lớp Sơ học trường Huỳnh Khương Ninh, ở Bà Rịa Vũng Tàu đã dành một phần tiền ăn sáng gửi tới Ban Cứu tế nạn dân Bắc Trung kỳ “để cứu giúp đồng bào bị nạn lụt ghê gớm”(39). Cùng chung tay xoa dịu những nỗi đau với người dân Trung kỳ, từ Ai Lao (Lào), ông Thao Bong, các thành viên hội đồng Cứu tế, ông Trần Viết Cần, Đỗ Đỉnh Tảo, cùng các học sinh trường Pavie đã phối hợp tổ chức chương trình “Tối hát Lào” vào ngày 26/01/1935, thu được hơn 200p(40).
3. Một số nhận xét
Trước tiên, cần phải khẳng định rằng, trong đợt thiên tai bão lũ này, báo chí là một trong những kênh thông tin có vai trò hết sức đặc biệt quan trọng. Ngoài việc thường xuyên đưa tin, phản ánh và tường thuật chi tiết, kịp thời tình hình bão lũ, thì chính các tờ báo còn là cầu nối thông tin trong việc kêu gọi cứu trợ đồng bào. Cùng với tờ Hà Thành ngọ báo, các tờ báo khác trên khắp cả ba miền, như: Tiếng Dân, Thanh Nghệ Tĩnh, Tân Văn, Sài Gòn, Công Luận…, đều đồng loạt đăng tin vận động mở cuộc lạc quyên. Có thể nói rằng, trong khoảng thời gian từ năm 1930 đến năm 1945 dưới thời vua Bảo Đại, khi mà hệ thống quốc sử không còn được biên chép đầy đủ, thì báo chí là một trong những nguồn tư liệu rất quan trọng góp phần phục dựng phần nào đó bức tranh về đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội.
Cơn bão kết hợp lũ vào tháng 10 năm 1934, được đánh giá là thảm họa khủng khiếp nhất mà người dân phải gánh chịu, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người, tài sản, để lại hậu quả lâu dài đối với đời sống xã hội và môi trường trên phạm vi rộng lớn. Cơn bão đi kèm lũ này trực tiếp tác động lên toàn bộ năm tỉnh khu vực Bắc miền Trung (Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An), làm thiệt mạng hơn 495 người, khiến cho hệ thống thông tin liên lạc gián đoạn, hàng chục nghìn ngôi nhà bị cuốn trôi và hư hại, phá hủy hệ thống cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống…), gây thiệt hại hơn chục nghìn trâu bò, gia cầm, hoa màu. Đau xót hơn, rất nhiều ngôi làng ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, vốn đã nghèo khó, nay tan tác chia ly, khăn tang phủ trắng một màu.
Song song với những giải pháp khắc phục thiệt hại sau bão, các thành viên trong hội đồng Cứu tế Trung ương đã đứng lên tập hợp, kêu gọi tầng lớp quan lại, nhân sĩ trí thức, thương gia, nghiệp chủ, các nhà hảo tâm…, trên khắp mọi miền đất nước cũng như nước ngoài tổ chức cuộc vận động cứu trợ nạn dân bão lụt. Với tấm lòng “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”, hoạt động cứu trợ được đồng bào ở cả ba miền tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Quyên góp bằng tiền, hiện vật, gây quỹ từ thiện. Trong vòng 11 tháng, hội đồng Cứu tế Trung ương đã tiếp nhận được hơn 126.461$41 đồng, của 98 tổ chức, cá nhân đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước. Qua đó, góp phần hỗ trợ các nạn dân trong việc dựng mới, sửa chữa nhà hư hỏng sau bão, giải quyết một phần thiếu hụt lương thực, thực phẩm, cùng các vật dụng thiết yếu. Đồng thời, từng bước giúp người dân sớm khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định cuộc sống và tái phục hồi sinh kế.
Chú thích
(1). Vào ngày 25/4/1900, Toàn quyền Đông Dương đã ra Nghị định số 421 cho phép xây dựng tòa nhà chính của Sở Khí tượng Đông Dương, đặt trên núi Đẩu Sơn, cách mặt biển 116m, cũng là trụ sở của Đài Khí tượng Thủy văn Đông Dương. Ngày 16/9/1902, Đài khí tượng và Địa từ Thủy văn chính thức được thành lập, gồm 12 trạm khí tượng, 29 trạm khí hậu. Đài khí tượng thủy văn Phù Liễn ra đời nhằm mục đích phục vụ cho công tác nghiên cứu và dự báo khí tượng ở khu vực Đông Dương, tiến hành công tác khoa học liên quan đến các hiện tượng khí quyển, địa từ, địa chấn; thu thập và nghiên cứu tư liệu từ các trạm trong mạng lưới khí tượng Đông Dương cung cấp, nhằm xác định các áp thấp khí quyển và bão để báo tin cho hàng hải.
(2). Hà Thành ngọ báo (1934), Bão lụt, số 2140 (23/10/1934), tr. 2.
(3). Hà Thành ngọ báo (1934), Bão ở gần Tourane, số 2141 (24/10/1934), tr. 2.
(4). Hà Thành ngọ báo (1934), Bão ở ngang Tourane, số 2142 (25/10/1934), tr. 2.
(5). Hà Thành ngọ báo (1934), Hôm qua bão ở gần Đồng Hới, số 2143 (26/10/1934), tr. 2.
(6). Hà Thành ngọ báo (1934), Vì đường bị nghẽn, không có xe lửa tốc hành vào Saigon và ra Hanoi, số 2144 (27/10/1934), tr. 2.
(7). Hà Thành ngọ báo (1934), Tại Quảng Trị, bão làm xụp nhà đổ cây, số 2145 (28/10/1934), tr. 3.
(8). Tân Văn (1934), Sau trận bão ở Trung kỳ, số 14 (03/11/1934), tr.8.
(9).(10) Hà Thành ngọ báo (1934), Tại miền Bắc Trung kỳ: Vì bão, nhiều người bị thiệt mạng, số 2147 (01/11/1934), tr. 2.
(11). Làng Minh Lệ nay thuộc xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Làng Xuân Mai, trước thuộc tổng Thuận Lệ, phủ Quảng Trạch, nay là thôn Xuân Mai, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Minh Cầm nay thuộc xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình. Xem thêm: Nguyễn Ngọc Trai (2011), Quảng Bình địa danh, địa giới qua các thời đại, Nxb Nghệ An, tr. 93, 122.
(12).(13).(16) Hà Thành ngọ báo (1934), Tin thêm về nạn bão lụt ở miền Bắc Trung kỳ, số 2148 (03/11/1934), tr.2.
(14). Báo Tiếng Dân (1934), Số người chết của hao về trận bão ở Hà Tĩnh, số 747 (28/11/1934), tr.1.
(15).(25). Thanh Nghệ Tĩnh (1934), Chúng ta nên cứu giúp anh em bị nạn ở Hà Tĩnh, số 20 (14/12/1934), tr.1.
(17). Tân Văn (1934), Sau trận bão ở Trung kỳ, số 14 (03/11/1934), tr.8.
(18). Báo Công Luận (1934), Nhà thờ Vạn Lộc bị đổ, số 6693 (20/11/1934), tr.2.
(19). Thanh Nghệ Tĩnh (1934), Đức Bảo Đại đối với việc cứu tế nạn dân Nghệ, Tĩnh, Quảng, số 18 (30/10/1934), tr.2.
(20). Báo Công Luận (1934), Đức Bảo Đại sắp đi thăm nạn dân phía Bắc Trung kỳ, số 6712 (11/12/1934), tr.2.
(21). Thanh Nghệ Tĩnh (1934), Hoàng thượng ngự thăm các miền bị nạn bão lụt, số 19 (07/12/1934), tr.2.
(22). Thanh Nghệ Tĩnh (1934), Một cái đặc ơn cho dân huyện Hương Khê, số 22 (28/12/1934), tr.5.
(23). Báo Tràng An (1935), Hội đồng Cứu tế họp, số 07 (22/3/1935), tr.2.
(24). Báo Tràng An (1935), Buổi hội đồng cuối cùng của Ban Trung ương Cứu tế nạn dân trước khi sáp nhập vào Bộ Kinh tế, số 27 (31/5/1935), tr.1.
(26). Hà Thành ngọ báo (1934), Hội đồng Cứu tế nạn dân phía Bắc Trung kỳ, số 2190 (22/12/1934), tr.2.
(27). Hà Thành ngọ báo (1935), Các tỉnh đối với cuộc lạc quyên giúp nạn dân Trung kỳ, số 2249 (27/02/1935), tr.1.
(28). Hà Thành ngọ báo (1935), Một buổi hát giúp nạn dân Trung kỳ, số 2240 (18/02/1935), tr.2.
(29). Hà Thành ngọ báo (1935), Kết quả cuộc Chợ Phiên hôm 10 và 11 Février, số 2240 (18/02/1935), tr.2.
(30). Hà Thành ngọ báo (1935), Tại nhà hát Thanh Châu tối 10 Février, các viên chức công sở sẽ diễn vở kịch “Học làm sang” để lấy tiền giúp nạn dân mấy tỉnh phía Bắc Trung kỳ, số 2231 (09/02/1935), tr.2.
(31). Hà Thành ngọ báo (1935), Hai buổi hát ngày 11 và 12 vừa qua, số 2242 (20/02/1935), tr.5.
(32). Hà Thành ngọ báo (1935), Thành Cao đối với nạn dân Trung kỳ, số 2271 (24/3/1935), tr.5.
(33). Hà Thành ngọ báo (1934), Diễn kịch giúp nạn dân Hatinh [Hà Tĩnh], số 2187 (19/12/1934), tr.2.
(34). Báo Công Luận (1935), Kết quả cuộc hát làm nghĩa lấy tiền trợ cấp cho dân miền Bắc, số 6746 (23/01/1935), tr.2.
(35). Hà Thành ngọ báo (1934), Cuộc hát cải lương Nam kỳ giúp nạn dân Hà Tĩnh, số 2185 (16/12/1934), tr.6.
(36). Thanh Nghệ Tĩnh (1934), Kết quả tối hát cải lương giúp nạn dân Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình, số 21 (21/12/1934), tr.5.
(37). Báo Sài Gòn (1935), Cứu tế nạn dân Trung kỳ, quận Hóc Môn quyên được 709p, số 518 (21/02/1935), tr.8.
(38). Báo Công Luận (1935), Cuộc hát giúp dân bị bão lụt ở Nghệ Tịnh do hội Bắc kỳ ái hữu tổ chức, số 6728 (03/01/1935), tr.2.
(39). Báo Sài Gòn (1935), Lòng hảo nghĩa: 5 đồng của anh em học sinh lớp Sơ học trường Huỳnh Khương Ninh với nạn dân Trung K=kỳ, số 521 (25/02/1935), tr.1.
(40). Hà Thành ngọ báo (1935), Anh em Ai Lao đối với dân Trung kỳ bị nạn, số 2243 (21/02/1935), tr.2.
 

Đỗ Minh Điền

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây