Mỗi quan hệ đặc biệt giữa Trần Phú, học trò và công - nông Vinh - Bến Thủy

Thứ tư - 03/07/2024 04:33 0
Con đường yêu nước và cách mạng của Trần Phú bắt đầu từ Trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh. Nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú(1/5/1904-1/5/2024), xin giới thiệu đôi nét về những hoạt động của thầy Trần Phú trong thời kỳ dạy học ở Vinh (1922-1926). Với tấm lòng yêu nước, thương dân, căm thù giặc sâu sắc, Trần Phú đã góp phần đào tạo cho Nghệ - Tĩnh một lớp thanh niên tiêu biểu từ ngày đầu dựng Đảng. Những công nông yêu nước ở Vinh - Bến Thuỷ và các học trò được thầy Trần Phú tuyên truyền, giác ngộ, dạy dỗ đã phấn đấu trở thành những người cộng sản ưu tú. Học tập và noi gương Trần Phú, họ đã tham gia cách mạng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh làm nên Xô viết Nghệ - Tĩnh anh hùng.     
                                                 * * * * *
   Trần Phú là con trai thứ tư của ông Trần Văn Phổ, quê ở làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh và bà Hoàng Thị Cát quê ở huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An. Thời kỳ ông Phổ dạy học tại tỉnh Phú Yên, bà Cát đã đưa các con rời quê hương theo chồng vào Nam Trung bộ sinh sống. Ngày 1/5/1904 (năm Giáp Thìn), bà Cát đã sinh ra Trần Phú tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Năm 1907, ông Phổ được điều động đi làm quan tri huyện ở Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1908, hưởng ứng phong trào chống thuế do ông Nguyễn Hằng Chi và Trịnh Khắc Lập lãnh đạo, nhân dân các tỉnh ở Trung Kỳ đã vùng lên đấu tranh chống lại chế độ sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp (1). Là một vị quan thanh liêm, yêu nước, thương dân, tri huyện Trần Văn Phổ thông cảm với nỗi cực khổ của nhân dân, ông bất bình chống lại lệnh sưu thuế, ngấm ngầm không cho binh lính đi đàn áp cuộc đấu tranh của nông dân nên đã bị quan trên quở trách.Thấy mình bất lực, không giúp ích được gì để giảm bớt nỗi khổ cho dân. Vì uất ức nên ông Phổ đã thắt cổ tự vẫn tại huyện đường để phản đối thực dân Pháp và chứng minh tấm lòng yêu nước thương dân của mình.(2). Cái chết thanh liêm của ông quan Trần Văn Phổ đã làm xôn xao dư luận khắp vùng, khích lệ thêm tinh thần hăng hái đấu tranh của nhân dân ở các tỉnh Trung kỳ.  

https://hatinh.gov.vn/uploads/topics/17076190463013.png
Chân dung cố Tổng Bí thư Trần Phú. Ảnh tư liệu

  Để trả thù ông Trần Văn Phổ và đe doạ những người yêu nước chống lại chế độ bảo hộ của “nước mẹ đại Pháp”, thực dân Pháp đã ra lệnh tịch thu toàn bộ tài sản của gia đình và đuổi mẹ con Trần Phú ra khỏi huyện đường. Cảm phục đức độ của ông Phổ khi còn làm quan, luôn bênh vực và che chở cho nhân dân nên bà con cô bác ở Quảng Ngãi đã giúp đỡ, cưu mang chia sẻ với mẹ con bà Cát, trong cảnh hoạn nạn, để họ vẫn có nơi ăn chốn ở nương thân.Tuổi thơ của Trần Phú đã sống trong đau thương, đói nghèo và uất hận, anh luôn khắc sâu mối thù nhà và nguyện không đội trời chung với lũ cướp nước và bọn bán nước cầu vinh. Trong hoàn cảnh bần hàn,Trần Phú đã may mắn được một người dì ruột tốt bụng, đem ra Huế nuôi và cho ăn học tử tế. Không phụ công ơn của cha mẹ, bà dì và những người dân tốt bụng,Trần Phú đã ngày đêm dùi mài kinh sử. Kết quả những năm học ở Tiểu học Pháp - Việt và Quốc học Huế, anh đều đạt danh hiệu là học trò giỏi.
Mùa hè năm Nhâm Tuất (1922), Trần Phú thi tốt nghiệp Thành Chung tại trường Quốc học Huế đã đậu thủ khoa. Trần Phú có nguyện vọng nối nghiệp cha làm nghề dạy học nên anh đã khước từ chốn quan trường trước sự ngạc nhiên của Đốc học Đuy- Boa người Pháp và bà con, bạn bè thân hữu. Tháng 9 năm 1922, Trần Phú được bổ nhiệm làm Giáo học dạy lớp Nhất tại Trường Tiểu học Pháp-Việt Vinh (trường Cao Xuân Dục). Điều mong ước của anh đã thành hiện thực. Trường Cao Xuân Dục nằm về phía Đông- Nam, trung tâm thành cổ Vinh, gần trường Nguyễn Trường Tộ, cách trường Quốc học Vinh khoảng một cây số. Đây là mảnh đất“thiên thời địa lợi nhân hoà”, nơi hội tụ “Dòng chảy của tri thức” xứ Nghệ. Nhân dân Vinh - BếnThuỷ đã có truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến Nam triều cướp đất để xây dựng các nhà máy. Đối với Trần Phú, được về dạy học ở Vinh là một điều may mắn. Tại Vinh, anh được gặp nhiều anh em bạn bè cùng học ở Huế các khoá trước như Trần Văn Tăng (3), người mà Trần Phú rất ngưỡng mộ. Về dạy học ở Vinh, những ngày nghỉ, Trần Phú được về thăm quê nội của cha ở làng Tùng Ảnh huyện Đức Thọ và quê ngoại của mẹ ở huyện Nghi Lộc. Anh có dịp được thăm thầy Nguyễn Thức Tự, bạn tri kỷ của cha là Trần Văn Phổ. Trường Cao Xuân Dục là một trường quốc lập đặc biệt nhất của cả nước, nó khác với các trường quốc lập ở các địa phương khác. Mang danh là quốc lập, nhưng thực tế kinh phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công việc dạy và học của thầy trò lại không phải do ngân sách của “Chính phủ bảo hộ” cấp. Tất cả số tiền chi phí nói trên đều do cụ Cao Xuân Dục tự bỏ ra lo liệu. Để nhớ ơn cụ, nhân dân Nghệ - Tĩnh đã gọi tên Trường Tiểu học Pháp -Việt Vinh là Trường Cao Xuân Dục(4). Đã từ lâu, đức, tài và lòng thương dân, tinh thần mong muốn nâng cao dân trí cho nhân dân Nghệ-Tĩnh của cụ Cao Xuân Dục đã được người đời ngưỡng mộ. Những người nổi danh ở Nghệ Tĩnh như cụ Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thức Tự, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc v.v đều rất kính trọng và học tập Cụ. Đức độ và quan niệm giáo dục, nâng cao dân trí của cụ Cao Xuân Dục đã được các thế hệ giáo viên và trí thức Nghệ-Tĩnh như:Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng, Nguyễn Thức Mẫn, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Trần Phú, Nguyễn Sỹ Sách, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Tiềm, Mai Kính, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huy Lung luôn phát huy và toả sáng trong phong trào Duy tân Hội. Được dạy học ở ngôi trường mang tên danh nhân văn hóa Cao Xuân Dục, Trần Phú và những trí thức tiến bộ ở Nghệ Tĩnh luôn nhắc nhau: phải nhớ và làm theo những lời của cụ Cao Xuân Dục đã dạy:“Mưu lợi ích mười năm không gì bằng trồng cây. Vì lợi ích trăm năm không gì bằng trồng người” (5)

https://hatinh.gov.vn/uploads/topics/17076191367989.jpg
Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú thuộc xã Tùng Ảnh (Đức Thọ), nguồn ảnh
http://sotaichinh.hatinh.gov.vn/


Cụ Cao Xuân Dục đệ đơn xin mở trường Tiểu học Pháp - Việt Vinh là một sự khích lệ truyền thống khoa bảng của ông đồ Xứ Nghệ. Trước khi mở trường, trong đơn đề nghị và cam kết với Chính phủ Pháp đã ghi: Cụ tự bỏ tất cả số tiền cho việc xây dựng trường, còn thực dân Pháp phải đồng ý điều kiện: tất cả học trò đều không phải nạp học phí và đóng bất cứ khoản tiền nào khác. Học trò được lên lớp ngày hai buổi, chỉ tự túc các khoản giấy, bút, mực và đồ dùng học tập cá nhân. Sau ba tháng học tập thì được đi tham quan một lần. Trường có 6 cấp, lớp 5 đầu tiên, đến lớp 4, rồi lớp 3. Học xong lớp 3, thi Sơ học yếu lược để vào học lớp Nhì Đệ Nhất rồi đến lớp Nhì Đệ Nhị và cuối cùng là lớp Nhất. Cuối lớp Nhất sẽ thi Primer, nếu đậu thì dự thi vào Trường học Cole Vinh (tức Quốc học Vinh). Thầy Trần Phú dạy lớp Nhất của trường Cao Xuân Dục khi mới 18 xuân xanh. Học trò lớp Nhất thời bấy giờ phần lớn ở lứa tuổi 16, 17, trò chỉ kém thầy vài ba tuổi. Đối với Trần Phú, trong giờ học thì giữ quan hệ là thầy và trò, nhưng khi ngoài giờ học,Trần Phú coi các học trò của mình thân thiện như những người em. Còn khi đi dã ngoại, hoặc bình văn thơ thì Trần Phú lại coi các em như những người thân hữu. Lứa tuổi thanh niên đầy nhiệt huyết, sôi động và thích khám phá những điều mới lạ, bởi vậy, học trò trường Cao Xuân Dục rất kính phục và gần gũi thân mật với thầy.Trần Phú luôn mẫu mực trên mọi lĩnh vực, việc làm, trí tuệ và nhân cách để luôn gây ảnh hưởng tốt đối với các học trò. Môi trường dạy học mang tên Cao Xuân Dục đã tạo điều kiện tốt cho thầy Trần Phú thực hiện công việc “trồng người”. Với kiến thức uyên thâm, tình thương và trách nhiệm với thế hệ trẻ, những năm dạy học ở Vinh, Trần Phú đã góp phần đào tạo cho Nghệ - Tĩnh một lớp thanh niên có văn hóa, yêu nước, biết tự hào với truyền thống con cháu Lạc Hồng. Trần Phú đã dạy học trò sống có mục đích, hoài bão, luôn noi gương các bậc tiền bối: Nguyễn Thức Tự, Phan Bội Châu, Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành.  
Thời gian dạy học ở trường Cao Xuân Dục, thầy Trần Phú đã bí mật liên kết với những công chức và trí thức yêu nước ở Nghệ Tĩnh có tư tưởng tiến bộ như Trần Văn Tăng,Trần Mộng Bạch, Ngô Đức Diễn, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thai Mai, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Tiềm, Hoài Thanh, Trần Văn Cung, Phan Đăng Lưu, Chu Văn Biên và Phan Thái Ất. Trong số những học trò học tại trường Cao Xuân Dục, Trần Phú đã tìm hiểu hoàn cảnh, gần gũi bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho các học trò thông minh, hiếu động và can đảm. Đó là Nguyễn Mười Uyển, Nguyễn Viết Lục, Nguyễn Đức Dương, chị em Nguyễn Thị Vĩnh (tức Minh Khai, Quang Thái), Nguyễn Ngọc Ba, anh em Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Nhuận, Siêu Hải (6), chị em Nguyễn Thị Nhã, Nguyễn Thị Phúc.Trong số những trí thức yêu nước quen biết,Trần Phú đặc biệt quý mến và kính trọng Nguyễn Thức Mẫn(cháu đích tôn của cụ Nguyễn Thức Tự) Phan Đăng Lưu và HoàngTrọng Trì. Mỗi lần về thăm quê mẹ, Trần Phú thường đến thăm cụ Nguyễn Thức Tự, cùng ngồi đàm đạo việc nước với NguyễnThức Mẫn tại nhà thờ(7). Những lúc rảnh rỗi, thầy Trần Phú dẫn học trò đến trước cổng cửa Tiền, chỉ vào cổng thành và giảng cho học trò nghe nội dung đôi câu đối của Phan Đăng Lưu đã dán ở cổng Cửa Tiền nhằm đả kích châm biếm, mỉa mai bọn quan lại: “Tổ quốc diệt vong, sung sướng đó, linh đình yến tiệc./ Đồng bào nô lệ, vẻ vang thay, nhộn nhịp xướng ca ”. Những ngày được nghỉ học theo quy ước, thầy Trần Phú tổ chức cho học trò đi tham quan các danh lam thắng cảnh: núi Hồng sông Lam, quê cụ Nguyễn Du, thành Lục niên, thành Vạn An v.v. Tại mỗi điểm Di tích lịch sử, thầy lại kể những câu chuyện đánh giặc của ông cha ta trước đây: Năm 722, tại Núi Đụn huyện Nam Đàn, Mai Thúc Loan đã dẫy cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân xâm lược nhà Đường. Khi đưa học trò du ngoạn dọc sông Lam, thầy đã kể cho các em nghe chuyện khí phách hiên ngang của Nguyễn Biểu, ung dung ăn cỗ đầu người làm cho tướng giặc nhà Minh Trương Phụ phải khiếp vía. Khi đưa học trò lên núi thiên Nhẫn,Trần Phú kể cho các em về kế hoạch của tướng Nguyễn Chích đã chọn Hoan Diễn làm“ Đất đứng chân” để giúp Lê Lợi đánh bại quân xâm lược nhà Minh.Từ những mẩu chuyện lịch sử thời bà Trưng, bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, lãnh đạo nhân dân, trải qua hàng ngàn năm kiên cường đấu tranh chống quân xâm lược bành trướng phương Bắc.Trần Phú đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần và lòng yêu nước, căm thù giặc cho học trò xứ Nghệ. Sau này, khi kể lại chuyện thời kỳ Trần Phú dạy học ở trường Cao Xuân Dục,  có công“trồng người”, ông Đào Duy Kỳ đã viết:
... Đối với học sinh, anh có thái độ hiền từ, chăm sóc các em về học văn hóa nói chung, nhưng đặc biệt là anh luôn luôn tìm cách để lồng nội dung giáo dục lòng yêu nước vào bất cứ bài học nào, từ bài Văn, Sử, Địa đến bài toán học và bài viết tập. Anh lại thường tổ chức cho học sinh đi thăm các di tích lịch sử như Đền Lê Lợi, Đền Trần Hưng Đạo, núi Lam Thành, Đền thờ Mai Hắc Đế..v.v, để dựa vào đó mà giáo dục sâu sắc lòng yêu nước và tinh thần chống đế quốc cho tuổi trẻ. Học trò của anh đã có nhiều người giác ngộ cách mạng, trong đó có nữ đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai”.
Tuy thời gian làm thầy dạy học, góp phần rèn đức, luyện tài cho các em học trò xứ Nghệ không lâu, nhưng sau khi Trần Phú rời khỏi nhà trường, xuất dương theo lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc để tìm con đường cứu nước, những học trò xứ Nghệ được thầy Trần Phú tin tưởng dìu dắt đã noi gương và học tập thầy, kế tục con đường cách mạng mà thầy đã chọn. Đó là con đường đấu tranh giành độc lập dân tộc. Năm 1925, tại Quảng Châu Trung Quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp những thanh niên Nghệ -Tĩnh tiêu biểu đi xuất dương theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, thành lập nhóm“Cộng sản Đoàn” và tổ chức Hội Thanh niên cách mạng đồng chí. Để tuyên truyền mục đích hoạt động của Hội và cách mạng tháng Mười Nga do Lê Nin lãnh đạo, ngày 21-6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã cho xuất bản tờ Báo“Thanh niên”. Những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và Hội Thanh niên cách mạng đồng chí ở nước ngoài đã theo con đường bí mật truyền về Vinh-Bến Thuỷ. Ngày 14-7-1925, những trí thức yêu nước gồm: Lê Huân,Tú Kiên, Trần Phú, Nguyễn Thức Mẫn, Trần Mộng Bạch, Trần Văn Tăng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Sỹ Sách và một số người khác đã họp tại núi con Mèo(Bến Thủy), thành lập Hội Phục Việt. Tháng 11-1925, Hội Phục Việt đã ra lời kêu gọi nhân dân đấu tranh đòi thực dân Pháp giảm án cho cụ Phan Bội Châu. Với tấm lòng kính trọng và biết ơn cụ Phan, có tài, có đức, vì nước vì dân mà hiến dâng cả cuộc đời. Trần Phú đã chọn nhà Siêu Hải ở Cổng Chốt, hướng dẫn cho học trò Minh Khai, Siêu Hải, Trần Thị Liên, Nguyễn Thị Nhuận in hàng vạn tờ truyền đơn (8) phân phát rải khắp nơi, kêu gọi nhân dân đấu tranh. Ngày 24-3-1926, cụ Phan Chu Trinh qua đời tại Sài Gòn, Trần Phú và các thành viên của Hội Phục Việt tuyên truyền vận động học sinh và mọi tầng lớp nhân dân mít tinh, làm lễ truy điệu cụ. Hoạt động của Trần Phú và Hội Phục Việt đã có ảnh hưởng lớn đến tinh thần yêu nước của công nông Vinh- Bến Thuỷ. Khi phong trào lên, để tránh sự theo dõi của bọn mật thám, Trần Phú và các thành viên của Hội Phục Việt đã đổi tên Hội. Từ Hội Phục Việt sang Hội Hưng Nam.         
 Nhằm nâng cao dân trí cho anh chị em công nhân và dân nghèo ở thành Vinh, Trần Phú đã bàn với các thầy giáo và học sinh có tư tưởng tiến bộ, mở lớp dạy chữ Quốc ngữ ở các làng, xóm thợ Trường Thi cho công nhân và con em của họ biết chữ. Thông qua công tác tuyên truyền và mở lớp học, thầy Trần Phú đã được anh chị em công nhân trong các nhà máy Diêm Bến Thủy và các làng Yên Dũng, xóm thợ Trường Thi rất quý mến, tin tưởng. Được học chữ và nghe lời tuyên truyền của Trần Phú, anh chị em công nhân Lê Mao (9), Lê Viết Thuật, Nguyễn Viết Lục, Nguyễn Lợi, Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Phúc, Lê Doãn Sửu, Đinh Văn Đức, Nguyễn Khắc Thiện, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Bảy, Lê Thị Vi Ninh (10) đã tích cực vận động nhiều người tham gia tổ chức Hội. Được Trần Phú giác ngộ và dạy chữ Quốc ngữ, anh chị em công nhân đã biết đọc báo“Thanh niên”, hiểu về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và cách mạng tháng Mười Nga do Lê Nin lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo của Hội Hưng Nam, Trần Phú đã tập hợp những trí thức, học sinh, công nhân, thợ thuyền, buôn bán nhỏ đấu tranh đòi quyền lợi từ tự phát lên tự giác.
Để tăng cường hội viên tham gia lớp huấn luyện chính trị theo Học thuyết Mác-Lênin   và cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Ái Quốc đã cử Lê Duy Điếm từ Quảng Châu Trung Quốc về Vinh đưa thanh niên Nghệ Tĩnh đi dự lớp tập huấn. Hội Hưng Nam trường Cao Xuân Dục đã cử Trần Phú và Nguyễn Ngọc Ba đi tham dự lớp học.Trước lúc đi, Trần Phú bàn giao công việc của tổ chức Hội lại cho Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập và Nguyễn Tiềm phụ trách (11). Trần Phú giao cho Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Thị Duệ, Nguyễn Thị Vi Ninh phụ trách công nhân trong các nhà máy. Giao công việc dạy học cho Minh Khai, Siêu Hải, Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Thị Nhuận và Trần Thị Liên. Phân công việc xong, Trần Phú, Nguyễn Ngọc Ba và số thanh niên trí thức được Hội Hưng Nam cử đã cùng Lê Duy Điếm bí mật lên đường. Tại ngôi nhà 13 đường Văn Minh Quảng Châu Trung Quốc, Trần Phú tham gia lớp huấn luyện, với bí danh là Lý Quý.Anh được Nguyễn Ái Quốc kết nạp vào nhóm “Thanh niên Cộng sản Đoàn”. Được Nguyễn Ái Quốc trực tiếp đào tạo,Trần Phú đã chuyển từ chủ nghĩa yêu nước sang chủ nghĩa cộng sản, theo học thuyết Mác-Lênin và cách mạng tháng Mười Nga. Kết thúc khoá học, Nguyễn Ái Quốc đã dẫn Trần Phú và các hội viên lên núi Hoa Cương viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái và đọc lời tuyên thệ trước khi về Nghệ An.Trên đường về,Trần Phú và Nguyễn Sỹ Sách đã bàn kế hoạch sẽ cải tổ hoạt động của các tổ chức Hội theo con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc đã dạy. Khi về đến Vinh, Trần Phú mới biết: sau cuộc mít tinh (tháng 3-1927) truy điệu ngày giổ đầu của cụ Phan Chu Trinh tại Chùa Diệc, thực dân Pháp đã  đuổi các thầy giáo Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập, Trần Mộng Bạch ra khỏi trường Cao Xuân Dục, chuyển đi dạy xa Vinh. Chúng đã tung mật thám truy lùng bắt Trần Phú và những người tham gia lãnh đạo. Tổ chức Hội đã bí mật bố trí đưa Trần Phú ra nước ngoài hoạt động. Kể từ đó, kết thúc chặng đường dạy học,Trần Phú bắt đầu hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mở ra một giai đoạn lịch sử mới.
Thời gian dạy học và hoạt động tại Vinh,Trần Phú đã góp phần đào tạo cho quê hương và đất nước một đội ngũ cán bộ cốt cán của Đảng. Tiêu biểu là Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Mao, Lê Viết Thuật, Nguyễn Viết Lục, Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, Nguyễn Tiềm, Siêu Hải, Nguyễn Thiếp và nhiều đồng chí khác. Trần Phú đã rút được nhiều bài học và kinh nghiệm thực tế. Năm 1929, Trần Phú đã góp phần làm phong phú hơn chủ trương“ Đi vô sản hoá” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nhờ gần gũi với công nông Vinh - Bến Thuỷ, sau khi được Quốc tế Cộng sản và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử về nước hoạt động, Trần Phú và Lê Mao đúc rút bài học thực tế của phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh để khởi thảo bản luận cương chính trị tháng 10/1930 nổi tiếng.           
                                                                      
 Chú thích
1. Hình ảnh những người lãnh đạo cuộc đấu tranh đang trưng bày tại Bảo tàng XVNT.  
2. Đêm 18/4/1908, Có tài liệu ghi ông Phổ tự vẫn ngày 19/5/1908 (tức ngày 20/4 ÂL năm Mậu Thân).
3. Trần Văn Tăng quê ở huyện Nghi Lộc, là anh trai cả đã dắt dìu 4 em trai đều là các nhà cách mạng thời kỳ tiền bối là Trần Văn Cung, Trần Văn Vinh, Thượng tướng Trần Văn Quang và Trần Văn Bành.          
4. Cụ Cao Xuân Dục (1843-1923), quê ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cụ là người học vấn uyên bác, có tinh thần yêu nước và khuyến học. Năm 1912, với tư cách Thượng thư Bộ học kiêm Quản vụ Quốc Tử Giám cụ Cao đã nhắc nhở: Nhà trường có nhiệm vụ đào tạo con người: “Hào kiệt quý ở chỗ thức thời, học vấn quý ở chỗ biết chọn ra cái hay cái tốt…”. Khi bàn về triết lý giáo dục, Cụ Cao Xuân Dục đã cho rằng: “Cách thức làm ăn” có bốn việc thì “Việc học” phải được đặt lên hàng đầu: “Việc học chính là học cách để làm người” và “Học thuật phải phục vụ được cho đời”.
5.  Phát biểu của Thượng thư Bộ học Cao Xuân Dục về vai trò giáo dục tại Quốc Tử Giám năm 1910.
6. Nhà ở làng Yên Nghị (nay là Phường Đội Cung) năm 1932 Siêu Hải được bầu là Bí thư Khu uỷ Vinh.
7. Các con cháu của cụ Nguyễn Thức Tự đều là những nhà cách mạng tiêu biểu. Nhà thờ cụ Nguyễn Thức Tự đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia
8. Truyền đơn của Hội Phục Việt hiện đang trưng bày tại phòng 3 Bảo tàng XVNT.
9. Năm 1930, đ/c Lê Mao là Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời Vinh - Bến Thủy, Là Uỷ viên BCH Trung ương Đảng CSVN. Là người cộng tác giúp Trần Phú khởi thảo bản Luận cương chính trị tháng 10 -1930.
10. Những người nêu trên, năm 1930 đều trở thành những chiến sĩ cộng sản tiêu biểu lớp tiền bối.   
11. Nguyễn Tiềm là học sinh trường Quốc học Vinh, trang 3-1927, lãnh đạo học sinh tổ chức truy điệu ngày giổ đầu của cụ Phan Chu Trinh. Năm 1929 tham gia Đông dương Cộng sản Đảng, được đồng chí Nguyễn Phong Sắc chọn làm chủ bút tờ báo Xích Sinh. Tháng 10-1930 được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An.



       



                                            










 

Trương Quế Phương

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây