Một vị giám đốc là tác giả của nhiều đầu sách

Thứ tư - 10/07/2024 04:31 0
     Ông Đào Tam Tĩnh sinh ngày 14-10-1954 tại xã Liên Sơn, huyện Đô Lương  tỉnh Nghệ An nhưng quê gốc ở thành phố Vinh . Sau này ông định cư ở số 26 ngõ 50 đường Lê Viết Thuật, Hưng Lộc, thành phố Vinh.  Ông tốt nghiệp đại học Văn hóa ngành Thư viện năm 1982 và năm 2004 làm Phó giám đốc, rồi Giám đốc thư viện Nghệ An, Hiện nay là Phó chủ tịch hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Nghệ An và là  hội viên hội VNDG Việt Nam.
      Trong quá trình công tác và hoạt động khoa học ông Tỉnh còn kiêm nhiều chức danh như nguyên Ủy viên Ban chấp hành hội Kiều học Việt Nam khóa I; hội viên hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó chủ tịch chi hội Di sản Văn hóa Cổ vật Sông Lam; Chủ nhiệm câu lạc bộ Hán Nôm Nghệ An; hội viên các hội: Văn học Nghệ thuật Nghệ An và thành phố Vinh, hội Sử học Nghệ An.
      Làm việc ở ngành văn hóa lâu năm và là hội viên hội VNDG Nghệ An từ khóa 2, tham gia nhiều hoạt động khoa học, các cuộc hội thảo …ông là tác giả của nhiều đầu sách, mà phần lớn các tác phẩm của ông đã đề cập đến  nhiều vấn đề  về văn hóa, về lịch sử, địa lý , văn học dân gian… của tỉnh Nghệ An, của xứ Nghệ.


Ông Đào Tam Tỉnh 

      Ngoài ra với cương vị Phó chủ tịch hội Di sản văn hóa Cổ vật Sông Lam ông Tĩnh đã có công sưu tầm tích góp nhiều loại tiền cổ. Trong tay ông đã có gần như đầy đủ các bộ tiền cổ của các triều đại phong kiến Việt Nam, có những đồng tiền ra đời từ thời Đinh Tiên Hoàng, thời Lê Hoàn…cùng nhiều bộ tiền của Trung Quốc. Bên cạnh các loại tiền cổ, kho lưu trữ của ông còn chứa đựng hàng ngàn cổ vật trong đó có nhiều cái từ thời Lý, thời Trần và cả trước đó nữa.
       Là vị Giám đốc năng nỗ, cần mẫn, ham nghiên cứu học hỏi, quan hệ rộng, ông Đào Tam Tĩnh đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thư viện Nghệ An. Cùng với những thành tích trong các lĩnh vực hoạt động văn hóa, Địa chí, Lịch sử địa phương, Văn hóa dân gian, Di sản văn hóa Việt Nam ….ông Tĩnh đã được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen năm 2013 và nhiều bằng khen của bộ Văn hóa -Thể thao Du lịch, của Hội VNDG Việt Nam và của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An.
     Sau đây là một số đầu sách của ông:
-  Tác giả Nghệ Tĩnh thế kỉ XX (viết cùng Đặng Thanh Quề) - Sở Văn hóa thông tin (VHTT) Nghệ Tĩnh in 1990 (tập 1), 1994 (tập 2)  
-  Nghề và làng nghề thủ công truyền thống Hội VNDG Việt Nam in năm 1998
-  Khoa bảng Nghệ An (1075-1919) - Nhà xuất bản (NXB) Nghệ An in 2000, tái bản 2005
-  Danh sĩ Vịnh Kiều (viết cùng Đặng Thanh Quề) Sở VH TT Nghệ An in - 2000
-  Di tích đền thờ Vạn Lộc (viết cùng Phan Thắng), Sở VHTT Nghệ An in - 2005.
-  Đảo Song Ngư và Song Ngư tự (viết cùng Phan Thắng), NXB Nghệ An - 2005
-  Từ điển Thành ngữ, tục ngữ (viết cùng Nguyễn Nhã Bản), NXB Nghệ An - 2005
-  Sáu mươi năm ngành Lao động và Thương binh xã hội Nghệ An (viết cùng Văn Hiền), NXB Nghệ An - 2005
-   Kênh nhà Lê - lịch sử và huyền thoại, NXB Thời Đại - 2010
-   Đền Cửa và mộ tướng Ninh Vệ (viết cùng Nguyễn Đức Kim), NXB Nghệ An 2010
-   Họ Đào Việt Nam với 1000 năm Thăng Long Hà Nội (viết chung) NXB Hà Nội – 2010
-   Đền Diên Cờ xã Nghi Trường (viết cùng Hoàng Anh Tài), NXB Nghệ An - 2012
-   Các vị thần Sông biển xứ Nghệ, NXB Nghệ An năm 2013
-   Cửa Lò linh khí một vùng sông nước (viết cùng Hoàng Anh Tài) NXB Nghệ An -2014.
-   Phật giáo xứ Nghệ: dấu vết thăng trầm, hồi sinh và tâm thức dân gian (viết cùng Hồ Mạnh Hà) bản thảo chưa in.
-   Tìm trong di sản văn hóa xứ Nghệ,  NXB Văn học - 2019.
 Ngoài các sách kể trên ông còn có hàng chục đầu sách viết chung với nhiều tác giả như:
     -   Bóng thi nhân (viết chung)  Sở VH TT Nghệ An in - 1997
     -   Lịch sử báo Nghệ An (viết chung), NXB Nghệ An - 2001
  • Nghệ An di tích  danh thắng  (viết chung) Sở VHTT Nghệ An in năm 2001
     -   Văn bia Nghệ An (nhiều tác giả) NXB Nghệ An - 2004
  • 25 năm NXB Nghệ An (nhiều tác giả) NXB Nghệ An - 2005
     -   Câu đối xứ Nghệ 2 tập (viết chung) cùng Nguyễn Thanh Hải và Cảnh Nguyên, NXB Nghệ An - 2005
  • Thanh Chương đất và người (viết chung) NXB Nghệ An - 2005
  • Thanh Chương xưa và nay (viết chung)  NXB  Khoa học xã hội - 2010
  • Nghệ An  những tấm gương cộng sản (viết chung) NXB Nghệ An T2 - 2005, T3 - 2010
  • Nghiên cứu lý luận phê bình văn học Nghệ An  mười năm đầu thế kỷ XXI (viết chung) NXB Nghệ An -2011
  • Làng xã Nghệ An (nhiều tác giả) NXB Nghệ An - 2012
     -    Sắc phong Nghệ An (nhiều tác giả chủ biên) NXB Nghệ An - 2012
     -    Xứ Nghệ với Hoàng đế Quang Trung (viết chung), NXB Văn học - 2013
  • Người Nghi Xuân (viết chung)  NXB Văn hóa Thông tin - T1 2002, T2 2013
  • Văn hóa Hà Tĩnh tác phẩm chọn lọc (viết chung) NXB Đại học Vinh - 2012
  • Địa chí huyện Tương Dương (viết chung) NXB Văn hóa dân tộc - 2012
  • Địa chí huyện Nghi Lộc (viết chung) NXB Chính trị quốc gia - 2014
  • Đất Nghệ (viết chung) NXB Nghệ An - 2015
  • Khoa học xã hội và nhân văn với thực tiễn (viết chung) NXB Nghệ An - 2017.
…và một số cuốn khác.
     Thật đáng khâm phục khi một vị Giám đốc thư viện lớn như Thư viện Nghệ An (mới nghỉ hưu được 10 năm) vừa làm công tác quản lý, vừa học thêm ngoại ngữ nhất là chữ Hán, vừa sưu tầm tiền cổ và các cổ vật quý hiếm, vừa sưu tầm văn hóa dân gian, nghiên cứu khoa học, viết hàng chục đầu sách, hàng trăm bài báo, hàng chục bài tham luận và tham gia nhiều hoạt động khoa học của các hội ở trong và ngoài tỉnh …thế mà ông đã hoàn thành được một khối lượng công việc to lớn như vậy . Hơn thế nữa là trong các tác phẩm của tác giả Đào Tam Tĩnh cả viết riêng và viết chung là đã có nhiều cuốn đạt giải cao của Hội VNDG Việt Nam (giải B,C), giải Văn học nghệ thuật (VHNT) Hồ Xuân Hương Nghệ An (giải A,B,C), giải Báo chí và giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Nghệ An. Trong các công trình khoa học của ông nhiều tham luận còn phục vụ kịp thời cho những sự kiện của đất nước và của tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh như: Hội thảo Quốc tế: về Dân ca - Ví dặm Nghệ Tĩnh phục vụ lập Hồ sơ trình UNESCO công nhận Di sản phi vật thể thế giới (2012 - 2014), Hội thảo Quốc tế: Kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du (2015), Nhân vật Nghệ Tĩnh với chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa (2016), v.v…

KHOA BẢNG NGHỆ AN
Sách Khoa bảng Nghệ An

    Sau đây xin giới thiệu qua một trong số các tác phẩm của ông: cuốn KHOA BẢNG NGHỆ AN. Cuốn sách được nhiều người coi là công cụ tra cứu tìm hiểu những tư liệu về truyền thống hiếu học và khoa cử Nghệ An, về các nhà khoa bảng Nghệ An đã thi đậu qua các kì thi Hương, thi Hội, thi Đình do nhà nước phong kiến tổ chức. Sách dày 548 trang, gồm hai phần chính, nhưng trước khi vào hai phần có chuyên mục: Một số vấn đề khái quát về Khoa bảng Việt Nam giúp bạn đọc có được cái nhìn tổng thể về tình hình khoa cử nước ta trước khi tìm hiểu tình hình khoa cử Nghệ An.
Phần một:  Lịch sử và truyền thống khoa bảng Nghệ An. Phần này có 4 chương:
Chương I: Truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của nhân dân Nghệ An.
Chương II.  Văn miếu và trường thi Hương Nghệ An. Gồm các mục:
-  Văn miếu Nghệ An. Được lập từ triều Lê ở địa phận lỵ sở Lam Thành đến Gia Long về xã Yên Dũng, huyện Chân Lộc.
-  Trường thi Hương Nghệ An. Được xây dựng thời Lê Thái Tông (1434 -1442) ở Lam Thành thuộc xã Nghĩa Liệt, huyện Hưng Nguyên.
-  Phan Bội Châu với trường thi Hương Nghệ An
-  Phan Bội Châu và ba bài kinh nghĩa thi Hương xuất sắc khoa Canh Tý (1900).
Chương III : Sĩ tử Nghệ An chiếm bảng vàng: có ba mục:
-  Trại Trạng nguyên khai khoa: Trạng nguyên Bạch Liêu (1236 -1315) quê làng Nguyên Xá,huyện Đông Thành (nay thuộc xã Mã Thành huyện Yên Thành).
-  Các khoa thi có người Nghệ An đậu tiến sĩ. Có 75 khoa với 145 người.
-  Những người đạt học vị xuất sắc trong các kỳ thi. Có 80 người.
Chương IV:  Dòng họ Khoa bảng ở Nghệ An. Sách thống kê 21 dòng họ, trong đó họ Nguyễn có nhiều dòng nhất với 65 chữ lót, sau đó là họ Hồ 44, họ Lê 29, họ Trấn 25… và dòng họ có số người đỗ đại khoa và cử nhân triều Nguyễn nhiều nhất vẫn là họ Nguyễn với 154 vị có 55 đại khoa.
Phần hai: Danh mục đăng khoa, gồm các mục:
  • Danh mục đại khoa (tiến sĩ, phó bảng). Có 138 vị.
  • Phân bổ di danh mục tiến sĩ (các vị đại khoa quê gốc Nghệ An đi lập nghiệp nơi khác và từ nơi khác đến lập nghiệp ở Nghệ An). Có 50 vị.
  • Danh mục cử nhân triều Nguyễn. Có 523 vị.
  • Danh mục hương cống các huyện. Chỉ ghi được một số huyện ví dụ Quỳnh Lưu có 293 vị, Yên Thành và Diễn Châu có 495 vị, Nam Đàn 47, Đô Lương 29…
    Những người thi đậu được ghi một số nét về tiểu sử gồm họ tên, năm sinh năm mất (một số), quê quán, khoa thi đậu, làm quan (nếu có).
     Sau hai phần chính là phần Phụ lục cung cấp nhiều tư liệu như: Các bia tiến sĩ  Văn Miếu có ghi tên người Nghệ An;  Bảng kê các khoa thi Hội dưới triều Nguyễn;  Số tiến sĩ các tỉnh theo các triều vua Nguyễn;  Danh mục người Nghệ đỗ tạo sĩ (tiến sĩ võ); Các bài ký đề danh tiến sĩ các khoa …v .v… cho đến Danh mục sứ thần Nghệ An.
     Cựu Giám đốc Đào Tam Tính là một nhà Folklore học có vốn học thuật trải rộng và thành công trên nhiều lĩnh vực. Với thời gian công tác ở Thư viện Nghệ An khá dài và 10 năm nghỉ hưu ông đã là tác giả và đồng tác giả của hàng chục đầu sách. Điều đặc sắc trong các tác phẩm của ông là sự giao thoa giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian cùng nhiều khám phá mới. Với tuổi đời 70, ông Tĩnh là nhà nghiên cứu, nhà báo có nhiều tiềm năng. Hy vọng rằng ông và các cộng sự sẽ tiếp tục có những thành công mới trên các lĩnh vực mà mình quan tâm và độc giả sẽ còn được đọc những tác phẩm mới của các ông.

       

    






 

 



        
 

Nguyễn Tâm Cẩn - Phan Bá Hàm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây