Đánh giá thực trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn tại Việt Nam và xác định đặc điểm cấu trúc Gen

Thứ sáu - 31/05/2024 21:51 0
Các bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân chính gây ra tỷ lệ mắc, tử vong cao và đe dọa tính mạng hàng triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng và nấm là những căn nguyên gây bệnh có thể lây truyền từ người sang người. Kháng sinh chỉ hiệu quả khi vi khuẩn còn nhạy cảm với chúng. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh (AMR) đã trở thành vấn đề y tế nghiêm trọng mang tính toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội và nền y học hiện đại trong điều trị và phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện.
Tại Việt Nam, sau đổi mới kinh tế năm 1986, tuổi thọ trung bình tăng, tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm, và khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thuốc kháng sinh được cải thiện. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý đã dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Các nguyên nhân bao gồm việc người dân tự ý mua kháng sinh, thiếu biện pháp phòng chống lây nhiễm chéo tại bệnh viện, thiếu kiến thức về sử dụng kháng sinh của cán bộ y tế, và gia tăng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tốc độ gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh tại Việt Nam đang đe dọa hiệu quả điều trị và gia tăng gánh nặng các bệnh truyền nhiễm.
https://www.vista.gov.vn/vn-uploads/news/2024/5-2024/30-5-2024/4.jpg
TS. Trần Huy Hoàng và nhóm nghiên cứu tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã thực hiện đề tài: “Đánh giá thực trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn tại Việt Nam, xác định đặc điểm cấu trúc gen và yếu tố liên quan của các vi khuẩn kháng thuốc thường gặp ở Việt Nam” từ năm 2016 đến năm 2020. Mục tiêu của đề tài là xác định tình trạng kháng kháng sinh và đặc điểm cấu trúc gen của một số vi khuẩn kháng thuốc thường gặp tại bệnh viện và cộng đồng, cũng như xác định các yếu tố liên quan và xây dựng mô hình xét nghiệm tham chiếu từ trung ương đến các tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Kết quả nổi bật của đề tài bao gồm: Thu thập, nuôi cấy và phân lập 1.000 chủng hồi cứu tại 4 bệnh viện ở Hà Nội, 1.445 chủng tiến cứu tại 8 bệnh viện và 1.503 chủng từ cộng đồng; Định danh 1.000 chủng hồi cứu, 1.445 chủng tiến cứu và 1.503 chủng từ cộng đồng; Thực hiện xét nghiệm PCR phát hiện 6 gen mã hóa kháng kháng sinh (NDM-1, KPC, IMP-1, OXA-48, CTX-M, SHV) trên 1.000 chủng hồi cứu và 1.445 chủng tiến cứu tại bệnh viện, cũng như 1.503 chủng từ cộng đồng; Xác định mối liên hệ kiểu gen của các chủng vi khuẩn bằng kỹ thuật PFGE, bao gồm: E. coli, K. pneumoniae, A. baumannii, P. aeruginosa, S. aureus, S. marcescens; Phát hiện plasmid mang gen kháng kháng sinh của các chủng vi khuẩn, bao gồm: CTX-M, NDM-1, KPC, OXA-48;Báo cáo kết quả phân tích số liệu xét nghiệm và dịch tễ, bao gồm phân bố vi khuẩn kháng kháng sinh theo loại bệnh, địa điểm, giới, tuổi, khoa điều trị, và các yếu tố liên quan tại cộng đồng; Hoàn thành báo cáo phân tích tình trạng lây truyền vi khuẩn kháng kháng sinh tại cộng đồng, bao gồm các chủng E. coli và K. pneumonia; Xây dựng phòng thí nghiệm tham chiếu vi khuẩn kháng kháng sinh và hệ thống giám sát kháng kháng sinh tại các điểm giám sát.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải quản lý tốt việc sử dụng kháng sinh để đối phó với tình trạng kháng kháng sinh gia tăng, đảm bảo hiệu quả điều trị và bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.
Nguyễn Hải (TH)

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập915
  • Hôm nay37,993
  • Tháng hiện tại116,777
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây