Nghiên cứu Ứng dụng công nghệ Viễn thám và công nghệ Đồ họa (GPGPU) xây dựng bộ dữ liệu bản đồ Thảm thực vật dưới biển tại Khánh Hòa

Thứ sáu - 31/05/2024 21:50 0
Việt Nam là quốc gia ven biển với bờ biển dài trên 3.260 km, trải dài từ Bắc xuống Nam, với thảm thực vật thủy sinh sống chìm gồm thảm rong và cỏ biển (TVTSSC) phong phú và đa dạng. Tỉnh Khánh Hòa đóng vai trò quan trọng trong kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng của vùng Nam Trung Bộ và cả nước. Hệ sinh thái TVTSSC vùng biển Khánh Hòa là một trong những hệ sinh thái có tính đa dạng sinh học cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, thảm TVTSSC tại đây đang có xu hướng suy giảm và việc đánh giá trữ lượng thực vật biển chưa được thực hiện một cách khách quan và chính xác.
Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2017 đến năm 2021, TS. Võ Trọng Thạch và các cộng sự tại Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ Nha Trang đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám và công nghệ đồ họa (GPGPU) xây dựng bộ dữ liệu bản đồ thảm thực vật dưới biển, ứng dụng thí điểm tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa”. Mục tiêu của đề tài là ứng dụng công nghệ viễn thám và công nghệ đồ họa để đánh giá hiện trạng, phân bố và biến động của thảm thực vật dưới biển, đồng thời đề ra giải pháp bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thực vật biển, cũng như xây dựng bộ dữ liệu bản đồ thảm thực vật dưới biển tại Khánh Hòa.
https://www.vista.gov.vn/vn-uploads/news/2024/5-2024/30-5-2024/5.jpg
Dựa trên số liệu khảo sát, dữ liệu lịch sử và kết quả giải đoán ảnh viễn thám, đề tài đã xác định tổng diện tích thảm thực vật dưới biển ở Khánh Hòa là 3.683 ha vào mùa nắng và 2.616 ha vào mùa mưa. Cụ thể, diện tích thảm thực vật dưới biển ở các khu vực trọng điểm gồm: vịnh Vân Phong 1.276,6 ha, đầm Nha Phu - Ninh Hòa 1.186,6 ha, vịnh Nha Trang 329 ha, Bãi Dài - Đầm Thủy Triều 535,9 ha và vịnh Cam Ranh 354,8 ha.
Đề tài đã ứng dụng công nghệ viễn thám và công nghệ đồ họa đa năng GPGPU để xây dựng phần mềm mã nguồn mở GPU4RS, giúp giải đoán ảnh viễn thám quang học và xây dựng bản đồ thảm thực vật dưới biển. Phần mềm này tăng tốc quá trình tính toán, cho kết quả giải đoán nhanh và tiết kiệm thời gian. Với ảnh VNREDSAT-1, độ chính xác của kết quả giải đoán thảm thực vật dưới biển đạt từ 75% trở lên.
Ngoài ra, đề tài đã xây dựng bộ bản đồ phân bố thảm thực vật theo mùa (mùa khô và mùa mưa) vùng biển ven bờ khu vực nghiên cứu. Cụ thể, đã xây dựng bộ ba bản đồ (một mùa nắng, một mùa mưa và một cả năm) chuyên đề tỷ lệ 1/50.000 phân bố thảm thực vật dưới biển ở độ sâu đến 15m. Đề tài cũng đã xây dựng cơ sở dữ liệu WebGIS và phổ biến trên hệ thống CSDL WebGIS tại địa chỉ webthoidai.com/khanhhoagis.
Kết quả nghiên cứu góp phần nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ viễn thám trong bảo vệ và khai thác nguồn lợi thực vật biển cho các tỉnh miền Trung./.
Trần Xuân (TH)

 

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập375
  • Hôm nay16,037
  • Tháng hiện tại1,028,380
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây