Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn, áp dụng thử nghiệm cho khu vực Nam Bộ

Thứ sáu - 26/04/2024 05:43 0
Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, hạn hán ngày càng có xu thế gia tăng về cường độ và tần suất, các vấn đề liên quan đến hạn hán đặc biệt là rủi ro hạn hán cũng có chiều hướng diễn biến phức tạp hơn. Đánh giá rủi ro hạn hán là thành phần cốt lõi, và là yếu tố trung tâm của việc xây dựng kế hoạch và thực hiện trong quản lý và giảm nhẹ hạn hán. Đánh giá rủi ro hạn hán mang tính quyết định trong việc tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu thiệt hại và phục hồi; giúp các cơ quan chức năng có những giải phảp cần thiết nhanh chóng cho những trường hợp khẩn cấp. Trong đó, xác định các cấp độ rủi ro hạn hán đóng vai trò quan trọng, là tiền đề, làm cơ sở cho các đánh giá rủi ro hạn hán, góp phần định hướng cho các nhiệm vụ tiếp theo.
Về xâm nhập mặn, đã có nhiều nghiên cứu về dự báo và cảnh báo mặn cho các lưu vực sông trong đó có cả những phần mềm và quy trình dự báo, cảnh báo xâm nhập mặn được xây dựng. Số liệu quan trắc mặn do các nghiên cứu thực hiện đã đóng một vai trò rất lớn trong công tác đánh giá, phân tích nguyên nhân xâm nhập mặn. Một trong những chương trình cung cấp các dịch vụ khoa học và kỹ thuật quan sát, phát hiện, theo dõi, dự báo và cảnh báo sớm các tác hại của thời tiết, khí hậu và các tác hại liên quan đến nguồn nước, trong đó có xâm nhập mặn là Chương trình giảm thiểu rủi ro thiên tai của Tổ chức Khí Tượng thế giới WMO (Disaster Risk Reduction Programme). Đây là chương trình được thực hiện thông qua các chương trình khoa học và kỹ thuật, mạng lưới các Trung tâm Khí tượng toàn cầu và khu vực, các Trung tâm Khí hậu và các NMHSs (Trung tâm KTTV các quốc gia). Hệ thống cảnh báo sớm của chương trình này cũng đã được triển khai ở các nước: Băng La Đét, Cu Ba, Pháp, Đức, Nhật, Mỹ...
https://www.vista.gov.vn/vn-uploads/news/2024/4-2024/24-4-2024/3.jpg
Để từng bước khắc phục những khó khăn trên, Thạc sĩ Trần Đình Trọng cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu thực hiện “Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn, áp dụng thử nghiệm cho khu vực Nam Bộ” với mục tiêu: Xác định được cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra; Áp dụng thử nghiệm bộ tiêu chí xác định cấp độ rui ro do hạn hán và xâm nhập mặn cho khu vực Nam Bộ và bước đầu đề xuất quy trình.
Trên thế giới đã có nhiều khái niệm rủi ro thiên tai khác nhau. Rủi ro thiên tai là sự kết hợp xác suất xảy ra thiên tai với tác động của thiên tai và được tạo nên từ 2 thành phần là khả năng xảy ra thiên tai và tác động nếu xảy ra thiên tai (Stenchion, 1997). Ở một nghiên cứu khác, rủi ro thiên tai được tạo nên từ 3 thành phần gồm: tác động của thiên tai, các yếu tố chịu rủi ro và tính dễ bị tổn thương của yếu tố chịu rủi ro (Blong, 1996). Rủi ro là mức độ phơi bày của con người trước thiên tai và được tính bởi xác suất xảy ra và thiệt hại gây ra bởi thiên tai đó (Smith, 1996). Rủi ro thiên tai là một con số ám chỉ sự sự mất mát về người (gồm số người chết và bị thương) và thiệt hại về của cải vật chất, hoạt động kinh tế do một hiện tượng tự nhiên nào đó gây ra (Granger và cộng sự, 1999). Rủi ro là hàm của hiểm họa (khả năng xảy ra của thiên tai) và tính dễ bị tổn thương (tính nhạy cảm/mức độ phơi bày trước thiên tai của yếu tố xem xét) (Du và Lin, 2012).
Ngoài các khái niệm mang tính định tính, một số tác giả còn đưa ra khái niệm về rủi ro dưới dạng các sơ đồ, hình vẽ. Tác giả Crichton (1999) đưa định nghĩa rủi ro dưới dạng tam giác có 3 cạnh, tương ứng với mỗi cạnh là 3 yếu tố cấu thành nên rủi ro là hiểm họa (H - Hazard), tính dễ bị tổn thương (V - vulnerability), mức độ phơi bày (E - Exposure), và rủi ro chính là diện tích của tam giác (Hình 1.1a). Theo mô hình này, nếu bất kỳ yếu tố nào trong 3 yếu tố nói trên tăng hoặc giảm, thì mức độ rủi ro cũng sẽ tăng hoặc giảm tương ứng (do diện tích tam giác thay đổi) (Crichton, 1999) (Hình 1.1a). Một cách nhìn khác, coi kim tự tháp 3 chiều và thể tích của kim tự tháp là giá trị rủi ro. Ba mặt của kim tự tháp đặc trưng cho 3 thành phần khác nhau của rủi ro là hiểm họa, tính dễ bị tổn thương và mức độ phơi bày. Đồng nghĩa với bất kỳ một thành phần nào của kim tự tháp tăng lên đều làm cho thể tích kim tự tháp tăng, tức là giá trị rủi ro tăng và ngược lại (Dwyer và cộng sự, 2004) (Hình1.1b). Tương tự với các mô hình này, Trung tâm giảm nhẹ thiên tai Châu Á (ADRC) lại có cách biểu diễn khác, tuy nhiên bản chất rủi ro khái niệm không thay đổi, khi hiểm họa, mức độ phơi bày hay tính dễ bị tổn thương tăng lên sẽ kéo theo rủi ro tăng lên (ADRC, 2005).
Với mục tiêu xác định được cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra; áp dụng thử nghiệm bộ tiêu chí xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn cho khu vực Nam Bộ và bước đầu đề xuất quy trình, đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn, áp dụng thử nghiệm cho khu vực Nam Bộ” đã lựa chọn khái niệm rủi ro thiên tai (R) theo IPCC (2012) trong đó R là hàm của hiểm họa (H), mức độ phơi bày (E) và tính dễ bị tổn thương (V).
Trên cơ sở tổng quan từ các nghiên cứu kết hợp với kết quả khảo sát thực tế về hiện trạng cũng như việc ứng dụng xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực Nam Bộ, đề tài đã tổng hợp đưa ra được cơ sở khoa học cho việc xác định và phân cấp rủi ro thiên tai, đồng thời lựa chọn phương pháp và bước đầu đề xuất được quy trình xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn.
Đề tài sử dụng phương pháp tiếp cận chỉ thị để xác định cấp độ rủi ro cho các thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn thử nghiệm cho khu vực Nam Bộ. Dựa trên bộ số liệu quan trắc tại các trạm khí tượng từ 1980-2018, các số liệu thiệt hại và niên giám thống kê trong giai đoạn 2015-2018, phiếu điều tra khảo sát tại 19 tỉnh thuộc khu vực Nam Bộ, đề tài đã xác định và xây dựng được bộ bản đồ cấp độ rủi ro chi tiết đến cấp tỉnh cho hai thiên tai nói trên cũng như các bản đồ thành phần như H, E và V.
Các kết quả khoa học chính của đề tài đã đạt được gồm:. Cơ sở khoa học, thực tiễn xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn, được thể hiện cụ thể qua bộ tiêu chí xác định rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn cho các khu vực trên cả nước. Cụ thể, đối với hạn hán, bộ tiêu chí gồm 2 tiêu chí về hiểm họa, 4 tiêu chí về mức độ phơi bày và 23 tiêu chí về tính dễ bị tổn thương. Đối với xâm nhập mặn, bộ tiêu chí gồm 2 tiêu chí về hiểm họa, 6 tiêu chí về mức độ phơi bày và 18 tiêu chí về tính dễ bị tổn thương; Bộ tiêu chí đã được áp dụng thử nghiệm trong xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn cho khu vực Nam Bộ trong năm 2018. Kết quả thử nghiệm cho thấy cấp độ rủi ro do hạn hán và xâm nhập mặn năm 2018 khá phù hợp với số liệu thực tế, phù hợp với điều kiện số liệu và hiện trạng thực tế; . Đã xây dựng được bộ bản đồ xác định cấp độ rủi ro thiên tai chi tiết đến cấp tỉnh cho khu vực Nam Bộ đối với hai loại hình thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn trên cơ sở các bản đồ thành phần về hiểm họa, mức độ phơi bày và tính dễ bị tổn thương; Bước đầu đề xuất được quy trình gồm 6 bước phục vụ xác định cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngoài các kết quả khoa học chính nói trên, các nội dung nghiên cứu của đề tài đã đăng tải 2 bài báo khoa học trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn và hỗ trợ tham gia đào tạo 1 thạc sĩ chuyên ngành khí tượng và khí hậu./.
 

Trần Khải

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay453,021
  • Tháng hiện tại2,478,795
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây