Tân Kỳ xây dựng mô hình bảo vệ, khai thác và chế biến cây măng Loi

Thứ bảy - 16/12/2023 22:07 0
Nhằm góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách của sản xuất và đời sống, giúp địa phương bảo tồn được cây đặc sản của vùng, cùng với mục tiêu phát triển thành loại cây hàng hóa của địa phương. Vì vậy, để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế từ cây măng Loi, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Tân Kỳ, Tân Kỳ đã triển khai Dự án Xây dựng mô hình bảo vệ, khai thác và chế biến cây Măng Loi tại huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An”.

Với mục tiêu xác định được vùng phân bố, đặc điểm nông sinh học và yêu cầu sinh thái của cây măng Loi. Xây dựng thành công mô hình bảo vệ, khai thác hợp lý và chế biến cây măng Loi. Cụ thể, Dự án nhằm xác định được vùng phân bố và yêu cầu sinh thái của cây măng Loi; Đánh giá và mô tả được đặc điểm nông sinh học cây măng Loi; Xây dựng được quy chế quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi và quy trình khai thác bền vững; quy trình kỹ thuật sơ chế, chế biến cây măng Loi; Xây dựng thành công mô hình bảo vệ, khoanh nuôi và khai thác bền vững măng Loi, quy mô 3ha; Đào tạo 5 cán bộ kỹ thuật và 20 hộ dân nắm được quy trình kỹ thuật sơ chế và chế biến cây măng Loi; Sơ chế 1,5 tấn và chế biến 0,5 tấn măng Loi; Xây dựng và đăng ký bộ nhận diện thương hiệu cho sản phẩm măng Loi Tân Kỳ.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, dự án Xây dựng mô hình bảo vệ, khai thác và chế biến cây măng Loi tại huyện Tân Kỳ, Tỉnh Nghệ An” đã điều tra khảo sát vùng phân bố, đánh giá đặc điểm nông sinh học và yêu cầu sinh thái của cây măng Loi: Cây măng Loi là một loài tre đặc hữu của huyện Tân Kỳ, có tên khoa học là Chimonobambusa.SP, thuộc chi Sặt gai (Chimonobambusa), phân bố tự nhiên tại vùng núi Pu Loi có độ cao từ 650 đến trên 850 m so với mực nước biển. Hiện nay, còn khoảng 20 ha mọc tập trung trong rừng tự nhiên, trong đó có khoảng 04 ha mọc tập chung, với mật độ dầy từ 20 - 30 cây/m2, tương đương 200.000 - 300.000 cây/ha.


Cây măng Loi là loài tre thân ngầm kiểu hỗn hợp, đây là một kiểu thân ngầm mọc hỗn hợp cả loại mọc cụm và mọc rải đơn. Cây măng Loi không có gai, có kích thước nhỏ, có đường kính trung bình từ 0,8-2,1cm, chiều cao từ 1,5-3m, thân có màu xanh, hình tròn, lóng dài từ 15-23cm hay hơn. Mùa ra măng bắt đầu vào đầu mùa mưa (tháng 7), kết thúc vào cuối mùa mưa (tháng12) hàng năm, thời gian ra măng tập chung nhiều nhất vào tháng 9, 10 hàng năm.
Đã nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện bộ quy chế quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác bền vững măng Loi; quy trình kỹ thuật sơ chế và chế biến cây măng Loi phù hợp với điều kiện huyện Tân Kỳ; Đã phổ biến cho 50 người dân về Quy chế quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác bền vững măng Loi trên địa bàn xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Đã tập huấn kỹ thuật cho 5 cán bộ kỹ huật và 20 hộ dân về kỹ thuật sơ chế, chế biến măng Loi với 02 sản phẩm măng Loi thanh trùng và năng Loi dầm tỏi ớt.
Đã xây dựng mô hình quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác bền vững cây măng Loi, đạt diện tích 03 ha, trồng bổ sung đạt 1.191 bụi, tỷ lệ sống đạt 95,06%, cây sinh trưởng phát triển tốt. Trong thời gian thực hiện dự án đã khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác đạt năng suất bình quân 3,2 tấn măng tươi/ha, trong hai năm thực hiện đạt sạn lượng 19,5 tấn măng tươi. Xây dựng mô hình sơ chế và chế biến măng Loi tại Trung tâm DVNN Tân Kỳ, đã sơ chế được 1.391 kg đạt tiêu chuẩn (đạt 92,7% so với hợp đồng); đã chế biến được 1.348 kg măng Loi ( 1.033 kg măng Loi thanh trùng; 315 kg măng Loi dầm tỏi ớt); khối lượng măng Loi chế biến vượt 2,7 lần so với hợp đồng. Đã phân tích và công bố chất lượng sản phẩm măng Loi thanh trùng và măng Loi dầm tỏi ớt. Nhãn hiệu măng Loi Tân Kỳ đã được Cục sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn vào ngày 15/12/2022. quy mô rừng măng Loi 01ha, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trên địa bàn nông thôn, miền núi, lợi nhuận thu được hàng năm cho người dân đạt trên 35,9 triệu đồng/ha/năm của rừng măng Loi tại địa phương. Với việc đầu tư ở mức phù hợp với các hộ gia đình, HTX quy mô nhỏ với điều kiện vùng miền núi, nơi đồng bào các dân tộc sinh sống, sau 5 năm sản xuất có thể hoàn toàn trả được vốn, hàng năm có lợi nhuận đạt trên 30 triệu đồng với khối lượng sản phẩm măng Loi chế biến là 1.348kg.
Việc triển khai áp dụng quy chế quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác bền vững măng Loi có tác động rất to lớn đến Kinh tế - Xã hội, trước hết nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị đất rừng tại vùng núi Pù Loi.
Các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật tiến tiến vào sản xuất kinh doanh rừng sản xuất cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn, nâng cao nhận thức cho đồng bào về  nguồn tài nguyên rừng, nâng cao trình độ sản xuất rừng măng Loi cho đồng bào các dân tộc. Thông qua tập huấn đã đạo tạo được đội ngũ khuyến nông viên cơ sở có tay nghề vững vàng trong sơ chế và chế biến cây măng Loi làm gia tăng giá trị sản phẩm măng Loi. Bên cạnh đó, giúp cho đồng bào được làm quen, tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng rừng và khai thác tài nguyên rừng hợp lý khoa học. Góp phần thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế rừng cũng như sản xuất, hình thành dần phương thức sản xuất mới cho bà con các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Dự án góp phần nâng cao năng suất chất lượng rừng trồng, làm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất rừng, đặc biệt có ý nghĩa với các vùng đất rừng nghèo kiệt, là cơ sở cho việc bảo vệ, khoanh nuôi và phát triển trồng rừng măng Loi tại Tân Kỳ. Từ đó tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân sinh cho đồng bào các dân tộc tại địa phương.
Nguyễn Phước

 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1299
  • Hôm nay82,864
  • Tháng hiện tại2,601,725
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây