Thực trạng phối hợp giữa cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa với các cơ quan thanh tra chuyên ngành trong hoạt động thanh tra thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn chất lượng

Chủ nhật - 10/12/2023 21:05 0

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành 02 Luật này đã phân công cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện việc xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN). Đồng thời, tại các Luật, Nghị định[1] đã giao cho các Bộ quản lý chuyên ngành, địa phương theo chức năng và thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng SPHH trong phạm vi thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ chuyên ngành, địa phương.

Kiểm tra nhãn mác hàng hóa trên thị trường. Ảnh ST

Đến nay có khoảng hơn 840 QCVN do 13 Bộ quản lý chuyên ngành[2] ban hành QCVN cho các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ quản lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, có khoảng 70  đầu mối[3] thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra, trong đó có hơn 58[4] cơ quan là Tổng cục, Cục hoặc tương đương (song song với 13 cơ quan Thanh tra Bộ) trực thuộc 13 Bộ quản lý chuyên ngành được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trong đó có tới hơn 3/4 cơ quan này có chức năng kiểm tra về tiêu chuẩn, chất lượng SPHH theo quy định tại 38 Luật chuyên ngành (ví dụ như: Luật Trồng trọt 2018; Luật Chăn nuôi 2018; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi 2019; Luật an toàn thông tin mạng 2015; Luật Bảo vệ môi trường 2020; Luật Đo đạc và bản đồ 2018; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2010; Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013; Luật Kiến trúc 2019; Luật Phòng, chống thiên tai; Luật Đê điều; Luật Xây dựng; Luật thống kê; Luật Dược; Luật Thể dục, thể thao; Luật viễn thông; Luật an toàn thực phẩm; Luật khí tượng thủy văn; …).

Ngoài ra, có một số Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực rộng đã ban hành hơn 200 QCVN và giao trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện tuân thủ các quy định của QCVN cho khoảng 10 Tổng cục, cục trực thuộc Bộ, ví dụ như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Cục Trồng trọt; Cục Bảo vệ thực vật; Cục Chăn nuôi; Cục Thú y; Cục Quản lý xây dựng công trình; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Thủy lợi; Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Cục Lâm nghiệp; Cục Kiểm lâm; Cục Thủy sản; Cục Kiểm ngư; Bộ Tài nguyên môi trường giao cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn; Cục Biến đổi khí hậu; Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam; Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cục Quản lý tài nguyên nước; Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất; Cục Viễn thám quốc gia; Cục Khoáng sản Việt Nam; ….

Hầu hết kế hoạch kiểm tra chuyên ngành hằng năm của các Tổng cục, Cục do các Tổng cục, Cục xây dựng và ban hành, các địa phương do các Sở ban hành; đối với kế hoạch thanh tra hằng năm của địa phương thì do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành và đối với cấp Bộ thì do Thanh tra Bộ xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành theo Điều 45 Luật Thanh tra. Hiện nay chỉ có một số Bộ, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ thì kế hoạch thanh tra và kế hoạch kiểm tra chuyên ngành (theo chức năng của Tổng cục, Cục) được Thanh tra Bộ tổng hợp thành 01 kế hoạch là “Kế hoạch thanh tra, kiểm tra” để trình Bộ trưởng ban hành.

Quá trình thu thập thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên ngành hằng năm của các Tổng cục, Cục cũng như xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm của cơ quan Thanh tra thường chỉ được thực hiện trong nội bộ Tổng cục, Cục, cơ quan Thanh tra, chưa có sự mở rộng thông tin, chia sẻ thông tin, lấy ý kiến góp ý từ các cơ quan khác có liên quan về dự thảo kế hoạch. Vấn đề này đã dẫn đến việc chồng chéo, trùng lặp nội dung, đối tượng trong các kế hoạch kiểm tra giữa các cơ quan kiểm tra khác nhau, cũng như trùng lặp với kế hoạch thanh tra của cơ quan thanh tra. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, ngay bản thân các cơ quan kiểm tra cũng không xác định được đối tượng thanh tra tại kế hoạch do mình ban hành có bị chồng chéo, trùng lặp với đối tượng của cơ quan kiểm tra ngay chính trong cùng một Bộ, một địa phương hay không, mà chỉ có được thông tin trùng lặp khi thực hiện kiểm tra do đối tượng kiểm tra cung cấp thông tin. Hơn nữa, hiện nay một số cơ quan thuộc Bộ, địa phương đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm tra liên ngành, trong đó có nội dung kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng trong Quyết định phê duyệt kế hoạch đã giao cơ quan chủ trì Đoàn kiểm tra là cơ quan không có chức năng kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Vấn đề này dẫn đến trái với các quy định về chức năng, thẩm quyền, đồng thời khi phát hiện vi phạm hành chính sẽ khó khăn trong việc xử lý theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, quá trình triển khai thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường, các Bộ quản lý chuyên ngành, địa phương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa có liên quan đến tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp, đo lường thì chưa có cơ chế phối hợp để các Bộ, ngành triển khai có hiệu quả, hiệu lực, trong khi đó, hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn chất lượng là các hoạt động có liên quan đến kỹ thuật chuyên ngành, yêu cầu đáp ứng được các quy định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là Thành viên, thực hiện đo lường, đánh giá chất lượng phải phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu kỹ thuật đo lường, thông lệ quốc tế, hướng dẫn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế (IEC), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF), Tổ chức công nhận Phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC), Tổ chức đo lường pháp định quốc tế (OIML), Văn phòng Cân đo Quốc tế (BIPM) và các quốc tế khác có liên quan. Do đó, việc việc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tiêu chuẩn chất lượng cần có những người có năng lực thuộc các tổ chức công nhận, tổ chức đánh giá sự phù hợp, tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (gọi chung là tổ chức kỹ thuật) để tham gia, phối hợp trong quá trình triển khai thanh tra, kiểm tra nhà nước, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hơn và đúng với yêu cầu kỹ thuật liên quan.

Như vậy có thể thấy, việc mỗi cơ quan kiểm tra chuyên ngành có kế hoạch kiểm tra riêng, chưa có sự phân công cho một cơ quan đầu mối rà soát, tổng hợp chung, dẫn đến ngay trong 01 Bộ, 01 địa phương đã có nhiều cơ quan kiểm tra cùng 01 tổ chức, doanh nghiệp và việc chưa có cơ chế phối hợp để các Bộ, ngành triển khai có hiệu quả, hiệu lực các kế hoạch kiểm tra thì khi không có sự thống nhất, phối hợp sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

(còn tiếp)

Nguồn: Vụ Pháp chế – Thanh tra

[1] Các Điều 69, 70 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Các Điều 59, 60 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; các Điều 21, 31,  32, Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018; Điều 25 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

[2] (1) Bộ Công Thương (74 QCVN); (2) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (232 QCVN); (3) Bộ Giao thông vận tải (111 QCVN); (4) Bộ Xây dựng (30 QCVN); (5) Bộ Thông tin Truyền thông (131 QCVN); (6) Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (27 QCVN); (7) Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (01 QCVN); (8) Bộ Y tế (72 QCVN); (9) Bộ Tài nguyên Môi trường (75 QCVN); (10) Bộ Tài chính (44 QCVN); (11) Bộ Khoa học và Công nghệ (24); (12) Bộ Công an (7 QCVN); (13) Bộ Quốc phòng (12 QCVN).

[3] 13 Bộ chuyên ngành ban hành QCVN có 13 cơ quan Thanh tra thuộc Bộ và khoảng 70 Cục, Tổng cục và tương đương thuộc các Bộ quản lý chuyên ngành theo các Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ và Quy chế của các Tổng cục, Cục.

[4] Bộ Công thương có 10, Bộ Giao Thông có 05; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 02; Bộ Khoa học và Công nghệ có 03; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có 03; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 10; Bộ Tài nguyên và môi trường có 03; Bộ Tài chính có 06; Bộ Thông tin và truyền thông có 05; Bộ Y tế có 06; Bộ Công an có 01;… theo Phụ lục 1 đính kèm Báo cáo số 621/BC-TTCP ngày 27/4/2022 của Thanh tra Chính phủ tổng kết thi hành Luật Thanh tra năm 2010.

Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1155
  • Hôm nay18,840
  • Tháng hiện tại121,270
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây