Chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất lâm nghiệp và bảo vệ rừng tại nghệ An năm 2023

Thứ năm - 28/12/2023 21:11 0
Trong năm 2023, ngành sản xuất lâm nghiệp tại tỉnh Nghệ An đã trải qua những chuyển biến tích cực và mạnh mẽ, đặc biệt là trong việc chuyển đổi chất lượng và tập trung phát triển theo hướng hiện đại. Các nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu lâm nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, và phát triển chế biến sâu.
Toàn ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, khai thác gỗ và trồng rừng nguyên liệu đều vượt mức kế hoạch; trong năm đã có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án phát triển công nghệ cao trong chế biến gỗ, sản xuất giống cây lâm nghiệp: Đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao... theo định hướng cơ cấu lại ngành; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ, lâm sản khác thông qua chế biến sâu; phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm. Người dân (vùng miền núi) đã có thu nhập khá, nhiều hộ đã thực sự làm giàu từ nghề rừng;…
Dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định vai trò, nguồn tài chính quan trọng trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng của tỉnh. Trong năm 2023 (đến tháng 12/2023), nguồn thu ước đạt trên 147 tỷ đồng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời giải quyết khó khăn về kinh phí hoạt động của các chủ rừng.



Đặc biệt, ngành đã tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ cho chủ rừng để thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Do đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng được triển khai thực hiện tốt các chỉ tiêu chủ yếu đều hoàn thành, vượt mức kế hoạch giao: Trồng mới rừng tập trung ước đạt 20.500/KH18.500 ha, đạt 110,81% kế hoạch, 87,06% so với cùng kỳ năm 2022; tổ chức bảo vệ tốt 962.230 ha, bảo vệ 100% diện tích rừng hiện có; chăm sóc rừng 54.000/KH54.000 ha, đạt 100%; khoanh nuôi rừng đạt 76.000/KH76.000 ha; tạo giống cây lâm nghiệp ước đạt trên 35 triệu cây, đáp ứng nhu cầu trồng rừng trên địa bàn, dịch vụ ra ngoài tỉnh. Sản lượng gỗ khai thác (rừng trồng) tăng mạnh cả năm ước đạt 1.600/KH1.505 nghìn m3, đạt 106,31% kế hoạch, đạt 96,02 % so với cùng kỳ năm trước. Năm nay giá nguyên liệu gỗ tăng khá nên khuyến khích người dân mở rộng diện tích.


Hiện nay, toàn tỉnh đã có 15.614,17 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC (14.775,37 ha trồng và 838,90 ha rừng tự nhiên). Hơn 6.000 ha đang được đánh giá để tiến hành cấp chứng chỉ rừng theo quy định.
Các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng đã thực hiện nghiêm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm có nguy cơ cháy rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Trong năm 2023 ngành Kiểm lâm đã phát hiện, xử lý 425 vụ vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp (giảm 161 vụ so với năm 2022) giảm 27,5% số vụ so với năm 2022; Trong đó: Vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 43 vụ; Vi phạm về phát triển rừng, bảo vệ rừng 222 vụ (trong đó vi phạm về phá rừng trái phép là 212, làm thiệt hại 67,1 ha); Vi phạm quy định về quản lý lâm sản 119 vụ; vi phạm khác 40 vụ.  Đã xử lý: 425 vụ (đạt 100 % số vụ vi phạm), trong đó: Xử lý hành chính 422 vụ; Xử lý hình sự 03 vụ. Tịch thu 351,64 380,29 m3 gỗ tròn, xẻ các loại; 327 con động vật rừng với trị giá 41.600.000 đồng; thực vật rừng ngoài gỗ tính theo giá trị tịch thu: 55.322.000đồng. Tiền thu phạt: 3.098.250.000 đồng; tiền bán lâm sản, phương tiện tịch thu: 783.580.800 đồng. Thu khác 49.084.000 đồng.
Năm 2023, thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài với nền nhiệt độ cao, mặc dù công tác phòng cháy chữa cháy rừng đã được tăng cường, tuy nhiên trong năm toàn tỉnh xảy ra 14 vụ (tăng 11 vụ so với cùng kỳ năm 2022); tổng diện tích rừng bị thiệt hại 14,3252 ha (tăng 6,3852 ha so với cùng kỳ năm 2022). Độ che phủ của rừng đến cuối năm 2023 ước đạt 58,36/KH58,0%, hoàn thành kế hoạch giao.
Thực hiện Đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An với tổng diện tích 25.093,279 ha trên địa bàn 05 huyện (Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Qùy Châu), trong đó: Giao rừng trên đất lâm nghiệp đã giao hoặc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: 8.966,769 ha; Giao rừng đồng thời với giao đất và cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp (giao lần đầu): 16.126,510 ha.
Như vậy, toàn bộ ngành sản xuất lâm nghiệp tại Nghệ An đã có bước phát triển đáng kể trong năm 2023. Sự tập trung vào chất lượng, công nghệ, và bảo vệ môi trường rừng không chỉ làm giàu nguồn lực nguyên liệu mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của lâm nghiệp và đồng thời góp phần quan trọng vào sự cân bằng hệ sinh thái của tỉnh./.
Đinh Hà
Sở NN&PTNT
 

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1449
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại2,793,351
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây