Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng cao từ gạo lứt

Chủ nhật - 30/07/2023 22:38 0
Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, sức khỏe và thực phẩm ngày càng được con người quan tâm hơn. Xu hướng sử dụng các sản phẩm chế biến từ gạo nhằm hỗ trợ sức khỏe đang lan tỏa và đóng vai trò quan trọng trong việc ăn uống, phòng ngừa và điều trị bệnh. Tại Nhật Bản, năm 1982, giáo sư Ohsawa đã công bố phương pháp thực dưỡng (macrobiotics) có tác dụng quan trọng đến việc ngăn ngừa và chữa bệnh ung thư, với nguyên liệu chính là gạo lứt và các sản phẩm phối chế từ gạo lứt. Nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng gạo lứt có thể tăng cường chức năng não và giảm mức độ chất béo.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, gạo lứt vẫn chưa được sử dụng phổ biến, và sản phẩm từ gạo lứt còn hạn chế về mẫu mã và chủng loại, khiến cho việc tiêu thụ trên thị trường còn chưa hiệu quả. Để khắc phục nhược điểm này và thúc đẩy giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghiệp Thực phẩm đã thực hiện đề tài "Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số sản phẩm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao từ gạo lứt".
Nội dung chính của đề tài tập trung vào việc nghiên cứu và sản xuất 4 loại sản phẩm từ gạo lứt, gồm: Nước gạo đục độ cồn thấp: Sản phẩm đạt được qua các quy trình lên men phù hợp và đã được sản xuất quy mô 1000 lít/mẻ. Sữa gạo lứt: Sản phẩm có quy trình sản xuất quy mô 500 lít/mẻ, đạt tiêu chuẩn ATVSTP và đáp ứng yêu cầu chất lượng. Bột gạo lứt lên men lactic giàu kefiran: Sản phẩm đạt được sau quá trình lên men và sấy phun, với quy mô sản xuất 30 kg/mẻ. Bột gạo lứt giàu axit amin: Sản phẩm có quy trình sản xuất quy mô 30 kg/mẻ, đạt yêu cầu chất lượng và đánh giá hiệu quả kinh tế.
Các sản phẩm chế biến từ gạo là những mặt hàng thực phẩm chủ đạo mang tính chiến lược cao trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Với thành công của đề tài, nhóm nghiên cứu đề xuất triển khai dự án sản xuất để áp dụng kết quả nghiên cứu và thương mại hóa các sản phẩm này. Điều này không chỉ giúp gia tăng giá trị hàng hóa nông sản Việt Nam mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng cao từ gạo lứt./.
Xuân Minh (TH)

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây