"Măng Loi - Đặc sản trên đỉnh núi Pù Loi"

Thứ hai - 27/11/2023 21:52 0
Măng Loi, một loại "Rau rừng đặc sản," được phát hiện tại đỉnh núi Pù Loi, xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ. Tên gọi của loại măng này xuất phát từ địa điểm nơi nó được tìm thấy, trên đỉnh núi Pù Loi.
Măng Loi có những đặc điểm riêng biệt, với cụm măng dày, phát triển nhanh chóng và ngọn măng nhỏ, nhọn. Nó thuộc cùng họ với măng tre, chỉ mọc ở vùng cao với khí hậu lạnh, điều này tạo nên một sự độc đáo trong sinh quy luật của loại măng này.
Người dân địa phương sử dụng măng Loi như một thực phẩm truyền thống với hương vị ngon, giòn, đặc trưng ngọt thanh và có giá trị dinh dưỡng cao. Măng Loi được cho là có nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu, khoáng chất, chất xơ, có lợi cho tim mạch và đường ruột. Nó còn được xem là hỗ trợ chống ung thư và giảm cân, là lựa chọn phổ biến trong ẩm thực địa phương.



Cây măng Loi là một loài tre đặc hữu của huyện Tân Kỳ, măng Loi trông giống cây Sặt gai, ở Việt Nam hiện nay có tới 50 loài khác nhau nằm trong 3 chi: chi Arundinaria, có 14 loài; chi Indosasa (Chi Vầu); chi Chinomobambusa (chi Sặt gai). Bước đầu xác định cây măng Loi thuộc chi Sặt gai (Chimonobambusa), có tên khoa học là Chi- monobambusa.SP, phân bố tự nhiên tại vùng núi Pù Loi có độ cao trên 850m so với mực nước biển, thuộc địa bàn của 03 xã Tiên Kỳ, Đồng Văn, huyện Tân Kỳ và xã Thọ sơn, huyện Anh Sơn với diện tích còn khoảng 20ha. Kết quả điều tra cho thấy tại vùng núi Pù Loi, cây măng Loi bắt đầu xuất hiện ở các sườn núi có độ cao từ 650m so với mực nước biển, có mật độ từ 50.000-300.000 cây/ha, càng lên cao mật độ xuất hiện cây măng Loi càng nhiều và dày, rừng cây măng Loi mọc lên đến đỉnh núi Pù Loi, nơi có đặc điểm khí hậu á nhiệt đới, mát mẻ quanh năm có nhiệt độ trung bình năm <21,50C, lượng mưa biến động từ 1.500- 2.500mm. Hiện nay, trên núi Pu Loi chỉ còn lại khoảng 04ha cây măng Loi mọc tự nhiên tương đối tập trung, có mật độ từ 20-30 cây/m2, tương đương 200.000- 300.000 cây/ha. Cây măng Loi thường xuất hiện dưới tán rừng thứ sinh thưa, lẫn với các cây gỗ, cũng có khi lẫn với các loài tre khác như nứa. Măng Loi thường mọc thành từng đám, theo các triền đồi, triền núi. Ở rừng ổn định, mật độ tập trung 200.000-300.000 cây/ha. Mùa ra măng bắt đầu vào đầu mùa mưa (tháng 7), kết thúc vào cuối mùa mưa (tháng 12) hàng năm, thời gian ra măng tập trung nhiều nhất vào tháng 9, 10 hàng năm. Rừng măng Loi có thân và cành xen chặt nên độ phủ lớn và có giá trị chống xói mòn cao so với các loài tre khác.
Măng Loi rất ngon nên được dùng chế biến các món ăn tươi và xào, nấu như măng Loi xào thịt bò, ninh sườn lợn, măng Loi om vịt, măng Loi luộc, làm gỏi, bóp nộm. Măng Loi tươi thường được bán từ tháng 8 dương lịch trên địa bàn xã Tiên Kỳ và thị trấn Tân Kỳ, giá bán tương đối cao từ 35.000-50.000 nghìn đồng/kg, việc thu hoạch và kinh doanh măng Loi mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng.


Tuy nhiên, việc khai thác quá mức đã đặt ra những thách thức đối với sự bền vững của loài cây măng Loi trên đỉnh núi Pù Loi. Điều này yêu cầu sự chú ý đặc biệt đến bảo tồn, khai thác hợp lý và bền vững. Nghiên cứu này nhấn mạnh vào cần thiết phải đề xuất các biện pháp bảo tồn, khai thác hợp lý để phát triển bền vững rừng và nguồn gen cây măng Loi.
Qua đây có thể thấy việc bảo tồn và phát triển bền vững cây măng Loi là rất cần thiết. Trên cwo sở những thông tin này có thể đề xuất những biện pháp bảo tồn, khai thác hợp lý, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của rừng và nguồn gen cây măng Loi tại xã Tiên Kỳ./.
Mạnh Tường

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập447
  • Hôm nay34,856
  • Tháng hiện tại178,379
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây