Thực trạng hoạt động quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ địa bàn tỉnh Nghệ An

Thứ hai - 30/10/2023 22:49 0
Sở hữu trí tuệ (SHTT) đang trở thành nguồn động viên mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Nghệ An. Bài báo này sẽ đánh giá thực trạng của việc nhận diện và phát triển tài sản trí tuệ trong vùng, tập trung vào công tác quản lý của chính quản lý nhà nước và hiệu quả của các hoạt động phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương.
Sở hữu trí tuệ ngày càng là nguồn lực quan trọng đối với doanh nghiệp và xã hội. Ở Nghệ An, việc phát triển tài sản trí tuệ được liên kết chặt chẽ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong quá trình hội nhập kinh tế, có một tầm quan trọng đặc biệt đối với nền nông nghiệp cần có chiến lược bền vững để đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
Công tác quản lý nhà nước về SHTT tại Nghệ An đã nhận được sự quan tâm và đầu tư đặc biệt, hỗ trợ cho việc phát triển tài sản trí tuệ của các sản phẩm địa phương. Hệ thống SHTT đã được đồng bộ ở mọi khâu, từ sáng tạo, xác lập quyền, đến khai thác và bảo vệ quyền SHTT.
Tính đến tháng 6/2023, Nghệ An có 159 sản phẩm truyền thống và đặc sản địa phương được xác định có khả năng phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, chỉ có 1.761 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 10 sáng chế, 22 giải pháp hữu ích, 81 kiểu dáng công nghiệp, 1.648 nhãn hiệu, 02 chỉ dẫn địa lý (CDĐL), 09 nhãn hiệu chứng nhận (NHCN), và 32 nhãn hiệu tập thể (NHTT).
Qua thực tế, đoàn tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác phát triển các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ tại 14 huyện trên địa bàn tỉnh với 26 NHTT và CDĐL. Trong đó có 02 CDĐL là sản phẩm Cam Vinh và Gừng Kỳ Sơn, 24 NHTT như Gà Thanh Chương; Dệt thổ cẩm Hoa Tiên; Hương trầm Qùy Châu; Bánh đa, kẹo lạc Đô Lương; Nước mắm Tân An, Mực khô Quỳnh Lưu; Mật ong Tây Hiếu; Bò giàng Tương Dương; Mật mía Làng Găng; Bưởi hồng Quang Tiến; Miến gạo bánh đa Quy Chính; Bột sắn dây Nam Đàn; Su su Quỳnh Liên; Tôm nõn Diễn Châu;… đã được đăng ký và bảo hộ.



Hoạt động quản lý, khai thác và phát triển các nhãn hiệu cơ bản được các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện tốt như CDĐL cho sản phẩm Gừng Kỳ Sơn. Khởi đầu từ việc chọn cây trồng mang tính đặc thù của đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn, UBND huyện Kỳ Sơn đã lựa chọn cây Gừng là cây chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Ngay sau khi được chứng nhận đăng ký CDĐL, UBND huyện Kỳ Sơn ban hành quy trình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm Gừng mang CDĐL “Kỳ Sơn”. Theo đó, UBND huyện Kỳ Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng CDĐL “Gừng Kỳ Sơn” cho Hợp tác xã nông nghiệp TTCN Hương Sơn, huyện Kỳ Sơn. Hiện nay, Gừng Kỳ Sơn được phát triển trên địa bàn 15 xã với 2 loại giống Gừng Dé và Gừng trâu, diện tích trồng bình quân hàng năm khoảng 700 - 800 ha. Kể từ khi được chứng nhận đăng ký CDĐL, từ chỗ trồng gừng theo phương pháp truyền thống, nhỏ lẻ của đồng bào các dân tộc, nay chuyển sang trồng tập trung, áp dụng quy trình kỹ thuật mới nên năng suất, sản lượng cao, doanh thu tăng so với những năm trước. Thị trường tiêu thụ của sản phẩm Gừng chủ yếu vẫn tập trung ở thị trường nội địa với các sản phẩm chính như: Trà gừng táo đỏ, Gừng thái lát sấy khô, Tinh dầu gừng nano, Tinh dầu treo xe, Bột gừng, cao gừng.
Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực đã được nhiều địa phương quan tâm thực hiện, đơn cử như CDĐL cho sản phẩm Cam Vinh. Cam Vinh là cam quả trồng trong vùng được chứng nhận bảo hộ CDĐL, bao gồm các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thái Hòa, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông. Kể từ khi sản phẩm Cam Vinh được cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL đã từng bước khẳng định được thương hiệu, không chỉ được ưa chuộng trong nước mà còn cho xuất khẩu. Giá cam quả trong vùng CDĐL tăng lên gấp nhiều lần. Người dân vui mừng đón nhận những thành quả vàng từ cam tạo nên làn sóng người người trồng cam, nhà nhà trồng cam. Cây cam đã trở thành cây chủ lực. Tuy nhiên, đến năm 2020 trở lại đây, diện tích vùng cam có dấu hiệu chững lại và giảm mạnh. Theo đó, năng suất và sản lượng cam cũng có dấu hiệu giảm dần. Diện tích cam giảm mạnh, nhưng để giữ được thương hiệu cam Vinh thì phải dứt khoát loại bỏ những vùng cam đã nhiễm bệnh, trồng các loài cây khác để cải tạo lại đất. Hiện tại, chỉ còn một số xã tại các huyện như Yên Thành, Thanh Chương vẫn đang duy trì và phát triển tốt sản phẩm Cam Vinh. Một số xã tại các Huyện Qùy Hợp, Con Cuông, Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hòa diện tích trồng giảm đi nhiều. Đến thời điểm hiện tại, huyện Yên Thành đang nổi lên như một “vựa” cam Vinh mới thay cho huyện Quỳ Hợp, nhưng ngành nông nghiệp huyện vẫn khuyến cáo người dân không trồng cam ồ ạt. Chỉ nơi nào có khí hậu mát mẻ, phù hợp mới được quy hoạch vào vùng trồng cam. Trước khi trồng, người dân cũng được khuyến khích tham gia các khóa tập huấn để nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam”.
Các NHTT, NHCN đã được bảo hộ và đang đăng kí bảo hộ đều là những sản phẩm đặc sản, hoặc sản phẩm truyền thống của các địa phương, như nước mắm, hải sản, sen quê Bác, bánh đa, kẹo lạc, rượu men lá, mật ong, tinh bột nghệ, hương trầm, bò giàng,….
Một số sản phẩm đặc sắc đã được công nhận như: NHTT của Làng nghề chế biến nước mắm truyền thống Phú Lợi, Thị xã Hoàng Mai với hơn 400 cơ sở tham gia chế biến, sản xuất các sản phẩm như nước mắm, ruốc. Trong đó, có khoảng gần 50 cơ sở sản xuất quy mô lớn, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất sản lượng vừa và nhỏ. Nhãn hiệu làng nghề Nước mắm Tân An, Huyện Quỳnh Lưu có hơn 80 hộ tham gia sản xuất nước mắm với hơn 200 lao động. Mỗi năm làng nghề sản xuất ra từ 4 - 5 triệu lít nước mắm các loại. Từ khi được công nhận nhãn hiệu nước mắm truyền thống, làng nghề đã tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển nghề. Đây cũng là điều kiện để bà con quảng bá thương hiệu, góp phần khẳng định thương hiệu cũng như chất lượng nước mắm mà làng nghề Tân An đã nhiều năm xây dựng. Tuy nhiên, những năm gần đây, sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường với những sản phẩm nước mắm công nghiệp đã khiến cho làng nghề nước mắm truyền thống

ở Nghệ An gặp không ít khó khăn. Một số hộ dân trong làng nghề đã xây dựng thương hiệu riêng nhưng không hết khó khăn bởi nước mắm công nghệ được quảng cáo bày bán đầy rẫy trên thị trường.
NHCN Nước mắm Vạn Phần của Công ty CP thủy sản Diễn Châu được sản xuất theo công nông nghiệp, được tặng Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, Top 300 sản phẩm hàng đầu Việt Nam do người tiêu dùng bình chọn. Sản phẩm chính của công ty là "Nước mắm Vạn Phần" với sản lượng mỗi năm đạt trên 2 triệu lít. Ngoài nước mắm, công ty còn chế biến mắm tôm, sứa... phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ chính là Nghệ An, một số các tỉnh thành khác như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam đến Hà Nội, Quảng Ninh, Tuyên Quang... và xuất khẩu qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Lào, Angola…. Tổng doanh thu mỗi năm của công ty đạt hơn 20 tỷ đồng.
Phát huy hiệu quả mô hình Hợp tác xã trồng cây ăn quả ở các huyện miền Tây Nghệ An, hiện nay, mô hình này ngày càng được tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng với nhiều thành phần tham gia. Điển hình như dự án trồng bưởi hồng Quang Tiến ở thị xã Thái Hoà của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch bưởi hồng Quang Tiến với 20 thành viên tham gia. Được xác định đây là giống cây ăn quả có hiệu ích kinh tế cao, Hợp tác xã cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo cho người dân, gặp gỡ các chuyên gia về giống cây trồng có múi để nâng cao kiến thức cho hộ dân về quy trình chăm sóc, bón phân, kỹ thuật cho bưởi phát triển mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, Hợp tác xã cũng hỗ trợ đầu ra cho các hộ dân, giới thiệu khách, các thương lái về tại vườn để thu mua bưởi của người dân. Tính đến thời điểm hiện tại, Thị xã Thái Hòa có 80 ha bưởi hồng Quang Tiến, trong đó có trên 45 ha đã cho thu hoạch. Năng suất bình quân đạt từ 25 - 30 tấn/ha, trồng rải rác chủ yếu ở phường Quang Tiến, xã Nghĩa Tiến, xã Nghĩa Thuận. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, sản phẩm bưởi hồng Quang Tiến có dấu hiệu chững lại sau nhiều năm, giá của đặc sản này bị giảm mạnh mặc dù sản lượng và chất lượng đều tốt hơn. Nguyên nhân có thể do trên thị trường cũng có nhiều giống bưởi khác, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn nên việc cạnh tranh giữa các thương hiệu bưởi rất gắt gao. Ngoài ra, những gốc bưởi trên địa bàn hiện đã lâu năm, thoái hoá, dẫn đến số lượng quả giảm sút, về hình thức bên ngoài, bưởi hồng Quang Tiến không đẹp như trước, dù khi bổ ra ăn vẫn giữ được hương vị. Trong khi người tiêu dùng đa số nhìn vẻ bề ngoài để lựa chọn sản phẩm khiến bưởi hồng Quang Tiến có phần thất thế. Do đó, bên cạnh việc Hợp tác xã quyết liệt trong công tác duy trì ổn định số lượng, chất lượng sản phẩm cần có sự quan tâm vào cuộc của chính quyền địa phương, sự thay đổi trong phương thức kinh doanh của bản thân các hộ dân trồng bưởi trong quá trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương, chủ động tìm đầu ra cho nông sản này.
Nhiều sản phẩm làng nghề nổi tiếng được bảo hộ và phát triển tốt, các sản phẩm được cấp NHTT, NHCN đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm đặc sản, truyền thống của Nghệ An, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh khen ngợi. Sản phẩm làng nghề được xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu phát huy hiệu quả như: Sen quê Bác, Hương trầm Quỳ Châu, cá thu nướng Cửa Lò, mật ong Tây Hiếu, mật mía làng Găng, mực khô Quỳnh Lưu, bò giàng Tương Dương, rượu men lá Con Cuông...Việc “chắp cánh” nhãn hiệu cho các sản phẩm làng nghề đã nâng cao giá trị, mang lại hiệu quả, sản xuất, kinh doanh cho bà con.


Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số NHTT, NHCN được xây dựng nhưng chưa phát huy được hiệu quả, ví dụ như đối với giống cây trồng, cây chanh leo ở Quế Phong một thời là cây thoát nghèo, một thời được quy hoạch lên đến hàng ngàn ha…, nhưng nay đã tàn lụi gần hết. Nguyên nhân là do đây là loại cây “khó tính”, trồng trên một loại đất kéo dài nhiều năm sẽ bị nhiễm nấm trên diện rộng, dẫn đến cây phát triển kém, năng suất thấp. Hoặc như đối với NHTT Tôm nõn Diễn Châu, những tưởng đây sẽ là sản phẩm mang lại lợi nhuận cho bà con, nhưng đến nay lại đang gặp vấn đề thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và chế biến trầm trọng. Sản lượng đánh bắt tôm nõn thời gian qua sụt giảm mạnh, trước đây trung bình mỗi ngày có thể nhập được từ 2 - 3 tấn tôm tươi để sản xuất tôm nõn, tuy nhiên nay chỉ khoảng vài tạ. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu khiến việc sản xuất của Hợp tác xã không còn được xuyên suốt, đỉnh điểm là có những tháng buộc phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân khiến sản lượng tôm tươi ngày càng sụt giảm là do giá nhiên liệu vẫn nằm ở mức cao nên số lượng tàu thuyền đi biển chưa thể đầy đủ như trước. Bên cạnh đó, phương pháp đánh bắt tôm hiện nay chưa khoa học, theo hướng tận diệt nên nguồn tôm ngày càng giảm sút. Qua đây, cũng mong sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp, ngành trong công tác khai thác, phát triển, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Các hộ dân tham gia vào Hợp tác xã được hưởng các quyền lợi từ Hợp tác xã đem lại, được hỗ trợ chi phí thuê địa điểm, hỗ trợ máy móc, thiết bị đầu tư cho quá trình sản xuất và kinh doanh tạo hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, bên cạnh những NHTT phát triển tốt vẫn còn có một số ít nhãn hiệu đã xây dựng nhưng chưa phát huy được vai trò của Hợp tác xã, mặc dù đã có nhiều sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Một phần bởi vì họ cho rằng NHTT, CDĐL là tài sản chung của Hợp tác xã, Hội, Hiệp hội, không của riêng ai. Ví dụ như NHTT Làng nghề bánh đa, kẹo lạc Vĩnh Đức, huyện Đô lương. Các sản phẩm chính của Hợp tác xã là bánh đa vừng, kẹo lạc, kẹo cu đơ…. Các sản phẩm khi phân phối ra thị trường đều được dán tem, nhãn đầy đủ, ngày càng được nhiều người dân biết đến và có nhu cầu mua làm quà, đặc biệt vào các dịp lễ, tết. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất đã góp phần tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho người dân địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, mặc dù Hợp tác xã đã có thương hiệu chung nhưng từng cơ sở sản xuất vẫn theo kiểu mạnh ai người nấy làm, chưa thống nhất trong quy trình sản xuất, bao bì, nhãn, mác khi dán lên sản phẩm. Điều nay sẽ không phát huy được vai trò của Hợp tác xã, làm cho năng lực kinh tế của từng thành viên tham gia Hợp tác xã không đồng đều.
Sự cạnh tranh với sản phẩm công nghiệp và khó khăn trong nguồn nguyên liệu là những thách thức đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang trở nên quốc tế và khắt khe. Mô hình hợp tác xã đã mang lại nhiều lợi ích cho các hộ dân tham gia, từ hỗ trợ chi phí đến đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm chưa đồng đều trong quy trình sản xuất, và một số hộ dân cho rằng NHTT, CDĐL là tài sản chung, không thuộc sở hữu riêng.
Tỉnh Nghệ An đang có những cơ hội lớn để phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm đặc sản và truyền thống. Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững, cần có sự quản lý hiệu quả từ chính quản lý nhà nước, sự hợp tác chặt chẽ giữa cộng đồng và doanh nghiệp, và chiến lược phát triển thương hiệu mạnh mẽ./.
Trung Anh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập648
  • Hôm nay42,603
  • Tháng hiện tại199,808
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây