Năm con Rồng tìm hiểu “hổ tướng” sinh năm Mậu Thìn (1928)

Thứ năm - 04/04/2024 04:25 0
Năm Mão qua đi, năm Thìn đã đến. Tết đến, xuân về, tìm hiểu lịch sử những người con quê hương xứ Nghệ, (cầm tinh con Rồng), có tinh thần yêu nước, thương dân, căm thù giặc xâm lược, dũng cảm kiên cường trong cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc. Vị tướng sinh năm Mậu Thìn (1928) được mệnh danh là “hổ tướng” chính là Thiếu tướng Hoàng Đan. Trong kháng chiến chống Pháp, với tài trí, mưu lược và lối đánh bí mật, bất ngờ và táo bạo, làm cho kẻ thù nghe đến tên Hoàng Đan đã khiếp sợ. Trưởng thành từ người lính trận mạc, giáp mặt với kẻ thù, vào sống ra chết, hết đánh Pháp đến đánh Mỹ rồi lên biên giới chỉ huy đánh đuổi quân bành trướng Trung Quốc, đồng chí Hoàng Đan đã góp phần làm rạng danh trang sử vàng của Đảng bộ và nhân dân Nghệ An trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Hoàng Đan sinh ngày 28 tháng 12 năm Mậu Thìn (1928), tại làng Kim Hòa, tổng Kim Khê (nay là xóm 17 xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Thân phụ là ông Hoàng Văn Hệ, thân mẫu là bà Đặng Thị Ngung. Hoàng Đan là hậu duệ đời thứ 21 của Hoàng Tá Thốn, là một danh tướng thời Trần, từng được phong là Sát Hải Đại vương. Gia đình ông bà nội ngoại và cha mẹ của Hoàng Đan đều tham gia trong các phong trào kháng Pháp Văn thân, Cần vương và Đông du. Từ khi có phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, những người con của dòng họ Hoàng đều tham gia đấu tranh và đã anh dũng hy sinh trong phong trào XVNT 1930-1931. Chú Hoàng Văn Tâm, hoạt động bí mật ở thành phố Vinh, bị bắt giam ở nhà lao Vinh, lãnh đạo cuộc đấu tranh trong lao, bị thực dân Pháp xử bắn để uy hiếp tinh thần đấu tranh của công nông Nghệ An. Chú ruột Hoàng Văn Mỹ bị bắt trong cuộc đấu tranh 1930, bị giam tại nhà lao Vinh, đấu tranh chống lại chế độ khắc nghiệt của nhà lao Vinh, bị đày vào giam tại ngục Kon Tum. Truyền thống đấu tranh bất khuất kiên cường của những người thân trong gia đình, họ tộc và quê hương đã hun đúc cho tuổi trẻ của Hoàng Đan, phải khắc sâu mối thù, phải sống sao cho xứng đáng với các bậc tiên liệt… Ngay từ thuở nhỏ, Hoàng Đan đã thể hiện rõ khí chất thông minh, mạnh mẽ, yêu thương những người nghèo và hay giúp đỡ bạn bè cùng trang lứa. Sau khi học xong trường làng, Hoàng Đan vào học tại trường Tiểu học Pháp Việt của huyện Nghi Lộc. Tốt nghiệp, Hoàng Đan được cha mẹ cho vào thành phố Vinh học cao đẳng tiểu học. Năm 1944, tổ chức bí mật của Mặt trận Việt Minh ở thành phố Vinh và huyện Nghi Lộc hoạt động mạnh, Hoàng Đan đã tham gia trong tổ chức của Việt Minh. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), một số chiến sĩ cách mạng bị bắt giam ở các nhà tù đế quốc đã phá ngục trở về Nghệ An tham gia trong tổ chức Việt Minh. Đồng chí Trần Văn Quang (sau này là Thượng tướng) và anh trai của Hoàng Đan là đồng chí Hoàng Niệm (sinh năm 1924, sau này là Thiếu tướng QĐND Việt Nam) đã giới thiệu. Hoàng Đan được bầu vào Ban Chấp hành Mặt trận Việt Minh huyện Nghi Lộc, phân công phụ trách và xây dựng, phát triển lực lượng Việt Minh của tổng Vân Trình (nay là 3 xã Nghi Hưng, Nghi Phương và Nghi Đồng). Tuổi trẻ năng động và đầy nhiệt huyết, Hoàng Đan hăng say đi đến từng xã tuyên truyền, vận động nhân dân đi mít tinh, biểu tình, kéo vào thành phố Vinh để thị uy lực lượng. Ngày 21/8/1945, tỉnh Nghệ An đã đấu tranh giành chính quyền cách mạng về tay nhân dân không phải đổ máu. Sau ngày 2/9/1945, nước nhà giành được độc lập, đồng chí Hoàng Đan được điều động lên tỉnh, bổ sung vào Ban tuyên truyền của Mặt trận Việt Minh liên tỉnh phụ trách công tác tuyên truyền.

Đồng chí Hoàng Đan sinh năm 1928
Đầu năm 1946, Hoàng Đan được Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cử đi học trường quân sự Quân khu 4. Sau khoá học, đồng chí được cử làm Trung đội trưởng của Tiểu đoàn Tiếp phòng đóng ở Quảng Trị. Tháng 10 năm 1946, Hoàng Đan được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Sau lời kêu gọi: “Toàn quốc kháng chiến” ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng Đan đã chỉ huy đánh địch ở các tỉnh Trung bộ. Năm 1949, Hoàng Đan được chỉ định quyền Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 310 chỉ huy đánh địch các trận lớn ở Trị - Thiên. Cuối năm 1949, Hoàng Đan được điều về làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 418 của Trung đoàn 57. Đến năm 1953 được đề bạt làm Trung đoàn phó 57 thuộc Đại đoàn 304. Những mốc lịch sử chống Pháp ác liệt nhất đều có mặt chỉ huy các trận đánh của Hoàng Đan (Từ trận chiến dịch Biên Giới 1950, Bác Hồ đã trực tiếp ra trận địa quan sát, đến chiến dịch Hoà Bình năm 1951; Chiến dịch Thượng Lào 1953 và chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 1954). Sau Hiệp định Giơ ne vơ, đồng chí Hoàng Đan làm Trưởng Ban tác chiến của Sư đoàn 304. Từ 1955 đến 1959, đồng chí làm Trưởng phòng khoa học quân sự của Học viện Quân sự cao cấp. Năm 1960, Hoàng Đan được Bộ Quốc phòng phong hàm Trung tá và cử đi học cùng 11 đồng chí tại Học viện Quân sự Prunze ở Liên Xô. Năm 1965 sau khi về nước làm Chủ nhiệm khoa Bộ binh, hệ giáo dục quân sự Học viện Quân chính. Tháng 8 năm 1965, đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá miền Bắc. Cả nước chuyển sang thời kỳ chiến tranh, Hoàng Đan được điều trở lại đơn vị chiến đấu (Phó tư lệnh Sư đoàn 304B). Tháng 11 năm 1967, đồng chí chỉ huy Sư đoàn chiến đấu Trị - Thiên - Huế. Năm 1969, Hoàng Đan chỉ huy Sư đoàn đánh các trận địa Khe Sanh, Đăk Rông (phía Tây Trị Thiên). Năm 1970, Hoàng Đan được bổ nhiệm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304B, chỉ huy đánh Đường 9 Nam Lào. Năm 1972, Hoàng Đan chỉ huy Sư đoàn chiến dịch Trị - Thiên, giải phóng Đông Hà và Thành cổ Quảng Trị. Hoàng Đan đã tham gia chỉ huy 3 chiến dịch, lập công xuất sắc:“Đánh giỏi, diệt gọn, thắng lớn”, góp phần giải phóng thành cổ và toàn bộ tỉnh Quảng Trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hiệp định Pari thành công. Khâm phục tài năng chỉ huy của Hoàng Đan, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá:“Sư đoàn 304 là một trong những sư đoàn thép của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Kẻ thù lại gọi Hoàng Đan là Tư lệnh: “Hổ xám”. Trên 50 năm hoạt động cách mạng, Hoàng Đan đã tham gia các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược: chống thực dân Pháp, chiến trường Đông Dương, chống Mỹ và chỉ huy chiến đấu ở các điểm ác liệt nhất trên biên giới Việt Trung, đánh trả quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh (1979). Hoàng Đan được tôi luyện và trưởng thành từ Chiến dịch Hòa Bình rồi Thu Đông 1952, Thượng Lào và Điện Biên Phủ. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, Hoàng Đan được bổ nhiệm làm Sư trưởng Sư đoàn 304 Anh hùng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 và luôn được cấp trên tin tưởng điều động đến các trận địa ác liệt nhất. Những nơi Hoàng Đan trực tiếp chỉ huy là Thượng Đức, Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào và thành cổ Quảng Trị. Trong chiến tranh ác liệt, ở đâu có Hoàng Đan là ở đó anh em chiến sĩ được củng cố tinh thần. Nhờ tinh thần quyết chiến quyết thắng, mưu lược, táo bạo, bí mật bất ngờ, kẻ địch không kịp trở tay. Hoàng Đan xoay chuyển cục diện, rút ngắn thời gian, giảm bớt thiệt hại cho quân và dân ta. Sau khi tham gia chỉ huy chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phó Tư lệnh Hoàng Đan trực tiếp chỉ huy lực lượng cơ động của Sư đoàn 304 thuộc Quân đoàn 2 tiến thẳng vào Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, Quân đoàn 2 đã có mặt đầu tiên trước cổng Dinh Độc Lập. Lính xe tăng 843 và 390 đã húc đổ cánh cổng sắt và anh lính đã cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập, bắt sống nội các Dương Văn Minh, tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà. Sau khi nước nhà được thống nhất, năm 1977, đồng chí Hoàng Đan được phong quân hàm cấp Tướng đợt đầu tiên. Ngày 17/2/1979, bọn xâm lược bành trướng Trung Quốc ồ ạt đem quân sang đánh các tỉnh biên giới Việt Nam. Thiếu tướng Hoàng Đan đang giữ chức vụ là Phó Viện trưởng phụ trách huấn luyện của Học viện Quốc phòng đã được điều động nhiệm vụ mới: Tư lệnh Quân đoàn 14 (sau này là Quân đoàn 5) kiêm Phó Tư lệnh Quân đoàn 1 để chỉ huy bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Tháng 2 năm 1981 đồng chí được bổ nhiệm Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân khu 1. Tháng 7 năm 1983 đồng chí được Bộ điều về giữ chức cục phó. Tháng 6 năm 1990 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Bộ Tổng tham mưu (sau là Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quân sự Bộ Quốc phòng)(1).
Tư lệnh Quân đoàn 5 kiêm Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn, trực tiếp chỉ đạo và phòng ngự khu vực Quân khu 1, Quân khu 2 và phía Bắc Việt Nam. Tháng 6/1990, Thiếu tướng Hoàng Đan được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ - Môi trường Quân sự thuộc Bộ Tổng tham mưu. Tháng 6/1995, Thiếu tướng Hoàng Đan được nghỉ hưu theo chế độ, nhưng với uy tín và nhiệt huyết, Hoàng Đan vẫn nhiệt tình tham gia giảng dạy và viết sách, biên soạn và tổng kết những kinh nghiệm trên lĩnh vực quân sự để truyền cho đời sau. Trong cuộc sống đời thường, Thiếu tướng Hoàng Đan là một người rất nghĩa hiệp. Ông sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ bất kỳ ai gặp khó khăn, hoạn nạn nên luôn được anh em, chiến sĩ kính trọng và giành cho ông những lời nhận xét tốt đẹp:“Hoàng Đan là một vị tướng chiến trận. Nơi nào có cuộc chiến ác liệt nhất là có mặt Tướng Hoàng Đan. Ông chiến đấu dũng cảm và chỉ huy mưu trí. Ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh nổi tiếng”. Còn Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã nhận xét:“Trong hơn mười mấy năm, tôi thấy anh Hoàng Đan có mấy nét nổi bật: Anh là một người chỉ huy có trình độ lý luận và thực tiễn, con người mưu trí và năng động, không chịu bó tay trước khó khăn, dám nghĩ, dám nói, dám đề đạt hẳn ý kiến của mình với cấp trên và có trách nhiệm với việc mình làm. Anh là người luôn coi trọng kết hợp giữa huấn luyện và chiến đấu, giữa xây dựng chính trị tư tưởng và chiến đấu”(2).
Để ghi nhận và tri ân công lao đóng góp của đồng chí Hoàng Đan trong cuộc đấu tranh giành và giữ nền độc lập dân tộc, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho đồng chí nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến sĩ hạng Ba (1952); Huân chương Chiến sỹ hạng Nhì (1954); Huân chương Chiến thắng hạng Nhì (1958); Bằng khen Trường Quân sự Trung Cao cấp (1960); Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất (1971); Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất (1975); Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì (1979); Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì (1984); Huân chương Hữu nghị Việt - Xô; Huy chương vì sự nghiệp Khoa học - Công nghệ; Bằng khen của Bộ Quốc phòng (1988) và nhiều phần thưởng cao quý khác. Tên của Thiếu tướng Hoàng Đan được đặt cho 1 con đường ở thị xã Cửa Lò (theo Q/Đ của HĐND tỉnh Nghệ An ngày 13/12/2012).  Ngày 9/10/2014, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng Thiếu tướng Hoàng Đan danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chú thích
1. Dẫn theo sách Tướng lĩnh quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh (1930-2013) của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ tỉnh Nghệ An - Nxb Quân đội Nhân dân năm 2013, trang 87.
2. Tướng lĩnh trên vùng đất Nghệ An - NXB Thanh niên 2013.
 

Trương Quế Phương

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây