Nam Đàn những thế mạnh cần phát huy trong du lịch nông thôn

Thứ tư - 12/06/2024 22:51 0
Du lịch nông thôn (Rural Tourism) được hiểu là loại hình du lịch diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, những di sản văn hóa xã hội và văn hóa truyền thống ở làng xã...; thể hiện đặc tính đa dạng về môi trường, kinh tế, lịch sử, địa điểm của mỗi vùng nông thôn.

Đền Chung sơn   Ảnh nguồn TTXVN

Du lịch nông thôn ở Việt Nam được xác định có 3 loại hình chủ đạo là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Các loại hình du lịch này đều thu hút du khách đến thưởng thức, trải nghiệm và nhận được các giá trị mới mẻ khác biệt so với môi trường sống thường nhật của họ ở khu vực thành thị hay các vùng nông thôn khác.
Du lịch nông thôn có đặc điểm chung là hoạt động du lịch khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê - gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống. Du lịch nông thôn sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật của cộng đồng vùng nông thôn (bản làng, nhà truyền thống), các thiết chế văn hóa làng (đình, đền, giếng nước...), các cơ sở sản xuất nghề truyền thống, cơ sở hạ tầng (đường, điện, nước, dịch vụ viễn thông...) gắn với môi trường tự nhiên, bản sắc văn hóa và các hoạt động sinh hoạt sản xuất nông nghiệp của cộng đồng dân cư.

Chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ

Được mệnh danh là “Mảnh đất trùng lai danh thắng địa, cổ lai đa hào kiệt”, Nam Đàn hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông thôn. Nằm ở hạ lưu sông Lam, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh hữu tình với hệ thống sông, núi, hồ, đập,... đa dạng như: Sông Lam, hồ Tràng Đen, hồ Thanh Thủy, núi Đại Huệ gắn với chùa Đại Tuệ và khu mộ bà Hoàng Thị Loan, núi Thiên Nhẫn, thác Hồ Thành gắn với thành Lục Niên... Bên cạnh đó, với diện tích rừng bao phủ tạo nên cảnh quan thiên nhiên thơ mộng là lợi thế để Nam Đàn khai thác du lịch nông thôn.
Truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời cũng đã để lại cho Nam Đàn hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú và đa dạng. Mỗi di tích, danh thắng đều gắn liền với tên tuổi của các bậc tiền bối đã có những cống hiến to lớn trong lịch sử dân tộc. Trong nhân dân lưu truyền câu sấm của Trạng Trình: “Đụn Sơn phân giải/ Bò Đái thất thanh/ Thủy đáo Lam thành/ Nam Đàn sinh thánh”. Tạm dịch nghĩa là: “Khi núi Đụn chẻ đôi, khe Bò Đái mất tiếng, sông Lam khoét vào chân núi Lam Thành, đất Nam Đàn sẽ sinh ra bậc thánh nhân”, để chỉ mảnh đất sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 173 di tích, danh thắng trong đó có 164 di tích lịch sử văn hóa bao gồm 7 di tích thuộc loại kiến trúc nghệ thuật là đình Hoành Sơn, đình Trung Cần, đình Đông Viên, đình Nhân Hậu, đền, chùa Đức Sơn, đền Nhạn Tháp và nhà thờ Lê Đức Tuy; 2 di tích khảo cổ là di chỉ Rú Trăn và động Lỗ Ngồi và 164 di tích lịch sử văn hóa khác bao gồm các đình, đền, chùa, lăng, miếu, mộ, nhà thờ... Số di tích đã được xếp hạng là 41 di tích (3 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 13 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh). Số di tích do tỉnh trực tiếp quản lý là 2 (Khu di tích Kim Liên và Khu di tích Phan Bội Châu), do huyện quản lý là 01 (quần thể Di tích Vua Mai) và các xã, thị trấn quản lý là 170. Hệ thống di tích trên địa bàn huyện vừa phong phú về nội dung vừa đa dạng về loại hình. Các di tích lịch sử - văn hoá ngoài giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, khoa học còn là những công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo kỳ vĩ. Đặc biệt một số di tích tiêu biểu có giá trị lớn về văn hóa và du lịch như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu, Khu di tích Vua Mai, đình Hoành Sơn, đình Trung Cần...

Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu

Trên địa bàn huyện còn có hệ thống các chùa lớn vừa được bảo tồn, tôn tạo như chùa Đại Tuệ (Nam Anh), chùa Viên Quang (Nam Thanh), chùa Hà (Hưng Tiên), chùa Vĩnh Phúc (Nam Xuân)... Đặc biệt là đền Chung Sơn (Kim Liên) được khánh thành năm 2020, là nơi thờ tự những người thân trong gia đình Bác Hồ.
Bên cạnh hệ thống di sản văn hóa vật thể huyện Nam Đàn cũng là nơi sản sinh và lưu giữ hệ thống văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng. Nam Đàn là một trong những nơi khơi nguồn của các làm điệu dân ca ví, giặm - Di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trên địa bàn huyện hàng năm diễn ra nhiều lễ hội trong đó có 02 lễ hội lớn đó là Lễ hội đền vua Mai và Lễ hội làng Sen.

Làng Hoàng Trù - Quê ngoại Bác Hồ thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm

Ẩm thực Nam Đàn từ xa xưa đã vang danh khắp mọi miền tổ quốc với những món ăn dân  dã, đời thường nhưng để lại trong lòng du khách ấn tượng khó quên như: Tương Nam Đàn, bánh đúc Sa Nam, miến Quy Chinh, bột sắn dây, tinh bột nghệ Nam Anh, cá rô Bàu Nón,... Gắn với những làng nghề truyền thống, người dân Nam Đàn đã tự tạo cho mình những món ăn trở thành đặc sản khó có nơi nào sánh kịp, trở thành những thương hiệu nổi tiếng như: Me thui Nam Nghĩa, dê Cầu Đòn, hến, cá sông Lam, gà Nam Thái, nghé thui Cầu Mưng,... và các sản phẩm được chế biến từ sen tại Kim Liên, các sản phẩm chế biến từ chanh tại Nam Kim và nhiều sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao, 4 sao...
Bên cạnh những làng nghề về ẩm thực, Nam Đàn còn nức tiếng với những làng nghề truyền thống khác như: mộc Tây Hồ, nghề nuôi tằm dệt vải, sen quê,... Trong đó, các sản phẩm được chế biến từ sen tại Kim Liên đã trở thành điểm nhấn của Nam Đàn.
Nắm rõ những lợi thế, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, huyện Nam Đàn đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch, khai thác các thế mạnh về danh lam, thắng cảnh, văn hóa, truyền thống,.. sẵn có. Trong đó quan tâm giá trị phát triển du lịch bền vững, mà điểm nhấn là đảm bảo các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với môi trường sinh thái, phát triển du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, dịch vụ, tạo sinh kế cho người dân, giữ gìn bản sắc văn hóa và an ninh quốc phòng tại các điểm du lịch trọng tâm.

Các sản phẩm từ sen của HTX Sen quê Bác đang được khách hàng đón nhận và đánh giá cao

Cùng với việc được Chính phủ thí điểm xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, Nam Đàn phối hợp với tổ chức phi chính phủ JICA Nhật Bản, tiến hành đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kinh phí mua sắm nhạc cụ, trang phục cho Câu lạc bộ dân ca ví, giặm; nghiên cứu, khảo sát các sản phẩm nông nghiệp sản xuất thành hàng hóa phục vụ du khách.
Để tăng cường liên kết giữa các địa phương nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh trong việc phát triển du lịch, Sở Du lịch tỉnh, huyện Nam Đàn, TP Vinh, thị xã Cửa Lò đã ký kết Chương trình phối hợp nâng cao chất lượng điểm đến và môi trường du lịch trong đó chú trọng các nội dung như: Liên kết xây dựng sản phẩm du lịch, phối hợp tuyên truyền quảng bá điểm đến, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, phối hợp giao lưu văn hóa và tổ chức các sự kiện, xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật, xây dựng môi trường văn hóa du lịch lành mạnh, mến khách. Sự phối hợp trên với mục đích xây dựng các điểm đến hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 3 địa phương.
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện giai đoạn 2021 - 2030 tập trung quy hoạch các vùng điểm du lịch theo 4 cụm chính gồm: Vùng Liên - Giang - Cát tập trung chủ yếu đón khách du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng và tâm linh; Vùng Anh - Thanh - Nghĩa tập trung chủ yếu là du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm; Vùng Thị trấn và các điểm phụ cận theo hướng du lịch tâm linh, văn hóa nghệ thuật và ẩm thực; Vùng hữu ngạn sông Lam tập trung khai thác du lịch cộng đồng gắn với chiêm ngưỡng các di sản văn hóa vật thể.

Làng nghề tương Nam Đàn

Thực hiện chỉ đạo của các cấp, các xã đã xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất chuyên canh, sản xuất theo chuỗi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; sản xuất các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, có uy tín và thương hiệu phục vụ du lịch. Đến nay, toàn huyện có 11 mô hình sản xuất rau củ quả an toàn trong nhà lưới, nhà kính ứng dụng công nghệ cao tại 7 xã, thị trấn; 05 mô hình kinh tế trang trại kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm,        Homestay tại các xã Nam Giang, Nam Anh, Nam Nghĩa, Kim Liên, Nam Cát. Trong đó nổi bật, thành công hơn cả là mô hình HTX Sen quê Bác. Song song với việc mở rộng diện tích trồng sen trên những vùng đầm lầy, ruộng sâu trũng kém hiệu quả, tạo cảnh quan thu hút khách trải nghiệm, chiêm ngưỡng cảnh đẹp của sen. Bên cạnh đó, kết hợp giữa du lịch sinh thái, khách du lịch còn được trải nghiệm quy trình làm trà sen, và các sản phẩm khác từ sen. Hiện HTX Sen quê Bác vinh dự là một trong những đơn vị có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP nhất của tỉnh Nghệ An, với 11/15 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao hoặc 4 sao.
Ngoài mô hình sen quê Bác, ở Nam Đàn còn nổi lên mô hình Chanh Thiên Nhẫn. Đây là mô hình khởi nghiệp thành công của một startup trẻ tuổi dám nghĩ dám làm Lê Văn Hoá. Hoá đã biến vùng đất địa linh Thiên Nhẫn, nơi được cụ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chọn để ẩn cư và dạy học; cũng là nơi mà vua Lê Lợi xây dựng thành Lục Niên trong công cuộc đánh quân Minh xâm lược, trở thành vườn chanh Thiên Nhẫn bát ngát với những quả chanh thơm ngon, mọng nước, cùng với những sản phầm organic được làm từ chanh gồm 6 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao.
Theo báo cáo của huyện Nam Đàn, tổng số lượt khách du lịch từ 2026 - 2022, Nam Đàn đạt 2,2 triệu lượt khách mỗi năm, doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch đạt bình quân 400 tỷ đồng/năm. Một số loại hình du lịch mới được hình thành, hoạt động ngày càng hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng như: Du lịch trải nghiệm vườn đồi Eo Gió (xã Nam Giang); du lịch trải nghiệm vườn đồi tại đập Cửa Ông (xã Nam Nghĩa); du lịch sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng tại Thung Pheo (xã Nam Anh). Hạ tầng  giao thông, hạ tầng du lịch, hạ tầng văn hóa được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên các công trình, dự án trọng điểm về văn hóa gắn với du lịch. Tỷ lệ đường huyện, đường xã đạt chuẩn là 100%; tỷ lệ đường trục xóm, ngõ xóm đạt chuẩn 98%. Hoàn thiện các hạng mục công trình tại Trung tâm Văn hóa Thể thao & Truyền thông huyện đạt chuẩn; 100% số xã có Trung tâm văn hóa thể thao đạt chuẩn. Đầu tư xây dựng và hoàn thiện một số công trình hạ tầng kết nối du lịch như cảnh quan tuyến đường vào quê nội, quê ngoại Bác Hồ, đường giao thông kết nối các di tích, các điểm di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn huyện. Chú trọng xây dựng các xóm, khối đạt tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp”; xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; xây dựng vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Mặc dù đang sở hữu rất nhiều tiềm năng về du lịch nhưng ngành công nghiệp không khói của huyện Nam Đàn vẫn chưa phát triển đúng tầm vóc và lợi thế. Các tour du lịch thiếu tính liên kết; sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, điểm nhấn đặc trưng; hạ tầng dịch vụ chưa níu được chân du khách... Trong đó, chưa phát huy được thế mạnh về du lịch nông thôn của huyện.
Hầu hết các tour du lịch đến Nam Đàn, điểm đến chỉ mới tập trung về thăm quê nội, quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mộ Bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Bác Hồ). Và một lượng du khách ít hơn về thăm cụm di tích Vua Mai. Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu tại Thị trấn Nam Đàn, một địa chỉ du lịch lịch sử - văn hóa tiêu biểu nhưng chưa thu hút được khách du lịch mặc dù nơi đây vẫn lưu giữ được không gian làng quê Bắc Trung bộ với những hàng chè mạn hảo dẫn vào sân, trong vườn là các loài cây ăn quả đặc trưng. Đặc biệt, điểm nhấn của điểm tham quan này là ngôi nhà gỗ, lợp tranh lưu giữ các hiện vật phản ánh cuộc sống, nếp sinh hoạt của gia đình và cụ Phan lúc còn ở quê. Bên cạnh đó là Tượng đài Phan Bội Châu và Nhà trưng bày các hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động của cụ. Đây là điểm du lịch hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong hành trình về với mảnh đất của các vĩ nhân - Nam Đàn.
Bên cạnh những hạn chế trong khai thác các giá trị văn hóa lịch sử trong du lịch, du lịch nông nghiệp của huyện Nam Đàn còn nhiều hạn chế về: Quy mô nhỏ chủ yếu là hộ gia đình, HTX đầu tư phát triển, còn mang tính tự phát. Huyện cũng chưa có nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp công nghệ cao phục vụ du khách đến tham quan.
Các sản phẩm du lịch nông thôn cũng chưa đặc sắc, chưa mới lạ, hấp dẫn, một số sản phẩm du lịch sao chép lẫn nhau, thiếu khác biệt, thiếu gắn kết, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Chưa có sự liên kết với các ngành nghề, dịch vụ liên quan nhằm cung cấp đa dạng các trải nghiệm, thu hút du khách trong và ngoài nước. Việc gắn du lịch nông nghiệp với phát triển du lịch cộng đồng và khai thác các giá trị văn hóa bản địa, làng nghề truyền thống, quà lưu niệm, đặc sản địa phương cũng chưa được chú trọng. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hoặc đã được đầu tư nhưng không bảo đảm. Tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu...
Cũng từ thực tế cho thấy chưa có sự liên kết, tham gia của địa phương, các đơn vị lữ hành nên hiệu quả của các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp chưa cao, thiếu tính bền vững. Bởi vậy, các điểm du lịch nông nghiệp gần như mới chỉ là “điểm đến” chứ chưa phải là “điểm dừng” chân của du khách.
Cơ chế về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong khai thác và phục vụ loại hình du lịch này còn lúng túng, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể. Việc hình thành những mô hình nông trại sinh thái, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm tiềm ẩn phá vỡ quy hoạch vùng, phá vỡ quy hoạch, vi phạm quy định về chuyển mục đích sử dụng đất...
Hoạt động xúc tiến quảng bá đối với các điểm đến du lịch tại các khu vực nông thôn chưa được quan tâm đúng mức do nguồn lực của địa phương khá hạn hẹp...
Du lịch nông nghiệp, nông thôn đã trở thành lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa, con người và cuộc sống tại các vùng đất nông thôn; đồng thời, tạo cơ hội để các vùng đất nông thôn tận dụng tiềm năng, thế mạnh để tăng giá trị cho đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Việc phát triển du lịch nông nghiệp và nông thôn hiện nay đang dần trở thành xu hướng phổ biến tại các địa phương. Là huyện có một vị trí đặc biệt trên bản đồ du lịch của tỉnh Nghệ An và của cả nước, nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, Nam Đàn cần sớm khắc phục những hạn chế, các cấp, ngành của huyện cần có những bước đi chủ động, mạnh dạn, tạo đột phá cho du lịch địa phương, nhằm tìm ra lời giải cho bài toán “đánh thức tiềm năng” du lịch nông nghiệp, nông thôn của huyện.
 

Phước Huệ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây