Nhận thức về phương Tây thời Nguyễn Trường Tộ

Thứ hai - 22/04/2024 03:11 0
Lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX gặp phải một tình huống mới có tính thế giới: Sự xâm lược chắc thắng của phương Tây với phương Đông. Đây không chỉ là cuộc xâm chiếm đất đai, tìm kiếm thị trường mà là sự thắng thế của một nền văn minh mới, sự xâm lăng văn hóa, và cùng với nó là sự tự giải thể văn hóa, văn học cũ.

Nhận thức về dân tộc, ý thức dân tộc, sức ỳ truyền thống, sự đe dọa có tính phi truyền thống đang bức bách, đã thành một bức bối của nhận thức trong các giới chính trị và trí thức. Các hướng chủ hòa, chủ chiến, duy tân, bảo thủ, trong đó chủ chiến, bảo thủ được bảo trợ mạnh mẽ và là con đẻ của cách hiểu lòng yêu nước kiểu cũ, chủ hòa trở thành cách nhìn nhận đầu hàng, hèn kém. Duy tân, hiện đại hóa được cũng có nghĩa là theo Tây, một kẻ thù được coi là “vô đạo đức”, “vô văn hóa” thể hiện là trong cách gọi đế quốc sài lang. Sự xung đột văn hóa cùng lẫn với sự bảo vệ đất nước, bảo vệ giang sơn, bờ cõi, gia tài, hương hỏa thiêng liêng mà cha ông để lại.
Trong phần này, vì vậy bài viết chỉ ra các quan niệm, nhận thức về đối tượng mới của lịch sử là các sức mạnh của phương Tây của những người trước và cùng thời Nguyễn Trường Tộ.
Bài viết này mong góp phần làm rõ diễn tiến của các thông tin về phương Tây, cách xử lý nó và sự phản ứng mang đặc điểm tư duy của người Việt.
1. Các sự kiện, thái độ và phản ứng, trong quan hệ Việt Nam và phương Tây trước và cùng thời Nguyễn Trường Tộ
Đến thời Nguyễn Trường Tộ, quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây đã có một quá trình. Quá trình đó gắn với sự thay đổi, đối kháng, phản ứng, hòa nhập theo các kiểu, mức khác nhau, theo từng loại nhận thức gắn với thói quen tư duy và kết quả tiếp nhận bộc lộ những khó khăn mang tính chủ quan. Xét quá trình này cũng góp phần nhìn nhận cách tư duy có tính bền vững, khó thay đổi của người Việt trước sự thay đổi lịch sử. Trước khi tìm những nội dung bên trong và những nhận thức và phản ứng từ các tiếp xúc thì liệt kê (có điều kiện thì sẽ phân tích) theo từng mức độ theo thời gian để rút ra các kết luận cụ thể.
Từ thế kỷ XVI đã có sự giao thiệp giữa người phương Tây - Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và Đức với Việt Nam. Quan hệ phương Tây với Việt Nam thời kì này có tính thăm dò và buôn bán, chưa đủ tạo ảnh hưởng sâu rộng về nhiều mặt.
Với người Bồ Đào Nha(1): Năm 1535 Antonio đến Đà Nẵng, năm 1540 buôn bán với Đàng Trong, đầu thế kỷ XVII Joas Cruz thành lập phường đúc ở Huế để đúc súng. Năm 1686 chúa Nguyễn chấp nhận các giáo sĩ Dòng tên ở triều đình. Chúa Hiền yêu cầu cha Bartholomew de la Coste đến chữa bệnh. Với người Hà Lan: Năm 1603, chuyến tàu do Paulus Traudenius dẫn đầu đến Đà Nẵng, năm 1637 người Hà Lan đến Thăng Long, chúa Trịnh muốn nhờ giúp đỡ. Năm 1645 người Hà Lan mở thương điếm ở Thăng Long. Với Pháp: Năm 1600 Francois Pallu, một trong những người sáng lập hội Thừa sai, lập công ty Trung Hoa, sau chuyển thành công ty Hoàng gia Đông Ấn Độ. Năm 1627 linh mục Dòng tên Alexandre de Rhodes được chúa Trịnh tiếp, năm 1640 Alexandre de Rhodes trở lại Nam kỳ. Năm 1770 Chevalier, người cầm đầu Pondichery (Ấn Độ) đến tàu Rumbold bàn việc giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Năm 1787 Nguyễn Ánh gặp Pigneau Béhaine, nhân viên phái bộ truyền giáo, giám mục khuyên Nguyễn Ánh cầu viện, Nguyễn Ánh gửi hoàng tử Cảnh cho giám mục, năm 1787 Pigneau  Béhaine được người Pháp giúp đã mang hai tàu khí giới đến cho Nguyễn Ánh và một số quân tình nguyện.
Pigneau và hoàng tử Cảnh đến vùng Pondicherry của nước Pháp, mua hai tàu buôn, và chở đầy những khí tài quân sự. Điều khiển bởi hơn 100 quân nhân đào ngũ người Pháp, cùng với một vài tình nguyện viên người Bồ Đào Nha và châu Á, các tàu này đã đến Sài Gòn vào mùa hè năm 1789.
Marie Dayot (1759-1809), là thành viên tích cực trong các vấn đề thuộc hải quân. Với sự giúp đỡ của em trai, ông đã soạn thảo bản đồ bờ biển của Việt Nam. Chaigneau và Vannier đã trở thành Việt hóa, đã có những cô vợ người Việt và vẫn phục vụ cho Nguyễn Phúc Ánh sau khi chiến tranh đã kết thúc.
Một người Pháp đã phục vụ Nguyễn Phúc Ánh là Olivier de Puymanel (1768-1799). Năm 1790 ông giám sát việc xây dựng các thành lũy tại Sài Gòn theo như những pháo đài của châu Âu. Puymanel đã giúp huấn luyện bộ binh của Nguyễn Phúc Ánh về chiến thuật và đào tạo họ về việc cơ động pháo binh. Laurent Barizy (1769-1802), một người bạn của Puymanel đã phục vụ Nguyễn Phúc Ánh đến năm 1793.
Vai trò của Pierre Pigneau và nhóm nhỏ gồm những sỹ quan hải quân là đóng góp vào thành công cuối cùng của Nguyễn Phúc Ánh, về việc tổ chức và đào tạo cả hải quân và lục quân, xây dựng thành lũy, nỗ lực để có nguồn cung cấp vũ khí đúng thời điểm và lãnh đạo trong những trận đánh. Rất ít người Pháp đến Sài Gòn đã ở lại sau năm 1792. Nhưng hầu hết những người ở lại đã trở nên rất trung thành với Nguyễn Phúc Ánh, lập gia đình và cưới vợ người Việt, và dự định dành phần còn lại của cuộc đời ở Việt Nam.
Quan hệ giữa triều Nguyễn và nước ngoài, theo Lê Thành Khôi(2) và Phan Ngọc: 1803 Robert, sứ giả công ty Đông Ấn đến Đà Nẵng, xin mở hãng buôn ở Trà Sơn (Quảng Nam) Gia Long không chấp nhận. Trước khi chết Gia Long dặn Minh Mạng đối xử tử tế với người Pháp, nhưng không dành cho họ một ưu thế nào(3).
Maybon: “Ông (Gia Long - MNĐ chú) muốn có các quan hệ tốt với các nước châu Âu có quyền lợi với Viễn Đông, nhưng không có ý định biệt đãi một nước nào. Nhà vua sợ rằng được một cái lợi rất nhỏ nhưng lại bị ép buộc, trước vũ lực, phải chấp nhận những nhượng bộ quan trọng và ông không muốn tạo ra cho bất cứ cường quốc nào cơ hội để hoạt động chống lại các quyền tối cao của mình”(4). Minh Mạng cũng thế(5), “nhà vua luôn tiếp đón với cảm tình các tàu buôn của phương Tây, trong khi vẫn tránh không muốn có những quan hệ không chính thức với các chính phủ có thể bị xem như những ràng buộc về chính trị để không tái diễn những sai lầm của Ấn Độ. Đối với Công giáo, nhà vua cũng như tất cả các Nho sĩ thời này chỉ có “sự khinh bỉ và căm ghét” và chỉ vị nể giám mục Adran, người bạn đã quá cố của nhà vua”(6).
1821 Chaigneau trở lại với cương vị Lãnh sự của Pháp hướng đến thực hiện ký kết hiệp ước thương mại. Minh Mạng từ chối mọi quốc gia được tự do buôn bán với Việt Nam, ông sợ đặc ân với riêng Pháp sẽ thúc đẩy Anh đòi đặc ân tương tự(7).
18/6/1825 Minh Mạng ra lệnh cấm nghiêm ngặt những nhà truyền giáo vào Việt Nam(8). Minh Mạng bị tâu nhảm về phương Tây, khi nghe Tả phó đô ngự sử viện Đô sát Phan Bá Đạt tâu rằng: “… Mã Song khai rằng thầy thuốc nước hắn, nhân người sắp chết, khoét lấy con mắt, phơi khô, hợp với hai vị a nguỵ và nhữ hương, tán nhỏ chế thuốc, trị bệnh ho đờm. Lại tục truyền rằng tà giáo Tây dương thường khoét mắt người, và cho một trai, một gái, ở chung nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động dục tình, nhân đấy đập cho chết bẹp, lấy nước (xác chết đó) hoà làm bánh thánh, mỗi khi giảng đạo cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được. Cả đến người theo đạo, khi trai, gái, lấy vợ chồng, thì đạo trưởng đem người con gái vào nhà kín, với danh nghĩa là giảng đạo, thực là để dâm ô”(9).
6/1/1833 Minh Mạng ra đạo dụ đặt đạo Thiên chúa ra ngoài vòng pháp luật, ra lệnh cho những người Thiên chúa giáo phải bỏ đạo không chậm trễ. 1831-1839 liên lạc Pháp - Việt gián đoạn. Các đạo luật ban hành từ 1825 được áp dụng lại, nhà thờ bị đóng cửa, tàu bè châu Âu bị kiểm soát chặt chẽ. 1840 có thể do nhận thấy cần phải đổi hướng chính sách nên Minh Mạng cho các phái đoàn đi thăm          Batavia, Calcutta, Luân Đôn và Paris để thăm dò ý đồ của Anh và Pháp(10).
Sự đổi hướng chính sách của Minh Mạng đến thời Thiệu Trị đã có biểu hiện rõ hơn: “Dưới thời Thiệu Trị, người ta sẽ thấy thiết lập những sự tiếp xúc đầu tiên với người Mỹ, với Singapore, Penang và Batavia”(11). 1845 Thiệu Trị khoan hồng thả Đức giám mục Lefebvre và cho phép rời khỏi Việt Nam. 4/1847 Pháp phái một chiến hạm tấn công Tourane, đánh chìm hạm đội An Nam. Thiệu Trị ra đạo dụ năm 1847 truy bức người theo công giáo. Năm 1848 Tự Đức ra đạo dụ chống người Thiên chúa giáo. Năm 1852 Tự Đức tham khảo rộng ý kiến các quan lại và nhà nho về những vấn đề do những người Thiên chúa giáo gây ra. Đa số tán thành nhà vua, số khác trong bộ phận ôn hòa thấy bạo lực, đàn áp không hiệu quả, mà người theo đạo thấy “hạnh phú” khi theo đạo này, họ không làm gì trái thuần phong mỹ tục. Đại thần Thương Giai đề nghị cho người theo đạo yên ổn, dồn họ trong những nơi riêng biệt “an tháp”. 7/6/1861 Charner gửi thông tư ra điều kiện cho triều đình về tự do tôn giáo, thương mại, sự kiểm soát của Pháp, nhượng địa Gia Định, Biên Hòa, Mỹ Tho và đòi bồi thường 4 triệu đôla. Thông tư này như một tối hậu thư, nói thẳng ra quy mô những tham vọng của Pháp mà mấy lâu Triều đình Huế tưởng rằng Pháp chỉ tìm kiếm đặc quyền cho Thiên chúa giáo và buôn bán(12).
Triều đình Tự Đức đứng trước hai chủ trương: chủ hòa (Phan Thanh Giản, Nguyễn Trường Tộ) và chủ chiến  (Trương Đăng Quế và Nguyễn Tri Phương) muốn dùng chiến tranh du kích, thực hiện vườn không nhà trống(13).
7/1861 một đoàn 40 nhân vật cao cấp đến trình bày với nhà vua về thảm họa mà dân chúng phải chịu đựng vì bị phong tỏa nếu không thương lượng với người Pháp, Tự Đức chê trách họ yếu đuối, kêu gọi họ chiến đấu, không thương lượng(14).
2. Nhận thức về phương Tây trong thời Nguyễn
Nhận thức về phương Tây thời Nguyễn mang tính thăm dò và cảnh giác, đầy thiên kiến, định kiến, thiếu tính chủ động để hiểu thực chất của các vấn đề.
Trong thư gửi cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ngày 17/5/1819, ông Labartette, người kế nhiệm Pigneau de Beshaine, viết: “Ông ta (Hoàng tử kế vị Phúc Đảm) khen ngợi người Nhật đã cấm, và bãi bỏ đạo Thiên chúa trong nước họ”(15), Minh Mạng “Rất hay chữ, thấm nhuần khoa học (và triết học) của phương Đông, ông rất ít coi trọng nền khoa học của phương Tây, mặc dù ông đã được khá rõ về nó qua nhiều cuốn sách các nhà truyền giáo đã dịch và trình lên. Có một trí thông minh hiếm có, có nhiệt tâm, chân thành tận tụy với đất nước, có một nhân cách kiên quyết và quyền uy, hung bạo và có nghị lực, ông không thể chịu nổi sự chống đối. Ông căm ghét đạo Thiên chúa “mặc dù ông đã nghiên cứu nó rất cặn kẽ và đã cho dịch những cuốn sách chính yếu về đạo này” (bởi những người truyền giáo đến ở Huế). Ông rất bất bình khi biết ở Pháp có sự chung đụng của nam nữ trong các nhà thờ và ở những nơi khác”(16).
Ngày 18/6/1822, Labartette viết thư sang Macao: “Đức vua căm ghét sự liên hệ với người châu Âu… Ông đe rằng sẽ đuổi hết người châu Âu ra khỏi nước, nếu có một sự than phiền đầu tiên nào chống chúng ta. Từ khi ông ta lên ngôi, Thánh giáo không có một tiến bộ nào”(17).
Tả phó đô ngự sử viện Đô sát Phan Bá Đạt tâu với Minh Mạng rằng: “… Mã Song khai rằng thầy thuốc nước hắn, nhân người sắp chết, khoét lấy con mắt, phơi khô, hợp với hai vị a nguỵ và nhữ hương, tán nhỏ chế thuốc, trị bệnh ho đờm. Lại tục truyền rằng tà giáo Tây dương thường khoét mắt người, và cho một trai, một gái, ở chung nhà có tường ngăn cách, lâu ngày động dục tình, nhân đấy đập cho chết bẹp, lấy nước (xác chết đó) hoà làm bánh thánh, mỗi khi giảng đạo cho mọi người ăn, khiến cho mê đạo không bỏ được. Cả đến người theo đạo, khi trai, gái, lấy vợ chồng, thì đạo trưởng đem người con gái vào nhà kín, với danh nghĩa là giảng đạo, thực là để dâm ô”(18).
Tự Đức được nhận thức như người bị che dấu về thực trạng đất nước, cách ly ông với các hiểu biết về thế giới bên ngoài Việt Nam hoặc chỉ được biết thông qua các định kiến xấu về phương Tây: “Vết nứt, trong hệ thống An Nam, là nằm trong tâm địa của giai cấp lãnh đạo. Tâm địa này phần nào đã giống như những xác ướp (momifiée) trái ngược cách lộ liễu với những gì xảy ra ở Nhật Bản. Vào thời điểm này, ở đó, giai cấp võ sĩ đạo (samourais) tháo vát và cởi mở, chấp nhận ngay sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, và sớm hết lòng học tập phương Tây. Còn Tự Đức, ông ta không hề được những người chung quanh cho biết một tí gì về sự việc, về những thiên tai và những trận dịch, về những cuộc nổi loạn và những lộng quyền. Ở triều đình, ông là tù nhân của phe nhóm Quế, không nghe theo các vị quan sáng suốt khuyên ông nên mở cửa vương quốc cho nền ngoại thương (đồng thời giám sát nó) để chia xẻ các sự rủi ro, như nước Xiêm trước đây và nước Nhật bây giờ đã làm cho nước ngoài đến và cạnh tranh với nhau. Thực ra mỗi năm ông có cử một vài thanh niên sang Penang để học tiếng Anh, nhưng ông không muốn để các nhà nho tiếp xúc với các khoa học phương Tây. Triều đình cách ly ông với những nhà cải cách, và chặn lại những báo cáo của các đại sứ. Vì vậy nhà vua có thể có những ảo tưởng về sức mạnh của vương quốc, về sự bền vững của “tòa lâu đài” mà ông sở hữu và chỉ huy. Trước nhất, ông muốn làm chủ trong vương quốc của ông, không cho phép “những quân man rợ “đến động chạm vào bản sắc Việt Nam” (identité vietnammienne). Ông bác bỏ cái “quyền xen vào” (droi d’ingérence) mà nước Pháp Thiên chúa giáo yêu sách, và ông, cương quyết bảo vệ “cái quyền tự quyết của nước Đại Nam (Lê droi du Đại Nam d’eetre-même). Ông không lựa chọn sự phiêu lưu mà lựa chọn sự chống lại”(19),(20).
Một cách nhìn khác nhìn nhận triều đình bị thói quen tư duy, tính đối phó lấn át tính chủ động lịch sử, và cái cản trở họ nhất là “cơ cấu chính trị”: “Khi nói đến Việt Nam, người ta không thể nói đây là một “xứ sở trong cô lập huy hoàng” hay trong tình trạng “trí tuệ bất động”. Chúng ta từng thấy, nước Việt Nam đã cởi mở hơn nhiều trước các trào lưu ngoại quốc, chứ không như người ta đã viết. Hơn nữa các nhà hữu trách đương thời đã thử cố giải quyết các vấn đề họ phải đối phó. Nhưng thường thì thất bại, vì lối suy nghĩ và thái độ của họ đối với nền kỹ thuật và tư tưởng phương Tây còn rất bảo thủ, họ không có khả năng nắm bắt được thực chất của vấn đề và cũng không đưa ra được các giải pháp thích ứng. Họ còn bị hạn chế bởi cơ cấu chính trị ngăn trở không cho họ đem thi hành những dự án đó”(21).
Nhiều phía các quan hệ khác nhau nhận thức khác nhau về phương Tây, phía quan chức chính thống phản ứng lại bằng các tuyên truyền về một phương Tây man rợ. Đạo dụ của Tự Đức năm 1848 nói rằng đạo Thiên chúa “là một đạo đồi bại, vì đạo này người ta không cúng bái cha mẹ đã mất, người ta móc mắt những người đang hấp hối để làm một thứ nước thần bí dùng làm mê hoặc dân chúng. Thêm nữa trong đó, người ta còn làm nhiều điều dị đoan và bỉ ổi. Vì vậy, những thầy tu người Âu, là những kẻ phạm tội nhất, phải bị ném xuống biển với một hòn đá buộc ở cổ… Những thầy tu An Nam ít tội hơn những kẻ kia. Phải đem chúng tra hỏi để xem chúng có muốn từ bỏ những lỗi lầm của chúng không. Nếu chúng từ chối, chúng sẽ bị thích chữ vào mặt, và lưu đày đến những nơi nào độc địa nhất trong Vương quốc. Những người thường dân đi theo cái tôn giáo đồi bại này và không muốn từ bỏ nó đều là những kẻ ngu muội đáng thương, những kẻ đần độn thảm hại, bị các thầy tu mê hoặc. Phải thương xót chúng… Các quan sẽ chỉ trừng trị chúng một cách nghiêm khắc, rồi trả chúng về cho gia đình của chúng”(22).
Cắt nghĩa gốc sâu xa của những thất bại của triều đình được Trần Đình Hượu giải thích từ sự tổng lực của các thứ tệ hại đã thành “truyền thống”, ấy là tâm lý nệ cổ, cầu an, sự bất lực, chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa gia đình, thái độ gia trưởng, những cái đó cản trở nhận thức, cản trở lựa chọn một quyết định lịch sử: “Tâm lí nể cổ cầu an, sự bất lực cộng với chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa gia đình, thái độ gia trưởng xô đẩy mọi người vào một sự lùng nhùng, vướng víu không thoát ra được. Thời Tự Đức là thế. Trước Tự Đức, Minh Mạng đã biết sức kỹ thuật của phương Tây và âm mưu xâm lược của thực dân và lo đối phó. Thế nhưng mất 30, 40 năm bàn cãi đạo lí, nghe các đề án cải cách, cái thì chê vô lý, cái thì chê cao quá, cái thì chê tốn quá, cái thì lo không hợp với cha ông, cái thì sợ giao động bất an. Cuối cùng không dám quyết đoán một cái gì cả. Triều Tự Đức rất nho, quá nhiều nhà nho”(23).
Tự Đức trong bài chế sách phúc thí năm Ất Hợi (1875) đã hỏi đến thuyết địa cầu của phương Tây và những vấn đề vật lý, hóa học, kỹ thuật: “Cái thuyết địa cầu của họ có phải là độc sáng không? Và có thực nghiệm chắc chắn không? Trời vốn chỉ là khí chứa lại mà thành, làm sao mà biết được cái đồ sộ của nó (...), sự toàn chuyển tả hữu của nó”, “cận đại nhiều người suy tôn phương pháp Thái tây, có phải vì họ có kiến thức chân xác, vượt lên trên cổ nhân, hay là cũng như những người nói chuội, vẽ bùa thôi? Mà theo cách lập thuyết của họ (phương Tây) thì không có ngũ hành tương sinh, tương khắc... như thế thì cái học của họ đã trái lý và bất hợp với cổ xưa rồi, còn gì mà suy tôn họ nữa?”(24). Tự Đức xem kỹ thuật phương Tây là “kỳ phương, dị thuật”(25) (“ban ban, quái dị”)(26). Thông tin này cho phép chúng ta nghĩ rằng Tự Đức có nhiều điều kiện để hiểu biết về phương Tây nhưng sự cản trở một nhận thức đúng về phương Tây chính là chính trị, đạo đức, nho giáo. Trong một thông tin khác ta biết thêm rằng Tự Đức đã được người phương Tây nói cho biết về quyền tự do cá nhân và quan hệ tự do giữa các dân tộc là yếu tố hàng đầu tạo sức mạnh và sự thịnh vượng của nước Pháp(27).
Tự Đức có thay đổi nhận thức và muốn cải cách, nhưng sự thay đổi này do áp lực của hoàn cảnh và cũng không có biểu hiện là một chủ trương được quán triệt mạnh mẽ, theo như thông tin sau thì ông bị thuyết phục và có ý muốn thực hiện phần nào chương trình cải cách. Nếu có “chương trình” như thế thì, như thông tin này cho biết, chỉ thực hiện nếu như người được giao thành công, nghĩa là gọi là “chương trình” nhưng đặc điểm mang tính chủ trương không rõ (có thể thông tin chưa đầy đủ cho ta đủ nhận thức về chương trình này):
“Luôn luôn nghe Trần Tiễn Thành và Phạm Phú Thứ thúc dục, vua Tự Đức quyết định thực hiện chương trình canh tân, do các nhà cải cách Công giáo cổ vũ”(28). “Mặc dù một bộ phận bề tôi âm thầm chống đối, Tự Đức áp dụng một phần chương trình canh tân, do Nguyễn Trường Tộ cổ súy. Ông mời Giám mục Gauthier và Nguyễn Trường Tộ vào Triều để ký thác một nhiệm vụ tại Pháp. Ngày 17/8/1866, hai người đến Kinh thành, và ở lại cho đến 15/9/1866”(29). Sự rối loạn chính trị sau đó khiến cho chương trình thay đổi, như thế việc ra quyết định chỉ mang tính chất may rủi, bí mật, nó không phải là kế hoạch thay đổi lâu dài. Theo Nguyễn Trường Tộ, trong Dụ tài tế cấp bẩm từ - Lục lợi từ, thì triều đình coi phương Tây “như là đồ kỳ dị, trí xảo lạ đời”.
Nhận thức về phương Tây được đưa ra ở trên, chỉ dựa vào các phát ngôn, các văn bản thể hiện nó làm dẫn liệu, nói thế vì nhiều người có thể biết và họ có tác động nhất định đến triều đình, đến nhận thức chính trị, nhưng họ không viết ra, không để lại văn bản. Tuy thế, qua đó, trên đại thể, chúng ta có thể hình dung được phần nào cái khó khăn của thay đổi tình thế lịch sử ngay từ trong nhận thức về phương Tây thời bấy giờ, và vì sao những điều trần về cải cách của Nguyễn Trường Tộ không được tính đến một cách nghiêm túc nhất để canh tân đất nước.q
Chú thích
1. Phan Ngọc: Sự tiếp xúc văn hóa Việt Nam với Pháp, Nxb Văn hóa thông tin và Viện Văn hóa, H.2006.
2. Lê Thanh Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX- Nxb Thế giới, H 2014.
3. Theo Người Pháp và người An Nam- Bạn hay thù, Tr.77: “Người ta nói rằng, khi mất, Gia Long đã nói với con: “Con ơi, hãy yêu mến người Pháp và biết ơn những gì họ làm cho chúng ta nhưng không bao giờ cho phép họ đặt chân lên vương quốc của con”.
4. Lê Thanh Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX- Nxb Thế giới, H 2014, Tr431.
5. Lê Thành Khôi, Sđd, tr.432 .
6. Lê Thành Khôi, Sđd , Tr431.
7. Lê Thành Khôi, Sđd, Tr.432.
8. Philippe Devillers: Người Pháp và người An Nam - Bạn hay thù, Ngô Văn Quỹ dịch. Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh 2006, Tr.76.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, t.4, Nxb Giáo dục, H.2007,tr.837.10 Theo Người Pháp và người An Nam- Bạn hay thù. Tr79.
11. Philippe Devillers, sđd, Tr80.
12. Philippe Devillers, sđd, Tr110.
13. Philippe Devillers, sđd, Tr111.
14. Philippe Devillers, sđd, Tr112.
15. PPhilippe Devillers, sđd, Tr76.
16. Philippe Devillers, sđd, Tr76.
17. Philippe Devillers, sđd, Tr76..
18. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb Giáo duc, H.2007, T837.
19, 20. NPhilippe Devillers, sđd, Tr.89.
21. Tsubou: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847  1885, Nxb Tri thức- H.2014, Tr327.
22. Philippe Devillers, sđd, Tr81.
23. Trần Đình Hượu: Đến hiện đại từ truyền thống, Nxb Văn hóa, H.1996, Tr48.
24. Dẫn theo Cao Xuân Huy - Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học. H.1995, Tr270.
25. Chữ của Cao Xuân Huy - Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học. H.1995, tr 270.
26. Dẫn theo Cao Xuân Huy - Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học, H.1995, Tr270.
27. Dẫn theo Tsubou: Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847- 1885, Nxb Tri thức- H.2014 Tr222-223:  “Vua đã trò chuyện với tôi hơn một giờ đồng hồ, và chỉ vì đêm đến nên vua mới chịu chấm dứt cuộc trò chuyện mà xem ra làm vua rất thích. Tôi chờ đợi những câu hỏi tầm thường mà người ta thường đặt ra trong những trường hợp tương tự. nhưng hoàn toàn không phải như vậy, vua đã tỏ ra quan tâm muốn biết về châu Âu và các quốc gia lớn ở châu Âu, vua hỏi tôi nước Pháp nhờ đâu mà hùng cường và phồn thịnh, tôi trả lời là những năng lực hàng đầu của một dân tộc là quyền tự do cá nhân và những quan hệ tự do giữa các dân tộc nữa. Câu trả lời có vẻ làm vua sửng sốt”.     
28. Trương Bá Cần, Hoạt động Ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862-1874), Nxb Thế giới. H.2011.Tr252.
29. Trương Bá Cần, sđd, Tr253.
 

Nguyễn Đức Mậu

Nguồn: Sưu tầm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây