Phó bảng Lê Doãn Nhã

Thứ tư - 03/07/2024 04:16 0

Lê Doãn Nhã (1837-1888) vốn là hậu duệ các cụ Thượng thư Lê Kính, Lê Hiệu hồi thế kỷ 16,17 và thuộc đời thứ 15 của dòng họ Lê Văn tại làng Tràng Sơn xã Quan Trường, tổng Quan Trung nay là làng Tràng Sơn xã Sơn Thành huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ thuở ấu thơ, đã nổi tiếng là người thông minh, học giỏi, ông đỗ cử nhân khoa thi Hương Đinh Mùi (1867), đỗ phó bảng khoa Tân Mùi (1871) cùng khoa với tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Tri phủ Hải Dương. Trong thời gian làm Tri phủ, bên cạnh sự mẫn cán tận tuỵ với công việc, Lê Doãn Nhã còn nổi tiếng là người liêm khiết, cương trực và hết lòng thương dân. Ngoài giờ làm việc ở huyện đường, ông thường đi xuống các làng xã tìm hiểu tình hình, thăm hỏi bà con nông dân và có khi bỏ tiền cứu giúp những gia đình gặp hoạn nạn.

Thời gian ông làm quan ở đây không lâu (ước độ 5-6 năm) nhưng tình hình xã hội sớm được ổn định, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân no ấm, việc học hành được chú trọng, trường lớp được mở mang , nhân dân rất vui mừng. phấn khởi.  Những năm mất mùa đói kém, ông còn yêu cầu quân lính bớt gạo giúp dân cứu đói, đồng thời thảo sớ tâu về Triều đình đề nghị giảm bớt sưu thuế cho dân… Những việc làm nhân đạo đó của Lê Doãn Nhã được nhân dân Hải Dương hết lòng biết ơn, kính trọng và ca ngợi, coi ông là  quan phụ mẫu luôn biết che chở cứu giúp dân.


Nhà thờ Lê Doãn Nhã ở xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, Ảnh nguồn https://sonthanh.yenthanh.nghean.gov.vn/

Chuyện kể rằng hồi ông mới về nhận chức ở Hải Dương, có một vị lý trưởng mang đến biếu một túi tiền cùng một con cò trắng và hỏi ông:
-  Ở quê quan lớn thịt cò nấu với gì ngon nhất ?
Có người nói khế, có người nói măng… nhưng ông chưa vội trả lời. Đoán biết ý đồ của tên lý trưởng, đem tiền đút lót quan trên lại dùng con cò trắng để muốn nói là: con cò sẽ mổ vào mắt nếu ông lấy tiền của họ. Hãy còn bằng chứng là lông con cò đó.  Đoán biết được âm mưu, Lê Doãn Nhã bèn sai lính chặt cho mấy chiếc  roi mây để sẵn. Rồi ông mới trả lời:
- Ở quê tôi thịt cò thường nấu với roi mây.
 Nói rồi ông cho lính nọc tên lý trưởng ra, lấy roi mây đánh 3 roi và bảo:
- Lần sau không được giở trò kiểu đó nữa. Nếu không ta sẽ cách chức nhà ngươi.
Sau đó ông lấy số tiền sai quân lính đem phân phát cho dân nghèo các làng ở gần . Chỉ ít ngày sau câu chyện lan ra khắp vùng; nhân dân trong phủ rất khâm phục và ông được nhân dân địa phương vô cùng kính trọng, tôn quý như một vị quan công minh chính trực. Mấy năm sau khi biết tin Triều đình điều ông vào Huế, nhân dân vô cùng luyến tiếc. Nhiều người đến phủ mời ông ở lại và có tổng huyện còn gửi đơn vào Triều xin cho ông được tại chức nhưng không được chấp nhận.
Trở về kinh đô làm việc, Lê Doãn Nhã tưởng sẽ đem tài trí của mình phụng sự Nhà vua và đất nước nhưng không bao lâu, ông đã tỏ ra thất vọng. Lúc này thực dân Pháp đang đặt ách thống trị trên khắp đất nước Việt Nam, vua quan nhà Nguyễn vẫn mang tư tưởng chủ hòa, phần lớn chỉ lo ăn chơi truỵ lạc, không chú ý đến việc chống giặc cứu nước. Nhân dân đói khổ, sưu cao, thuế nặng, phu đài tạp dịch liên miên… vì thế dân tình oán giận triều đình. Lê Doãn Nhã lại dâng sớ lên Nhà vua tố cáo bọn tham nhũng với mong muốn Triều đình có luật pháp nghiêm minh sáng suốt để trừng trị bọn quan tham và có biện pháp cứng rắn đối phó với bọn Thực dân.
Vốn là người có tài, sống liêm khiết, luôn hết lòng vì  dân vì nước, những việc khó  Triều đình  giao cho ông đều hoàn thành tốt. Vì thế, ông được phần lớn các quan trong triều nể trọng, quý mến và họ còn ca ngợi là ông quan vừa đẹp tính, vừa đẹp người. Vua Tự Đức cũng đã có lần khen ngợi ông.
Mấy năm sau ở miền tây Nghệ An, do mất mùa đói kém ,sưu cao thuế nặng nên đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, nhiều nơi trộm cướp nổi lên cướp phá, nhân dân phản kháng …nên Triều đình đã cử Lê Doãn Nhã về Nghệ An làm phó, giúp Chánh Sơn phòng sứ Nguyễn Tài Tuyến ổn định vùng biên cương đang có biến loạn.  
Được về với miền tây Nghệ An ông rất mừng và cũng sớm nhận ra nguyên nhân nổi loạn là do bọn xấu xúi giục, do đời sống nhân dân đói khổ. Vì vậy một mặt ông chủ trương xây dựng khối đoàn kết giữa người Kinh và người Thượng,  Mặt khác ông cũng phối hợp với các quan chức địa phương huy đông nhân dân làm đường sá giao thông, tạo điều kiện cho người dân trao đổi hàng hóa và cho phép dân miền xuôi đưa muối và các hàng hải sản lên buôn bán mà không phải nộp thuế. 
Cùng với đó, bọn phỉ cũng được ông cảm hóa, giáo dục trở lại làm ăn lương thiện và chỉ trong một thời gian ngắn, đời sống nhân dân trong vùng được ổn định. Ông được dân bản quý mến, coi như già làng. Tiếng lành đồn xa, một số vị quan trong triều vốn nể trọng ông, đã đề nghị Nhà vua phong cho ông chức Chánh sơn phòng sứ thay Nguyễn Tài Tuyển. 

Ảnh tư liệu

Với tấm lòng yêu nước nồng nàn, hàng ngày ông vẫn giành thời gian đọc các sách binh thư binh pháp đồng thời luôn theo dõi tình hình cũng như âm mưu của bọn thực dân Pháp và cho người liên hệ với tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn.  Mặt khác ông vẫn âm thầm huấn luyện đạo quan được Triều đình cho phép thành lập để tuần tra biên giới rồi từng bước biến Sơn phòng sứ của Nam triều thành căn cứ  chống Pháp.  Cùng với công việc huấn luyện ông còn cho quân lính khai hoang, tích trữ lương thực, sắm sửa vũ khí.
Những lúc có thời gian rảnh ông còn đến nhiều bản làng kể tội giặc Pháp, thuyết phục hô hào nhân dân các dân tộc đoàn kết chống giặc cứu nước. Những thủ lĩnh người Thượng như Lang Văn Út cùng các thanh niên giỏi võ nghệ như Lang Văn Xa, Lang Văn Thông... đã tự nguyện đến với ông và cùng ông bàn tính việc nước
Công việc chuẩn bị đã được chu đáo, Lê Doãn Nhã đã cùng với Lang Văn Út quyết định làm lễ Duyệt binh xuất quân và bất ngờ tấn công tiêu diệt đồn Dừa (nay thuộc xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn). Dưới sự chỉ huy tài tình và mưu lược của Lê Doãn Nhã, cùng với tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa quân, sau hơn hai giờ chiến đấu Đồn Dừa đã hoàn toàn bị san phẳng. Chiến thắng Đồn Dừa đã làm nức lòng nghĩa quân và củng cố lòng tin cho nhân dân.
 Sau chiến thắng Đồn Dừa ông quyết định đưa quân về miền xuôi hợp lực với nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn để đủ lực lượng đương đầu với thực dân Pháp và tay sai. Sau đó không lâu tháng 9 năm 1885 bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa Đồng Thông được thành lập. Bên cạnh chủ tướng Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã được cử làm Phó tướng, Các vị cử nhân: Trần Quang Diệm, Đinh Nhật Tân, tiến sĩ Nguyễn Nguyên Thành… được cử làm Tán tương quân vụ, cùng các thủ lĩnh được phong chức Đề, Đốc, Hiệp quản khác…
Ngay từ buổi đầu  nghĩa quân đã đánh các trận phục kích hiệu quả ở Yên Lý, ở Cầu Bùng, sau đó là các trận bao vây diệt viện ở Cửa Lộng, Đồng Mờm, Tràng Thành….trong đó có trận Bảo Nham, trận Truông Lứng… do ông chỉ huy đã làm cho kẻ thù bao phen khốn đốn. Năm 1887, nghĩa quân còn đánh nhau với giặc mấy trận ở vùng Đình Sừng, Đình Mọ… thuộc vùng Tây bắc huyện Yên Thành.
Nhưng rồi sang năm 1887, do bị đàn áp khốc liệt, phong trào Cần  vương cả nước có phần lắng xuống, quân Pháp có điều kiện dồn lực lượng để đàn áp khởi nghĩa Đồng Thông. Đầu tháng 7 năm 1887 ở trân Xóm Hố chủ tướng  Nguyễn Xuân Ôn bị thương và bị bắt, địch tập trung đánh vào căn cứ Đồng Thông, các cánh quân phải phân tán hoặc kéo lên miền núi. Lê Doãn Nhã kéo quân bản bộ trở lại vùng rừng núi Anh Sơn, Con Cuông tiếp tục chiến đấu thêm một thời gian.
Khi phong trào Cần vương bị đàn áp, người ta không biết ông đi đâu. Có tin nói ông đưa cả vợ con sang Lào rồi sang Thái Lan xây dựng lực lượng. Nhưng theo sách: Từ điển nhân vật Xứ Nghệ của cố PGS. Ninh Viết Giao thì ông bị địch truy bắt trong rừng sâu và bị sát hại vào đầu năm 1888.
Cuộc khởi nghĩa Đồng Thông chỉ tồn tại trong vòng 3 năm với hàng chục trận quyết chiến với kẻ thù nhưng đã làm cho thực dân Pháp và tay sai phải khiếp sợ trước sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân. Tên tuổi Phó bảng Lê Doãn Nhã một vị quan yêu nước thương dân, Phó chỉ huy nghĩa quân Đồng Thông, người  đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp chống Pháp giải phóng dân tộc vẫn ngời sáng bên cạnh các tấm gương yêu nước khác như Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn… gắn liền với phong trào Cần vương, một giai đoạn lịch sử hào hùng của đất nước.



 














 

 



        
 

Nguyễn Tâm Cẩn

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây