Báu vật của một dòng họ

Thứ năm - 04/07/2024 03:31 0
Báu vật của một dòng họ

Tại nhà thờ họ Nguyễn làng Ngọc Điền khối 3 thị trấn Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An hiện đang lưu giữ một kỷ vật quý giá. Đó chính là đôi câu đối mà nhà yêu nước - chí sỹ Phan Bội Châu tặng cho cụ Nguyễn Mộng Lý từ những năm 30 của thế kỷ trước.
Tiếp chúng tôi trong tâm trạng phấn khởi lạ thường, Ông Nguyễn Văn Đôi - tộc trưởng họ Nguyễn chi Ngọc Điền vồn vã kể chuyện về đôi câu đối rồi tới bàn thờ xin phép gia tiên cho chúng tôi được xem tận mắt vật gia bảo này. Giống như các bộ liễn đối khác, đôi câu đối được tạo trên chất liệu gỗ màu đen tuyền, bên trên bề mặt là những chữ Hán được khắc nổi theo lối chữ Khải chân phương được thếp vàng rất trang nhã và uyển chuyển. Bốn góc xung quanh mỗi câu đối được trang trí hoa văn đẹp mắt. Liễn đối cao khoảng 2m, rộng khoảng 30cm. Trên mỗi vế gồm 16 chữ Hán được trang trí cân đối ở giữa thể hiện nội dung câu đối. Ngoài ra ở mỗi vế còn có các dòng lạc khoản gồm 12 chữ Hán viết nhỏ hơn ghi mốc thời gian viết câu đối cũng như những nhân vật và sự kiện có liên quan.

Câu đối cụ Phan tặng cụ Nguyễn hiện đang lưu giữ tại nhà thờ họ Nguyễn chi Ngọc Điền

Chúng tôi xin được ghi lại chữ Hán, phiên âm và tạm dịch nghĩa như sau: 
靜如淵動如雷進如風止如山吾將安望
南曆乙亥冬潘巢南先生賜敬
智欲圓行欲方膽欲大心欲小君諳勿忘
南曆壬午冬後生阮夢李謹誌
Phiên âm
Tĩnh như uyên, động như lôi, tiến như phong, chỉ như sơn, ngô tương an vọng. (Nam lịch Ất Hợi đông, tiên sinh Phan Sào Nam tứ giáo).
Trí dục viên, hành dục phương, đảm dục đại, tâm dục tiểu, quân am vật vong. (Nam lịch Nhâm Ngọ đông, hậu sinh Nguyễn Mộng Lý cẩn chí).
Tạmdịch:
Tĩnh lặng như vực sâu, vang động như sấm rền, tiến tới như gió cuốn, dừng lại như núi cao, tôi luôn mong thế. (Mùa đông năm Ất Hợi, tiên sinh Phan Sào Nam tặng).

Trí tuệ mong trọn vẹn, việc làm mong tròn đầy, gan dạ mong lớn lao, lòng riêng mong nhỏ lại, anh nhớ đừng quên. (Mùa đông năm Nhâm Ngọ, hậu sinh Nguyễn Mộng Lý kính cẩn khắc chữ).
Đây là đôi câu đối không chỉ thể hiện tình cảm tâm giao giữa hai nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ mà nó còn mang tính lịch sử. Người được cụ Phan tặng câu đối là cụ Nguyễn Mộng Lý. Cụ Nguyễn sinh năm 1890 mất năm 1982 tại làng Ngọc Điền huyện Hưng Nguyên. Cụ nổi tiếng là người thông minh, khảng khái, ngang tàng. Cụ là con trưởng (nên dân gian gọi là “Hùng”), sau khi dự cuộc thi nói về cảnh vật trong tỉnh và đỗ đầu nên mọi người thường gọi cụ là Đầu xứ Hùng. Cụ lớn lên trong hoàn cảnh đất nước rơi vào tay Thực dân Pháp, chế độ khoa cử chữ Hán đã bị bãi bỏ. Vốn là người giàu lòng yêu nước thương dân và khinh gét bọn tay sai cho giặc nên cụ kết giao với nhiều chí sĩ đang hoạt động trong các phong trào yêu nước lúc bấy giờ. Trong đó cụ rất thân thiết với cụ Phan Bội Châu mặc dù kém cụ Phan những 23 tuổi. Trong những năm 1923-1924, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với một số đồng chí đồng hương Nghệ An như Lê Thiết Hùng, Phạm Văn Tích (tức Phạm Hồng Thái), Lê Hồng Sơn… tổ chức đoàn học sinh xuất dương ra nước ngoài. Cụ Nguyễn Mộng Lý cũng là một trong những thành viên tích cực tán thành nhưng sau đó vì nặng nợ gia đình nên cụ từ bỏ ý định xuất dương và quay trở về sống vui vầy trong cảnh thanh bần với quê hương.


Lạc khoản ghi câu đối do cụ Phan Bội Châu tặng vào năm 1935

Khi cụ Phan Bội Châu bị an trí ở Huế, cụ Nguyễn Mộng Lý có vào ở với cụ Phan một thời gian ở dốc Bến Ngự. Trong những ngày ở Huế, hai cụ vẫn thường xuyên theo dõi các phong trào yêu nước đang diễn ra trên khắp cả nước. Câu đối kể trên được cụ Phan viết tặng cụ Nguyễn năm Ất Hợi tức năm 1935. Ta để ý rằng trong đôi câu đối kể trên thể hiện tâm tư ý chí của người tặng đối với người được tặng rất rõ rệt. Vế đầu cụ Phan nói về những mong muốn và thể hiện quan điểm ý chí của bản thân mình, còn vế sau cụ Phan muốn nhắc nhở cụ Nguyễn phải có nhiều cố gắng hơn, đặc biệt là: “gan dạ mong lớn lao, lòng riêng mong nhỏ lại, anh nhớ đừng quên”. Qua đây ta thấy được cụ Phan có ý thầm trách cụ Nguyễn đã không dám bỏ qua những trách nhiệm gia đình để cùng các nhà yêu nước xuất dương hoạt động cách mạng. “Tuy nhiên, hai cụ vốn là hai người bạn thân thiết từ trước, lại là những chí sỹ nên những lời trên có thể có thầm ý trách cứ nhưng không vì thế mà tự ái” - ông Nguyễn Văn Đôi cho biết.  


Lạc khoản ghi câu đối do cụ Nguyễn Mộng Lý khắc lại vào năm 1942

Đôi câu đối này được cụ Nguyễn đem vê quê hương và lưu giữ như một kỷ vật. Cho tới năm Nhâm Ngọ tức năm 1942, sau khi cụ Phan mất hai năm thì cụ Nguyễn cho khắc đôi câu đối này lên gỗ để lưu giữ được tốt hơn. Nhìn vào đôi câu đối được khắc lại trên gỗ chúng ta thấy cụ Nguyễn xem đôi câu đối này như một lời giáo huấn của cụ Phan, thể hiện tìm cảm tâm giao, thân hữu của những chí sĩ yêu nước xứ Nghệ lúc bấy giờ.
Trải qua hơn 70 năm tới nay, đôi câu đối ngày nào vẫn đang được
con cháu dòng họ Nguyễn chi Ngọc Điền lưu giữ như một báu vật và đặt ở một nơi trang trọng nhất trong nhà thờ họ. Đây là di vật quý giá của tiền nhân cần phải được bảo tồn và phát huy để giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.



 

Tử Quang

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây