Xu hướng biến đổi xã hội vùng dân tộc thiểu số dưới tác động của công tác dân tộc

Chủ nhật - 07/07/2024 21:48 0
Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc được Thủ tướng Chính phủ ký ngày 14/01/2011 (sau đây gọi tắt là Nghị định 05) là văn bản chính sách quan trọng, tác động mạnh mẽ đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là rất sâu sắc và toàn diện. Cùng với các chính sách dân tộc khác, sau gần một thập kỷ rưỡi đi vào cuộc sống, Nghị định 05 đã và đang lan tỏa những giá trị to lớn đối với đời sống người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực thì vẫn còn một số hạn chế cần phải xem xét, bổ sung và sửa đổi cho phù hợp với sự biến chuyển của cuộc sống đang ngày càng nhanh hơn, mạnh hơn. Trong đó, nhiều mối quan hệ dân tộc, quan hệ xã hội vùng dân tộc thiểu số mới xuất hiện và đang ngày càng trở thành vấn đề cần phải giải quyết. Nhận thức về xu hướng biến đổi xã hội vùng dân tộc thiểu số là một vấn đề quan trọng và cần thiết phải thảo luận trong bối cảnh việc thực hiện công tác dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn.   
Quan hệ giữa người được thụ hưởng và người không được thụ hưởng chính sách
Nghị định 05 phân biệt rõ ràng về các nhóm khác nhau trong các dân tộc thiểu số. Theo đó, trong các dân tộc thiểu số thì còn có nhóm là các “dân tộc thiểu số rất ít người” để phân biệt với các dân tộc thiểu số nhiều người hơn. Hay việc đưa ra nhóm “dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt” với 3 tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo, về chỉ số phát triển và chỉ số về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, để phân biệt với nhóm các dân tộc thiểu số có khó khăn (nhưng chưa khó khăn đặc biệt). Cách phân biệt này là cơ sở để Trung ương lẫn địa phương xây dựng các chính sách cụ thể khác như các chính sách về hỗ trợ phát triển dành cho các dân tộc thiểu số rất ít người, các chính sách dành cho các dân tộc thiểu số có điệu kiện khó khăn đặc biệt.

https://storage-vnportal.vnpt.vn/nan-ubnd/1/1525/oldimg/201705/f50c84804115613e9981fbb11ea61385/thai2.jpg
Ảnh nguồn: https://bdt.nghean.gov.vn/

Sự phân chia đối tượng như vậy có giá trị rất lớn trong việc tập trung các nguồn lực để đầu tư có trọng điểm, mà trong chính sách dân tộc là cố gắng hỗ trợ nhiều nhất cho nhóm các dân tộc thiểu số rất ít người và các dân tộc thiểu số có khó khăn đặc biệt. Đây hầu hết là các cộng đồng có tỷ lệ nghèo đói cao, khó tiếp cận các nguồn lực phát triển và đối diện với nhiều nguy cơ mai một về văn hóa. Nhưng khi có sự phân biệt rõ ràng như vậy để xây dựng chính sách thì cũng sẽ xuất hiện các nhóm có quan hệ chặt chẽ với các nhóm này nhưng không được hay ít được thụ hưởng các ưu đãi từ chính sách hỗ trợ.
Phổ biến nhất và dễ nhận thấy nhất là các quan hệ xã hội liên quan đến vấn đề chính sách hộ nghèo. Trong nhiều năm trở lại đây, nhà nước rất coi trọng việc hỗ trợ các hộ nghèo, đặc biệt là hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số để giúp người dân cải thiện cuộc sống, cũng như là một chiến lược để ổn định xã hội, hạn chế bất bình đẳng trong đời sống kinh tế. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ cũng làm cho “hộ nghèo” trở thành một thứ tài sản, một thứ lợi ích mà nhiều người tranh giành lẫn nhau. Và đây là một vấn đề phổ biến gần như cả nước chứ không chỉ vùng dân tộc thiểu số. Năm 2019, chúng tôi về khảo sát về chính sách hỗ trợ dành cho các hộ nghèo ở một buôn thuộc một địa phương ở huyện Lak, tỉnh Đak Lak, chúng tôi được chứng kiến những ý kiến trái chiều từ nhiều người liên quan đến vấn đề hộ nghèo. Sinh sống ở vùng này có nhiều dân tộc, trong đó có các nhóm người thuộc dân tộc Mnông còn rất khó khăn. Vậy nên tỷ lệ hộ nghèo ở đây cũng khá cao. Và khi các chính sách dành cho hộ nghèo được thực hiện thì mỗi buôn thường có mươi lăm đến vài chục hộ thuộc diện hộ nghèo sẽ được hỗ trợ về nhiều thứ theo quy định của Nhà nước. Và cũng từ đó mà nhiều vấn đề liên quan đến quan hệ xã hội giữa người được hưởng thụ và người không được hưởng thụ nẩy sinh. Trước hết là những gia đình đang được hưởng chế độ hộ nghèo thì cho rằng họ xứng đáng và những người khác ý kiến vì ghen gét, đố kỵ và đặt điều rằng họ vì thân với cán bộ mà được nhận hộ nghèo. Có người sau nhiều năm nhận chế độ hộ nghèo nhưng không chịu thoát nghèo, đến khi chính quyền không cho nữa thì lại xin xỏ. Còn với nhiều hộ chưa được nhận hộ nghèo thì họ lại cho rằng do buôn và xã làm không minh bạch. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế giàu hơn họ nhưng vẫn được hộ nghèo còn họ thì không. Rồi họ nói rằng do cán bộ thôn không công bằng, giúp đỡ cho anh em, họ hàng được nhận chế độ hộ nghèo. Thậm chí có người còn bảo muốn được hộ nghèo phải mời cán bộ đi ăn uống hay đến tặng quà cho cán bộ mới được giúp đỡ. Còn cán bộ buôn làng, khi nói đến chuyện này đều cho rằng người dân tham lam quá. Hộ nghèo được bình xét và chấm điểm công khai nên phải chấp nhận. Ai được nhận chế độ thì phải cố gắng để thoát nghèo và nhường chế độ cho gia đình khác khó khăn hơn. Rõ ràng, lợi ích giữa các nhóm này khác nhau nên quan hệ xã hội cũng có những rạn nứt. Và nhiều khi người ta còn quan tâm đến chuyện này hơn là cả những giá trị to lớn mà các chính sách đã đưa lại cho nhiều gia đình thật sự nghèo khó.  
Quan hệ giữa dân tộc thiểu số và dân tộc thiểu số rất ít người
Trong Nghị định 05 đã phân biệt rõ các dân tộc thiểu số và các dân tộc thiểu số rất ít người. Trước đó, sự phân định này không quá rõ ràng và sâu sắc. Nhưng vì để tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ trong xây dựng chính sách dân tộc nên Nghị định đã đưa ra sự phân biệt rõ ràng theo quy mô dân số. Và sau đó, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển dành cho các dân tộc thiểu số cả từ Trung ương lẫn các địa phương đã được xây dựng. Nhưng cũng từ đó nẩy sinh ra các mối quan hệ dân tộc, quan hệ xã hội giữa các dân tộc thiểu số và các dân tộc thiểu số rất ít người. Về cơ bản, đây cũng là một sự biểu hiện của quan hệ giữa các nhóm được hưởng thụ chính sách và các nhóm không được hưởng thụ chính sách. Nhưng lại là các mối quan hệ liên tộc người chứ không chỉ trong cùng một dân tộc như đã xem xét ở phần trên. Khi các dân tộc thiểu số rất ít người được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ nhiều thì quan hệ giữa họ với các cộng đồng dân tộc khác sống cạnh họ hay có liên quan với họ cũng có những biến đổi.

https://file1.dangcongsan.vn/data/0/images/2021/08/19/duongntcd/4-trang-phuc-o-du.jpg?dpi=150&quality=100&w=780
Người Ơ Đu, bản Vang Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, giới thiệu Lễ mừng tiếng sấm, một đặc trưng văn hoá của dân tộc mình. (Ảnh: nguồn https://dangcongsan.vn/)

Trong Nghị định 05 khái niệm các dân tộc thiểu số rất ít người là các dân tộc có dân số dưới 10.000 người. Và nhiều chính sách đã được Đảng và Nhà nước xây dựng và thực hiện để giúp đỡ cho nhóm này phát triển mạnh hơn nhằm theo kịp các nhóm khác. Sau đó có nhiều chính sách liên quan đến nhóm này được ban hành. Quan trọng nhất là Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 10 năm 2016 về việc Phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025”; Mục tiêu cơ bản của chính sách này là “Duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các dân tộc thiểu số rất ít người, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của các đồng bào dân tộc rất ít người, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc” (Chính phủ nước CHXHCNVN 2016, trang 1-2). Và đây là nền tảng cho các địa phương có người dân tộc thiểu số rất ít người sinh sống xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển cụ thể cho nhóm đối tượng này.
Để thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/10/2016, ngày 22/8/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã ra Quyết định số 3829/QĐ-UBND Phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016-2025. Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của họ; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu. Cố gắng để đến năm 2025, đời sống của người dân theo kịp được các cộng đồng xung quanh. Qua mấy năm thực hiện, đề án này đã rải ngân gần ba mươi tỷ đồng để hỗ trợ cho gần một trăm hộ gia đình ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương). Gần 80 hộ gia đình được xây dựng chuồng bò hiện đại và cấp cho 4 con bò để chăn nuôi. Bên cạnh đó là đầu tư trồng cỏ, mua máy xay thức ăn và khoan giếng để có nguồn nước…. Điều đó thổi vào người Ơ Đu một luồn gió mới về phát triển kinh tế. Nhưng nó cũng làm thay đổi các mối quan hệ giữa họ với những dân tộc xung quanh. Người Ơ Đu xưa nay sống chung với người Thái và người Khơ Mú. Họ có quan hệ khăng khít với hai dân tộc này cả về địa bàn cư trú, hoạt động kinh tế, văn hóa và đặc biệt là quan hệ hôn nhân. Họ sống gắn bó và chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống. Nhưng từ khi người Ơ Đu nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước thì người Thái và người Khơ Mú cũng có suy nghĩ khác. Họ cho rằng việc định danh tộc người để hưởng thụ chính sách là không xác đáng. Năm 2019, khảo sát tại bản Côi (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương), nơi có cả người Thái, người Khơ Mú và người Ơ Đu cùng sinh sống, thì chúng tôi nhận được ý kiến phản ứng rằng: “Chúng tôi cùng canh tác trên một cánh rừng, cùng uống nước chung một con suối, và cùng nghèo khổ như nhau. Nhưng giờ tại sao người Ơ Đu lại nhận được những sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước, còn người Thái, người Khơ Mú ở đây lại không được gì?”. Đây là một ý kiến cần được thảo luận nghiêm túc bởi nó cho thấy đã có tâm lý bài trừ và cảm nhận bất bình đẳng về dân tộc trong sự hưởng thụ chính sách.
 Quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp
Trong Nghị định 05 có nhiều nội dung quan trọng nhấn mạnh đến việc phát triển kinh tế thị trường, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường cũng như bảo tồn các di sản văn hóa. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng thị trường thì các doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng và càng ngày họ càng có vị trí trong nền kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số. Và trong Nghị định cũng nhấn mạnh đến việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số: “Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số; ưu tiên đặc biệt đối với dân tộc thiểu số rất ít người và vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; chú trọng việc đào tạo nghề, sử dụng lao động là người tại chỗ, đảm bảo thu nhập ổn định, xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng khác” (khoản 2, điều 9). Sự xuất hiện của các doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ của người bản địa hay người từ nơi khác đến, cũng ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong phân chia lợi ích, phân công lao động hay khai thác, quản lý các nguồn tài nguyên.
Các doanh nghiệp lớn sẽ ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến kinh tế vùng dân tộc thiểu số qua việc chi phối đến các nguồn tài nguyên quan trọng. Chúng ta từng chứng kiến Tây Nguyên thay đổi khi các tập đoàn kinh tế đầu tư vào phát triển cây công nghiệp từ cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè,…. Và càng ngày, mối quan tâm của nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến việc đầu tư phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số càng tăng lên. Sự đầu tư này tập trung vào việc thuê, mua đất đai ở vùng dân tộc thiểu số để phát triển một số lĩnh vực như chăn nuôi trang trại, trồng cây công nghiệp, khai thác chế biến thuỷ hải sản, khai thác các loại dược liệu, đầu tư thuỷ điện,…. Qua đó họ cũng kiểm soát nguồn tài nguyên quan trọng là đất, rừng và nguồn nước. Thuỷ điện ảnh hưởng đến đời sống người dân tộc thiểu số như thế nào thì truyền thông, báo chí và các nhà nghiên cứu đã đề cập đến rất nhiều. Nhưng gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào một số lĩnh vực mới ở vùng dân tộc thiểu số như thành lập trang trại chăn nuôi trên quy mô lớn (như chăn nuôi bò sữa gắn với trồng cỏ để nuôi bò), xây dựng các xí nghiệp khai thác, trồng và chế biến dược liệu. Bên cạnh đó là trồng cây công nghiệp lâu năm. Những hoạt động của các tập đoàn kinh tế lớn tại vùng dân tộc thiểu số ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống kinh tế xã hội của người dân. Về mặt tích cực, họ tạo ra công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống. Qua các hoạt động sản xuất và kinh doanh, các doanh nghiệp lớn cũng tạo điều kiện để cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin ở địa phương, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động kinh tế. Về mặt tiêu cực của vấn đề cũng không nhỏ. Các doanh nghiệp lớn thông qua thu mua hay thuê đã kiểm soát được các tài nguyên quan trọng khiến cho nguồn lực tài nguyên của người dân lại bị hạn hẹp thêm.
Trong khi đó, các danh nghiệp nhỏ và các nhóm sản xuất sẽ vươn lên và có vị thế nhất định trong nền kinh tế vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, chưa có số liệu chính thức về số lượng các doanh nghiệp nhỏ ở vùng dân tộc thiểu số nhưng có thể ước tính có hàng vạn doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại các vùng này. Bởi theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết chỉ 3 tháng đầu năm 2019, riêng khu vực trung du và miền núi phía Bắc có 1074 doanh nghiệp mới thành lập, khu vực Tây Nguyên có 753 doanh nghiệp mới. Như vậy có thể thấy theo từng năm có hàng ngàn doanh nghiệp mới được thành lập ở vùng dân tộc thiểu số. Mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ (vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng). Trước đây, chủ các doanh nghiệp chủ yếu là người Kinh nhưng hiện nay, số lượng người dân tộc thiểu số đứng ra thành lập doanh nghiệp đang ngày càng tăng lên. Hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ làm thay đổi nhanh chóng đời sống kinh tế xã hội của người dân tộc thiểu số. Xin phân tích một ví dụ về hoạt động của Công ty Cổ phần khai thác các sản phẩm bản địa Sa Pa ở xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đây là một doanh nghiệp do những người Dao Đỏ đứng ra thành lập và quản lý. Họ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh thuốc tắm Dao Đỏ, một sản phẩm được điều chế từ nguồn vốn tri thức dân gian về y học của người Dao mà hiện nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng. Hiện nay, mỗi năm công ty này đã sản xuất ra hàng vạn chai thuốc tắm cung cấp cho thị trường tại chỗ để phục vụ du khách cũng như ở các nơi khác như thị trấn Sa Pa, thành phố Lào Cai, Hà Nội, nhiều tỉnh thành khác trong nước cũng như một số điểm ở Lào, Thái Lan. Nguồn thu hàng năm của công ty đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Điều đáng nói là công ty này đã tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của công ty cũng làm cho nguồn nguyên liệu thuốc tắm ở địa phương bị cạn kiệt. Quy trình sản xuất thuốc tắm là từ tri thức dân gian của cộng đồng nên việc đăng ký bản quyền thương mại sẽ gây ra những xung đột lợi ích giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Nhiều người dân bản địa ở đây đã lo lắng về những vấn đề này nhưng chưa tìm ra được hướng nào để giải quyết.
Về cơ bản, quan hệ giữa người bản địa và các chủ doanh nghiệp là quan hệ hợp tác. Doanh nghiệp đưa lại công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều người dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vật chất cho người bản địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nằm giữ nhiều quyền lợi hơn trong việc kiểm soát các nguồn tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn mà người dân bản địa lại là những người hứng chịu hậu quả. Vậy nên cũng khó tránh khỏi những xung đột, mâu thuẫn xã hội giữa các nhóm này.
Quan hệ giữa người làm việc tại địa phương với những người đi làm ăn xa
Trong Nghị định 05 có nhiều nội dung liên quan đến đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ vùng dân tộc thiểu số. Các chính sách phát triển cụ thể cũng đưa ra các mô hình nhằm thu hút lao động tại chỗ để làm việc mà không phải đi xa quê. Tuy nhiên, một thực tế là trong nhiều năm qua, việc lao động vùng dân tộc thiểu số di cư đến các đô thị lớn, các khu công nghiệp ở Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng phụ cận là rất phổ biến. Đi khảo sát ở các làng bản vùng dân tộc thiểu số cũng có thể thấy phần lớn thanh niên ở đó lựa chọn con đường đi làm công nhân ở các công ty, doanh nghiệp ở các đô thị hơn là ở lại quê nhà sinh sống. Và điều đó cũng hình thành mối quan hệ giữa những người đi làm ăn xa quê với những người đang sinh sống tại quê nhà. Xin thảo luận thêm một chút về mối quan hệ giữa các nhóm này ở Nghệ An, một địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống ở vùng miền núi, và gần đây, nhiều người đã di cư xuống Vinh để lập nghiệp và kiếm sống.
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thì tính đến ngày 1/4/2019, số người dân tộc thiểu số có hộ khẩu cũng như đăng ký tạm trú tại Vinh là 2808 người, gồm 1058 nam và 1750 nữ. Hầu như tất cả những phường xã ở Vinh đều có người dân tộc thiểu số sinh sống. Những người dân tộc thiểu số tập trung đông đảo ở một số phường xã như phường Hà Huy Tập có 624 người, phường Trung Đô có 378 người, phường Bến Thuỷ có 221 người, phường Trường Thi có 195 người, phường Hưng Dũng có 195 người, phường Hưng Phúc có 102 người, xã Nghi Ân có 434 người, xã Hưng Lộc có 163 người… Quá trình trải nghiệm cuộc sống đô thị của những người dân tộc thiểu số là nhân tố quan trọng quyết định đến sự lựa chọn sinh kế cũng như chiến lược tồn tại và cả sự ứng xử của họ với xã hội đô thị lẫn xã hội truyền thống của họ ở quê nhà. Họ luôn củng cố mối quan hệ đó qua việc tái đầu tư cho sinh kế gia đình ở quê. Những người đi làm ở Vinh đã đóng góp một nguồn tài chính quan trọng để tái thiết quê hương, phát triển kinh tế gia đình. Không chỉ vậy, họ còn là cầu nối giao lưu giữa địa phương với đô thị thông qua mạng lưới xã hội của họ. Họ sẵn sàng đưa các con em ở quê xuống Vinh để tìm kiếm sinh kế nếu có nhu cầu. Đó chính là sức mạnh của mạng lưới xã hội mà nếu không có những người di cư đi trước thì khó có thể đạt được. Tuy nhiên, về văn hóa, những người dân tộc thiểu số ở Vinh luôn sống giữa hai làn văn hóa đan xen nhau là văn hóa truyền thống của tộc người mình và văn hóa hiện đại ở xã hội đô thị. Một mặt, họ cố gắng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của tộc người mình. Thậm chí tìm cơ hội để phát huy giá trị kinh tế của các di sản văn hóa truyền thống tộc người. Mặt khác, họ cũng là những nhân tố quan trọng trong tiếp biến văn hóa giữa địa phương với bên ngoài. Không chỉ vậy, những người dân tộc thiểu số ở Vinh cũng có những thay đổi về mặt thực hành văn hóa truyền thống.
Qua đó cho thấy, mối quan hệ giữa những người đi làm ăn xa quê và những người sinh sống ở quê luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Người đi làm xa gửi tiền về để xây dựng quê hương, phát triển kinh tế gia đình. Còn người ở lại quê cũng tạo động lực và hậu phương cho người đi xa. Nhưng nó cũng là tác nhân cho sự đẩy mạnh giao lưu văn hóa. Không phải ai đi xa quê về vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống và được mọi người ở quê đón nhận. Nó là nguyên nhân hình thành các nhóm xã hội nhỏ với các giá trị khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau ở vùng dân tộc thiểu số.
Kết luận
Qua quá trình phân tích các mối quan hệ dân tộc, quan hệ xã hội mới xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số như trên, chúng tôi đưa ra một số gợi mở trong việc định hướng xây dựng chính sách dân tộc trong giai đoạn sắp tới. Với mục tiêu là kiến tạo hệ thống chính sách kịp thời và phù hợp để quản lý các mối quan hệ xã hội cũng như sự vận động phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số một cách hiệu quả.
Trước hết, cần phân tích các bên liên quan trong các dự án, chính sách cụ thể một cách nghiêm túc và khoa học. Phân tích các bên liên quan để xác nhận rõ đối tượng được hưởng lợi ích, đối tượng chịu tác động tiêu cực và đối tượng trung tính, đối tượng tác động trực tiếp và đối tượng tác động gián tiếp. Sự phân tích cụ thể như vậy sẽ giúp cho việc xây dựng chính sách vừa tập trung được nguồn lực vào cho đối tượng cần được hỗ trợ, vừa đảm bảo sự hạn chế tối đa tác động tiêu cực tới các nhóm khác. Qua đó tạo ra sự hài hòa lợi ích, tránh được những mâu thuẫn giữa các bên liên quan trong quá trình phát triển.
Thứ hai là cần thực hiện tham vấn cộng đồng thật nghiêm túc khi tiến hành xây dựng chính sách hỗ trợ, phát triển. Các chính sách từ trên xuống không tránh khỏi những vấn đề sai lệch, khó thể hiện được hết các nguyện vọng của người dân, là chủ thể nhận tác động từ chính sách. Việc tham vấn người dân góp phần vào việc hạn chế các mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm lợi ích khác nhau, giữa người bản địa với chủ doanh nghiệp hay giữa người dân và chính quyền địa phương cũng như ban quản lý dự án phát triển. Và quan trọng, cần phải quán triệt việc tham vấn người dân chủ thể là nguyên tắc trong các dự án phát triển vùng dân tộc thiểu số để tránh xung đột xã hội từ việc phân chia lợi ích không hài hòa.
Thứ ba, đối với các vấn đề quan hệ dân tộc, quan hệ xã hội mới phát sinh ở vùng dân tộc thiểu số mà chúng ta vừa phân tích trên cũng cần phải được nghiên cứu nghiêm túc và có các chính sách điều chỉnh cụ thể. Cần phải xem lại việc lấy tộc người làm đơn vị xây dựng chính sách để hạn chế các mâu thuẫn giữa người được hưởng thụ và người không được hưởng thụ, giữa người thiểu số và người thiểu số rất ít người, giữa người đa số và người thiểu số. Liên tục cập nhật và tạo ra các khung phân tích, các tiêu chí đánh giá phù hợp để xác nhận được đối tượng cần được hỗ trợ một cách phù hợp. Có các chính sách cần thiết để quy định về hài hòa lợi ích giữa các chủ doanh nghiệp và người dân bản địa, nhất là trong việc kiểm soát các nguồn tài nguyên và sử dụng các nguồn vốn văn hóa cộng đồng, nguồn vốn tri thức dân gian khi phát triển các sản phẩm thị trường.
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Lao động thương binh và xã hội và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (2004), Đánh giá và lập kế hoạch cho tương lai: Đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và Chương trình 135, Hà Nội.
2. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2010), Quyết định số 2123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 11 năm 2010 về việc Phê duyệt “Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010-2015”. Hà Nội.
3. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2011): Nghị định 05/2011/NĐ-CP về Công tác dân tộc. Hà Nội.
4. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2011), Quyết định số 1672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29 tháng 6 năm 2011 về việc Phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”. Hà Nội.
5. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2016), Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 10 năm 2016 về việc Phê duyệt “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025”. Hà Nội
6. Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam (2017), Nghị định số 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 09 tháng 5 năm 2017 về việc “Quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người”. Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Chính, Hoàng Lương (2003), Tổng quan về tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển miền núi và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số. Tạp chí Dân tộc học, số 3-2003, Tr. 18-28.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (1992), Một số văn kiện về chính sách dân tộc - miền núi của Đảng và Nhà nước. Nxb Sự Thật, Hà Nội.
9. Phạm Quang Hoan và Nguyễn Hồng Dương (2008), Quan hệ dân tộc tôn giáo ở nước ta trong thời kỳ đổi mới. Báo cáo chuyên đề, Viện Dân tộc học, Hà Nội.
10. Nguyễn Văn Huy (1982), Một số vấn đề về sự phát triển mối quan hệ giữa các dân tộc ở Việt Nam. Tạp chí Dân tộc học, Số 3, tr. 7-12.
11. Thanh Lê (2004): Những khái niệm cơ bản của xã hội học. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Vương Xuân Tình (2014): Nghiên cứu về quan hệ dân tộc ở Việt Nam (từ năm 1980 đến nay). Tạp chí Dân tộc học, số 1&2. Trang 7-21.

 

Trang Tuệ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây