Chuyến thăm Nghệ An của vua Thiệu Trị

Chủ nhật - 14/07/2024 21:19 0
Dưới triều Nguyễn, các vị vua đầu triều trong thời gian trị vì đều có chuyến ngự giá ra Bắc. Có thể kể đến là vua Gia Long có chuyến ngự giá vào năm 1803 và năm 1804, vua Minh Mạng vào năm 1821. Thường thì các vua ngự giá ra Bắc là để nhận thụ phong từ vua Thanh, ngoài ra còn để “xét quan lại, chỉnh binh nhung, làm tốt, gia ơn tới khắp dân chúng”. Nối nghiệp vua cha Minh Mạng, 1 năm sau khi lên ngôi, vua Thiệu Trị cũng thực hiện chuyến ngự giá Bắc tuần. Và trong lộ trình đó, vua đã dừng chân tại tỉnh Nghệ An để nắm bắt sự tình và mục đích tận mắt nhìn con người, cảnh vật xứ Nghệ. Mộc bản triều Nguyễn - Di sản thế giới đã ghi chép về chuyến thăm Nghệ An của vị vua thứ 3 triều Nguyễn.

Ban thưởng cho quan, dân
Hành trình của vua Thiệu Trị được xuất phát từ Kinh đô Huế, sau khi đi qua các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh. Đến ngày Ất Dậu, mùa xuân tháng 2 năm Nhâm Dần (1842), vua Thiệu Trị cùng đoàn tùy tùng đã đặt chân đến tỉnh Nghệ An. Khi đến bến sông tỉnh thành Nghệ An, suất đội tỉnh bắn súng chỉ thiên, chào mừng vua đến nơi. Vua ngự giá đến hành cung tỉnh thành, nhìn thấy người dân chen chúc đứng sát bên đường chào đón. Vị vua thứ 3 của triều Nguyễn đã vui mừng mà hỏi Ngự tiền đại thần Trương Đăng Quế rằng: “Lòng người mong trẫm đến như thế này, hành trình có nên chậm lại không?”. Đăng Quế thưa rằng: “Tôi theo nhật trình mà tính thì sứ thần nhà Thanh phải đến thượng tuần tháng 3 mới qua cửa ải. Kỳ hạn đi đường của ta cũng đủ chỉnh bị, vậy thong thả cũng được”.
Trong mấy ngày lưu lại ở Nghệ An, vua Thiệu Trị đã đi coi xét thành trì, tình hình việc nông và cuộc sống của người dân. Thấy mọi thứ được quan tỉnh xếp đặt thuận lợi, vua bèn triệu quan Vũ Tuấn và Hồ Hựu vào ban thưởng cho mỗi người 1 đồng kim tiền và hỏi thăm rằng: “Hành cung và nhà trạm, có bắt dân phải làm không?”. Hai người tâu rằng: “Hành cung ở tỉnh lỵ thì do những binh ở tỉnh làm, còn hành cung ở các trạm thì dân trong hạt làm lấy”. Vua nói: “Binh thì đã có lương, còn dân thì lấy gì mà cung ứng? Bất đắc dĩ mà bắt dân làm, ý trẫm không muốn thế. Những tài liệu đã dùng để làm, chuẩn cho theo đúng thực, cấp giá tiền cho dân”. Hai người lại thưa rằng: “Bóng cờ của vua đi tới, ngàn năm mới một lần được gặp, đem sức làm ruộng phục vụ người trên là phận sự của dân, mà cũng là ý muốn, chứ không muốn lĩnh giá”. Vua nói: “Kính vua, mến người trên, vẫn là cái tình rất hậu của dân ta, nhưng trẫm đối với việc yêu dân, chưa từng một chút bỏ nhãng, há nỡ khinh dị dùng sức của dân sao? Tất phải thưởng cấp cho dân bội giá”.

Vua cũng nhân dụ bộ Hộ ban thưởng thêm cho các quan viên văn, võ các thứ bậc khác nhau: “Hạt này lúa mạ tươi tốt, trộm cướp dẹp hết, nhân dân đều yên, trẫm rất lấy làm khen ngợi, bằng lòng. Về những thân biền thuộc tỉnh, gia ơn thưởng cấp cho mọi người có thứ bậc. Quan văn: Đốc học được thưởng 2 đồng ngân tiền hạng lớn; Tri phủ, ngân tiền hạng lớn, hạng nhỏ mỗi hạng 1 đồng; Tri huyện, 1 đồng ngân tiền lớn; Giáo thụ, Huấn đạo, Thông phán, Kinh lịch, mỗi người 1 đồng ngân tiền nhỏ. Quan võ: Vệ úy, Phó vệ úy, mỗi người được thưởng 2 đồng ngân tiền lớn; Thành thủ úy và Hiệp quản, ngân tiền lớn nhỏ mỗi hạng 1 đồng; Cai đội, Chánh đội trưởng suất đội, thí sai Chánh đội trưởng suất đội, mỗi người 1 đồng ngân tiền nhỏ. Bát, cửu phẩm và những người hậu bổ đều được thưởng tiền lương 1 tháng; những thư lại thuộc tỉnh, chưa vào ngạch, đều thưởng tiền lương nửa tháng”.
Không chỉ có các quan viên ở cấp tỉnh, phủ, huyện mới được thưởng, vua Thiệu Trị còn ban thưởng cho những biền binh ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An dự đi theo hầu và những biền binh mọi ngạch ở Kinh: tiền lương nửa tháng; những binh sung việc đóng giữ ở Kinh; tiền lương 1 tháng; những thú binh ở các tỉnh ngự giá đi tới cũng như thế. Ngoài ra, vua còn tha bớt thuế thân 3 phần 10 cho dân đinh các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh năm ấy, những thổ dân và những người trốn đi nơi khác mới về, bỏ thiếu thuế bạc, tiền thóc đọng lại, đều được khoan tha có thứ bậc.
Đặc biệt, khi hay tin vua tới, Thổ tri huyện, huyện thừa ở hai phủ Trấn Ninh, Trấn Biên tỉnh Nghệ An đã cùng nhau ủy cho bọn thổ huyện thừa và cai tổng huyện Khâm, huyện Sầm Tộ đem sản vật địa phương đến cung tiến gồm 2 đôi ngà voi và 4 chiếc tê giác. Vua khen là biết chuộng nghĩa, lại chịu khó đi từ xa tới, bèn thưởng cho rất hậu.
Tế miếu vua Thục, làm thơ về Thiết cảng
Ở tỉnh Nghệ An, có miếu thờ vua Thục Phán An Dương Vương (đền Cuông). Đây là miếu thờ từ lâu đã được các triều đại phong kiến Việt Nam xếp vào loại miếu thờ các bậc đế vương, là chốn linh thiêng bậc nhất ở xứ Nghệ. Cứ mỗi lần quốc lễ, triều đình đều sai quan đến tế, người dân quanh năm được phụng thờ. Và trong những ngày ở Nghệ An, vua Thiệu Trị đã sai Thị vệ đại thần Vũ Văn Giải đem lễ tế vua Thục An Dương Vương để cầu mong quốc thái dân an. Trước đây, vua từng dụ bộ Lễ rằng: “Đức của thần to biết chừng nào! Cho nên cái phúc hàng vạn, hàng ức, người làm thơ đã ca tụng; những lễ tế Phương, tế Vọng, sách Lễ Ký đã ghi truyền. Có cầu đảo tất có báo ứng, lẽ đó không sai được. Trẫm là người đức bạc, nối giữ cơ nghiệp lớn, kính trời, theo tổ, siêng chính sự, yêu thương dân, một lòng lo nghĩ, cố làm cho được thịnh trị. Nay xét theo điển lễ, xa giá ra Bắc tuần, truy nhớ vua Thục An Dương: cảm ứng đã rõ, uy linh đã rệt, cần phải tế, chỉ nguyện cho Thánh tổ mẫu ta, Nhân tuyên Từ khánh Thái hoàng thái hậu, hưởng thọ vô cùng, cơ đồ nhà nước ta yên định mãi mãi, hằng năm được mùa, trộm cướp dẹp hết, trong yên, ngoài tĩnh, thần giúp đỡ cho, ơn ấy hậu thay!”.

Kết thúc chuyến thăm Nghệ An, trên hành trình di chuyển ra Thanh Hóa, khi ngang qua Thiết Cảng (Kênh Sắt) ở huyện Diễn Châu, vua nhớ lại huyền tích năm nào, bèn bảo với đại thần Trương Đăng Quế rằng: “Đường cảng này, tương truyền: nhân có các sông chảy xuống thông qua các núi, người ta mới lựa theo hình thế, đào ra, từ Hà Nội có thể đi suốt đến phía Nam tỉnh Nghệ An; nhưng đến nay phù sa mỗi ngày một bồi thêm, đã thành ra đất bằng; tựa như vì chốn Thần kinh đã định, giữ hiểm đã có chỗ, chuyển vận đã có phương, ở bên trong, giữ bên ngoài, không thể thông đạt như trước, đó là cơ trời huyền diệu, chưa dễ lường biết, nhưng lấy lý mà bàn thì: tục truyền việc Cao Biền đào cảng này, nhờ uy trời chấn động, vỡ đá, thật là một sự quái lạ. Lời truyền thuyết vu vơ ấy không đủ tin được”.
Khoảng trung tuần tháng 3 năm ấy, sau khi kết thúc chuyến “Ngự giá Bắc tuần”, hồi loan về Kinh, bộ Hộ đã biên làm tập “Bắc tuần ân điển” của vua Thiệu Trị, trong đó có ban ân điển vua dành cho tỉnh Nghệ An như sau: “Những tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hưng Yên, chỗ nào xa giá có đi qua trong năm nay, những tiền, gạo về thuế thân, đầu lõi, điệu(1), cước đều tha bớt 3 phần 10; Những tỉnh Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An thiếu đọng thuế bạc đều rộng miễn cho 3 thành”.
Đến tháng 10, vua Thiệu Trị cho khắc các bài thơ ngự chế khi Bắc tuần ở các địa phương. Quan Nội các dâng sớ nói: “… nước ta, bờ cõi muôn dặm, núi sông thắng tích chỗ nào cũng có. Năm nay, ngự giá ra Bắc, thăm mùa màng, hỏi việc nông, xem dân tình, xét quan lại, làm phúc, ban ơn, dạy chính sự, sửa việc binh, phàm trải qua chỗ nào đều có thơ để ghi việc, tính được gồm 173 bài… Hai bài vịnh “Hồng Lĩnh”, “Thiết cảng” thì tả hết tình trạng núi sông, cơ trời mở đóng, mà cùng là hình thế bày ra ở đó. Ngước thấy bút pháp của thánh thượng như tài khéo của thợ trời, thật nên tiêu biểu, khắc lời cao cả, ghi trên tấm đá để trấn một phương, và làm áng văn lưu truyền muôn đời. Vậy xin giao cho các nơi sở tại đem khắc vào bia lớn, để núi sông càng tươi đẹp, địa hạt thêm vẻ vang mà áng đại văn chương của thánh nhân sẽ cùng với núi cao sông chảy cùng giữ được đến vô cùng”.

Và trong chuyến Ngự giá Bắc tuần, vua Thiệu Trị đã làm tập thơ “Ngự chế Bắc tuần thi tập” gồm 173 bài. Tập thơ này đã được in và ban tặng cho nhiều địa phương lúc bấy giờ, tuy nhiên hiện nay mới chỉ tìm được bản khắc ván duy nhất đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Trong có ghi lại một số bài thơ về địa danh ở tỉnh Nghệ An - nơi vua từng đi qua, trong đó có bài “Thiết cảng” (kênh sắt). Mộc bản triều Nguyễn - sách Ngự chế Bắc Tuần thi tập, quyển 2, mặt khắc 14, 15 còn ghi lại bài thơ như sau:
Phiên âm:  Thiết Cảng
Oanh hồi tiểu giạn vạn phong trung
Văn đạo tiền nhân tạ hoá công
Thiết huyệt sơn yêu lưu lạn thạch
Thiên Uy cảng khấu thiển lưu thông
Huyền vị mạc trạng thần cơ dị
Bình thản vưu trưng thế đạo long
Lũng thục hào hàm vô nhị tỷ
Ban sừ Triệu sở diệu hà cùng   
Dịch nghĩa:  Kênh Sắt
Suối chảy quanh quanh, núi điệp trùng
Nghe nói người xưa cậy hoá công Núi Sắt lưng sườn còn đá vụn,
Thiên Uy cảng khấu khó lưu thông Huyền vi như thể sức thần lạ
Bằng phẳng càng hay thế sự hưng
Đồng ruộng, núi non đâu sánh được
Sông thành bình địa, diệu kỳ không(2)
Đến tháng 10 năm 1842, vua Thiệu Trị cho khắc bài thơ “Thiết cảng” vào bia đá dựng bên đường: “Khi trẫm ra Bắc, trải xem các địa phương, coi đến núi sông mà nhớ ơn liệt thánh, mừng tục thuần mỹ mà mộ sự vẻ vang của triều xưa, không phải là chỉ ưa thích thơ văn mà thôi… Bấy giờ mới chia định: bài “Sông Vĩnh Định”, bài “Sông Ái Tử” ở Quảng Trị; bài “Định Bắc trường thành”, bài “Cầu Lý Hòa”, bài “Hai núi Khiêu Thạch”, bài “Sông Linh Giang”, bài “Cửa Hoành Sơn” ở Quảng Bình; bài “Núi Hồng Lĩnh” ở Hà Tĩnh; bài “Thiết cảng” ở Nghệ An; bài “Sông Ngọc Giáp”, bài “Núi Tam Điệp” ở Thanh Hoá; bài “Núi Hộ Thành” ở Ninh Bình, gồm 18 bài thơ ngự chế, sai địa phương sở tại khắc thơ vào đá, dựng bia ở bên đường”. Hiện nay vẫn còn dấu tích bia đá ở xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Có thể nói, trong hành trình công cán ra Bắc, thời gian dừng chân tại tỉnh Nghệ An của vua Thiệu Trị tuy ngắn nhưng đã giúp vua hiểu hơn về cuộc sống, dân tình ở Nghệ An, chính nhà vua cũng tự bộc bạch rằng: “Trẫm ngày đêm áy náy, ăn ngủ không yên, nhưng chuyến đi này không phải chuyên về việc bang giao mà thôi, trong đó còn bàn những việc: xét địa phương, xem phong tục, mở điều lợi, trừ điều hại”.
Chú thích
1. Điệu: một trong ba thứ thuế mà phong kiến Việt Nam phỏng theo chế độ thuế khoá tô, dung, điệu đời Đường: bắt những hộ làm nghề dệt phải nộp hiện vật như vải, lụa,…; nếu không thì phải nộp thay bằng tiền.
2. Tác giả Thái Huy Bích dịch.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H77, Mộc bản triều Nguyễn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
 

Thơm Quag

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây