“Thi sĩ trong cốt lõi” Hoàng Trung Thông (1925 - 1993)

Thứ tư - 10/07/2024 03:58 0
       Hoàng Trung Thông sinh ngày 5/5/1925, mất ngày 4/1/1993 do bị bệnh gan và phổi. Ông từng là cán bộ văn nghệ của khu ủy Liên khu IV, tỉnh ủy viên tỉnh ủy Nghệ An, Thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ, ủy viên TƯ Đảng,Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ & tạp chí Tác phẩm mới của Hội nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nxb Văn học, Vụ trưởng Vụ văn nghệ của Ban Tuyên huấn trung ương, Viện trưởng viện Văn học.

   


      Gọi ông là nhà thơ có lẽ chưa đủ, nhưng ông chỉ thích được gọi như thế. Những năm giữ chức Viện trưởng viện Văn học (1976-1985), ông đã thẳng  thừng từ chối học hàm Giáo sư, mặc dù ông được viện bỏ phiếu tín nhiệm tuyệt đối, vì cho rằng “làm một nhà thơ là đủ lắm rồi”. Thật ra ông còn là một học giả uyên bác, một nhà thư pháp tài hoa, một nhà quản lý văn nghệ bản lĩnh đầy tâm huyết. Đang làm Vụ trưởng Vụ Văn nghệ Ban Tuyên huấn Trung ương, ông được trên điều về thay thế Giáo sư Đặng Thai Mai nghỉ hưu ở tuổi 73, để giúp Viện Văn học hoàn thành tốt nhiệm vụ cầm cân nẩy mực đường lối văn nghệ của Đảng trong những năm đầu sau khi đất nước thống nhất.
    1. Việc ông từ chối học hàm Giáo sư là việc làm hiếm có trong giới công chức bấy giờ. Lại nữa, trước thềm đại hội Đảng lần thứ IV (1976) ông còn viết thư cho Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh & Bí thư Đảng đoàn khối văn học nghệ thuật TƯ Hà Huy Giáp xin thôi vào ủy viên TƯ Đảng, tự nhận mình “chuyên môn vững nhưng sinh hoạt bê tha”. Có lẽ đó là biểu hiện tính gàn, không ham danh vị, đặc tính của nhiều kẻ sĩ ưu tú Quỳnh Lưu và rộng ra của cả xứ Nghệ quê ông xưa nay. Mười năm với cương vị Viện trưởng,  ông đã xóa bỏ được tình trạng mất đoàn kết nội bộ lâu ngày của viện &góp phần làm cho viện Văn học gắn bó với Hội Nhà văn. Ông còn cùng viện hoàn thành nhiều công trình sáng giá về Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, về văn học chống phong kiến phương Bắc, văn học chống Pháp, chống Mỹ...Là nhà thơ, về quản lý một viện khoa học đang có tình trạng mất đoàn kết nội bộ quá lâu, hẳn Hoàng Trung Thông đã gặp không ít khó khăn. Là nghệ sĩ  amatơ, nhưng uyên bác, trung thực, giản dị, xuề xòa, lại rất quan tâm đến mọi người, ông nhanh chóng chiếm được cảm tình của anh em trong và ngoài viện, nhất là chị em phụ nữ. Nhưng tính cương trực, lối nói thẳng băng của ông lại làm mất lòng cấp trên. Ở ông có những ứng xử đẹp mà khác người. Chẳng hạn ông đề đạt lên cấp trên là ông lấy làm áy náy vì mức lương mình cao hơn quá nhiều so với mức lương các Trưởng ban chuyên môn, trong khi trách nhiệm các Trưởng ban rất nặng. Viện trưởng được cấp 1 chiếc ôtô Lada nhưng ông rất ít khi sử dụng cho riêng mình. Ông dành ôtô phục vụ việc chung của viện, còn mình ngày ngày đạp xe Thống nhất hoặc cuốc bộ từ nhà đến viện & từ viện về nhà. Thông lệ viện trưởng các ngành khoa học  xã hội thường nghỉ hưu ở tuổi rất cao. Trong khi vị Viện trưởng tiền nhiệm 73 tuổi mới về hưu; thì mới vào tuổi 60 ông đã viết đơn xin nghỉ, để rồi một vị Viện phó 66 tuổi lên thay thế. Nói như nhà phê bình Nguyễn Văn Lưu, ông đã nhanh chóng làm xong cái việc buộc phải làm để quay về công việc mình yêu thích: “chén rượu và câu thơ”.
    2. Tính ông nghiện rượu. Bà Hồ Thị Hoa - người vợ hiền thục, làm việc liền chân, liền tay của ông luôn sắm sẵn cho chồng đủ loại rượu ngon trong nhà, kể cả thuốc giã rượu. Ấy nhưng ông lại thích đi uống ở ngoài, nơi có nhiều người đông vui. Hồi còn làm ở Viện Văn học, bạn bè và nhân viên cũ kể là mỗi sáng ông thường tạt qua 91 Bà Triệu uống rượu trước khi vào cơ quan. Buổi chiều tan sở đã thấy ông ở đó. Họa sĩ Hoàng Phượng Vĩ, con trai út nhà thơ cho biết, lúc nghỉ hưu, ông thường dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe lọc cọc ra bến xe, ga tàu để có chỗ mua rượu và để có người cùng uống. Ông uống hết sức rề rà, cốt mượn rượu để trò chuyện. Mà chuyện của ông thì đủ thứ đông tây kim cổ, nhất là chuyện thơ Đường, thơ Tống...Nhiều lần ông uống say mèm, bạn bè phải dìu về tận nhà. Những lần đó trông nhà thơ thật tội nghiệp!


Nhà thơ Hoàng Trung Thông (ngồi giữa) cùng nhà thơ Bảo Định Giang (ngoài cùng, bên trái) và họa sĩ Mai Văn Hiến. Ảnh tư liệu

    Ai cũng bảo rượu hủy hoại sức khỏe nhà thơ, rượu làm cho ông sớm già trước tuổi. Ngay từ những năm ngoài 50 tuổi, tóc ông đã bạc nhiều, ngoài 60 thì râu tóc đều trắng như tuyết. Bị bệnh cao huyết áp, ông vẫn không chịu chừa rượu. Ông thật thà nói về mình và bạn thân của mình: “Chế Lan Viên chưa bao giờ khen thơ tôi mà khi viết thường nói thơ tôi phải say hơn nữa. Tôi cố uống rượu để cho thơ say mà thơ tôi vẫn tỉnh như mọi người đều nói”. “Uống rượu để cho thơ say” chỉ là một cách nói! Là người quản lý giới văn nghệ, hẳn ông phải chịu nhiều sức ép. Nhiều lúc phải làm những việc mình không muốn, ông lại tìm đến rượu. Có người nói: hồi làm Tổng biên tập báo Văn nghệ, đâu như năm 1968, ông phải ký duyệt những bài đánh tùy bút Tình rừng của Nguyễn Tuân mà mắt cứ rưng rưng lệ. “Cũng từ độ ấy, khi đời sống văn chương ngày mỗi thêm nhiều vụ việc, nhiều chuyện trái chiều, bệnh rượu của ông ngày môĩ thêm nặng”. (1)
   3. Gs Phan Ngọc, người bạn cùng tuổi, cùng quê Nghệ An nói Hoàng Trung Thông là “nhà thơ của những con người nhỏ bé”, “Không có một Hoàng Trung Thông giáo dục ai trong thơ. Chỉ có một Hoàng Trung Thông nhỏ bé, không hài lòng với chính mình. Đó là cái lớn của Hoàng Trung Thông”(2). Phải chăng vì viết cho “những con người nhỏ bé” nên thơ ông bao giờ cũng giản dị, dễ hiểu? Nhưng thơ ông dễ hiểu, dễ mến mà không hề dễ dãi, như trong các bài: Bao giờ trở lại, Bài ca vỡ đất, Anh chủ nhiệm, Những cánh buồm, Đọc thơ Bác, Tiếng đàn... Có lúc thật cô đúc như bài Tứ tuyệt : Tôi muốn uống rượu trong/Lại phải uống rượu đục/Ôi sông cũng như người/ Có khúc và có lúc. Hay như đoạn kết bài Đọc thơ Bác:
                      “Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
                      Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
                      Vần thơ của Bác vần thơ thép
                     Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.
    Thơ ông thường rắn rỏi, chân chất. Nhưng ngay trong Bài ca vỡ đất toàn nói chuyện cuốc cào vẫn nẩy ra hai câu thơ xuất thần lãng mạn:
                      “Bàn tay ta làm nên tất cả
                      Có sức người sỏi đá cũng thành cơm
   Còn bài Bao giờ trở lại thì thật trữ tình đằm thắm. Khi được nhạc sĩ Lê Yên phổ nhạc đổi tên là Bộ đội về làng thì lời ca lại càng “bịn rịn” mãi trong lòng quần chúng: “Hoa cau thơm ngát đầu nương/ Anh đi là giữ tình thương dạt dào...hay “Mẹ già bịn rịn áo nâu/ Thương đàn con ở rừng sâu mới về
    Tập thơ cuối đời Mời trăng có nhiều bài hay & đầy tâm sự: Nâng chén thưởng trăng, trăng tỏ/ Ai rõ lòng ta đang nhớ tới xa xăm/ Ai rõ trăng vẫn soi lòng ta như thế đó/ Thế rồi ta cất chén cùng tri âm/ Một mình ta mời trăng mời bạn/ Trăng biết đâu lòng ta lệ đầm” (bài Mời trăng)
    4. Hoàng Trung Thông có một người vợ thảo hiền với năm người con ngoan, và vợ chồng ông yêu thương tin tưởng nhau rất mực đến trọn đời.(Bà Hồ Thị Hoa vừa vào cõi vĩnh hằng đầu xuân 2011). Không thuộc dạng người đẹp trai nhưng khi ông tung hoành ngọn bút lông trên tờ giấy hồng điều viết những dòng chữ Hán đẹp như phượng múa rồng bay tặng bạn bè, biết bao người thán phục. Nhiều nữ sĩ trẻ tình nguyện mua bút lông và mài mực cho nhà thơ để xin chữ, xin câu đối! Mà họ không chỉ mê thư pháp họ Hoàng, họ còn mê thơ ông.
    Bà Mai Huỳnh Hoa, cháu ngoại cụ Đồ Chiểu từng nói với nhà thơ, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: “Hà Nội có nhiều văn nhân lỗi lạc quá: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi. Riêng chị thích thơ chú Hoàng Trung Thông nhất. Thơ Hoàng Trung Thông có cái uyên bác của Đường thi, có cái dân dã mộc mạc của ca dao” (3)
   Lại đến cô chắt cụ Đồ Chiểu là Châu Anh Phụng 35 tuổi cũng thường lui tới xướng họa thơ với Hoàng Trung Thông vào năm 1989 và chăm sóc ông rất mực tận tình những ngày ông nằm điều trị ở nhà thương Chợ Rẫy. Cho nên đọc một đôi đoạn thơ tình trong tập Di cảo, chẳng hạn: “Chao ôi chờ em mãi/ Chỉ thấy mịt mù tăm/ Một chữ không nhận được/ Mỏi mắt chờ đăm đăm/ Giận thì không giận được/ Còn thương – ai biết chăng?” thì ai biết được ông thi sĩ họ Hoàng có ý định gửi riêng cho một người nào đó chăng hay cũng chỉ là gửi cho người tình trong tưởng tượng?
   5. Thành thạo hai  ngoại ngữ Hoa, Pháp, lại tự học tiếng Nga, tiếng Anh đến độ thuần thục, nhà thơ Hoàng Trung Thông còn là một dịch giả uy tín. Ông dịch Đỗ Phủ, Lục Du, Puskin, Maiacôpxki, Pêtơphi, Hainơ...Năm 1966 ông tham dự hội nghị hội nhà văn Á Phi. Trước lúc đi được Bác Hồ & Thủ tướng Phạm Văn Đồng ân cần dặn dò. Đến Bắc Kinh, ông đã có dịp gặp các vị Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai; được trực tiếp đàm đạo thơ văn & phóng bút viết thư pháp với nhà bác học, nhà thơ Quách Mạt Nhược, được Quách tặng nghiên mực đời Đường. Hai ông còn thư từ đi lại với nhau mãi.
     Ông còn viết thơ trào phúng đả kích kẻ thù với bút danh Đặc Công, Bút Châm . Tiểu luận phê bình của ông được tuyển chọn vào tập Những người thân, những người bạn cũng rất đáng trân trọng! Khác với nhiều vị hễ có chức quyền là quên học hỏi, ông thường xuyên dịch và viết tiểu luận cũng là một cách tự nâng cao trình độ. Học để bồi bổ cho thơ, để giao lưu với bạn văn trong và ngoài nước. Chăm chỉ học tập cũng là chỗ ông gặp hai người bạn thân nhất của mình là Xuân  Diệu và Chế Lan Viên.    
    Chế Lan Viên có bài thơ Gửi Trạng Thông họ Hoàng: Ông thì hay say/ Tôi thì quá tỉnh/ Mà ông đằm tính/ Tôi thì hay gây/ Thiên hạ người người yêu ông/ Tôi thiên hạ ghét/ Gặp tôi người ta lườm nguýt/ Nghe ông người ta thông/ Thế mà lạ không/ Hai đứa thân nhau mãn kiếp”.
    Hoàng Trung Thông viết Lời giới thiệu cho Tuyển tập Xuân Diệu (Nxb Văn học, H.1984) có những nhận xét tinh tế chứng tỏ ông rất hiểu bạn, hết sức khách quan và Xuân Diệu thật biết chọn mặt gửi vàng: “Anh bồng bột, nhưng sự sôi nổi của anh có lúc hơi quá lời, anh viết nhiều nhưng cũng có lúc hơi tham, anh có kiến thức rộng nhưng cũng có lúc hơi lạm dụng...Cái quý ở anh là sự trung thành, lòng chân thật, sức lao động không mệt mỏi và luôn luôn không muốn trở lại đường mòn”.
   Vừa có tầm kiến văn của nhà khoa học, vừa có độ nhạy cảm của người nghệ sĩ, Hoàng Trung Thông còn có một số nhận xét sâu sắc về các tên tuổi lớn hiện đại như các nhà văn,nhà thơ Nguyễn Tuân, Đặng Thai Mai, Ngô Tất Tố, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư…, các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng...Bài ông viết về Đỗ Phủ & thơ Đỗ Phủ rất sâu sắc, về nhà văn Trung Quốc Lỗ Tấn hay nhà văn hóa trung đại Nguyễn Trãi đều có chủ kiến rõ ràng. Bài Bác Hồ làm thơ và thơ của Bác được nhiều bạn đọc yêu thích. Ông hoàn toàn xứng đáng với nhận định của Gs Đặng Thai Mai: “ Đồng chí Hoàng trung Thông không những có bản lĩnh của một nhà thơ, một nhà phê bình mà còn có bản lĩnh của một nhà nghiên cứu văn học… & còn là một cán bộ của Đảng làm công tác văn học, nghệ thuật đã nhiều năm…”( Cuộc họp bàn giao giữa đồng chí Đặng Thai Mai & đồng chí Hoàng Trung Thông .Tạp chí Văn học, số 3/1976, tr154). Vừa có chức vụ cao, vừa đa tài như thế mà lạ thay: “Ông sống một cuộc sống nghèo nàn thanh bạch như một hàn sĩ suốt cả cuộc đời. Có vẻ như ông chấp nhận sự bần bạc đó, để khỏi phải bon chen, để khỏi phải lụy mình và để được sống đúng với tư chất nghệ sĩ của ông đồ gàn xứ Nghệ” (4)
    Đôi câu đối ông tặng nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói đúng tính cách bạn và cả tính cách mình:
   Cậu tỉnh cứ tình ca, chắc chẳng lang bang đấy chứ.
  Mình say thường chếnh choáng, đã từng qụy lụy ai đâu!
    Nhà thơ Xuân Sách đã từng vẽ chân dung Hoàng Trung Thông :
    Đường chúng ta đi trong gió lửa
    Còn mơ chi tới những cánh buồm.
    Từ thuở tóc xanh đi vỡ đất
    Đến bạc đầu sỏi đá chửa thành cơm.
   Người vẽ đã khéo sử dụng tên các tập thơ, bài thơ, ý thơ của thi sĩ họ Hoàng nên có gợi được đôi nét chân dung ông & khiến người đọc còn phải suy ngẫm nhiều cả về nhân tình thế thái, cả về văn chương một thời, nhưng câu thứ tư thì thật nhầm lẫn...Nghĩ đến giải thưởng Nhà nước ông được truy tặng năm 2001, nghĩ đến các tác phẩm thơ văn ông để lại thì Hoàng Trung Thông thật sự là người có của ăn, của để. Mượn cách nói của nhà thơ Nguyễn Bao, ông là “thi sĩ trong cốt lõi”. Nhà thơ thì nhiều, nhưng những thi sĩ trong cốt lõi như ông thử hỏi được mấy người? Ông đã hiến dâng cho đời một số bữa cơm bình dân mà ngon đấy chứ! Nhất là nhân cách của ông thật đẹp, nói như nhà thơ Phạm Hổ “nghèo bạc, nghèo tiền, nhưng anh giàu nhân phẩm”, hay như nhà thơ Tế Hanh “Ôm một khối lá biếc/ Ngạo nghễ nhìn bão dông”. Trong đời sống văn học hôm nay, và cả mai sau chắc chắn Hoàng Trung Thông  vẫn được không ít người, nhất là những con người nhỏ bé (như cách nói của Gs Phan Ngọc) hết sức quý trọng!
  Chú thích
     (1).Vương Trí Nhàn: Hoàng Trung Thông và việc học hỏi của người cầm bút Báo Văn nghệ Tết Kỷ Sửu 2009.
     (2).Phan Ngọc: Hoàng Trung Thông, nhà thơ của những con người nhỏ bé trong sách Thử xét Văn hóa - Văn học bằng ngôn ngữ học,Nxb Thanh niên, 2000,tr.390 – 395.
     (3).Đỗ Minh Tuấn: Nhớ nhà thơ Hoàng Trung Thông Báo Khoa học và Đời sống số Chủ nhật 6/3/2001
     (4).Như Bình: Nhà thơ Hoàng Trung Thông: Bạn uống rượu lòng ta không thể chán Báo An Ninh Thế Giới cuối tháng 29/2/2008.
 35.094


 

Huy Huyền

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây