Đặc điểm gia phong xứ Nghệ

Thứ tư - 03/07/2024 06:20 0
GS. Đào Duy Anh, trong Hán Việt từ điển định nghĩa gia phong là “Thói nhà - tức là tập quán và giáo dục trong gia đình”, theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học là "nền nếp riêng của một gia đình phong kiến, nếp nhà". Như vậy, gia phong là thói nhà, là sự khẳng định của những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của một cộng đồng gia đình, gia tộc về văn hóa gia đình, đã kéo dài qua nhiều thế hệ, được mọi người trong gia đình công nhận, tuân theo, thực hiện một cách tự giác gần như tập quán để đảm bảo sự tồn tại.

 
Ảnh tư liệu


Chúng ta đều biết, xứ Nghệ được coi là phên dậu của Tổ quốc nhưng lại là vùng ki mi, nghĩa là ràng buộc lỏng lẻo. Đất đai còn rộng rãi, dân cư thưa thớt, nhiều dòng họ ở các nơi chuyển cư đến Nghệ An. Mãi đến thế kỷ XIV, nơi đây vẫn còn sống theo chế độ công xã là chủ yếu. Thế kỷ XV, Lê Lợi chiến thắng quân Minh, bỏ chế độ điền trang, thực hiện chế độ quân cấp công điền và cho những người có công vào khai khẩn đất bỏ hoang, lập nên các đồn điền thì xứ Nghệ mới phong kiến hóa. Qua cả một thời gian dài ở vùng ki mi này, vua quan không thể đảm bảo chặt chẽ được tình hình an ninh trật tự của nhân dân. Các gia đình, dòng tộc phải tự túc phần lớn về vấn đề bảo vệ an ninh trật tự cho nhà mình, cho tài sản, cho sự tồn tại lâu dài của dòng tộc mình. Vì vậy, họ chú trọng hơn hết vấn đề gia pháp, gia giáo, gia phong. Thế kỷ XV, khi mà xứ Nghệ được phong kiến hóa thì giáo lý của Khổng Mạnh đã bồi đắp thêm cho nội dung của gia giáo, gia pháp, nhất là gia phong. Điều đó trường tồn mãi ở xứ Nghệ cho đến tận ngày nay. PGS. Ninh Viết Giao trong phát biểu đề dẫn hội thảo “Gia phong xứ Nghệ trong bối cảnh đất nước đổi mới” (tháng 3/2003) đã khẳng định: “Chính nhờ có gia phong mà gia giáo, gia pháp của nhiều gia đình, gia tộc ở ở xứ Nghệ này bền vững và hơn nữa còn mang tính truyền thống. Nó được kế tiếp từ đời nọ qua đời kia mà mỗi gia đình, gia tộc như vậy lại có một sắc thái riêng, không lẫn lộn với những gia đình, gia tộc thiếu gia phong; mà không lẫn lộn ngay cả với những gia đình, gia tộc có gia phong)” (Kỷ yếu Hội thảo, NXB Nghệ An, 2004).
Hơn thế nữa, con người ở đây phải đối mặt với một thiên nhiên - như một “bức tranh họa đồ”, ở núi rừng, đồng bằng và biển cả hội tụ trong một dải đất hẹp, vừa đặt con người trước những thách đố gay gắt như nắng hạn, bão lụt, gió Lào… với một nhịp sống sôi động vừa ban cho con người một phong cảnh núi sông hùng vĩ, non xanh nước biếc, kiểu “long lanh đáy nước in trời, thành xây khói biếc non phơi ánh vàng”. Kích thích trí tưởng tưởng, sự liên tưởng tạo nên cho con người những cảm hứng thẩm mỹ thăng hoa.


Đền thờ Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, Đô Lương

Cũng như mọi người dân Việt, người xứ Nghệ coi trọng việc thờ cúng tổ tiên. Có một khía cạnh đáng lưu tâm khi nghiên cứu văn hóa xứ Nghệ đó chính là sự ảnh hưởng của dòng họ đến con người và đời sống tâm linh xứ Nghệ. Ở Nghệ An, họ nào cũng có nhà thờ họ, nhiều dòng họ lớn có công với nước đã xây dựng lên những nhà thờ họ tiêu biểu như họ Hồ ở Quỳnh Lưu, họ Nguyễn Cảnh ở Đô Lương, họ Nguyễn Đình ở Nghi Lộc, họ Ngô ở Diễn Châu, họ Phan ở Yên Thành. Nhiều dòng họ còn lưu giữ được hệ thống phong phú đồ sộ các thư tịch Hán Nôm, tộc phả, thần phả giá trị, những tư liệu này là nguồn sử liệu quý giá cho nhiều nhà khoa học khi tìm hiểu về Nghệ An. Kính cẩn trong việc tế tự tại gia và dòng họ là truyền thống đẹp tạo nên sức mạnh cho con người Nghệ An trong quá khứ cũng như hiện tại.
Tuỳ theo hoàn cảnh sống, tuỳ theo nghề nghiệp, theo truyền thống mà gia phong ở những gia đình có những nét khác nhau: gia đình khoa bảng, trí thức khác gia đình quan chức, võ quan; gia đình nông dân khác gia đình ngư dân, thương nhân… Nhưng nhìn chung đều có những quy định đạo đức phổ biến: đó là lòng biết ơn tổ tiên, ông bà cha mẹ, lòng hiếu đễ, sự chung thuỷ vợ chồng, sự cần kiệm, chịu thương, chịu khó. Đó là tình làng, nghĩa xóm, lòng yêu quê hương, đất nước. Gia phong ở Nghệ An được hun đúc nên từ gia phong các dòng họ, nên người trong họ phải thường xuyên yêu thương đùm bọc nhau "một giọt máu đào còn hơn ao nước lã" hay "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau". Phải làm sao để người ngoài thấy được sự vững vàng lâu bền của dòng họ - là một yếu tố quan trọng trong chuỗi liên kết: cá nhân - gia đình - dòng họ - làng xã - vùng miền - dân tộc. Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dòng họ cũng chính là góp phần bồi đắp, xây dựng hạnh phúc của mọi cá nhân, cộng đồng và của toàn dân tộc.
Trong bối cảnh đất nước đổi mới, gia phong là cơ sở để cho người xứ Nghệ nói riêng và người Việt Nam nói chung củng cố và xây dựng gia đình lành mạnh, có văn hóa. Gia phong tạo bản lĩnh cho gia đình và các thành viên trong các gia đình để ứng xử với mọi biến chuyển trong cuộc sống. Gia phong là lá chắn giúp ngăn chặn mọi tiêu cực của xã hội xâm nhập vào gia đình, giữ gìn những nét đẹp truyền thống của gia đình, gia tộc.

 

Tuệ Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây