Vài suy nghĩ về chính sách phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số

Thứ năm - 04/07/2024 03:34 0
Vùng dân tộc thiểu số ngay từ cái tên đã thể hiện rõ sự đa dạng về văn hóa. Đó là vùng có nhiều nền văn hóa của các tộc người sinh sôi và phát triển. Không chỉ đa dạng về văn hóa tộc người mà còn phong phú về các nhóm địa phương. Cùng một tộc người cũng có những nét riêng biệt mang tính chất địa phương bên cạnh những đặc trưng chung. Trong lịch sử, chính sách phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số luôn có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của các cộng đồng. Và cả hiện nay, khi sự đa dạng văn hóa đang được tôn trọng thì những chính sách phát triển văn hóa cũng cần có những thay đổi để phù hợp hơn với bối cảnh mới.


Phụ nữ người Mông, xã Mường Lống, Kỳ Sơn đang đang thêu khăn

Từ những ghi nhận cụ thể
Với những ai từng đi nghiên cứu điền dã dài ngày ở vùng dân tộc thiểu số chắc không lạ gì với những hiện tượng thay đổi địa danh theo kiểu “Kinh hóa” trong nhiều năm qua. Địa danh là văn hóa, và địa danh luôn gắn với các cộng đồng cụ thể nên cũng gắn với các nền văn hóa cụ thể. Nhưng từ giữa thế kỷ XX, với nhiều chính sách khác nhau được áp dụng lên vùng dân tộc thiểu số mà địa danh của nhiều làng, bản cũng thay đổi theo hơi hướng hiện đại hóa. Xin liệt kê một loạt tên các bản ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An làm dẫn chứng. Ở xã Tam Đình có nhiều bản làng người Thái và Khơ Mú mang tên gọi theo tiếng Thái sau đó đã bị đổi sang theo tiếng Kinh như bản Xốp Cớ đổi thành Đình Phong; bản Piềng Đồn đổi thành Đình Tiến; bản Cáng đổi thành Đình Thắng; bản Chổng đổi thành Đình Hương; bản Na Pục đổi thành Quang Phúc;… hay xã Tam Quang thì có bản Co Pài (bản có nhiều cây vải) đổi thành bản Tam Liên; bản Piềng Khằm (bãi vàng) đổi thành Tam Hương…. Hiện tượng này gần như phổ biến ở hầu hết các vùng dân tộc thiểu số ở miền núi. Và nó cũng gắn với quá trình thực hiện các chính sách phát triển mang từ miền xuôi lên miền ngược cũng như sự di cư của người Kinh lên vùng miền núi.
Nhìn rộng ra, việc thay đổi tên gọi của các địa danh chỉ là một phần nhỏ trong những ảnh hưởng mà chính sách phát triển văn hóa đưa lại. Thực tế, cả văn hóa vật chất lẫn văn hóa tinh thần vùng dân tộc thiểu số đều bị biến đổi nhanh chóng bởi các chính sách phát triển. Ví dụ khi thực hiện chính sách xây dựng đời sống văn hóa mới thì xem việc tổ chức đám tang kèo dài là một hủ tục lạc hậu và cần phải hạn chế. Điều này làm cho hệ thống các sinh hoạt văn hóa, trong đó có nhiều bài mo, bài cúng, diễn xướng dân gian gắn với nghi lễ này cũng ngày một bị mất mát. Những bài mo, bài cúng hay các điệu diễn xướng dân gian mang theo nó là lịch sử văn hóa cộng đồng. Thầy mo cúng nhiều bài mo khác nhau đưa linh hồn người chết đi về đúng nơi cần đến cũng là diễn tả lại những chặng đường lịch sử của cộng đồng đã đi qua. Nhưng khi bị cắt bớt, rút gọn lại cũng làm cho kho tàng lịch sử văn hóa của cộng đồng bị thu hẹp và mất mát là điều khó tránh khỏi. Càng ngày, các sinh hoạt văn hóa càng được hiện đại hóa theo kiểu miền xuôi hơn. Làm mất đi nhiều nét văn hóa độc đáo ở các cộng đồng. Đó cũng là vấn đề thúc đẩy chúng ta phải xem xét lại các chính sách phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số trong hơn nửa thế kỷ qua.
Đa dạng văn hóa và sự thay đổi từ các chính sách
Trong các triều đại phong kiến, vùng dân tộc thiểu số được coi là miền biên viễn xa xôi. Các nhà nước phong kiến đều mong muốn thắt chặt quản lý các cộng đồng dân tộc thiểu số để ổn định miền biên viễn. Nhưng ít khi triều đình can thiệp trực tiếp vào các thiết chế văn hóa của các cộng đồng dân tộc. Về cơ bản, các triều đại phong kiến đều chấp nhận sự đa dạng văn hóa của các cộng đồng và để nó phát triển một cách tự nhiên. Các chính sách can thiệp của Nhà nước chủ yếu tập trung vào lĩnh vực chính trị để nhận sự quy phục của các cộng đồng là chính và cũng mượn sức mạnh của các cộng đồng để giữ gìn biên cương.
Khi Pháp xâm chiếm và dần ổn định bộ máy cai trị thuộc địa thì vùng dân tộc thiểu số có những thay đổi nhất định. Một số chính sách đã bước đầu can thiệp vào sự vận động nội tại của các nền văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số. Nhưng về cơ bản, chính quyền thực dân cũng không đủ cơ sở vật chất để can thiệp sâu vào từng cộng đồng. Nên đời sống văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số, dù có những biến động và thay đổi nhất định, nhưng vẫn giữ được sự đa dạng và sự can thiệp từ ngoài vào vẫn chưa ảnh hưởng quá sâu đậm.
Từ giữa thế kỷ XX, sau khi hòa bình được lặp lại ở miền Bắc và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội thì sự can thiệp của Nhà nước vào vùng dân tộc thiểu số ngày một sâu đậm hơn. Một mặt, trong quá trình hoạt động cách mạng rồi sau đó là kháng chiến kiến quốc, vùng dân tộc có vai trò quan trọng. Vậy nên chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số cũng như là việc xây dựng cứ địa hậu phương cho các cuộc kháng chiến. Và quan điểm về chính sách cũng có những thay đổi. Về cơ bản, những người làm chính sách vẫn coi vùng dân tộc thiểu số là khu vực kém phát triển về kinh tế, lạc hậu về văn hóa và phức tạp về xã hội. Điều này cũng đồng nghĩa coi người Kinh ở miền xuôi là trung tâm, phát triển hơn và văn minh hơn. Nên quan điểm chính của các chính sách là giúp đỡ đồng bào phát triển nhanh hơn và văn minh hơn. Quan điểm này thể hiện rõ nét trong Báo cáo Chính trị của Ban Bí thư Trung ương Đảng trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1960 với nội dung: “Làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao và vùng biên giới tiến kịp vùng nội địa, các dân tộc thiểu số tiếp kịp dân tộc Kinh, giúp đỡ các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và năng lực to lớn của mình cùng nhau đoàn kết chặt chẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Các chính sách phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số sau đó đều dựa trên tinh thần và quan điểm chỉ đạo này mà xây dựng. Hầu hết các chính sách đều theo hơi hướng mang thực tế và chính sách cho người Việt ở vùng xuôi lên áp dụng cho người dân tộc thiểu số vùng miền núi. Có thể kể một vài chính sách quan trọng đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến vùng dân tộc thiểu số như chính sách di cư người miền xuôi lên miền núi xây dựng kinh tế mới; chính sách phát triển kinh tế hợp tác xã ở vùng dân tộc thiểu số; Chính sách định canh định cư và xây dựng lối sống văn hóa mới; các chính sách kiểm soát các nguồn tài nguyên quan trọng như rừng, khoáng sản…. Điều này làm đánh mất tính đặc thù vùng dân tộc thiểu số cũng như tính cụ thể trong bối cảnh phát triển của các cộng đồng, các địa phương. Phải cho đến sau Đổi mới 1986, mà cụ thể hơn là từ đầu những năm 1990 mới có những sự thay đổi từ trong quan điểm phát triển văn hóa vùng dân tộc thiểu số. Nhưng nó cũng đã để lại những hệ quả nghiêm trọng đối với các nền văn hóa truyền thống ở vùng dân tộc thiểu số.
Hệ quả của các chính sách can thiệp vào văn hóa
Các chính sách can thiệp sâu đậm vào vùng dân tộc thiểu số đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các yếu tố văn hóa truyền thống của các cộng đồng. Và hệ lụy của các chính sách này cho đến ngày nay vẫn còn nặng nề dù đã có những thay đổi nhất định.
Điều đầu tiên có thể thấy là sự đa dạng văn hóa của vùng dân tộc thiểu số bị suy giảm nhanh chóng. Các chính sách văn hóa được mang từ miền xuôi lên miền ngược vận dụng một cách máy móc với khát vọng tạo ra một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng nhưng thực tế đã tạo ra một khuôn mẫu và ép các nền văn hóa vào thành một thể thống nhất. Những giá trị văn hóa nằm ngoài các mô hình, quy chuẩn được đặt ra sẽ bị coi là lạc hậu, không phù hợp, thậm chí là bị loại bỏ. Điều này khiến cho nhiều phong tục tập quán, nhiều yếu tố văn hóa cộng đồng bị tàn lụi. Có một thời gian người ta lên vùng dân tộc thiểu số mà đi đến đâu cũng có cảm giác như na ná nhau vậy bởi các yếu tố tạo nên tính riêng biệt, sự độc đáo đã bị hạn chế hay mất mát. Nền văn hóa truyền thống của các tộc người bị mất mát nhanh hơn bởi quá trình hiện đại hóa văn hóa theo một chiều và mang hơi hướng chủ quan của các nhà quản lý. Từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể đều thay đổi theo hướng hiện đại hóa mà thực chất là theo mô hình miền xuôi. Cho đến giữa những năm 1990 mới bắt đầu ý thức để khôi phục lại sự đa dạng văn hóa khi mà người ta nhận thức rõ hơn vai trò của các yếu tố văn hóa truyền thống của các tộc người.
Một vấn đề quan trọng là tâm lý tự ti ăn sâu vào người dân tộc thiểu số. Từ cuối những năm 1950 đến đầu những năm 1990, hàng loạt các chính sách phát triển lên vùng dân tộc thiểu số đều lấy người Kinh làm trung tâm, lấy miền xuôi làm mô hình để đưa miền núi đi theo. Và nó cũng làm cho người dân tộc thiểu số thay đổi tâm lý, người ta cố gắng để giống với người miền xuôi mới là hiện đại, mới là yêu nước… Điều này cũng tạo ra tâm lý tự ti với nền văn hóa truyền thống của họ. Từ ăn mặc đến thực hành văn hóa họ đều cố gắng học hỏi để như người xuôi. Và nó trở thành động lực tạo ra quá trình biến đổi văn hóa nhanh hơn. Và tâm lý tự ti này kéo dài cho đến tận ngày nay vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều người.


Tiết mục hát mời rượu trong ống muồng của người Thổ làng Lung, xã Nghĩa Lợi, Huyện Nghĩa Đàn

Một hệ quả khác nữa, đều liên quan mật thiết với nhau cả, là các thiết chế văn hóa truyền thống bị vỡ vụn thành nhiều mảnh và khó để kết nối lại. Hệ thống giá trị văn hóa giữa các thế hệ cũng bị đứt đoạn nên sự trao truyền văn hóa bị hạn chế. Điều này khiến cho việc khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống thêm phần khó khăn hơn. Những người lớn tuổi gắn với các yếu tố truyền thống tộc người trong khi lớp trẻ lại bị hiện đại hóa nhanh chóng và tạo ra một ngăn cách giữa các thế hệ trong việc kiến tạo bản sắc văn hóa cộng đồng. Sự thay đổi trong đời sống sản xuất cũng làm cho những kinh nghiệm, tri thức văn hóa của thế hệ trước không được thế hệ sau vận dụng và ngày càng bị mất mát nhiều hơn. Cùng với đó là sự thay đổi trong thực hành đời sống văn hóa mới. Những điều đó cũng trở thành thách thức cho quá trình khôi phục văn hóa truyền thống của các cộng đồng.
Khôi phục văn hóa từ chủ thể
Khoảng 3 thập kỷ qua, việc khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các tộc người được Nhà nước quan tâm rất nhiều. Nhưng trong quá trình thực hiện, vẫn mang nặng tính áp đặt từ trên xuống. Hệ quả là việc bảo tồn, khôi phục di sản văn hóa truyền thống kém hiệu quả, thậm chí là tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa người dân. Điều đó chứng mình rằng các chính sách từ trên xuống còn nhiều hạn chế, và cần phải được bổ sung, chỉnh sửa hoặc thay thế một cách hợp lý. Để làm điều đó thì cần phải đặt chủ thể văn hóa vào trung tâm của mọi chính sách.
Bắt đầu từ nhận thức rằng, việc kiến tạo văn hóa ở vùng dân tộc thiểu số hiện nay khác trước rất nhiều. Có nhiều đối tượng khác nhau cùng tương tác và có ảnh hưởng đến quá trình kiến tạo văn hóa. Đó là các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội… và cộng đồng chủ thể. Để chính sách khôi phục văn hóa có hiệu quả thì phải tăng quyền, trao quyền quyết định cho cộng đồng chủ thể.
Thứ hai là con đường để thực hiện cần được tham vấn người dân một cách đầy đủ và nghiêm túc. Người dân chủ thể sẽ được quyết định phải khôi phục những yếu tố nào và khôi phục như thế nào. Quá trình thực hiện, người dân không chỉ trực tiếp tham gia, giám sát và quyết định thay đổi, bổ sung thậm chí dừng lại để thay thế nếu thấy cần thiết. Nói chung, họ có quyền quyết định toàn bộ quá trình khôi phục, bảo tồn văn hóa của chính mình. Và chỉ có tham vấn cộng đồng mới có thể đảm bảo được những nguyên tắc và quyền lợi đó. Nói vậy không phải coi nhẹ các bên liên quan và sự tương tác giữa họ với cộng đồng chủ thể. Tuy nhiên, các bên liên quan khác chỉ là nhân tố ảnh hưởng còn chủ thể mới được quyền quyết định.
Thứ ba là tôn trọng quan niệm và nhận thức của người dân để xóa bỏ tâm lý tự ti và nâng cao nhận thức về vai trò văn hóa truyền thống với tư cách là một nguồn lực phát triển để người dân quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Để làm điều này hiệu quả thì cần phải có những dự án phát triển cộng đồng thay vì các chính sách áp đặt từ trên xuống. Nếu như chúng ta tôn trọng sự đa dạng, tôn trọng quyền quyết định của người dân thì có thể để họ lựa chọn từ những việc nhỏ như đặt tên làng tên bản, rồi quyết định các vấn đề về xây dựng đời sống văn hóa của họ. Như vậy thì những vấn đề bất cập trong việc bảo tồn, khôi phục văn hóa truyền thống sẽ được giải quyết phù hợp hơn./.



 

Minh Tuệ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây