Vùng Ngũ Bàu Yên Thành - Nơi phát tích họ Hồ Việt Nam: Một vùng văn hóa, lịch sử xứ Nghệ

Thứ hai - 10/06/2024 21:55 0
Một trong những vấn đề thảo luận trong lịch sử và văn hóa họ Hồ Việt Nam là gốc tổ họ Hồ Việt Nam, nơi phát tích họ Hồ Việt Nam (HHVN) thực sự ở đâu, ở vùng Quỳnh Lưu nay hay ở vùng Yên Thành nay? Nhóm nghiên cứu lịch sử HHVN từ nhiều năm, nhất là từ 2018-2019 đã đi đến kết luận nơi phát tích họ Hồ Việt Nam là ở vùng Yên Thành, xưa là Quỳ Trạch - một vùng lịch sử văn hóa từ xa xưa còn mãi đó với thời gian trên đất Nghệ thân yêu. Sau năm 2019 đến nay 2024, chúng tôi tiếp tục tìm hiểu thêm sử liệu, dấu tích lịch sử thực tế và nhiều lần trao đổi, tranh luận, phản biện nhiều chiều trong nhóm nghiên cứu và cả với ngoài nhóm càng thấy điều ấy là đúng sự thật. Việc này đã viết thành các tiểu luận nghiên cứu, xuất bản thành sách(1). Xin tóm tắt một số ý chính liên quan chủ đề đang bàn.Có nhiều căn cứ mà sau đây là một vài căn cứ chính!
1. Về địa điểm Nguyên tổ Hồ Hưng Dật lựa chọn định cư, lập nghiệp chủ yếu là vùng Quỳ Trạch xưa, Yên Thành nay

Hiện tại có hai quan điểm chính về nơi Nguyên tổ sinh sống sau khi từ quan. Quan điểm thứ nhất cho rằng đó là hương(2) Bào Đột (Ngọc Sơn, Quỳnh Lâm nay) là chính (như một số tài liệu có ghi). Quan điểm thứ hai cho rằng Nguyên tổ ở Quỳ Lăng xưa (Lăng Thành, Thọ Thành nay) là chính (dựa vào sử liệu và dấu tích lịch sử).

Đây cũng là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu. Tuy nhiên, không dễ để tìm câu trả lời ngay, một phần vì sự thay đổi, biến đổi địa danh trong lịch sử; một phần vì các tư liệu có sự ghi chép khác nhau. 
Liên quan đến vấn đề xác định địa điểm Nguyên tổ Hồ Hưng Dật sinh sống, lập nghiệp cần làm rõ địa danh Bào Đột, Quỳnh Lưu. Trước hết, qua một số tư liệu trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến họ Hồ thì địa danh Quỳnh Lưu và Bào Đột đều được nhắc đến. Cuốn “Về họ Hồ thế kỷ 10”, “Lịch sử Việt Nam” 15 tập, tập 1 (Lịch sử Việt Nam từ đầu dến thế kỷ thứ 10) trang 67, 68 có ghi: “Họ Hồ ở Quỳnh Lưu (Nghệ An ngày nay)” là chưa chính xác với lịch sử, vì: Thế kỷ thứ 10 chưa có địa danh Quỳnh Lưu(3). Mãi đến hơn 400 năm sau mới có huyện Quỳnh Lưu, đến năm 1430 mới tách huyện Đông Thành, để thành lập thêm huyện Quỳnh Lưu. Có người cho rằng, phải viết là “Họ Hồ ở châu Diễn (thuộc Nghệ An ngày nay)” mới đúng! Nhưng châu Diễn thì quá rộng.
Trong 267 danh tướng nhà Đinh, về Hồ Hưng Dật có chép như sau: “Hồ Hưng Dật, Nguyên tổ họ Hồ Việt Nam là người Chiết Giang, đỗ Trạng nguyên thời Hậu Hán(4), Hồ Hưng Dật đã sang Việt Nam sau khi đỗ Trạng nguyên đúng thời Thập nhị sứ quân và sinh sống tại hương Bào Đột, ông kết bạn với Đinh Công Trứ thân sinh Đinh Bộ Lĩnh. Đinh Bộ Lĩnh dấy quân dẹp loạn 12 sứ quân, có đến gặp ông để tham vấn ý kiến. Ông góp ý với Đinh Bộ Lĩnh về kế sách dẹp loạn 12 sứ quân. Khi Đinh Tiên Hoàng lên ngôi đã phong ông trấn thủ Hoan Châu, quê quán Trung Hoa” (Tư liệu lịch sử ở Đình Tân Phúc, xã Quỳ Lăng, Yên Thành, Nghệ An)(5). Nếu cho rằng: “Hồ Hưng Dật đã sang Việt Nam sau khi đỗ Trạng nguyên(6) đúng thời Thập nhị sứ quân và sinh sống tại hương Bào Đột, và ông kết bạn với Đinh Công Trứ thân sinh Đinh Bộ Lĩnh” là chưa đúng về thời điểm và bối cảnh lịch sử. Khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, có đến gặp ông để tham vấn ý kiến”, thì phủ nhận ông Hồ Hưng Dật làm quan thái thú ở châu Diễn(7). Nếu Hồ Hưng Dật làm bạn với Đinh Công Trứ thì càng mâu thuẫn, phi thực tế vì Đinh Công Trứ mất trước năm 940, không thể cho rằng Ngài sang thời đúng thời Thập nhị sứ quân (944-968) sau Ngô Quyền xưng vương (cụ thể là sang năm 948-950?).
Hồ Hưng Dật có thật sự cùng vợ con sống ở hương Bào Đột là Quỳnh Lưu ngày nay hay không, hay ở vùng Ngũ Bàu Lăng - Mã - Thọ Thành… ngày nay (thuộc hương Bàu Trạch xưa tức cũng có tên là Bào Đột hay Bàu Đót?). Theo Hồ Minh Châu thì Bào Đột là tên gọi khác của Bàu Trạch. Như vậy phải chăng hương Bào Đột là một phần của huyện Yên Thành và huyện Diễn Châu ngày nay, thuộc tổng Quỳ Trạch, là một khu vực rộng lớn bao gồm vùng Mã - Thọ Thành đến Quỳnh Lâm? Lại có ý kiến khác: hương Bàu Trạch là ở vùng Ngũ Bàu, Yên Thành nay không phải ở Bào Đột - Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu, nên không phải là hương Bào Đột (từ Đột mới thêm vào sau bản đầu(8)). Và theo sách Tĩnh An xưa (“An Tĩnh xưa” của Hippolyte Le Breton - một tuyệt tác chuyên khảo lịch sử) và Nghệ An ký của Hoàng giáp Bùi Dương Lịch thì Hồ Hưng Dật không liên quan gì đến ngọn đồi Bào Đột - Ngọc Sơn, Quỳnh Lâm nay. Con cháu Hồ Hưng Dật sau này mới có người di cư xuống vùng Bào Đột/ Ngọc Sơn nay.
Theo một số nguồn tư liệu (Lịch sử xã Mã Thành, Gia phả 6 chi họ Hồ Phú Nghĩa nay là xã Quỳnh Nghĩa,…) thì Hồ Hưng Dật từ Chiết Giang đến Lạc Việt rồi làm Thái thú châu Diễn trước năm 939, tức trước thời Tiền Ngô Vương. Theo tài liệu 267 danh tướng thời Đinh thì đến thời Đinh Tiên Hoàng thì Hồ Hưng Dật mới làm Trấn thủ vùng Hoan Diễn (châu Hoan lúc đó)(9). Còn lỵ sở ở châu Diễn, hay sau là châu Hoan là tại xã Quỳ Lăng, tổng Quỳ Trạch(10) (nay là huyện Yên Thành)(11), chứ không phải ở Nghĩa Đàn nay. Nguyên tổ Hồ Hưng Dật thuộc người Bách Việt đến Lạc Việt làm quan và lập nghiệp cư ngụ tại vùng Ngũ Bàu, Quỳ Lăng (Lăng Thành và Thọ Thành, Yên Thành ngày nay) mới đúng. Và Hồ Hưng Dât sang trước thời Tiền Ngô 939 chứ không phải 947-950. TS Trần Đình Phong thời Nguyễn, người đứng đầu Quốc tử giám lúc đó (tập Khoa biên hàng Tổng) ghi là Hồ Hưng Dật sống, lập nghiệp và mất ở vùng Ngũ Bàu, Quỳ Trạch xưa!
Theo khảo sát các di tích, dấu ấn còn lại như mồ mả, đền, nhà thờ, khu vực tập trận thời Hồ Hưng Dật, địa danh mang tên họ Hồ… ở vùng Quỳ Lăng cũ thì nơi Nguyên tổ đến và hoạt động, lập trang trại và sinh sống đầu tiên và đến cuối đời vẫn ở vùng Quỳ Lăng xưa. Nhưng có người còn cho rằng: “Tổ tiên Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật… sang làm Thái thú Diễn Châu” nhưng nói “định cư ở hương Bào Đột(12) nay là làng Quỳnh Đôi(13), huyện Quỳnh Lưu…” không đúng. Và nếu ông sang năm 947-950 thì không có chức thái thú, không thể là bạn đồng liệu với Đinh Công Trứ đã mất năm 940) và làng Quỳnh Đôi không thuộc làng, hương Bào Đột như có hiện nay vẫn còn người ngộ nhận.
Như vậy hiện nay vẫn tồn tại hai quan niệm khác nhau về địa điểm sinh sống và lập nghiệp của Nguyên tổ Hồ Hưng Dật. Trên thực tế, ngài đã sinh sống, lập nghiệp ở đâu, Yên Thành nay hay Quỳnh Lưu nay? Nhưng theo Nhóm nghiên cứu với các dấu tích, sử liệu thì cụ Thái thú Hồ Hưng Dật (nguyên tổ/ thủy tổ họ Hồ Việt Nam) nơi ông đến đầu tiên và đã ở, lập nghiệp ở vùng Ngũ Bàu - Quỳ Lăng/ kẻ Sừng - Kẻ Cuồi xưa, nay là Lăng Thành - Mã Thành - Thọ Thành… và sinh con đẻ cháu tạo ra dòng họ Hồ trước hết là ở đây rồi về sau lan tỏa đi các nơi.
2. Vùng Quỳ Lăng và Kẻ Cuồi nơi gốc Tổ họ Hồ Việt Nam
2.1. Việc xác định chính xác địa điểm lỵ sở của Châu Diễn (14)
Về địa điểm lỵ sở của Châu Diễn qua các thời kỳ vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Ở đây, từ các nguồn sử liệu lưu trữ và kết quả khảo sát điền dã, chúng tôi đặt vấn đề “Phải chăng Quỳ Lăng - lỵ sở châu Diễn xưa ở Kẻ Sừng (nay là xã Lăng Thành và Mã Thành) và Kẻ Cuồi (nay là xã Thọ Thành) là nơi gốc Tổ của họ Hồ Việt Nam”? Qua khảo cứu, chúng tôi khẳng định: Từ năm 627 đến năm 1270,  lỵ sở của châu Diễn (trong đó có vùng Lăng Thành nay, xưa là Quỳ Lăng), và từ năm 939 đến 979 vẫn được đặt lỵ sở ở Lăng Thành.
Theo một số tài liệu như Đại việt sử ký toàn thư, Lịch sử Việt Nam 15 tập,  Hồ tông thế phả đều viết Hồ Hưng Dật là Thái thú châu Diễn. Lịch sử tỉnh Nghệ An, Lịch sử xã Mã Thành, Lịch sử huyện Nghĩa Đàn... đều ghi lỵ sở châu Diễn ở Qùy Lăng. Qua nghiên cứu cho thấy lỵ sở châu Diễn đóng ở Quỳ Lăng (đến năm 979) - nay là xã Lăng Thành và xã Mã Thành ngày nay. Làng Kẻ Sừng là làng Quỳ Lăng, làng Tam Thọ đều thuộc xã Thái Trạch, tổng Quỳ Trạch xưa(15). Sau tách ra 3 xã: Lăng Thành, Mã Thành (Kẻ Sừng) và xã Thọ Thành (Kẻ Cuồi).
Ông Ngô Đức Tiến, nhà nghiên cứu Sử học Nghệ An trong bài phát biểu tại Hội thảo ngày 26/6/2019 ở Tam Công, Thọ Thành đã cho rằng: “Đất Yên Thành là trung tâm chính trị - hành chính - an ninh quốc phòng châu Diễn xưa, lỵ sở đóng tại làng Quỳ Lăng. Tên làng đồng thời là tên xã, dân gian gọi là Kẻ Sừng nằm trong tổng Quỳ Trạch. Kẻ Sừng nay là xã Lăng Thành. Lăng Thành còn có lúc được gọi là trấn Vọng Giang. Vùng Yên Thành có 180 di tích, 1387 tên gọi địa danh trong đó rất nhiều tên gọi liên quan đến dòng họ Hồ xưa. Lịch sử vùng Quỳ Lăng có từ năm 626. Quỳ Lăng có thế phòng thủ bằng đường thủy của hai cửa sông và khu rừng đồi trùng điệp, có nhiều thung lũng hiểm trở”.
2.2. Vùng Quỳ Lăng xưa, Lăng Thành, Thọ Thành,… nay là nơi có nhiều di tích lịch sử và địa danh dày đặc mang dấu ấn liên quan đến họ Hồ từ lâu đời nhất
Đúng là Lăng Thành là nơi có nhiều di tích lịch sử và địa danh dày đặc mang dấu ấn liên quan đến họ Hồ từ lâu đời như đền, đình thờ Đức Nguyên tổ, các lăng mộ Tổ, khu lăng mộ cổ họ Hồ các đời (khoảng 5, 6 đời tiếp theo Nguyên tổ), các địa danh có liên quan đến dòng họ Hồ từ xa xưa truyền đến ngày nay ở xã Lăng Thành.
Những di tích dấu tích  liên quan đến Hồ Hưng Dật và hậu duệ họ Hồ kế tiếp xưa ở vùng Ngũ Bàu gồm:
- Đền Thượng nằm sát sau lưng Đình Sừng (hậu cung đình Sừng), thờ hai vị thành hoàng là Đệ nhất thần Cao Sơn và Đệ nhị thần Trạng nguyên Thái thú Hồ Hưng Dật. Đền có kết cấu 3 gian bằng gỗ lim, lợp ngói, theo lối kiến trúc cổ và hiện đã bị xuống cấp nặng. Ai đến chiêm bái cũng nặng lòng tiếc thương trước cảnh hoang tàn, lạnh lẽo. Hiện nay UBND xã Lăng Thành đã lập phương án trùng tu khẩn cấp phần mái ngói bị hư hỏng. Bên phải đền Thượng là miếu thờ bà Tổ cô họ Hồ. Còn đền Thượng, hậu cung đình Sừng này đã trùng tu năm 2023 khá khang trang.
- Vùng đình Sừng là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa châu Diễn xưa (từ năm 627-979 lỵ sở châu Diễn đóng ở Kẻ Sừng). Đình Sừng nay còn lại nhà chính có 5 gian 2 hồi bằng gỗ lim theo lối kiến trúc độc đáo, đồ sộ, nằm sừng sững trên cánh đồng làng xã Lăng Thành. Đình Sừng và đền Thượng đều thờ Thần hoàng làng là Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật - người có công xây dựng và bảo vệ Đại Việt và vùng đất châu Diễn - trị/ lỵ sở tại làng Quỳ Lăng - Lăng Thành. Đình Sừng đã được cấp bằng Di tích Lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (Số 69/QĐ ngày 11/6/2003)(16).
- Đền Trung Đẳng thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật(17) liền kề ngôi mộ của Ngài, nằm trên rú Quan, một thời bị đã san lấp xây trụ sở Ủy ban nhân dân xã Lăng Thành (Đền Trung Đẳng cũ thờ ngài Hồ Hưng Dật bị tháo dỡ năm 1971). Trải qua thời gian, cảm nhận tâm linh và linh ứng có điều linh thiêng nên văn phòng Ủy ban nhân dân xã Lăng Thành đã cung kính đặt bát nhang cổ yên vị trên nóc tủ trong phòng nhà văn hóa xã để thờ Ngài, tháng 8/2019 mới thay lại bàn thờ và đồ khí tế trang trọng hơn.
- Đền Cận(18) ở Truông Tràng, xã Đức Thành, huyện Yên Thành, thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật. Đây là ngôi đền rất lâu đời và linh thiêng, truyền thuyết kể rằng: “mỗi lần tế lễ, có hổ cắp lợn rừng trong đêm tha ra đền để dân làm lễ... cúng xong, nhân dân lại mang một phần thịt lợn vào rừng tạ lễ hổ”. Đền Cận bị đổ nát và địa phương tháo dỡ từ những năm 1960. Một số voi, ngựa của đền Cận đã được mang về đền Sàng - tổng Quỳ Trạch.
- Lăng mộ Tổ, nằm dưới giữa sân vận động UBND xã, theo cụ Hoàng Danh Loan Chủ nhiệm hợp tác xã, lúc san ủi phát lộ rất nhiều gạch xây lăng mộ, hợp tác xã cử người nhặt gạch xây lò ươm giống lúa. Ông Hoàng Danh Loan khi đó là chủ nhiệm hợp tác xã đã cho đào nấm đất (không biết là mộ) để lấy gạch xây lò thúc mầm (lò ủ thóc giống), đã đào đến khoảng hơn 1mét và đã lấy đủ gạch xây lò thúc mầm. Khi đào lấy gạch thấy có cổng vòm xây gạch, nghi như cổng vòm vào “cung điện lăng mộ ngầm trong Rú Quan”. Nhiều ý kiến nhân chứng đều cho rằng ngài mất ở đây và táng ở đây, hiện đang nằm dưới sân bóng xã... Theo nhân chứng (cụ Liên) thì trước đây đường lên Rú Quan (sân vận động xã ngày nay) có cổng xây cổ kính, có voi, ngựa đứng chầu hai bên. Thời kỳ kháng chiến nơi đây là nơi tập kết của bộ đội, có trạm giao liên, có nơi chiếu bóng, có nơi giam giữ tù binh Pháp tại đền… (không nhớ tên), tù binh Pháp đốt lửa sưởi ấm làm cháy Đền. Sau cải cách (1958) người ta đã cho phá một số đền, chùa, trong đó có đền Trung Đẳng(19). Ở sân bóng trước Ủy ban nhân dân xã Lăng Thành đã có những dấu hiệu được nghi là vị trí của mộ Tổ linh thiêng.
- Khu lăng mộ cổ họ Hồ - động Tổ Hồ có thể khoảng 5 đời sau ngài Hồ Hưng Dật. Qua khảo sát nghiên cứu kỹ khu lăng mộ cổ họ Hồ lâu đời, chỉ có 10 mộ có bia đá, chụp ảnh, dịch bia khó khăn vì lâu đời bị mờ chữ. Cần người dịch tại chỗ. Phần mộ xếp đá lổn nhổn, mỗi phần mộ xếp chồng đá 5 đến 10 viên (cỡ 15 x 20 cm), trông tiêu điều vắng lặng thảm thương (Khu mộ này chỉ dành chôn cất những người là trưởng chi họ). Đây là địa chỉ đã “phát lộ”, đề nghị họ Hồ Việt Nam quan tâm, tu tạo và chăm sóc.
- Lăng mộ cổ họ Hồ tại đập Mã Tổ: Lăng mộ trên sườn 3 ngọn đồi, thế phong thuỷ “Đầu gối sơn, chân đạp thuỷ”. Từ đỉnh núi nhìn thẳng xuống mặt hồ nước lớn, rộng mênh mông. Phong cảnh tuyệt đẹp. Khe Ồ Ồ gọi là Tiên sinh Ồ Ồ (tức Tiên sinh họ Hồ(20)). Theo ông Ngô Đức Tiến, chuyên gia sử và nhân dân địa phương, đây là mộ Tổ họ Hồ (đến nay không có dòng họ nào nhận mộ này). Khi xây ngăn đập hồ chứa nước thì nhân dân thường gọi là đập Mã Tổ. Song cần xem xét Mã Tổ đời nào? Qua nghiên cứu, tìm hiểu vẫn chưa có cơ sở mộ của vị Tổ đời nào. Đây là tồn nghi nữa cần nghiên cứu, tiếp tục khảo sát, thăm dò xác định rõ lăng mộ Tổ thuộc đời nào?
- Nhưng đáng lưu ý bậc nhất là nhà thờ họ đại tộc Hồ Tâm Công nay (có thể có nguồn gốc xa xưa từ vùng Mộng Sơn(21) thuộc Mã Thành, Mã Thành xưa là thuộc Quỳ Lăng- tức Lăng Thành) được cụ Hồ Cao xây dựng lại từ năm 1314 để thờ các bậc tiên linh, các bậc tiên liệt, cao nhất là nguyên tổ Hồ Hưng Dật và sau này sẽ là là Hồ Kha… Về sau Trạng nguyên Hồ Tông Thốc sửa chữa, nâng cấp nhà thờ (nên có lúc cũng gọi là nhà thờ Trạng nguyên Hồ Tông Thốc, di tích lịch sử quốc gia). Đây là nhà thờ họ Hồ Việt Nam lâu đời nhất còn hiện hữu và phát triển. Tại nhà thờ họ đại tộc Hồ Tâm Công làm Xuân tế tháng Giêng hàng năm vào ngày chính là 10 tháng Giêng sau mới đến các nơi khác… đã thành truyền thống từ xa xưa.
Điều này càng chứng minh chắc chắn là nơi phát tích họ Hồ Việt Nam là ở vùng Lăng - Mã - Thọ - Tân Thành ngày nay(22). Do vậy không thể nói vùng Bào Đột - Ngọc Sơn là vùng “linh địa duy nhất của họ Hồ Việt Nam”. Dù việc phục dựng, xây dựng đền Hồ Hưng Dật hiện nay (hoàn thành 2014) từ miếu thờ tổ tiên (năm 1403) và cũng là đền Vua Hồ sau đó, là việc làm có ý nghĩa to lớn, thành trung tâm lễ hội về Hồ Hưng Dật và các bậc tiền nhân, nhưng lịch sử, nơi gốc tổ, phát tích (đầu tiên) họ Hồ Việt Nam phải rõ ràng, tường minh và thuyết phục!.
2.3. Các địa danh, dấu ấn lịch sử họ Hồ xa xưa tại vùng Ngũ Bàu, Lăng Thành và xã Thọ Thành, Tân Thành…
- Ngũ Bàu: Khe Hồ - một trong 5 khe (khe Hồ, khe Thần, khe Nhà Ông, khe Nhà Bà, khe Hòn Nhọn) đều chảy về Bàu Giang. Bàu Giang gọi là Bàu Hồ chảy về 5 bàu gọi là Ngũ Bàu (bào), dòng chảy tự nhiên quanh năm, gồm: Bàu(23) Sàng, chảy về xã Đức Thành - Thọ Thành (phía Đông Bắc); Bàu Gia chảy về xã Tân Thành (phía Bắc); Bàu Canh, chảy về Mã Thành (phía Đông Nam); Bàu Sừng, chảy về Lăng Thành (phía Nam); Bàu Diệu Ốc, chảy về Phúc Thành (phía Tây Nam). Năm bàu này bao quanh huyệt Đế vương, vươn rộng từ Nam Bắc Lăng Thành xuống Kẻ Cuồi tận đường Quốc lộ 1. Sử phổ, trang 8, dòng 10 đến 18, chép: “Trạng nguyên Hồ Hưng Dật quê huyện Vũ Lâm, tỉnh Chiết Giang sang làm Tri châu(24) châu Diễn thời Hán Lưu Ấn (923-938) “Khi cụ qua đời các hậu duệ đã chọn đất phía Bắc làng Quỳ Lăng, Yên Mã táng vị Triều Tổ ở đây”.
- Làng Quỳ Lăng có cổng Đông xây dựng năm 1926 rất đẹp và cổ kính.  Theo “Khoa biên hàng Tổng”, Tiến sĩ Trần Đình Phong viết: “Sau khi thôi quan, Ngài về đất Ngũ Bàu: Bàu Gia, Bàu Sàng, Bàu Canh, Bàu Sừng và Bàu Diệu Ốc là trị sở làm việc của Ngài, tất cả những nơi này đều có miếu thờ Ngài... Đặc biệt ở Đền Nhà Ông có ngôi đền Cận được hai tổng kiến thiết để thờ Đức Thành Hoàng của hai tổng(25). Ngài có công lập nên hai tổng, đưa lại nền độc lập tự chủ về văn hóa”. Trong khi đó có sách viết cụ Hồ Hưng Dật về Bào Đột làm trại chủ, mà Bào Đột cũng là Ngũ Bào (Bàu Trạch, Yên Thành). Phải chăng từ từ ngữ “Ngũ Bàu” mà suy ra nên lầm lẫn ở vùng Ngọc Sơn nay? Trong khi đó hương Bào Đột bao hàm những đâu và lại lầm lẫn rồi tranh luận không ngớt khi nói về đất Tổ, mà chúng tôi cũng đã bàn tới?(26)(và sẽ có dịp bàn sâu hơn).
- Vùng “Yên Định quận” thuộc các xã Lăng Thành, Thọ Thành, Mã Thành, Đức Thành và Tân Thành. Nhiều chi phái phát tích từ Yên Định quận di cư đi các nơi đã về nhận họ.
- Bãi tập Hồ: gồm 3 bãi tập. Hòn Vọng là bãi tập 1, từ Bàu Sừng (sau UBND xã Lăng Thành) kéo dài lên đến rừng lim, động Tổ Hồ. Bãi tập 2 ở Hòn Côi, xóm Làng Nghè thuộc xã Lăng Thành. Bãi tập 3 ở Hòn Cô, Hòn Vọng thuộc xã Mã Thành và xã Tiên Thành. Ngài thực hiện chính sách “thực túc binh cường”, vừa tập trung luyện quân, vừa sản xuất lương thực, thực phẩm nuôi binh sỹ.
Ngày nay con cháu đã xây dựng đền thờ Hồ Hưng Dật ở Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu (thành di tích quốc gia) là việc làm rất đáng trân trọng và hợp thời! Nhưng nếu cho rằng nơi phát tích họ Hồ Việt Nam là ở vùng Bào Đột - Ngọc Sơn, Quỳnh Lâm nay thì chưa thuyết phục. Đã có bài nghiên sâu hơn về chủ đề và khía cạnh này. Một câu hỏi đặt ra là năm 1403 vua Hồ Hán Thương mới xây miếu thờ tổ tiên ở đây thì hơn 300 năm trước con cháu thờ Hồ Hưng Dật ở đâu? Dấu tích, di tích thời Hồ Hưng Dật và hậu duệ gần không thấy ở vùng Ngọc Sơn, Quỳnh Lâm nay (chỉ có dấu tích thời Trần - Hồ)!
Như vậy, dựa trên các căn cứ, nguồn tư liệu quốc gia, địa phương (Lịch sử tỉnh Nghệ An, huyện Yên Thành, các xã Lăng Thành, Thọ Thành, Mã Thành...); căn cứ các di tích hiện tồn trên mặt đất và mật độ di tích, các địa danh dày đặc liên quan mật thiết đến dòng họ Hồ từ xa xưa lưu truyền đến ngày nay tại vùng Ngũ Bàu - Lăng Thành, Thọ Thành,… có thể khẳng định chắc chắn rằng đất Quỳ Lăng xưa, nay là Lăng Thành, Thọ Thành,… huyện Yên Thành là trị sở - đại bản doanh, nơi làm quan, ở lập nghiệp của Thái thú châu Diễn. Đây đồng thời là thánh địa, nơi cội nguồn phát tích của họ Hồ Việt Nam. Ngũ Bàu với Mã - Lăng Thành (Kẻ Sừng) cùng với vùng Kẻ Cuồi xưa / Thọ Thành… nay là một vùng quê quán - nơi danh gia vọng tộc của Ngài (Hồ Hưng Dật)(27) từ ngàn năm xưa(28). Từ đó đến ngày nay, con cháu nối dõi đời đời, thờ cúng Đức Nguyên tổ và các bậc tiên liệt dòng tộc lâu đời nhất(29).
Những di tích, dấu tích… nơi phát tích họ Hồ Việt Nam, một vùng văn hóa - lịch sử độc đáo xứ Nghệ cũng cần có sự quan tâm và phối hợp của cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ thêm, cần kiểm kê, đánh giá bảo vệ, tôn tạo và gìn giữ, phát huy trong chiến lược xây dựng nền văn hóa có tính lịch sử vùng xứ Nghệ đậm đà và giàu bản sắc!
Chú thích
1. Xem thêm sách: Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia TPHCM, 2019.
2. Xem bản thảo sách: Bàn tiếp một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam (khoảng 1000 trang khổ lớn).
3. Khúc Thừa Hạo là nhà cải cách lớn và thân dân, nắm quyền điều hành đất nước sau Khúc Thừa Dụ. Ông tiến hành cải cách hành chính; chia cả nước thành lộ, phủ, châu, giáp, xã. Những xã gần nhau trước gọi là hương nay đổi thành giáp. Hương Bàu Đột như vậy gồm nhiều xã hợp thành.
4. Theo TS Hồ Bá Thâm: “Cũng nên phân biệt địa danh Quỳnh Lưu với địa bàn lâu đời của “Quỳnh Lưu” trong quá trình lịch sử để không câu nệ hồi đó có tên gọi Quỳnh Lưu hay chưa. Đây là thông lệ phổ biến khi nghiên cứu lịch sử đất nước, địa phương”.
5. Câu trên nếu ghi Hồ Hưng Dật đậu Trạng nguyên thời hậu Hán tức năm 947-950 (951) thì làm sao có thể là bạn với Đinh Công Trứ (vì Đinh Công Trứ đã mất năm 940).
6. Năm 1430, Quỳnh Lưu gồm 7 tổng, Quỳ Châu thuộc Nghĩa Đàn ngày nay và 4 tổng thuộc Quỳnh Lưu ngày nay. Nhưng câu trên ghi là Quỳnh Lưu là theo nghĩa lịch sử, chứ không theo nghĩa khi có tên Quỳnh Lưu chăng?
7. Thời Hậu Hán tồn tại có gần 4 năm không có thi Trạng nguyên. Và thời đó ở Ngô Việt cũng chưa thi lấy Trạng nguyên. Chỉ có Nam Hán là có thi lấy Trạng nguyên. 
8. Trước năm 939 còn gọi là châu Diễn còn sau dó là châu Hoan (châu Diễn nhập vào châu Hoan).
9. Viện Hán Nôm dịch lại, kiểm tra độ chính xác những nội dung trong Hồ Tông thế phả (HTTP). Trong bản ghi tháng 12/2023 thẩm định, dịch, hiệu đính Phần mở đầu do Mai Hương, Lê Như Duy, (thẩm định, dịch thuật, hiệu đính), văn bản có đóng dấu đỏ (ông Thái Trung Sử ký xác nhận). Trong đó ở trong 10 văn bản này ghi có chữ Đột nhỏ bên cạnh chữ Trạch là ghi thêm vào: “Chính mạch văn là chữ Bàu Trạch, chữ Đột là viết phụ thêm chữ nhỏ bên cạnh chữ Trạch” (ở mục chú thích).
10. Có thể ông Hồ Hưng Dật từ quan về làm trang trại, sau đó Đinh Bộ Lĩnh lại mời ra làm quan nhưng có khả năng là ông làm quan liên tục vì ông có tên trong danh sách 267 danh tướng thời Đinh.
11. Tổng Quỳ Trạch xưa gồm cả một số xã huyện Nghĩa Đàn nay. Huyện “Quỳnh Lưu” xét về lịch sử thì trước năm 1430 bao gồm cả tổng Quỳ Trạch, có cả đất huyện Đông Thành lúc đó hay không. 
12. Theo Hồ Sỹ Hóa, từ thời cụ Hồ Hưng Dật đã có huyện Đông Thành. Đông Thành lúc đó bao gồm cả vùng Quỳnh Lâm và xã Diễn Kỷ, Diễn Châu.
13. Lúc đó thuộc vùng đất nào là huyện Đông Thành hay Quỳnh Lưu?
14. Từ làng Quỳnh Đôi, xuống tận Quỳnh Bảng, nói rộng ra là làng Phú Đa xưa thuộc tổng Hoàn Hậu xưa. Thổ Đôi trang tức Quỳnh Đôi từ năm 1378 mới lập làng.
15. Năm 627 có tên châu Diễn khi tách ra từ Hoan Châu và đến 980 Quỳ Lăng vẫn là lỵ sở châu Diễn/ châu Hoan. Năm 981-1009 chuyển lỵ sở đến Kẻ Dền, Công Trung Thượng (xã Văn Thành) nay là xã Văn Thành và Phúc Thành. Năm 1009, Lê Công Tùng con Lê Đại Hành chạy vào Kẻ Dền xây thành,  xưng đế và để lại nhiều dấu ấn ở đây. Năm 1466, lỵ sở chuyển về Thành Trai (Đông Lũy), Diễn Hồng. Thời Quang Trung chuyển về vùng Diễn Ngọc ngày nay (xem thêm Huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành, Sơ thảo Lịch sử huyện Yên Thành, tập 1, Nxb Nghệ Tĩnh, 1990 trang 9). Hồ Bá Hiên lại viết: Trị sở châu Diễn thế kỷ 7 về trước đóng ở Quỳ Lăng (Yên Thành), từ thế kỷ thứ 8 trở đi dời về Phủ Quỳ rồi Tiên Sinh (lúc đó thuộc huyện Quỳnh Lưu, từ năm 1840 thuộc huyện Nghĩa Đàn. Nguyên Tổ sang Việt Nam thế kỷ 10, trị sở châu Diễn không còn ở Quỳ Lăng từ lâu: Diễn Châu xưa đóng Phủ Quỳ dần dà con cháu dời về Tiên Sinh (Diễn ca của Hồ Sĩ Đôi). Nhưng chúng tôi tra cứu cả cuốn Văn đài loại ngữ của Lê Qúy Đôn thì không có ghi như vậy.
16. Tổng Quỳ Trạch xưa gồm những nơi nào hiện nay có gồm hương Bàu Đột xưa, và Nghĩa Liệt nay không? Theo nhà nghiên cứu Hồ Bá Thâm, Hồ Sỹ Hóa, Hồ Sỹ Tăng là có thể như vậy.
17. Trước năm 1583 đình Sừng được xây bằng tre lá, sau năm 1583 được xây dựng lại bằng gỗ. Năm 1797 xây thêm tòa hậu cung thờ Thành Hoàng làng. Đình được tu sửa nhiều lần vào các năm 1637, 1677, 1797, 1844, 1913 và đến 1929 (kiến trúc thời Nguyễn với đình, hậu cung, nhà tả vu, hữu vu, miếu, nay không còn nhà tả vu hữu vu nữa) bằng gỗ lợp ngói khang trang to đẹp, cổ kính như ta thấy ngày nay. Đến năm 1931 kiến trúc cổ xung quanh đình bị hư hỏng hoặc mất mát. Năm 1930 - 1931 có chi bộ đảng đầu tiên của huyện Yên Thành sinh hoạt bí mật tại đình này. Trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là xưởng dệt của Quân khu 4. Đình có 2 bia đá dựng năm 1637 ghi lại lịch sử của đình. Theo ông Hồ Sĩ Tăng (lúc sinh thời), địa danh Lăng Thành, huyện Yên thành nơi nguyên Tổ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật - Thái thú châu Diễn chọn làm lỵ sở. Nơi đây đã được Nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử Quốc gia gắn với Thành hoàng Hồ Hưng Dật vì cụ đã có công xây dựng làng xã Quỳ Lăng… Lễ đón Bằng di tích quốc gia này năm 2004 có rất đông con cháu họ Hồ về dự. Đặc biệt có toàn bộ Thường trực Ban liên lạc họ Hồ Việt Nam gồm anh Hồ Đắc Hoài - Trưởng ban, Đại tá Cục phó Cục Tình báo Bộ Công an Hồ Phúc Được. Cụ Hồ Sĩ Bằng Phó ban Thường trực, cụ Hồ Sĩ Giàng Trưởng ban Sử Ban liên lạc họ Hồ Việt Nam... về dự…
18. Nơi Nhà văn hóa Lăng Thành nay xưa là đền Trung Đẳng Thần, hiện nay bên trái cạnh nhà văn hóa còn dấu vết nền móng của ngôi đền xưa. Có lần vị chủ tịch xã Trần Đình Giang đã dựng lại miếu/ đền xưa, nửa chừng bị cấp trên lệnh phải tháo dỡ. Dân không có chỗ thờ phải gọi Phòng thờ ở nhà văn hóa hiện nay là đền Trung Đẳng Thần (nay đã nâng cấp khang trang). Và như vậy, thì khu lăng một cụ Hồ Hưng Dật ở sân vận động là có khả năng đúng  (KTS Hồ Duy Diệm lúc sinh thời, TS Hồ Cảnh Sơn).
19. Do hai tổng Quỳ Trạch và tổng Đường Khê xây thờ cụ Hồ Hưng Dật.
20. Sáng ngày 28/6/2019, Thường trực Nhóm Nghiên cứu Khoa học Sử - Phả hệ họ Hồ Việt Nam có buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Lăng Thành về việc xin chủ trương cho phép làm thủ tục thăm dò khu Lăng mộ Tổ họ Hồ tại sân trước UBND xã. BLL họ Hồ Yên Thành làm Tờ trình xin khảo sát, thăm dò tìm lăng mộ (nhưng vẫn chưa thực hiện được). UBND xã có đồng ý thay ban thờ nóc tủ, anh Hồ Minh Châu đã cung tiến 30 triệu đồng để xã mua hương án mới. Nhóm nghiên cứu tin vì ngôi mộ cổ này gắn với đền Trung Đẳng thần như một dấu tích liên hoàn từ xa xưa.
21. Tiên sinh Ồ Ồ là chỉ Hồ Hưng Dật (Đinh Công Trứ, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh /Tiên Hoàng tôn vinh ông) chứ không phải là tôn vinh cụ Hồ Kha như có người khẳng định. Theo Hồ Bá Hiền: Tiên Sinh nay thuộc các xã Nghĩa Thuận và Nghĩa Mỹ huyện Nghĩa Đàn (tất nhiên thời trước thuộc huyện Quỳnh Lưu)/ Lịch sử họ Hồ Việt Nam. Nhưng vùng Tiên Sinh trước hết là ở vùng Yên Thành.
22. Có dấu tích nền móng nhà thờ họ Hồ mà Nhóm nghiên cứu đã có khảo sát.
23. HBT: Cũng có ý kiến là gốc tổ HHVN chỉ có một là  ở vùng Lăng Thành (Kẻ Sừng). Nhưng xưa vùng Quỳ Lăng rộng hơn xã Lăng Thành nay. Mà vùng Kẻ Sừng (gồm cả Mã Thành nay) và Kẻ Cuồi (trong đó có Thọ Thành nay) là liền một dải! Nói chung theo nghĩa rộng gốc tổ HHVN chủ yếu ở vùng Ngũ Bàu! Nhưng hoạt động của Thái thú Hồ Hưng Dật là trên địa bàn khá rộng của Châu Diễn hay sau là châu Hoan nên không bó hẹp ở Ngũ Bàu!
24. Bào hay bàu? (cùng chỉ lạch, đầm). Vùng Bào Đột (Quỳnh Lưu) cũng có Ngũ Bào (nhưng là 5 làng bào qua mật ra một cái bào, còn ở Yên Thành là có 5 cái bàu lớn). Theo nhà nghiên cứu Hồ Xuân Anh, tiếng Hán không có từ “bàu” mà chỉ có “bào”, có nghĩa là lạch, đầm, nước. Có thể trong âm ngữ xứ Nghệ, đọc bào thành bàu?
25. Thực ra ở Việt Nam sang thế kỷ kỷ 11 mới có chức tri châu!
26. Đó là tổng Quỳ Trạch và tổng Đường Khê (hai tổng này về sau có phần đất huyện Quỳnh Lưu).
27. Xem: http://vanhoanghean.com.vn/chi-tiet-tin-tuc/14406-tu-huong-bao-dot-hay-bau-dot-bao-trach-gop-phan-giai-ma-goc-to-ho-h; ttps://m.khxhnvnghean.gov.vn/?chitiet=2369&ban-them-ve-mot-vai-dia-danh-lien-quan-den-goc-to-ho-ho.html; 
28. Theo Hồ Bá Hiền: Ngài từ quan, đưa bà Tôn phu nhân và gia quyến tìm nơi lập nghiệp. Ngài chọn hương Bào Đột làm nơi sinh cư lập nghiệp, khai khẩn đất đai và trở thành trại chủ. Bào Đột ngày nay gồm phần lớn xã Quỳnh Lâm và một phần xã Ngọc Sơn huyện Quỳnh Lưu. Nhiều tư liệu viết: Nguyên tổ lấy vợ người bản địa (tức người Việt), Gia phả Cử nhân Hồ Trọng Phiên (1856-1911), con trai Thượng thư Hồ Trọng Định (1822- 1882) viết: Bà chính thất Nguyên tổ là Tôn phu nhân (có thể bà không phải là họ Tôn mà đây là một tôn vinh quý hiệu). Nhưng Phu nhân của Ngài Hồ Hưng Dật là ở vùng Ngũ Bàu, Quỳ Lăng/ Quỳ Trạch xưa.
29. Theo Hồ Bá Hiền: Châu Diễn, đặc biệt vùng đất Quỳnh Lưu xưa vẫn được xem là nơi phát tích họ Hồ nên khi Hồ Quý Ly lập ra triều đại nhà Hồ đã đổi tên vùng này là phủ Linh Nguyên (đất thiêng và nguồn gốc). Như vậy, Nhóm nghiên cứu và Hồ Bá Thâm thấy cần đặt ra câu hỏi: Quỳnh Lưu xưa có gồm Quỳ Lăng không? Theo sử ghi phủ Linh Nguyên là Châu Diễn xưa (4 huyện Diễn Châu, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Yên Thành nay), không thể hiểu lầm là chỉ Quỳnh Lưu xưa hay nay. Hiện nay chúng tôi dạng xuất bản sách Bàn tiếp một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam (khoảng 1000 trang khổ lớn). Đó là cuốn mở rộng, đi sâu nghiên cứu, thảo luận tiếp theo cuốn Một hướng tiếp cận lịch sử họ Hồ Việt Nam, 2019. Bài viết này đã cập nhật và biên tập lại. Nội dung trong bài ngắn này đã được nghiên cứu, khảo cứu trong một bài viết dài với nhiều góc cạnh, sử liệu khác nhau, in trong tập Bàn tiếp… nói trên.
 

Hồ Bá Thâm và nhóm tác giả

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây