Nét độc đáo trong dệt thổ cẩm của người Thái ở Nghệ An

Thứ ba - 09/07/2024 23:18 0
         Trang phục truyền thống của dân tộc Thái ở Nghệ An được xem là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào trong dòng chảy văn hóa của 54 dân tộc anh em và 5 dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Có thể nói, ít có bộ trang phục truyền thống của dân tộc nào tuy đơn giản nhưng tinh tế hài hòa, thể hiện được tính nhân văn cũng như nét đẹp quyến rũ lòng người như của dân tộc Thái. Cùng với nhà sàn, trang phục được xem là một trong những nét đặc sắc nhất của văn hóa đồng bào phản ánh rõ nét đặc trưng của cư dân nông nghiệp đó là sự chinh phục tự nhiên, dùng nguyên liệu trong thiên nhiên, với bàn tay khéo léo của người phụ nữ để tạo nên trang phục. Trang phục không đơn thuần là một yếu tố văn hóa mà qua đó thể hiện quan điểm thẩm mỹ, đạo đức, lối sống, văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc Thái; đồng thời thể hiện trình độ phát triển cao của thẩm mỹ dân gian trong văn hóa cộng đồng người Việt.

anh-det-tho-cam_2
Ảnh nguồn dantocthaivietnam

Để có được một bộ trang phục đẹp là cả một quá trình lao động miệt mài, nhẫn nại của người phụ nữ Thái từ khâu trồng bông, chế biến bông thành sợi, nhuộm màu, dệt vải, cắt may cho đến thêu hoa văn trên trang phục,… Vì thế, người Thái có câu: Nhinh hụ dệt phai, Chai hụ san hẻ, nhinh na, có nghĩa là “gái biết dệt vải, trai biết đan chài, bắn nỏ”.
Nguyên liệu chính để làm nên trang phục của người Thái là bông vải và tơ tằm. Dân tộc Thái là một trong những dân tộc sớm biết và phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải để tạo nên những sản phẩm có trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao, tinh xảo.
          Để có được nguyên liệu bông dệt vải, người Thái phải tiến hành trồng bông vào trước hoặc sau tết Nguyên đán, phải lựa chọn được mảnh đất phù hợp với đặc tính của vải bông rồi mới tiến hành gieo hạt. Thông thường sau 3 tháng là có thể thu hoạch được bông, và phơi bông vào những ngày nắng ráo. Việc thu hoạch, phơi bông cũng phải có kinh nghiệm, khéo léo, thường phải hái bông vào lúc sáng sớm tránh cho bông không bị ánh nắng chiếu vào sẽ bị dòn đi; phơi bông cũng phải phơi cả ban ngày lẫn ban đêm, nghĩa là vừa có ánh nắng vừa có hơi sương để cho bông tơi xốp, trắng màu.
          Việc chế biến bông thành sợi cũng là một công đoạn thủ công phức tạp, cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo, chịu khó của người phụ nữ. Họ phải chọn nhặt những loại bông lứa đầu, sợi trắng, xốp và mịn để làm vải, những loại bông xấu hơn thì dùng để làm chăn, đệm. Bông sau khi được chọn thì mang đi cán để tách hạt bông và bông ra; rồi tiến hành bật bông để làm cho bông thêm tơi xốp, mềm mại, tạo thành những con bông nhỏ; tiếp đó dàn bông ra thành một lớp mỏng rồi tiến hành quấn bông trên một cái que. Cầu kỳ nhất vẫn là khâu kéo bông thành sợi, đòi hỏi người phụ nữ phải thật sự khéo léo và có kỹ thuật cao, công đoạn này thường được giao cho những người phụ nữ giàu kinh nghiệm và đã thuần thục. Khi kéo sợi, người phụ nữ một tay quay sa, một tay cầm con bông kéo dần sao cho tạo thành những sợi đều và nhỏ, cuộn thành những ống sợi vừa phải. Việc kéo sợi của người phụ nữ được thực hiện trên một công cụ làm bằng gỗ, có chân đế hình chữ T. Sợi sau khi được kéo phải được đem giặt sạch, luộc mềm, rồi nhúng vào cháo loãng, phơi khô để tránh cho các sợi bông không dính vào nhau.
          Bông sau khi đã chế biến thành sợi mới tiến hành nhuộm màu. Trước đây, khi chưa có thuốc nhuộm màu hóa học thì người phụ nữa Thái tự tạo ra nước nhuộm từ các nguyên liệu tự nhiên, thường là các màu phổ biến như: trắng, chàm, nâu, đen, vàng, đỏ,… Sự phong phú của màu sắc này đã góp phần tô điểm cho những nét đẹp trong hoa văn trang phục của đồng bào Thái.
          Dệt, thêu và cắt may là các khâu cuối cùng để người phụ nữa Thái tạo nên những bộ trang phục đặc sắc. Để dệt vải người Thái sử dụng khung cửi được làm bằng gỗ hoặc tre. Cấu tạo của khung cửi khá phức tạp nên hầu như người đàn ông trong gia đình đảm nhận việc làm và dựng khung cửi cho người phụ nữ. Công đoạn dệt vải khá cầu kỳ nên mỗi ngày người phụ nữ dệt ra được những tấm vải rất ít, hơn nữa họ chỉ có thể tranh thủ vào buổi đêm, những lúc nông nhàn mới tiến hành dệt, cũng vì thế bộ trang phục truyền thống được làm thủ công của người Thái thường rất quý, và bán ra rất được giá.


Ảnh nguồn dantocthaivietnam

          Thêu cũng là một trong những công đoạn kỳ công, đòi hỏi kỹ thuật trong việc tạo ra trang phục. Trình độ thêu của người Thái đã đạt đến kỹ thuật cao, tinh xảo. Thường họ thêu theo hai cách: dùng khung cửi và thêu tay, tuy nhiên cách nào cũng tốn rất nhiều công sức, đòi hỏi sự kiên trì của người phụ nữ. Ngoài hai công đoạn trên thì việc cắt, may đối với phụ nữ Thái khá đơn giản vì họ có những dụng cụ cần thiết như: dao, kéo, kim khâu,…         
Để có thể làm được thành thạo một bộ trang phục hoàn chỉnh từ khăn đội đầu đến váy, áo, phải học trong khoảng 1 năm rưỡi. Chiếc khăn đội đầu sau khi dệt xong, phải mất khoảng 2 ngày để thêu. Riêng vạt hoa văn trang trí hai bên tà áo của phụ nữ Thái cũng phải mất tới hơn 1 ngày. Phần chân váy là lâu nhất, phải mất khoảng hơn 3 tuần để hoàn thiện. Cách dệt rất cầu kỳ, phải chọn hoa văn, phải chọn từng sợi vải để dệt từng múi, có khi mất một ngày rưỡi mới xong một chiếc khăn đội đầu. Thường áo của đàn ông sẽ thêu các con vật liên quan đến công việc săn bắt hái lượm của mỗi người.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, với sự đa dạng của các sản phẩm hàng hóa khác nhau, nhưng những sản phẩm được làm từ thổ cẩm với hoa văn truyền thống như khăn piêu, những chiếc đệm, những tấm rèm che… vẫn được đồng bào giữ gìn phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình đồng thời giúp bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đến nay, các sản phẩm này đã trở thành mặt hàng được nhiều du khách lựa chọn khi đến với Nghệ An.
 

Tuệ Minh

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây