Đôi điều băn khoăn qua một số nhận xét về người Nghệ An

Thứ ba - 09/07/2024 22:38 0

Tóm tắt

Có thể vì trong một số giai đoạn lịch sử, danh xưng Nghệ An bao gồm cả Nghệ An và Hà Tĩnh nên nhiều nghiên cứu, nhận xét về người Nghệ An thường gộp chung vào người Xứ Nghệ mà ít hơn riêng cho từng địa phương.

Trong số các nhận xét về đặc tính người Nghệ An, có những nhận xét, người nghe/đọc không khỏi băn khoăn.

Bài viết trình bày nhận xét của Giáo sư Vũ Ngọc Khánh và Giáo sư Phong Lê, kèm theo là đôi điều băn khoăn về nhận xét của hai giáo sư.

1. Khái quát

 Các tác gia nghiên cứu, nhận xét về người xứ Nghệ trước đây có thể kể đến Bùi Dương Lịch (1757-1828) [11], Phan Huy Chú (1782-1840) [4], Đặng Thai Mai (1902-1984) [12], Đinh Gia Khánh (1924-2003) [9], Phan Ngọc (1925-2020), Vũ Ngọc Khánh (1925- 2012), Thái Kim Đỉnh (1926-2018), Phạm Đức Dương (1930-2013), Ninh Viết Giao (1933-2014), Lê Bá Hán (1933-2006),...  và hiện nay là các nhà nghiên cứu Phong Lê, Chu Trọng Huyến, Hồ Bất Khuất, Đinh Trí Dũng,...

Phần nhiều các tác gia trên chủ yếu nói về “người xứ Nghệ/người Nghệ” chung cho cả Nghệ An và Hà Tĩnh mà ít có nhận xét riêng cho từng địa phương. Trong số các nhận xét riêng, chúng tôi có đôi điều băn khoăn qua nhận xét của GS Vũ Ngọc Khánh và GS Phong Lê về người Nghệ An trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Nghiên cứu về xứ Nghệ và người Nghệ sẽ khó có hồi kết bởi luôn có những phát hiện mới.

https://lienhiepkhktnghean.org.vn/uploads/news/2020_09/image-20200922094634-3.jpeg
Hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đối của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay”

2. Nhận xét người xứ Nghệ của GS Vũ Ngọc Khánh và GS Phong Lê
2.1. Nhận xét của GS Vũ Ngọc Khánh

Đặc tính người Xứ Nghệ được GS Vũ Ngọc Khánh nhận xét rất cô đọng bằng những từ vừa dân giã vừa hàn lâm: “Đặc tính người xứ Nghệ là “ba nhân vật trong một con người” và “bốn đặc điểm của con người Nghệ”. Ba nhân vật đó là: một kẻ bình dân khố chạc, một người chữ nghĩa văn chương và một chiến sĩ tiên phong cách mạng. Bốn phẩm chất là: Có lý tưởng trong tâm hồn; Sự trung kiên trong bản chất; Sự khắc khổ trong sinh hoạt; Sự cứng cỏi trong giao lưu” [9].

2.2. Nhận xét của GS Phong Lê
GS Phong Lê nhận xét về người xứ Nghệ: “Nói chung, người Nghệ có nhiều nét đặc trưng như kiên cường, dũng cảm, yêu nước, có tinh thần cách mạng cao, chăm chỉ, chịu khó, phóng khoáng, thẳng thắn, trung thành... Nhưng để lựa chọn thì tôi nghĩ đặc trưng nhất của người Nghệ là hiếu học, là gàn, là ngông, dựa trên nền tảng tài năng và tử tế, được người các vùng khác rất quý trọng [14]. 
3. Nhận xét người Nghệ An và người Hà Tĩnh của GS Vũ Ngọc Khánh và GS Phong Lê
Về nhận xét riêng người Nghệ An và người Hà Tĩnh, bài viết chỉ giới thiệu nhận xét của hai GS về các tác gia của hai tỉnh trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
3.1. Nhận xét của GS Vũ Ngọc Khánh
“Về thứ văn chương xưa hay gọi là văn chương tinh nguyệt, thì đa số tác gia đều là người quê Hà Tĩnh. Từ truyện Hoa tiên đến Truyện Kiều, đến Mai Đình mộng ký,... là những dẫn chứng rõ ràng. Bên Nghệ An không có hiện tượng này. Và điều lạ lùng sang đến thế kỷ 20 cũng vậy. Cuốn truyện tình yêu sớm nhất của Việt Nam (văn quốc ngữ) là do một chàng trai Hà Tĩnh viết: Cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách. Nhà thơ tiêu biểu nhất của tình yêu và tình sầu lại là hai người Hà Tĩnh (Xuân Diệu và Huy Cận). Hình như có một cái mạch tình thơ theo dòng chảy quanh núi Hồng (không thuộc đất Nghệ An…). Bên Nghệ An ít thấy hiện tượng này, trừ một Hồ Xuân Hương thì đã là Xuân Hương của phường Khán Xuân, nhiều hơn là Xuân Hương Cầu Giát”.
 “Đi sang kho tàng huyền thoại, giai thoại (hay dã sử) hình như ta cũng có thể gặp một vài nhận xét tương tự. Tôi không biết có thực sự nàng Mỵ Châu có thực để lại dấu vết lông ngỗng, ngọc trai quanh vùng Đò Cấm hay không, hay chỉ có bốn mẹ con Hồng Đại Nương mới thực sự có di chỉ chính xác. Nhưng trên địa bàn Hà Tĩnh này thì hình ảnh và di sản giai nhân lại có khá nhiều. Có nàng Tiên Dung cùng với chồng là Chữ Đồng Tử về lập cơ sở Quỳnh Viên. Có nàng Diệu Thiện đã biến Hương Sơn thành một thánh địa (trước cả Hương Sơn ngoài Hà Tây). Có cả một Mãn đào hoa công chúa về đây cùng chồng sáng tạo nên cả thơ, nhạc ca trù, để sau đó nảy nở nên một Nguyễn Công Trứ, đứng đầu và tiêu biểu cho ca trù cả nước. Rồi có một Bích Châu, chọn ngay Hà Tĩnh làm một Hải khẩu linh từ, và cả bà chúa Liễu Hạnh kia nữa, trước khi về đền Sòng, Phố Cát, cũng phải dừng lại một thời gian đầu dãy Hoành Sơn. Đó là tôi chưa kể đến những con người thực như An ấp liệt nữ. Tại sao những hiện tượng ấy không chọn địa bàn Nghệ An, … mà dồn lại, tập trung cả vào Hà Tĩnh?”…


Người Nghệ thật thà, chất phác

3.2. Nhận xét của GS Phong Lê
Trong các đặc trưng chung của con người xứ Nghệ đã nói trên thì nếu nhìn hẹp lại, con người ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng có những nét khác nhau. Sự khác nhau lớn nhất là người Nghệ An tính kiên cường hơn, mạnh mẽ, thẳng thẳn quá nên nhiều khi dễ rơi vào cực đoan, cứng nhắc. Đức tính này là thế mạnh trong các cuộc cách mạng khi người dân sẵn sàng hy sinh để tranh đấu, nhưng trong quá trình xây dựng, cần sự kiên trì nhẫn nại thì lại gặp khó khăn...
... Do vậy, người Nghệ An làm cách mạng giỏi hơn, có nhiều lãnh tụ cách mạng. Trong khi đó, người Hà Tĩnh mềm mại, nhẹ nhàng hơn và có nét uyển chuyển hơn. Họ vẫn kiên trì con đường mà họ lựa chọn nhưng cách làm thì khéo léo hơn, vì vậy mà người Hà Tĩnh giỏi làm trong các lĩnh vực văn hóa hơn, có nhiều người thành công trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật hơn...”.
4. Đôi điều băn khoăn về nhận xét của GS Vũ Ngọc Khánh và GS Phong Lê
4.1. Về các nhận xét của GS Vũ Ngọc Khánh
Hình ảnh và di sản giai nhân của Hà Tĩnh xưa thật đáng ngưỡng mộ nhưng chúng tôi cũng có đôi điều băn khoăn:
a. Trước thế kỷ 20, GS Vũ Ngọc Khánh chọn Truyện Kiều của Nguyễn Du, truyện Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự, Mai Đình mộng ký của Nguyễn Huy Hổ. Kiều Hoa Tiên là những truyện thơ Nôm tuyệt tác phỏng theo các ca bản của Trung Quốc (Đoạn trường tân thanh, Đệ bát tài tử Hoa tiên ký). Mai Đình mộng ký thuật lại giấc mơ của tác giả nhân ngày xuân năm Kỷ Tỵ (1809) đi thăm người anh đang dạy học ở Nam Đàn (Nghệ An). Say ngủ trên thuyền ngược dòng sông Lam, Ông mơ thấy Thưởng Mai đình... mà viết nên mộng ký trong tòa lâu đài: cô gái đẹp dán thơ lên vách, bà chủ tòa lâu đài khuyên ông gắng học hành, thi đỗ sẽ trở lại... Đây đúng là những áng thơ bất hủ của các tác gia Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, sang thế kỷ 20, không hiểu vì sao GS Khánh lại chọn dòng văn lãng mạn và dòng thơ “tình yêu tình sầu” để đưa Hoàng Ngọc Phách, Xuân Diệu, Huy Cận là những tác gia tiêu biểu mà không chọn dòng thơ, dòng văn khác để có Xuất dương lưu biệt, An Mai quân,... huyền ảo của cụ Phan Bội Châu hay Ngục trung nhật ký trác việt của Bác Hồ; GS cũng không nhắc đến các nhà văn hóa và nghiên cứu văn hóa siêu phàm người Nghệ An như Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu (Nam Đàn), Đặng Thai Mai, Nguyễn Tài Cẩn (Thanh Chương), Cao Xuân Hạo, Trần Hữu Thung (Diễn Châu), Phan Ngọc (Yên Thành), Hoài Thanh (Nghi Lộc), Hoàng Trung Thông (Quỳnh Lưu)...

b. Về nhận xéttrừ một Hồ Xuân Hương thì đã là Xuân Hương của phường Khán Xuân, nhiều hơn là Xuân Hương Cầu Giát”

Theo chúng tôi, ở Việt Nam, ít có nhà thơ nữ nào được nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến và khâm phục như Hồ Xuân Hương.
Trong 7 danh nhân Việt Nam được UNESCO vinh danh danh nhân văn thóa thế giới: Nguyễn Trãi (1380-1442. Vinh danh 1980), Hồ Chí Minh (1890-1969. Vinh danh 1990), Nguyễn Du (1765-1820. Vinh danh 2015), Chu Văn An (1292-1370. Vinh danh 2019), Nguyễn Đình Chiểu (1292-1370. Vinh danh 2021), Hồ Xuân Hương (1292-1370. Vinh danh 2021) và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791. Vinh danh 2023) thì duy nhất chỉ có Hồ Xuân Hương là nữ.

Hồ Xuân Hương tuy sinh ra ở phường Khán Xuân (nay thuộc địa phận vườn Bách Thảo Hà Nội) nhưng là con gái cưng của ông “đồ Nghệ” người Quỳnh Lưu, lập nghiệp đất kinh thành, mong thỏa nỗi nhớ quê bằng tình cảm dành cho con qua những câu chuyện về làng xóm, dòng họ, phong tục tập quán; đặc biệt là những câu ví giặm, hò vè,... của quê nhà Quỳnh Đôi. Từ nhỏ, chất Nghệ (Nghệ An) đã thấm sâu vào tâm hồn nữ sĩ.

c. Về nhận xét Tôi không biết có thực sự nàng Mỵ Châu có thực để lại dấu vết lông ngỗng, ngọc trai quanh vùng Đò Cấm hay không”.

Chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước nhận xét này của GS Khánh. Theo GS, các nhà sử học phải tận mắt nhìn thấy, lưu giữ được lông ngỗng thì sự kiện nàng Mỵ Châu rắc lông ngỗng cho chồng Trọng Thủy lần theo mới được coi là “có thật”; còn sử liệu, truyền thuyết, dã sử về một giai đoạn lịch đã qua hàng ngàn năm và dấu tích khảo cổ sau này,... đều không có giá trị?

Người Việt Nam ai cũng biết: Mỵ Châu là con của Thục Phán An Dương Vương - vua nhà nước Âu Lạc. Thời điểm đó, ở phương Bắc, Triệu Đà muốn chiếm Âu Lạc nhưng An Dương Vương có nỏ thần nên Triệu Đà không làm gì được. Triệu Đà lập mưu, cầu hôn Mỵ Châu cho con trai mình là Trọng Thủy và xin ở rể để trộm (hoặc làm hỏng) nỏ thần của An Dương Vương. Khi Trọng Thủy đã lấy cắp (hoặc vô hiệu hóa) nỏ thần thì Triệu Đà đem quân đánh Âu Lạc. Thục Phán bỏ thành chạy về Nam, đem theo Mỵ Châu sau lưng ngựa. Mỵ Châu nghe lời chồng, rải lông ngỗng lên đường làm dấu để chồng lần theo nên An Dương Vương bị quân Triệu Đà bám riết. Biết sự việc, An Dương Vương giết Mỵ Châu rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Nhân dân đã lập đên thờ: Đền Cuông ở Nghệ An.
Loại trừ  yếu tố thần thoại là nỏ thần thì nhà nước Âu Lạc, An Dương Vương, Triệu Đà đã được sử sách Trung Hoa và Việt Nam ghi chép lại (tuy các ghi chép về quãng thời gian tồn tại của Âu Lạc có khác nhau: Theo Đại Việt sử ký toàn thư là 50 năm [8]; theo Sử ký Tư Mã Thiên là 30 năm [15].
Tuy nhiên, các sử liệu có điểm chung:
Sau khi đánh bại vị vua Hùng cuối cùng (Hùng Duệ Vương đời thứ 18), Thục Phán sáp nhập Văn Lang của bộ tộc Lạc Việt vào lãnh thổ của bộ tộc mình (Âu Việt), lập nên nhà nước Âu Lạc, đóng đô tại Cổ Loa (thuộc huyện Đông AnhHà Nội ngày nay). Thục Phán tự xưng là An Dương Vương.
Ghi chép của Trung Quốc về Âu Lạc và vua An Dương Vương:
Theo Sử ký Tư Mã Thiên [15]:

Năm 218 TCN Tần Thủy Hoàng sai hiệu uý Đồ Thư mang 50 vạn quân xâm lược các bộ tộc Việt ở phía Nam. Người Việt dùng chiến tranh du kích chống lại, kéo dài tới 10 năm. Đồ Thư bị diệt.
Theo sách Hoài Nam Tử [13]:
Người Việt vào rừng, không ai chịu để quân Tần bắt. Họ tôn người tuấn kiệt làm tướng để ban đêm ra đánh quân Tần...

Sau chiến thắng quân Tần, danh tiếng của Thục Phán vang vọng khắp vùng. Tướng Cao Lỗ đã giúp An Dương Vương xây Thành Cổ Loa và chế tạo nỏ liên châu, bắn được nhiều mũi tên một lúc.
Theo Cựu Đường thư [6]:
Đất Giao Chỉ xưa có qun trưởng là Hùng Vương, phụ tá là Hùng Hầu. Sau có vua Thục đem ba vạn quân đánh diệt Hùng Vương. Vua Thục nhân đó cho con mình làm An Dương Vương, trị đất Giao Chỉ.
Theo Sử kí Tác ẩn [15]:
Quận Giao Chỉ có ruộng Lạc, dân làm ăn ở ruộng ấy là người Lạc. Có các chức Lạc vương, Lạc hầu, các huyện tự đặt chức Lạc tướng đeo ấn đồng dải xanh. Sau đó con vua Thục đem quân đánh Lạc Hầu, tự xưng là An Dương Vương, trị ở huyện Phong Khê.
Ghi chép của Việt Nam về nước Âu Lạc và vua An Dương Vương:
Theo hai bộ sử ký Đại Việt sử ký toàn thư  [8] và Đại Việt sử lược [17] thì nhà nước Âu Lạc được Thục Phán thành lập vào khoảng năm 208 TCN sau khi đánh bại vị vua Hùng cuối cùng của nước Văn Lang. Ông lên ngôi, lấy niên hiệu là An Dương Vương. (Theo Sử ký Tư Mã Thiên thì thời gian hình thành Âu Lạc là vào khoảng sau năm 218 TCN).
Theo Đào Duy Anh [1]:
Khoảng từ năm 258 TCN, các nhà nước độc lập của các tộc người Việt dần được hình thành khắp vùng phía Nam sông Dương Tử.
Theo Phan Huy Lê và nnk [10]:
An Dương Vương và nước Âu Lạc tồn tại từ khoảng 208 TCN đến 179 TCN (gần 30 năm).
Qua các tư liệu trên, có thể thấy:       
Dấu tích Âu Lạc để lại đến ngày nay gồm: hệ thống thành Cổ Loa cùng hàng vạn mũi tên đồng đã được khai quật; đền thờ An Dương Vương tại núi Mộ Dạ.    
Tại địa phận thành Cổ Loa, đã khai quật được nhiều mộ cổ, hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh, khuôn đúc mũi tên, rìu lưỡi xéo bằng đồng, trống đồng và cả ngói ống [16].
m 1959 ở Cổ Loa đã phát hiện kho tên đồng hàng vạn mũi tại khu vực Cầu Vực. Năm 2005, khai quật Đền Thượng phát hiện di tích lò đúc mũi tên đồng cùng
các khuôn đúc mũi tên ba cạnh. Có hai chiếc lẫy nỏ trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia được phát hiện ở Cổ Loa, có niên đại cách ngày nay khoảng 2.500 - 2.000 năm [3].
Dấu tích của Mỵ Châu ở Hà Nội là Giếng Ngọc Cổ Loa, gắn liền với chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy, ngọc trai rửa ở đây sẽ trong và sáng hơn.
Dấu tích Âu Lạc ở Nghệ An là đền Cuông thờ vua An Dương Vương tại chân núi Mộ Dạ, cạnh Quốc lộ 1A thuộc xã Diễn An huyện Diễn Châu, được cho là nơi cha con Mỵ Châu tuẫn tiết.

Sự sụp đổ của Thục Phán An Dương Vương và nhà nước Âu Lạc tạo cơ sở cho nhà Hán xâm lược nước ta sau này. Kể từ đây, nước ta bước vào Thời kỳ Bắc thuộc (179 TCN - 939 SCN).
Các di chỉ, chứng tích này không đủ để GS Vũ Ngọc Khánh không biết có thực sự nàng Mỵ Châu có thực để lại dấu vết lông ngỗng, ngọc trai quanh vùng Đò Cấm hay không” thì thật là khó hiểu.
d. Về nhận xét “Có cả một Mãn đào hoa công chúa về đây cùng chồng sáng tạo nên cả thơ, nhạc ca trù, để sau đó nảy nở nên một Nguyễn Công Trứ, đứng đầu và tiêu biểu cho ca trù cả nước”.

Chúng tôi không dám ngẫm độ chính xác trong nhận xét này của GS Vũ Ngọc Khánh nhưng cũng băn khoăn: GS Vũ Ngọc Khánh nhắc đến Nguyễn Công Trứ “Đã mang tiếng ở trong trời đất phải có danh gì với núi sông” tiêu biểu cho ca trù mà sao không nhớ cụ Phan Bội Châu “Sinh vi nam tử yếu hi kì” (Đã sinh làm kẻ nam nhi thì cũng phải mong có điều lạ) có tài hát ví phường vải nổi tiếng cả Nghệ An và Hà Tĩnh ít ai sánh của Cụ?.  
 Xin dẫn một đoạn của tác giả Nguyễn Thị Lệ Thu (truy cập 24.3.2024), nhắc lại bài viết “Cụ Phan Bội Châu với hát ví phường vải” đăng trên trang Thông tin điện tử Ban Quản lí di tích tỉnh Nghệ An16:23 26/10/2018: “Một lần nọ có ông Cửu Thiện bên Hà Tĩnh sang Nam Đàn chơi hát phường vải, vừa vào, hát câu hỏi chào tên tuổi quê quán, ông ta liền cao giọng:Đào Nguyên một giải thanh thanh
        Tiền Triều đã định, liên thành còn in.Cả phường vải ngơ ngác không hiểu ông ta nói gì, thì cụ Phan xuất hiện và giải đáp ngay:Hương Sơn là chốn quê nhà Phải rằng danh Bích có là đúng chăng?

Câu đối lại của cụ Phan khiến Cửu Thiện phải (giật mình) bái phục. Bởi ông ta đã dụng ý đặt một cách uyên bác, dùng điển cố sâu xa, lấy tài liệu ở địa phương mình thế mà đầu xứ San (cụ Phan - Tác giả) vẫn luận ra. Đào Nguyên là 1 tên gọi khác của sông Ngàn Phố thuộc huyện Hương Sơn, Tiền Triều cũng là tên chỉ làng Tuần Lễ. Không có vốn hiểu biết sâu rộng thì không thể trả lời được. Lại còn chữ “liên thành”, Cửu Thiện đã mượn trong sách cổ “liên thành vi bích” (ngọc bích là ngọc liên thành). Mà Bích là tên trong sổ bộ của Cửu Thiện. Đầu xứ San đã chỉ rõ họ tên quê quán của Cửu Thiện”.

e. Về nhận xétngười Hà Tĩnh giỏi làm trong các lĩnh vực văn hóa hơn, có nhiều người thành công trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật hơn” của GS Phong Lê [14].
Theo chúng tôi, không chỉ người Hà Tĩnh mà người Nghệ An cũng rất thành công trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc.
Một số dẫn chứng:
Trong lĩnh vực văn hóa và nghiên cứu văn hóa
Trong số những nhà văn thuộc thế hệ sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, Nghệ An chiếm số đông: Đặng Thai Mai, Hoàng Trung Thông, Hoàng Trung Nho, Hồ Khải Đại, Bùi Hiển, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Phan Khắc Khoan, Hoài Thanh.
Riêng ở một xã nhỏ như Quỳnh Đôi huyện Quỳnh Lưu, chỉ tính người mang họ Hồ đã có nhiều người nổi tiếng trong lĩnh vực văn học: Hồ Xuân Hương, Hồ Sĩ Đống, Hồ Trọng Hiều/Tú Mỡ (Quê gốc Quỳnh Đôi), Hồ Sĩ Thành/Lam Giang. Nếu tính cả người khác họ Hồ thì Quỳnh Đôi còn có Hoàng Trung Thông.
Chính GS Phong Lê cũng đã tự bạch: “Có một điều quan trọng ảnh hưởng lớn đến cuộc đời nghiên cứu văn học của tôi là sự tác động của các thầy, các bậc đàn anh trong lĩnh vực này mà tôi theo đuổi. Lúc tôi vào học Ngữ văn khóa I của Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi đã được học nhiều người thầy giỏi và là người Nghệ như GS Cao Xuân Huy, GS Đặng Thai Mai, nhà nghiên cứu Hoài Thanh...” [14] (đều là người Nghệ An - Tác giả).
Trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc
Các bài hát hay về Xứ Nghệ như Về Xứ Nghệ cùng anh; Đất Hồng Lam thân yêu đều do nhạc sĩ Xuân Hòa người Nghệ An sáng tác.
Các bài hát hay về Hà Tĩnh không có bài nào được sáng tác bởi người Hà Tĩnh mà phần lớn là của các nhạc sĩ người Nghệ An hay sinh ra ở Nghệ An hoặc sinh ra ngoài Hà Tĩnh:
- Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh; Người đi xây hồ Kẻ Gỗ. Cả 2 bài đều của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5/3/1925 tại Vinh, quê gốc ở xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, sau này về Vĩnh Phúc ở.
- Hà Tĩnh, thành phố trẻ mùa xuân” của nhạc sĩ Hồ Hữu Thới (người huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An).
- Đưa anh về Hà Tĩnh của nhạc sĩ Xuân Hòa (người Thái Hòa - Nghệ An).
- Người con gái sông La của nhạc sĩ Doãn Nho. Nhạc sĩ Doãn Nho sinh năm 1933, quê ở làng Cót, xã Yên Hoà, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội; nay thuộc quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội,…
- Tôi vẫn tìm em người con gái sông La của nhạc sĩ Trần Danh Viện (quê: Hà Nội).
          ...

Trong khi đó, các bài hát hay về Nghệ An và người Nghệ An, phần lớn là do các nhạc sĩ người Nghệ An sáng tác. Rất nhiều lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch, Bí thư tỉnh), lãnh đạo ngành văn hóa Nghệ An có sáng tác thơ, nhạc về Nghệ An và người Nghệ An:
- Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới (nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Nghệ An, người huyện Quỳnh Lưu) có các bài viết về Nghệ An đáng chú ý:
+ Câu hát quê hương. (Lời bài hát “…Lời hẹn hò đêm trăng từ núi Hồng sông Lam…”)
+ Câu hò trên biển quê hương. (Lời bài hát: “…Lại một giọng hò trên dòng sông Cấm thân yêu. Làm xao xuyến hồn thơ người về Nghi Lộc…”).
+ Mưa đêm thành Vinh. (Lời bài hát “…Thành Vinh mưa giăng giăng,… Thành Vinh mưa không trăng…”. Thơ Hồ Xuân Hùng - nguyên Chủ tịch tỉnh Nghệ An, người huyện Diễn Châu).
+ Em chưa về với biển (Thơ Nguyễn Thế Trung - nguyên Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, người huyện Yên Thành).
+ Về quê mình Diễn Châu.
+ Hội làng bên sông Lam,…
+ Vinh - Thành phố Bình Minh được coi là “Thành ca” của thành phố Vinh của nhạc sĩ Lê Hàm (nguyên Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Nghệ An, quê huyện Diễn Châu).

 - Số lượng nhạc sĩ của Hà Tĩnh không nhiều như Nghệ An; những nhạc sĩ hàng đầu của Hà Tĩnh: Quốc Việt, Nguyễn Sỹ Chinh, Ngọc Thịnh, Quốc Nam,... không được nhiều người biết đến như các nhạc sĩ của Nghệ An như:         

+ Nguyễn Tài Tuệ (“Ví giặm xứ Nghệ - cái nôi nuôi dưỡng niềm đam mê sáng tác âm nhạc suốt đời”, “người tạc chân dung mình lên dung mạo của thế kỷ”).

+ Hồng Đăng (sáng tác hơn 700 bài hát, viết nhạc cho hơn 70 bộ phim; nhạc sĩ đầu tiên được mời gia nhập Hội Điện ảnh Việt Nam).

+ An Thuyên (người neo giữ hồn quê Xứ Nghệ), có các sáng tác về Hà Tĩnh: Hà Tĩnh mình thương, Sông Ngàn Sâu.

Và còn rất nhiều nhạc sĩ, nhà thơ có tác phẩm được phổ nhạc người Nghệ An nổi tiếng với các tác phẩm âm nhạc đỉnh cao: nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Vân Anh, nhà thơ Lương Khắc Thanh,...



Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại Hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đối của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay”

Năm 2023, trong  chương trình “Mạch nguồn ví, giặm”, đêm nhạc diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vào tối Chủ nhật 14/5 tưởng nhớ và tri ân 5 cố nhạc sĩ quê Nghệ An: Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hồng Đăng, Nguyễn An Thuyên, Nguyễn Trọng Tạo, chắc GS Phong Lê cũng quan tâm thưởng thức.                                                 
4. Lời kết
Cho đến nay, các nghiên cứu về người Nghệ An chủ yếu vẫn là dân tộc Kinh khu vực đồng bằng nhỏ hẹp (13% diện tích tự nhiên của tỉnh), còn 5 dân tộc khác (Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu) và 1 tộc người (Đan Lai - đang xếp vào dân tộc Thổ) sống ở vùng núi bao la thì chưa được quan tâm đúng mức.   Các nghiên cứu về người Nghệ An cũng đang rất dè dặt khi đặt tên tác phẩm. Công trình “Tìm hiểu tính cách người Nghệ” của nhà nghiên cứu lão thành Chu Trọng Huyến [7] cũng chưa mạnh dạn gắn vào đó “người Nghệ An” mặc dù đối tượng nghiên cứu chính của công trình là người Nghệ An. Hội thảo khoa học do UBND tỉnh Nghệ An (không có kết hợp với đơn vị nào phía Hà Tĩnh) tổ chức vào sáng 15/9/2020, có sự tham dự của nhiều chính khách, nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương vẫn mang tên "Tính cách người Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay".
Đã đến lúc cần có các công trình nghiên cứu riêng về người Nghệ An. 

Nghệ An nói chung, người Nghệ An nói riêng là chủ đề nghiên cứu chưa thể có hồi kết bởi càng đi sâu càng có nhiều phát hiện mới. Vi diệu thay một vùng địa linh nhân kiệt!.   

         
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đào Duy Anh, Cổ sử Việt Nam. Dẫn theo Internet.
2. Baonghean.vn, Bùi Dương Lịch nói về tính cách người Nghệ. Truy cập 02/11/2018.
3. http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/16815/tim-hieu-ve-tuong-quan-cao-lo-va-chiec-lay-no-trung-bay-o-bao-tang-lich-su-quoc-gia.html. Dẫn theo Internet.
4. Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb Giáo dục, 2006.
5. Ninh Viết Giao. Về văn hóa xứ Nghệ tập 2, Nxb Nghệ An 1996, tr. 21.
6. Lưu Hú (945), Cựu Đường thư, quyển 41, Chí 21, Địa lí 4.
7. Chu Trọng Huyến,  Tìm hiểu tính cách người Nghệ, Nxb Nghệ An 2004.

8. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... Đại Việt sử ký toàn thư. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch (1985 - 1992). Nxb Khoa học Xã hội 1993.
9. Vũ Ngọc Khánh, Tìm nét riêng của Hà Tĩnh trong văn hóa xứ NghệVăn hóa Hà Tĩnh. Nxb Đại học Vinh 2012.
10. Phan Huy LêTrần Quốc VượngHà Văn TấnLương Ninh 1991, Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.
11. Bùi Dương LịchNghệ An ký,  Bản dịch của Nguyễn Thị Thảo, Nxb Khoa học Xã hội 1993 và Nxb Thế giới 2004.
12. Đặng Thai Mai, Văn thơ Phan Bội Châu. Nxb Văn học, Hà Nội 1960.
13. Sách Hoài Nam Tử, Dẫn theo Internet.
14. Thiên Trang, Giáo sư Phong Lê: “Cần nhìn nhận đúng đặc trưng, cá tính của người Nghệ” (Baonghean) Chủ Nhật 04/06/2017.
15. Tư Mã Trinh, chú giải cuốn Sử ký Tư Mã Thiên/Sử ký Tác ẩn, quyển 113, Nam Việt liệt truyện, Dẫn theo Internet.
 16. Trung tâm Nghiên cứu Hoàng thành (2016), Kinh đô Cổ Loa - Trong Lịch sử hình thành Văn minh Đại Việt”. Dẫn theo Internet, Truy cập ngày 3 tháng 12 năm 2022.
17. Trần Quốc Vượng dịch, Đại Việt sử lược, quyển I. Dẫn theo Internet.

 

Đào Khang

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây